Theo các nhà nghiên cứu tâm lý trẻ em trên thế giới, vẽ tranh không chỉ giúp trẻ giải trí mà còn được xem là một hình thức gián tiếp giúp trẻ bộc lộ những suy nghĩ, giao tiếp qua tranh. Qua bức tranh, ta có thể phần nào đánh giá được trí lực và tình cảm của trẻ dễ hơn qua lời nói, đặc biệt đối với những trẻ chưa thể nói năng lưu loát hoặc những trẻ bị khiếm khuyết giao tiếp,…
Những hình vẽ cung cấp nhiều thông tin về tâm lý trẻ em. Nhưng nó cũng rất khó để có thể biện giải. “Chừng nào chưa hiểu rõ về đứa trẻ thì những lời giải thích dễ dãi và vội vàng là điều nên tránh. Hãy quan sát chăm chú những chi tiết và tìm ra tính chất tượng trưng mà đôi khi bức tranh chứa đựng.” (Theo Nguyễn Khắc Viện, tâm lý gia đình, trang 204-205, Nhà xuất bản thế giới, Hà Nội, 1994).
>>> Có thể bạn muốn xem: Giúp trẻ rèn luyện khả năng quan sát thông qua vẽ truyện tranh
Do đó nếu muốn hiểu được nội tâm của trẻ, quý phụ huynh cần phải quan sát, theo dõi qua nhiều khía cạnh và đối chiếu với những thông tin khác nhau, không nên quá rập khuôn mà lấy một chi tiết để kết luận vội vã về toàn bộ con người của trẻ.
Khi tham gia những buổi dạy vẽ, trẻ sẽ bắt đầu làm quen với những nét vẽ nguệch ngoạc. Và qua thời gian, trẻ dần định hình được những gì mình muốn thể hiện qua tranh và phác thảo chúng trên giấy. Cuối cùng khi đã nhận thức được mọi sự vật một cách rõ ràng hơn, trẻ sẽ bắt đầu vẽ chi tiết từng đường nét, từng bộ phận,…Mỗi giai đoạn trên tương ứng với từng bước trong quá trình phát triển tư duy của trẻ.
Vậy, làm thế nào để người lớn có thể thấu hiểu trẻ con hơn thông qua tranh vẽ?!
Vẽ là một hình thức giúp trẻ phản chiếu thế giới nội tâm. Thông qua hình vẽ, trẻ sẽ thể hiện đặc điểm nhân cách của cá nhân, nhờ đó mà những chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu tâm lý có thể phần nào khám phá được những khía cạnh trong nhận thức của trẻ như: cảm xúc, tâm tư, ước muốn, tính cách,…
Do đó,“Không thúc giục trẻ kết thúc nhanh chóng hoạt động vẽ và các kết quả của trắc nghiệm vẽ tranh phải được nhìn nhận trong sự phân tích toàn bộ tranh vẽ và phải được bổ sung với những kết quả từ các kỹ thuật khác”.(Theo Lydia Fernandez, Le test de Larbre, Inpress Edition, trang 45, Paris 2005).
Trong tất cả các hình thức vẽ, thì vẽ tranh theo chủ đề nhận được sự đánh giá rất tích cực từ các nhà nghiên cứu tâm lý trên thế giới. Vì thông qua từng chủ đề nhất định, chúng ta có thể tập trung làm sáng tỏ được mục tiêu cụ thể.
Theo “Nhận biết tâm lý trẻ em qua tranh vẽ” của PGS.TS. Trần Thị Minh Đức thì có ba chủ đề giúp trẻ bộc lộ nhiều hơn về nhân cách và các mối quan hệ xã hội là: vẽ người, vẽ nhà (vẽ gia đình) và vẽ cây. Trong đó, hình vẽ người và cây giúp trẻ bộc lộ rõ hơn về bản thân mình. Còn các hình vẽ liên quan đến gia đình giúp ta hiểu hơn về tâm tư, cảm xúc của trẻ đối với người thân của mình.
Khi phân tích tranh vẽ của trẻ, cần lưu ý đến nội dung và bố cục của bức tranh, và các đặc điểm, chi tiết của từng yếu tố. Ví dụ, đối với chủ đề “Vẽ người”, tùy vào độ lớn của hình người, các bộ phận, độ nghiêng,…mà trẻ biểu hiện qua tranh vẽ có thể giúp phụ huynh phần nào hiểu được tính cách, cảm xúc hay thậm chí là những lo lắng của trẻ.
– Hình vẽ người quá lớn, chiếm phần lớn tờ giấy: Trẻ có xu hướng mạnh mẽ, bạo dạn, kém kiềm chế nội tâm, hiếu động. Hoặc thể hiện mong ước của trẻ muốn trở nên tự tin, được quan tâm, chú ý hơn.
– Ngược lại đối với trẻ vẽ hình người nhỏ xíu: Trẻ có xu hướng nhút nhát, e ngại, hay cảm thấy lo lắng, thiếu tự tin. Hình vẽ càng nhỏ thì thể hiện trẻ càng tự ti và càng cảm giác mình ít giá trị.
– Ngoài nhận biết qua độ lớn của hình vẽ, khi được yêu cầu vẽ người, trẻ chỉ vẽ một hình người duy nhất. Điều này thể hiện trẻ đang có cảm giác cô đơn, trống trải.
– Đối với trường hợp trẻ vẽ phóng to bất thường một vài bộ phận trên cơ thể. Điều này biểu hiện trẻ có xu hướng lo lắng hoặc vị kỉ trung tâm (nếu hình vẽ một mình lớn ở giữa trang giấy). Ngoài ra, đối với các hình vẽ bị nghiêng ngả, mất thăng bằng, thì có thể trẻ đang có cảm giác không an toàn, bất an, mất chỗ dựa.
Khi xem tranh của trẻ, các bậc phụ huynh đừng vội chú ý đến việc bức tranh mà trẻ vẽ xấu hay đẹp, mà hãy cố gắng quan sát và “lắng nghe” những gì trẻ muốn truyền tải. Thông qua những bức tranh, trẻ bộc lộ tính cách, tâm trạng và những cung bậc cảm xúc của mình một cách khá rõ ràng.
Đối với trẻ em, nếu được người lớn lắng nghe và thấu hiểu sẽ khiến trẻ rất vui mừng và càng yêu thích việc vẽ hơn. Vẽ tranh nếu như trở thành thói quen sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho sự phát triển của trẻ trong tương lai.
Anh Thư