HƯỚNG DẪN CÁCH VẼ TAY NGƯỜI - Comic Media Academy

HƯỚNG DẪN CÁCH VẼ TAY NGƯỜI

17/11/2021

Vẽ tay người đối với họa sĩ hay người vẽ không chuyên cũng đều là một thách thức. Ngay cả những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực vẽ – thiết kế cũng cần phải nghiên cứu thật kĩ cấu tạo tay và dành thời gian luyện tập mới có thể thuần thục. Bàn tay con người vốn là một phần phức tạp trong giải phẫu học (anatomy). Vì vậy, học cách vẽ tay là một kỹ năng quan trọng cần trau dồi.

1/ QUAN SÁT THẬT KỸ CẤU TẠO BÊN TRONG

Bàn tay con người cấu tạo bao gồm xương, gân, rất nhiều mô liên kết cộng với cơ và mỡ. Tay là một phần linh hoạt của cơ thể. Tìm hiểu cấu tạo và cách hoạt động của tay sẽ giúp bạn vẽ tay tốt hơn. Việc phác thảo các nghiên cứu về giải phẫu cơ thể người, đặc biệt là tay sẽ rất hữu ích.

2/ VẼ TAY BẰNG NHỮNG HÌNH KHỐI

Sử dụng hình vuông để vẽ lòng bàn tay, hình chữ nhật cho các đốt ngón tay… Bạn có thể sử dụng hình ảnh khung xương tay để làm cơ sở cho việc luyện tập này. Khi học cách vẽ tay, hãy đơn giản hóa mọi thứ để làm giảm áp lực “mọi thứ phải thật hoàn hảo”, bởi vì ta không thể làm tốt ngay từ ban đầu. Sau đó, bạn có thể bắt đầu thêm thắt chi tiết từ các hình dạng 3D để dựng lên một bàn tay và tạo dáng cho nó (bước 3).

3/ VẼ TAY DƯỚI DẠNG 3D

Khi đã luyện tập thuần thục vẽ tay theo cách đơn giản, bước tiếp đến là làm cho nó trông rõ ràng hơn, mang cảm giác thật hơn. Ở đây, lòng bàn tay sẽ không mang một hình dạng phẳng như bước 2 nữa mà sẽ được đặt trong một chiều không gian, những ngón tay cũng được vẽ bằng hình trụ và hình cầu cho các khớp.

Bằng cách vẽ với những hình khối 3D, bạn có thể nhìn thấy bàn tay một cách trực quan hơn. Đây cũng là lúc để luyện tập các tỉ lệ của tay. Hãy lưu ý rằng lòng bàn tay sẽ dài bằng ngón giữa (đường kẻ màu xanh lá). Và các ngón tay không thể có cùng độ dài hay thẳng hoàn toàn.

Đường màu xanh lam cho biết độ dài tính từ đầu ngón giữa đến phần tiếp nối giữa lòng bàn tay và cổ tay. Chú ý đến những tỉ lệ tay sẽ giúp bạn vẽ chúng tự nhiên và chính xác hơn.

4/ LUYỆN TẬP CÁC DÁNG TAY

Khi đã hoàn thành phần vẽ 3D, hãy thử cho nó một số dáng nhất định, bằng cách chia bàn tay thành nhiều phần đơn giản và sử dụng các đường viền để theo sát tỉ lệ.

Bạn có thể sử dụng chính bàn tay của mình làm tham chiếu, nhưng hãy vẽ nó thật đơn giản trước khi dựng hình phức tạp. Bằng cách này, bạn có thể nhanh chóng vẽ ra các dáng tay mà không cần quá lo lắng về việc phải thêm thắt chi tiết hay làm cho nó thật giống tay 3D.

Lưu ý về khối trụ và khối cầu khi vẽ tay. Các ngón tay không hề dễ vẽ như ta tưởng, tốt nhất là bạn nên vẽ chúng trông thật đơn giản, sử dụng các hình dạng khối 3D để thể hiện chúng trong giai đoạn này.

5/ BIỂU HIỆN HƯỚNG CHO NGÓN TAY

Khi bạn đã luyện tập đủ với việc tạo dáng tay, hãy chọn một dáng mà bạn yêu thích và dùng chính tay bạn để làm tài liệu phác thảo, nhưng nhớ là hãy phác thảo “phẳng” (như bước 2) thôi nhé. Trong bản phác thảo, hãy biểu thị các hình mũi tên để thể hiện hướng của ngón tay. Điều này giúp bạn nắm rõ vị trí của các đường cong ngón tay.

Một lần nữa, trước hết hãy vẽ bàn tay thật đơn giản và đừng quá quan trọng chi tiết. Bạn hãy luyện tập nắm bắt tỉ lệ, phối cảnh cho bàn tay.

6/ VẼ CỬ CHỈ VÀ HÌNH DÁNG TAY

Nếu bạn đang vẽ trên giấy, vậy thì ban đầu hãy vẽ nhẹ nhàng sau đó vẽ đậm nhạt, khi đã ưng ý thì tăng độ đậm để thể hiện nét cho bàn tay. Nếu bạn vẽ trên các công cụ như Photoshop, Wacom… thì hãy tùy chỉnh độ đậm nhạt để thể hiện rõ phác thảo.

Từ đây, bạn có thể dùng bản phác thảo để làm cơ sở cho các cử chỉ và hình dáng tay mà bạn muốn. Hãy lưu ý  đến các cử chỉ tay phức tạp như cong hoặc uốn, đồng thời ghi nhớ vị trí đổ bóng của bàn tay.

7/ THÊM THẮT CHI TIẾT

Ở bước này bạn đã có thể  bắt đầu thêm các chi tiết cho bàn tay. Bây giờ thì bạn có thể thấy lợi ích của những bước trước đó. Nhờ luyện tập những điều trên, bạn có thể vẽ thêm các chi tiết như nếp nhăn, nếp gấp trên bàn tay, móng tay…