Những điều nên và không nên giúp bạn được tuyển dụng trong ngành Game - Comic Media Academy

Những điều nên và không nên giúp bạn được tuyển dụng trong ngành Game

18/12/2019

Bất kể bạn chuyên về nhân vật, cảnh quan, minh hoạ hay tạo hình 3D, sản xuất hay concept art một khi bạn đã bắt đầu, hãy quan tâm đến các yếu tố quan trọng nhất để dẫn đến sự thành công trong những buổi gặp nhà tuyển dụng và trên quá trình tìm việc nói chung. Giả sử như portfolio của bạn tuyệt vời và được nhận cuộc gọi đi phỏng vấn, vậy bước tiếp theo là gì?

Portfolio giúp bạn đến được vòng phỏng vấn nhưng đó mới là một phần chặng đường thôi. Giờ bạn phải học cách khiến các nhà tuyển dụng ấn tượng và cho họ thấy rằng tại sao họ phải tuyển bạn.

Alejandro Rodriguez

Alejandro Rodriguez là một nhà tuyển dụng với nhiều năm kinh nghiệm trong ngành công nghiệp game. Kinh nghiệm của anh trong nghệ thuật 3D đã giúp anh trở thành đại diện một số công ty sản xuất game lớn trong ngành như ArenaNet, WB Games, Glu Mobile và Microsoft. Năm vừa qua anh đã may mắn được học hỏi với những đội nhóm sáng tạo game bậc thầy và đã hỗ trợ họ phát triển bằng cách chiêu dụ những tài năng trẻ, những người có thể giúp họ đạt được mục tiêu.

Chúng tôi đã có cơ hội phỏng vấn Alejandro và thu thập được những lời khuyên của anh về cách gây ấn tượng với nhà tuyển dụng và kiếm được một công việc ngành công nghiệp game.

Tác phẩm của Theo Prins

HÃY điều chỉnh CV của bạn

Có rất nhiều hệ thống theo dõi ứng cử viên (ATS – Applicant-tracking System) cho phép các nhà tuyển dụng tìm kiếm những từ khoá cũng như áp dụng bộ lọc vào dữ liệu của studio. Nhiều công ty và studio tự động lọc những đơn xin việc nên hãy bảo đảm rằng bạn điều chỉnh CV của mình cho phù hợp với công ty mà bạn đang nộp vào. Hãy tự hỏi rằng CV của bạn có đáp ứng đủ yêu cầu của công việc hay không.

Bài học rút ra là bạn nên nghiên cứu kỹ mô tả công việc và điều chỉnh hồ sơ của bạn cho phù hợp để chắc chắn rằng các nhà tuyển dụng thấy được bạn là ứng cử viên phù hợp cho vị trí đó.

ĐỪNG quá lo lắng về bằng cấp – trừ khi bạn dự định đi nước ngoài

Thực tế, quan trọng nhất là năng lực và khả năng làm việc nhóm của bạn. Các giám đốc tuyển dụng và cá nhân  không quá bận tâm về bằng cấp khi cân nhắc về các ứng cử viên cho các vị trí nghệ thuật.

Tuy nhiên, bạn cũng nên ghi nhớ lời khuyên của Jon Troy Nickel về những lý do bạn nên có một tấm bằng: “Điểm cốt yếu là đa số visa đòi hỏi bạn phải có những bằng cấp và kinh nghiệm liên quan đến ngành. Ba năm kinh nghiệm bằng với một năm học bạn thiếu. Nên ngay cả khi bạn là một hoạ sỹ tuyệt vời với 5 năm kinh nghiệm freelance, hay 7 năm kinh nghiệm làm việc tại studio, nhưng nếu bạn không có bằng cấp thì, ví dụ, cơ hội đến Mỹ của bạn sẽ thấp hơn người khác so với tiêu chuẩn cấp visa H1B”.

Tác phẩm của Theo Prins

ĐỪNG tỏ ra bàng quan

Cách tốt nhất để gây ấn tượng với các nhà tuyển dụng là thể hiện sự đam mê và nhiệt huyết của mình! Cho họ thấy bạn là ai và đây chính là thứ bạn muốn làm.

HÃY đặt câu hỏi

Buổi phỏng vấn là một trải nghiệm hai chiều, nó không đơn thuần chỉ là các nhà tuyển dụng cân nhắc xem bạn có phù hợp với vị trí này hay không, mà đó cũng là cơ hội cho các ứng cử viên xem đây có phải là công ty phù hợp với mình hay không. Các ứng cử viên nên hỏi về những kế hoạch hiện tại và tương lai của studio, trách nhiệm mỗi ngày, quyền lợi, quy trình làm việc, dự định dùng những phần mềm mới,…

Trên hết, các ứng cử viên nên tìm hiểu về công ty trước khi đến buổi phỏng vấn. Viết lại những câu hỏi bạn tò mò về studio, nghiên cứu về các dự án của họ,… Hãy thật sự hào hứng về việc có cơ hội được làm việc tại studio và bạn sẽ đạt kết quả tốt thôi.

Tác phẩm của Ruan Jia

HÃY chuẩn bị cho các câu hỏi thường gặp của nhà tuyển dụng

Bạn có thể an tâm rằng nếu bạn vượt qua khỏi cuộc gọi đầu tiên và bài kiểm tra kỹ năng thì vấn đề năng lực của bạn không còn là vấn đề nữa. Một khi bạn đã được mời đến studio để phỏng vấn, các nhà tuyển dụng sẽ cân nhắc và quyết định xem xét xem bạn có thích hợp với văn hoá công ty hay không. Đôi khi họ sẽ hỏi bạn những câu hỏi khó và khiến bạn căng thẳng nhưng họ không có ý xấu, họ chỉ muốn xem cách bạn xử lý tình huống như thế nào thôi.

Những câu hỏi bạn nên chuẩn bị vì khả năng rất cao họ sẽ đặt ra cho bạn là: Điều gì khiến bạn hứng thú với mỹ thuật? Quá trình làm việc của bạn là gì? Giai đoạn nào của quá trình khiến bạn hứng thú nhất? Ít hứng thú nhất? Bạn có thích làm việc cùng những hoạ sỹ khác không hay bạn thích làm việc một mình hơn? Kế hoạch tương lai của bạn trong vòng 5 năm tới là gì? Bạn có những dự án cá nhân nào không? Đâu là những dự án bạn hài lòng nhất? Bạn có biết sử dụng phần mềm X không?

ĐỪNG là một người khó ai có thể làm việc cùng

Ngoài những vi phạm đương nhiên về nhân sự, đây là những câu trả lời sẽ chắc chắn khiến bạn bị đánh trượt:

– Quá tự tin về bản thân khi thực lực của bạn không đủ

– Không có khả năng thích nghi và học những phần mềm mới, quy trình mới,…

– Không có khả năng tiếp nhận nhận xét

– Quá thiếu khiêm tốn

– Tiêu cực – Có những trải nghiệm xấu là bình thường nhưng bạn không được phép để các trải nghiệm tiêu cực đó ảnh hưởng đến việc bạn là ai.

Tác phẩm của Theo Prins

HÃY trung thực khi được hỏi rằng tác phẩm của bạn mất bao lâu để hoàn thiện

Tôi có thể hiểu rằng tại sao câu hỏi Mất bao lâu để bạn hoàn thành công việc X? có thể khiến bạn khó chịu, nhưng bạn nên trả lời thành thật đối với câu hỏi này.

Lý do của câu hỏi này là hiểu xem bạn sẽ mất bao lâu để hoàn thành công việc được giao. Trọng tâm nằm ở hiệu suất làm việc. Hiểu rõ công cụ bạn sử dụng và những cách rút gọn thời gian mà không ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm.

ĐỪNG ngừng phát triển bản thân

Lỗi lầm lớn nhất hoạ sỹ mắc phải là ngừng phát triển bản thân. Nếu bạn chững lại trong khi mỗi ngày một nhiều tài năng trẻ đi lên thì bạn sẽ bị đào thải. Hãy chăm chỉ và bạn sẽ được đền đáp.

Ngoài ra, các hoạ sỹ cho thấy sự hiểu biết về những yếu tố căn bản, trình bày kém hoặc những hoạ sỹ không coi bản thân họ chuyên nghiệp cũng sẽ không được cân nhắc. Các nhà tuyển dụng và giám đốc mỹ thuật phải xem xét một số lượng lớn ứng cử viên trong một thời gian ngắn nên chúng tôi muốn bạn tập trung nói về các tác phẩm tốt nhất của mình và thể hiện cho chúng tôi thấy mục tiêu của bạn.

HÃY cố hết sức

Không quan trọng tình hình của công ty ra sao, thái độ này sẽ giúp bạn có ấn tượng tốt với đồng nghiệp của mình và sẽ giúp bạn trong tương lai.

Đôi khi chúng ta làm việc trong một mớ hỗn độn nhưng hãy học hỏi từ những tình huống đó và tiến lên. Nếu bạn có thể cho họ thấy bạn học được gì hoặc cách bạn đối phó với một tình huống khó khăn, bạn sẽ thắng. 

Tác phẩm của Theo Prins

*Nguồn: ArtStation Magazine

*Biên dịch: LIT