NHỮNG THÔNG TIN THÚ VỊ QUANH TÁC PHẨM NỔI TIẾNG (P.3) - Comic Media Academy

NHỮNG THÔNG TIN THÚ VỊ QUANH TÁC PHẨM NỔI TIẾNG (P.3)

14/12/2020
Danh họa Vincent Van Gogh

Vincent Van Gogh và câu chuyện về những tác phẩm

Vincent Van Gogh (1853-1890) là một danh hoạ Hà Lan. Ông là nghệ sĩ tiên phong của trường phái biểu hiện và là người có ảnh hưởng lớn tới mỹ thuật hiện đại.

Được vinh danh là thiên tài hội họa với những tác phẩm đắt giá bậc nhất thế giới nhưng ông đã sống một cuộc đời khó khăn đầy bi kịch, và chỉ được công chúng biết đến sau khi đã qua đời.

Sử dụng tự họa như một cách thể nghiệm

Một số chân dung tự họa của Van Gogh

Trong suốt sự nghiệp của mình, Van Gogh đã thực hiện ít nhất 39 tác phẩm chân dung tự họa.

Chỉ bằng cách vẽ gương mặt của mình, Van Gogh đã thể nghiệm nhiều phong cách và kỹ thuật khác nhau. Sự biến hóa ấy được thể hiện rất rõ trong suốt các tác phẩm tự họa của ông. Đằng sau mỗi bức tranh là một câu chuyện về cuộc đời của thiên tài hội họa, từ quyết định đi theo con đường hội họa cho tới cuộc chiến dai dẳng với căn bệnh trầm cảm.

10 năm sự nghiệp và khối lượng tác phẩm đồ sộ trị giá triệu đô

Van Gogh bắt đầu vẽ tranh từ năm 27 tuổi và vẽ liên tục cho đến lúc qua đời ở tuổi 37.

Trong suốt 10 năm sự nghiệp của mình, Van Gogh đã hoàn thiện hơn 2.100 bức tranh gồm 860 bức tranh sơn dầu và hơn 1300 bức vẽ, phác thảo và bản in màu nước nhưng phần nhiều trong số đó đã bị mất hoặc bị vứt đi. Chính mẹ của Van Gogh cũng đã vứt đi nhiều túi tranh của con trai.

Trong số tranh của Van Gogh còn sót lại, có những tác phẩm về sau được xếp vào nhóm những bức họa đắt nhất thế giới như bức Hoa diên vĩ được bán với giá 53,9 triệu USD, Chân dung bác sỹ Gachet có giá 82,5 triệu USD.

Tác phẩm Hoa diên vĩ được sáng tác trong những năm cuối đời của Van Gogh, được bán với giá 53,9 triệu USD
Chân dung bác sĩ Gachet, một trong những bức vẽ đắt nhất thế giới, từng được bán với giá 82.5 triệu USD

Chỉ bán được duy nhất 1 tác phẩm lúc sinh thời

Nghịch lý là khi Van Gogh còn sống, không một ai biết đến ông. Gu thẩm mỹ người Paris lúc bấy giờ ưa chuộng những tác phẩm thuộc trường phái ấn tượng, đối lập với các tác phẩm của Van Gogh. Chính vì thế những bức tranh mà Van Gogh gửi về cho em trai đều không bán được.

Lúc sinh thời, hai anh em Van Gogh chỉ bán được bức tranh duy nhất Red Vineyard at Arles (Vườn nho đỏ ở Arles).

Vườn nho đỏ ở Arles – Bức tranh duy nhất ông bán được lúc sinh thời

 Niềm say mê với màu vàng và hoa hướng dương

Lúc còn sống, hướng dương là một trong những nguồn cảm hứng bất tận để Van Gogh sáng tạo ra những kiệt tác về hoa.

Hoa hướng dương và màu vàng được sử dụng rất nhiều trong các tác phẩm của Van Gogh. Một số giả thuyết cho rằng việc này là do ảnh hưởng của các căn bệnh như đục thủy tinh thế, rối loạn lưỡng cực, ảnh hưởng của thuốc điều trị, khiến ông có thị giác bất thường và bị ám ảnh màu sắc.

Đam mê và không ngừng vẽ

Trong suốt cuộc đời mình, dù có khó khăn thế nào, Van Gogh chưa bao giờ ngừng đam mê vẽ, ông vẽ ngay trong khoảng thời gian điều trị mặc cho khủng hoảng tinh thần và đau đớn tột cùng vì bệnh tật.

Ông thậm chí đã biến một căn phòng tại bệnh viện tâm thần trở thành xưởng vẽ của mình và đã hoàn thành tới 150 tác phẩm tại đó, bao gồm kiệt tác The Starry Night (Đêm đầy sao)và bức chân dung tự họa bi kịch nhất đời mình: Self-Portrait With a Bandaged Ear (Chân dung tự họa với một bên tai bị băng bó)

Tác phẩm nổi tiếng Đêm đầy sao (Starry night) được ông sáng tác trong thời gian ở bệnh viện tâm thần
Self-Portrait With a Bandaged Ear (Chân dung tự họa với một bên tai bị băng kín), được ông vẽ sau khi trở về từ bệnh viện vì tự cắt một bên tai của mình.

Cuộc đời cô đơn đầy bi kịch

Gần như cả cuộc đời Van Gogh phải chung sống với sự cô độc nghèo đói và đủ loại bệnh tật: tâm thần phân liệt, rối loạn chức năng, giang mai, ngộ độc màu vẽ, động kinh và rối loạn chuyển hoá porphyrine cấp tính.

Thêm vào đó, phong cách sống kham khổ, ăn uống tằn tiện để dành tiền mua đồ vẽ, làm việc quá sức, mất ngủ và nghiện rượu khiến sức khoẻ của Van Gogh càng ngày càng đi xuống. Trước khi chết, trong một lần tranh cãi với người bạn Gauguin, ông còn tự cắt một bên tai trái của mình.

Những năm cuối đời, ông tự nguyện vào điều trị tại bệnh viện tâm thần Saint-Paul-de-Mausole ở Provence, Pháp sau khi bị những người dân sống gần nhà đồng loạt viết đơn kiến nghị tố là kẻ nguy hiểm với xã hội.

Ông qua đời khi chỉ mới 37 tuổi. Có nhiều tranh cãi xung quanh nguyên nhân cái chết của Van Gogh nhưng nhiều thông tin cho rằng ông đã tự sát bằng súng.

>> Xem thêm: Ngoài Lust for life, các bạn có thể xem thêm Loving Vincent (2017), bộ phim hoạt hình đầu tiên trên thế giới sử dụng 65.000 bức tranh sơn dầu trên vải để tạo nên chuyển động trong phim. Những bức tranh sử dụng cùng một thủ pháp của chính Van Gogh nhằm mục đích để bộ phim như được kể lại bởi chính họa sĩ tài danh. Ngoài ra, 120 bức tranh kiệt tác của Vincent Van Gogh cũng được lồng ghép vào các cảnh phim.

————–

(Thông tin được tổng hợp từ nhiều nguồn)