Như những kỹ năng khác, khi đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Digital Art, bạn sẽ tìm ra được những mẹo, lối tắt hay phương pháp giúp bản thân hoàn thành công việc một cách dễ dàng và nhanh chóng hơn. Và mỗi lần bạn học được một thủ thuật mới, trong đầu sẽ có suy nghĩ làm thế nào mình có thể làm việc trong một thời gian dài như thế mà không phát hiện ra thủ thuật này sớm hơn.
Không phải tất cả lời khuyên trong bài viết dưới đây đều hiệu quả vì chúng ta bước vào nghề với những lí do khác nhau, và có những phong cách ưa thích nhất định. Tuy nhiên, hi vọng với những gì bài viết chia sẻ bạn có thể thêm các kiến thức mới vào vốn liếng của mình, có khi chúng lại giúp bạn thoát khỏi những thời điểm khó khăn về sau.
Tại sao lại có danh sách những thủ thuật Digital Art này?
Bạn cũng có thể tự tìm ra những phương pháp hiệu quả. Tuy nhiên, sẽ tiết kiệm thời gian hơn nếu có ai đó liệt kê ra giúp bạn. Một vài thủ thuật dưới đây có thể khiến bạn thấy kỳ lạ và sẽ làm thay đổi cách bạn thường hay thực hiện. Dù vậy, hãy thử thay đổi vì nếu như chúng hiệu quả thì còn gì tuyệt hơn, còn nếu không thì bạn sẽ hiểu rõ bản thân cũng như cách thức làm việc nào phù hợp với bạn.
Tác giả bài viết – hoạ sĩ Christopher đã cố gắng sắp xếp danh sách theo thứ tự để bạn dễ ghi nhớ.
Bắt đầu thôi nào
1/ Sẽ là một thiếu sót lớn khi bắt đầu thực hiện tác phẩm mà không có một mục tiêu cụ thể
Một mục tiêu được đặt ra ngay từ đầu giúp chúng ta không phải kết thúc trong mớ hỗn độn. Trong quá trình làm việc, những ý tưởng và concept thú vị có thể sẽ nảy sinh. Tuy nhiên, khi đã có concept cho toàn bộ tác phẩm, hãy luôn nghĩ về nó và đừng quên đó là mục tiêu chính. Đi chệch khỏi đường ray có thể khiến tác phẩm trở nên mơ hồ và không thể truyền đạt được thông điệp của bạn một cách đúng đắn.
2/ Nắm rõ mục đích sử dụng tác phẩm sau khi hoàn thành
Bạn sẽ phải điều chỉnh cách thức thực hiện tác phẩm dựa trên mục đích sử dụng. Tác phẩm vốn dĩ đang ở định dạng digital, thì liệu bạn có muốn một phiên bản in ấn không? Hay nó sẽ được in trên một chiếc áo phông?
3/ Sử dụng đúng canvas size
Luôn luôn nắm rõ canvas size (kỹ thuật tăng hoặc giảm kích thước nền, mà không phóng to hình ảnh của bạn) mà bạn nên sử dụng, nếu không bạn sẽ gặp phiền toái đấy.
4/ Hiểu rõ sự khác biệt giữa DPI và PPI
Cả hai đều liên quan đến Resolution (độ phân giải): DPI – viết tắt của dots per inch (số dấu chấm trên mỗi inch tuyến tính), dùng trong in ấn; còn PPI đại diện cho pixel per inch (mật độ điểm ảnh) dùng trên khuôn khổ màn hình. Mỗi loại màn hình có một PPI khác nhau, và PPI càng lớn, thì mức độ nhìn rõ một điểm ảnh khi phóng to càng lớn.
Màn hình máy tính có độ phân giải ở khoảng 80 PPI, còn điện thoại hiện đại thì khoảng bằng hoặc hơn 400 PPI.
5/ Thumbnail
Khi đã có ý tưởng, hãy vẽ thumbnail trước khi bắt đầu công việc chính. Thumbnail cho phép bạn lên kế hoạch chi tiết hơn, khám phá nhiều góc nhìn và khía cạnh khác nhau về hình ảnh có thể có của ý tưởng ban đầu. Bất kể ý tưởng đó thú vị đến đâu, thì bố cục, góc nhìn hoặc một khía cạnh nào đó khác cũng có thể làm tác phẩm hấp dẫn hơn.
6/ Hãy dựa trên những nguyên tắc cơ bản
Đã có nhiều người đề cập đến vấn đề này vì sử dụng những nguyên tắc cơ bản nhiều lúc giúp đỡ bạn rất nhiều. Ví dụ như việc kết xuất hình ảnh với tone sáng và sử dụng color dodge sẽ không giúp bạn giải quyết được các vấn đề về hình khối mà bạn chưa hài lòng. Việc thử những loại brush mới dù thú vị nhưng cũng không làm bạn nâng cao kỹ năng của mình. Nên hãy chỉ tập trung học hỏi những nguyên tắc cơ bản thôi.
7/ Nắm rõ sự khác nhau giữa shape và form (2D và 3D) cũng như luyện tập kỹ năng suy nghĩ theo góc nhìn 3D
Điều này tương tự như quan điểm: tiến bộ trên những điều cơ bản – nếu bạn không có ý định thực hiện tác phẩm theo hướng hoạt hình hay phong cách trừu tượng. Còn nếu bạn muốn tác phẩm của mình nhìn chân thật hơn thì bạn nên suy nghĩ theo góc nhìn 3D và tìm ra cách để có thể chuyển nó sang 2D.
8/ Reference sẽ thay đổi tác phẩm theo hướng tích cực
Việc học tập từ reference (các nguồn tham khảo) tương tự việc bạn tham gia buổi tiệc chia sẻ kinh nghiệm hay những cuộc thảo luận nóng hỏi giữa các hoạ sĩ trong nghề đến từ nhiều nơi, có tư tưởng và tầm nhìn khác nhau. Đối với những hoạ sĩ mới vào nghề hoặc ở trình độ trung cấp, việc từ chối sử dụng reference sẽ kéo dài thời gian học tập và làm chậm quá trình làm việc.
Thậm chí có rất nhiều hoạ sĩ kinh nghiệm cũng cần đến reference. Nó giúp bạn hiểu mọi thứ một cách dễ dàng và tập trung hơn vào việc xác định khối lượng công việc cần làm cũng như nâng cấp các kỹ năng cơ bản, ví dụ như một con ngựa sẽ trông như thế nào khi nhảy. Nếu bạn không biết một thứ gì đó trông ra sao, cách nhanh nhất để học được là tìm một reference để tham khảo.
Tuy nhiên…
9/ Màu sắc chọn lựa trong Reference sẽ gây trở ngại cho quá trình học hỏi
Màu sắc trong các reference nhìn chung không phải là những lựa chọn tối ưu, trừ khi bạn sử dụng nó để học cách phối màu và chỉnh value (giá trị).
10/ Chú ý vào value thay vì màu sắc
Bất kể bạn giỏi đi màu hay sở hữu kỹ năng tạo khối với những đường kẻ (line) tốt đến đâu, thì trong việc xây dựng bố cục và đổ màu, value là yếu tố quan trọng hơn hết. Việc nắm vững value và tầm quan trọng của nó là dấu hiệu của một hoạ sĩ nghiêm túc và có tham vọng với nghề.
11/ Không nên sử dụng background trắng
Sử dụng background (nền) trắng không phải là một ý kiến hay. Sẽ dễ hơn nếu chọn một nền trung tính, bởi nó giúp bạn thấy rõ được các giá trị và tìm ra bố cục rõ hơn (dựa vào giá trị). Và nó cũng dễ nhìn hơn nữa.
12/ Contrast không nên quá cao hoặc quá thấp
Contrast (độ tương phản) là một công cụ quyền lực, đặc biệt khi nó đóng vai trò truyền tải mood của tác phẩm. Dù công cụ này đi đôi với các phương pháp sử dụng value, nhưng nó cũng cần được cân nhắc tinh chỉnh kỹ lưỡng.
13/ Hạn chế sử dụng màu đen và trắng cơ bản
Nếu mức độ tương phản cao được sử dụng đúng cách thì đây là một điểm mạnh giúp nâng cấp tác phẩm của bạn. Tuy nhiên, hiếm khi nào bạn tìm được một tác phẩm sử dụng đen và trắng thuần tuý mà được đánh giá cao. Vẫn có trường hợp như thế nhưng hầu hết các tác phẩm có độ tương phản cao thì không dùng hai màu cơ bản này.
(Còn tiếp)
- Nguồn: Self Employed Artist
- Dịch: Kim Tuyến