LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA TRUYỆN TRANH NHẬT BẢN - Comic Media Academy

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA TRUYỆN TRANH NHẬT BẢN

03/11/2022

“Manga”, phiên âm tiếng Hán là “mạn họa” được sử dụng lần đầu tiên năm 1798, dùng để chỉ các bức tranh của họa sĩ Santo Kyoden. Sau đó, người ta sử dụng từ “manga” để chỉ tranh vẽ hoặc các tuyển tập tranh vẽ của các họa sĩ Nhật Bản trong quá khứ. Đến năm 1902, Manga được sử dụng để chỉ chung cho những tác phẩm truyện tranh đến từ Nhật Bản.

Mặc dù chỉ được chính thức có tên là Manga từ những năm 1900, song truyện tranh Nhật Bản có lịch sử rất lâu đời, từ những năm 700 sau công nguyên. Từ đó đến nay, lịch sử hình thành và phát triển của Manga chia làm 5 giai đoạn chính:

I-Thời kỳ khởi thủy của tranh mạn họa

II-Thời kỳ những bức tranh có chữ đầu tiên

III-Thời kỳ những bộ truyện tranh đầu tiên

IV-Thời kỳ manga vươn ra thế giới

V-Manga tự khẳng định vị trí

I) THỜI KÌ KHỞI THUỶ CỦA TRANH MẠN HOẠ

Các nhà khảo cổ Nhật đã tìm thấy những bức tranh biếm họa bôi xấu những nhà cầm quyền lúc bấy giờ trên các xà trần nhà của ngôi đền Horyu-ji, có niên đại từ những năm 710 SCN.

Đến thời Heian (794-1185), các bức Xuân cung họa (Shunga) bắt đầu xuất hiện, phục vụ chủ yếu cho tầng lớp quý tộc, triều đình. Xuân cung họa tiếp tục thịnh hành suốt thời đại Edo (Giang Hộ, 1603-1867) mãi tới thời Meiji (Minh Trị, 1868-1912) mới chịu nhường bước cho nhiếp ảnh gợi dục.

Cũng trong thời Heian, Phật giáo cũng phát triển và lan rộng. Một nhà sư Phật giáo Đại thừa tên Toba Sojo đã làm ra các cuộn tranh để phục vụ cho mục đích rao giảng giáo lý Đại thừa. Cũng từ đây, tranh cuộn minh họa những câu chuyện xuất hiện và tồn tại cho đến tận thời Edo (1603–1868).

Khoảng năm 1700, Nhật Bản thịnh hành nghệ thuật ukiyo – tranh in mộc bản, thường có nội dung trích từ những câu chuyện lịch sử và dân gian; cảnh đẹp du ngoạn và phong cảnh khắp nơi; thực vật và động vật; và kể cả nội dung khiêu dâm. Hầu hết các bức tranh Nhật ngày nay mà chúng ta xem đều mang phong cách của tranh ukiyo.

Cho đến năm 1798, thuật ngữ “manga” lần đầu tiên được sử dụng để chỉ những tác phẩm của nhà thơ, họa sĩ Santo Kyoden. Vào năm 1814, “manga” xuất hiện trên tên sách Manga Hyakujo của Aikawa Minwa và Hokusai Manga (phân loại hình vẽ từ các tác phẩm ukiyo-e của Hokusai) của Katsushika Hokusai.

Như vậy, từ thế kỷ 19 trở về trước, “manga” được hiểu theo nghĩa là những bức vẽ tràn trên trang giấy, có thể mang một câu chuyện nào đó hoặc không. Manga khởi thủy từ những bức tranh cuộn minh họa một sự kiện hoặc câu chuyện nào đó. Trong đó, tranh dâm tục và tranh phù thế khá phổ biến.

II) THỜI KÌ NHỮNG BỨC TRANH CÓ CHỮ ĐẦU TIÊN

Năm 1855, Nhật Bản kết thúc thời kỳ bế quan tỏa cảng do chịu sức ép của Mỹ.

Sáu năm sau kể từ ngày Nhật Bản mở cửa, Charles Wirgman (Anh quốc) đến Yokohama, Nhật. Ông là phóng viên và là họa sĩ phác họa cho tờ Illustrated London News – tạp chí tin tức có minh họa hàng tuần đầu tiên trên thế giới.

Ở đây, ông mở một tạp chí châm biếm có tên Japan Punch. Tạp chí này bàn tán, châm biếm về các sự kiện thông qua tranh vẽ và có rất nhiều người đọc.

Học tập theo Japan Punch, đến năm 1874, hai người Nhật là Robun Kanagaki và Kyosuke Kawanabe lập ra tờ Eshibun Niponchi, làm theo mô hình của Japan Punch. Đây là tờ tạp chí châm biếm đầu tiên do người Nhật lập ra và duy trì. Tranh vẽ trong tạp chí tương đối đơn giản với các khung thoại viết tay.

Như vậy, có thể thấy tiền thân của manga ngày nay chính là từ những bức tranh kèm chữ, mang thông điệp xuất hiện ở Nhật thông qua các tạp chí châm biếm, mà người khởi xướng đầu tiên là Charles Wirgman. Chính những bức tranh châm biếm kèm chữ và khung thoại bong bóng tạo tiền đề cho sự hình thành manga theo cách trình bày mới.

III) THỜI KÌ NHỮNG BỘ TRUYỆN TRANH ĐẦU TIÊN

1) Những tạp chí truyện tranh đầu tiên

Khi thấy tạp chí châm biếm phát triển và đạt được nhiều hưởng ứng từ công chúng, các ông chủ tòa soạn nhìn thấy cơ hội mở rộng đối tượng đọc sản phẩm của mình bằng cách tạo thêm nhiều sản phẩm khác có chủ đề đa dạng hơn.

Đến năm 1895, tạp chí Shonen Sekai được thành lập. Đây cũng là tạp chí Nhật Bản đầu tiên dành cho giới trẻ. Sau sự ra đời của Shonen Sekai, hàng loạt các tạp chí truyện tranh khác được xuất bản, phân loại đa dạng theo giới tính và chủ đề.

2) Những bộ truyện tranh nổi tiếng đầu tiên

Năm 1931, họa sĩ Suiho Tagawa đã sáng tác bộ truyện về Norakuro, một chú chó đen được lấy cảm hứng từ Felix Cat. Lúc đầu, truyện Norakuro chỉ dự định kéo dài trong 1 năm, nhưng cuối cùng nó lại kéo dài đến tận 10 năm (1941) – chỉ dừng lại khi chính phủ Nhật Bản buộc dừng xuất bản manga để tiết kiệm giấy trong chiến tranh.

Ở những năm 1930, văn hóa Mỹ nổi tiếng ở Nhật, đặc biệt là sự xuất hiện của Walt Disney và chú chuột Mickey. Vì sự thiếu vắng trong quy định về luật bản quyền, hình ảnh của chuột Mickey có thể dễ dàng được copy và bắt chước tại Nhật. Chính vì vậy, vào năm 1934, một họa sĩ tên Bontaro Shaka đã vẽ truyện Mickey no Katsuyaki kể về việc Mickey đến Nhật Bản và gặp các anh hùng bản địa.

Cũng trong năm 1934, tác giả Gajo Sakamoto cho ra mắt Tank Tankuro – kể về một con người được bao bọc trong một quả bóng sắt, có thể biến thành nhiều hình dạng khác nhau và tạo ra bất cứ thứ gì anh ta muốn từ một cái lỗ trên bụng. Tank Tankuro được coi là một trong những bộ truyện tranh đầu tiên về robot và khoa học viễn tưởng, truyền cảm hứng cho các nhân vật như Astro Boy của Osamu Tezuka và Doraemon của Fujiko Fujio. Từ Tank Tankuro, thời đại những câu chuyện về robot, khoa học viễn tưởng, tương lai bắt đầu mở ra.

IV) MANGA VƯƠN RA THẾ GIỚI

1) Osamu Tezuka – người đưa manga ra thế giới

Người đầu tiên đưa manga vươn ra thế giới là Osamu Tezuka (1928 – 1989) – một họa sĩ truyện tranh và là nhà sản xuất phim hoạt hình.

Ngay từ khi còn rất trẻ, Osamu Tezuka đã có quan điểm: sử dụng truyện tranh như một phương tiện giúp thuyết phục mọi người quan tâm đến thế giới. Vậy nên những bộ truyện của ông thường có chủ để đa dạng và sở hữu nội dung sâu sắc. Tiêu biểu và quen thuộc nhất đối với độc giả Việt Nam là Black Jack, Astro Boy, Phoenix.

Để lý giải sự nổi tiếng của truyện tranh của Tezuka, chúng ta có thể thấy rõ các nguyên nhân sau:

-Tezuka áp dụng các kỹ thuật điện ảnh như quay quét, thu phóng, và cắt cảnh. Ông dùng nét vẽ và các chữ cái để thể hiện hiệu ứng âm thanh, nhằm tạo ấn tượng như thật cho cảnh chiến đấu và âm thanh hàng ngày.

-Tezuka bắt chước phong cách vẽ nhân vật mắt to của hoạt hình chuột Mickey, rồi kết hợp với hội họa Nhật Bản truyền thống để cho ra đời phong cách riêng.

-Tác phẩm của Tezuka luôn chứa cốt truyện mới lạ: từ phiêu lưu mạo hiểm cho đến hài hước, giật gân. Những câu chuyện kể của ông thường có cốt truyện dài, đi sâu vào phát triển nhân vật, suy nghĩ, cảm xúc, và chú trọng yếu tố thời gian.

-Tác phẩm của Tezuka luôn có sự hỗ trợ truyền thông mạnh mẽ của Tezuka Productions (xưởng phim hoạt hình của Tezuka). Ngoài cương vị họa sĩ truyện tranh và nhà làm phim hoạt hình, Tezuka còn là một nhà truyền thông.

-Nhật nằm trong sự bảo hộ của Mỹ, nên ngoài việc văn hóa Mỹ dễ dàng vào Nhật, thì sản phẩm văn hóa Nhật cũng dễ dàng “xuất khẩu” sang Mỹ và các nước phương Tây. Điều này cũng góp phần đẩy mạnh sự nổi tiếng của truyện tranh Tezuka.

Truyện tranh Nhật Bản, kể từ ông, bắt đầu trở thành đối trọng với truyện tranh Mỹ.

Cũng kể từ đây, nhắc đến “manga” là nhắc đến truyện tranh Nhật Bản với ý nghĩa đầy đủ nhất của nó: truyện kể bằng tranh, thể hiện qua các khung hình mang phong cách điện ảnh, có các khung thoại bong bóng và sử dụng những kỹ thuật biểu hiện đặc thù.

2) Fujiko F. Fujio, Doraemon và biểu tượng văn hóa của Nhật Bản

Sau Osamu Tezuka, bộ truyện tranh góp phần quảng bá Nhật Bản và truyện tranh Nhật Bản ra ngoài thế giới chính là Doraemon.

Được viết và minh họa bởi Fujiko F. Fujio, bút danh của bộ đôi Hiroshi Fujimoto và Motoo Abiko, câu chuyện xoay quanh một chú mèo máy tên Doraemon đến từ tương lai, về để giúp đỡ một cậu bé tên Nobita Nobi. Doraemon là câu chuyện vui nhộn nhưng không kém phần sâu sắc về tình bạn, ước mơ, hy vọng.

Bộ truyện tranh Doraemon được xuất bản lần đầu vào tháng 12 năm 1969 trên sáu tạp chí khác nhau. Tổng cộng có 1.345 câu chuyện đã được tạo ra trong bộ truyện gốc, được xuất bản bởi Shogakukan. Đây là một trong những manga bán chạy nhất thế giới. Bộ Ngoại giao Nhật cũng xác nhận rằng Doraemon được coi là một biểu tượng văn hóa của Nhật Bản.

3) Dragon Ball và sự vươn xa của manga Nhật trên trường quốc tế

Năm 1984, Dragon Ball của Akira Toriyama xuất hiện. Với Dragon Ball, Akira đã xây dựng được cả một thế giới rộng lớn: Địa cầu – những con người Saiyan sống ngoài trái đất, robot, thượng đế, rồng,… Đó là một thế giới có sự kết hợp giữa hình tượng của văn minh Á Đông và công nghệ Tây phương. Điều này một lần nữa xóa bỏ ranh giới về mặt nội dung phản ánh và đối tượng độc giả giữa manga (truyện tranh Nhật Bản) và comic (truyện tranh Mỹ).

Sự nổi tiếng bao trùm toàn thế giới của Dragon Ball đã đánh dấu sự thắng thế của manga Nhật trên trường quốc tế.

V) MANGA TỰ KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ

Từ 2000 đến nay, ngoài những xu hướng đã từng tồn tại và vẫn còn duy trì, manga ngày càng phát triển rộng rãi cả về số lượng tác giả lẫn số lượng tác phẩm. Sự phân chia thể loại cũng đa dạng và phức tạp hơn.

Những xu hướng mà các tác giả theo đuổi vẫn tiếp tục đạt được nhiều thành tựu có thể kể đến là:

+ Truyện tranh phiêu lưu, chiến đấu: Bleach, Attack on Titan, One Punch Man, One Piece, Fairy Tail, Promised Neverland, Thất hình đại tội, Pandora Hearts, Cuốn sổ Vanitas…

+ Truyện tranh trinh thám: Death Note

+ Truyện tranh giành cho nữ giới: Dengeki Daisy, Orange, Your lie in April,…

+ Truyện tranh kinh dị: truyện của Junji Itto

Nhìn vào tổng thể lịch sử hình thành và phát triển của manga, có thể khẳng định rằng: “manga” ban đầu là từ dùng để chỉ tranh truyền thống của Nhật, nhưng “manga” hiện đại với nghĩa là truyện tranh lại là sản phẩm chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, đặc biệt là tác động của kỹ thuật điện ảnh.

Lịch sử của Manga gắn liền với lịch sử kinh tế, chính trị và cả những mất mát đau thương của người Nhật trong thế chiến. Sự thành công vủa Manga ở thời điểm hiện tại là kết quả của quá trình học tập và cải tiến không ngừng của người Nhật, thể hiện khát khao vươn mình không ngừng của một trong những cường quốc truyện tranh hàng đầu thế giới.

(Lạc An)