Những sai lầm cần tránh khi học Digital Painting - Comic Media Academy

Những sai lầm cần tránh khi học Digital Painting

23/12/2019

Công nghệ phát triển đã cung cấp thêm nhiều công cụ cho ngành hội họa, từ vẽ truyền thống với cọ và giấy, họa sĩ có thể thoải mái sáng tạo tranh với nhiều chất liệu đa dạng chỉ bằng bảng vẽ và phần mềm. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu việt mà công nghệ mang lại cũng có không ít điểm mà một họa sĩ digital painting cần tránh.

1. Quá phụ thuộc vào phần mềm

Hãy luôn nhớ rằng, họa sĩ chính là người sáng tạo nên tác phẩm chứ không phải phần mềm. Phần mềm cung cấp cho chúng ta các công cụ hữu hiệu như hiệu ứng, chất liệu và màu sắc, tuy nhiên bạn chỉ nên xem chúng là chất liệu tham khảo. Điều khác biệt giữa một họa sĩ chuyên nghiệp và nghiệp dư đó là họa sĩ chuyên nghiệp sẽ là người sáng tạo ra hiệu ứng và tìm công cụ hỗ trợ để tạo ra nó, còn người họa sĩ nghiệp dư lại lựa chọn trên những hiệu ứng có sẵn và hài lòng sử dụng.

Ngoài ra, họa sĩ Digital Painting cũng nên tránh phụ thuộc vào tỷ lệ giấy cũng như màu giấy mặc định trong phần mềm. Thông thường, màu giấy mặc định là màu trắng và tỷ lệ mặc định là 3:4. Với nền là màu trắng, sẽ không có vấn đề gì nếu bạn vẽ một bức tranh có nền sáng hoặc ban ngày. Nhưng nếu vẽ một bức tranh buổi đêm thì nền trắng sẽ không thể tạo cảm quan chính xác về môi trường xung quanh được. Tương tự, hãy thử tập phá bỏ nguyên tắc, chuyển khổ giấy theo tỷ lệ mặc định thành những tỷ lệ khác, đảm bảo bạn có thể tạo ra những bức tranh có bố cục mới lạ đấy!

2. Độ phân giải quá nhỏ

Độ phân giải là số điểm ảnh (pixel) có trong 1 inch, mật độ pixel càng dày đặc, ảnh càng chi tiết.

Một sai lầm thường thấy của họa sĩ Digital Painting đó là hay bỏ qua giai đoạn chỉnh độ phân giải của tranh ngay từ bước đầu. Điều này cực kì quan trọng, vì độ phân giải thấp sẽ khiến ảnh bị bể khi phóng lớn nhưng độ phân giải quá cao lại khiến máy chậm chạp, nặng nề. Bí kíp ở đây là độ phân giải cần phù hợp với kích thước tranh. Nếu bạn muốn vẽ một tấm poster cỡ lớn thì độ phân giải phải cao và ngược lại.

3. Sa đà vào màu quá sớm mà quên đi sắc độ

Với chức năng chia trang giấy ra thành nhiều lớp (layer) và giả lập chất liệu đa dạng, các phần mềm đồ họa giúp họa sĩ Digital Painting dễ dàng hơn trong việc chọn và tô màu. Tuy nhiên, nếu sa đà vào màu từ quá sớm mà quên đi sắc độ, tác phẩm của bạn chắc chắn sẽ trở thành một cơn ác mộng.

Sắc độ tạo cảm giác không gian cho tranh, một tranh có sắc độ tương phản mạnh sẽ gây được hiệu ứng thị giác tốt hơn nhiều so với những tranh phẳng thông thường. Vì vậy, trước khi bước vào tô màu, bạn hãy tập lên sắc độ cho tranh theo các bước: tạo vùng bóng tối nhất – màu trung gian – mảng sáng nhất – thêm màu trung gian giữa các mảng. Sau khi đã ổn với sắc độ, nhiệm vụ tiếp theo chỉ là tạo một layer màu chồng lên ở chế độ multiply, thật là đơn giản phải không nào?

4. Thích sử dụng những loại cọ giả lập chất liệu cao cấp

Các phần mềm như Photoshop, Manga Studio hay Clip Paint tỏ ra ưu việt khi cung cấp cho họa sĩ những loại cọ giả lập tuyệt vời. Với sự hỗ trợ của công nghệ, họa sĩ Digital Painting không cần phải nai lưng ra tỉa một rừng cây hay một tấm áo giáp. Tuy nhiên, việc lạm dụng các loại cọ từ sớm sẽ khiến tác phẩm mất đi tính nghệ thuật và trở thành một sản phẩm công nghiệp.

Hãy luôn tự nhắc nhở mình rằng bạn là một họa sĩ sáng tác, và công nghệ chỉ đóng vai trò hỗ trợ chứ không phải là chủ thể sáng tạo giúp bạn. Với những họa sĩ nghiệp dư, hãy bắt đầu với những loại cọ mặc định cơ bản nhất, khi bạn nắm vững các kiến thức về mỹ thuật thì bất kì cây cọ nào cũng có thể giúp bạn tạo nên tuyệt tác.

Lạc An