Eiichiro Oda Không Phản Đối Sử Dụng AI – Và Điều Đó Thực Sự Có Ý Nghĩa

Eiichiro Oda Không Phản Đối Sử Dụng AI – Và Điều Đó Thực Sự Có Ý Nghĩa

09/07/2025

Trong khi AI tiếp tục là nguyên nhân gây ra tranh cãi trái chiều trong ngành công nghiệp sáng tạo, thì Eiichiro Oda, tác giả đứng sau bộ truyện tranh nổi tiếng One Piece, lại có cách tiếp cận đáng ngạc nhiên. Trong khi nhiều họa sĩ coi công cụ AI tạo sinh là mối đe dọa đối với tính nguyên bản, thì Oda lại công khai thử nghiệm AI, mục đích không phải để thay thế công việc của con người, mà là để kiểm chứng các giới hạn của nó. Và việc làm đó đã biến ông thành tâm điểm bàn tán sôi nổi khắp cõi mạng.

Xin nói rõ Oda không phải là nhà truyền bá công nghệ. Những thử nghiệm của ông với AI không phải là lời mời chào hoa mỹ của Thung lũng Silicon về phương pháp kể chuyện “phá cách.” Nó giống như một họa sĩ manga huyền thoại cầm cọ vẽ mới lên, tò mò muốn xem nó để lại dấu ấn gì. Tuy nhiên, trong thế giới nơi một số nhà sáng tạo kêu gọi kiện tụng về ảnh hưởng của AI, thì ngay cả sự tò mò cũng thành chuyện lớn.

Vâng, Oda đã sử dụng AI – Và ông làm điều đó một cách công khai

Câu chuyện mở đầu bằng một khoảnh khắc được người dùng tên là @sandman_AP chia sẻ trên Twitter. Trong mấy năm trở lại đây, Oda có lúc sử dụng trình tạo ảnh AI để tạo phiên bản hoán đổi giới tính của nhân vật phản diện Rob Lucci trong One Piece. Điều bất ngờ là ông không hề cất giấu nó ở một nơi bí mật nào đó. Và kết quả là nó được chia sẻ trên kênh YouTube chính thức của One Piece.

Đây không phải là điều bạn làm nếu đang cố gắng che giấu sự ác cảm với công cụ AI. Oda không âm thầm thực hiện. Ông mời người hâm mộ tham gia vào cuộc thử nghiệm. Và việc đó nói lên rất nhiều điều.

Nhưng ông dừng lại ở tạo hình nhân vật.

Oda đã nhờ ChatGPT viết toàn bộ câu chuyện cho One Piece

Vào đầu năm 2023, Oda đưa mọi thứ đi xa hơn. Ông đã nhờ ChatGPT viết toàn bộ câu chuyện cho One Piece. Kết quả nhận được là nhân vật phản diện mới mang tên Vua Bóng Tối bắt cóc Chopper và băng Mũ Rơm hợp sức với một bộ tộc bóng tối bí ẩn có dính líu đến quá khứ của Nico Robin.

Thành thật mà nói, câu chuyện không khác mấy so với những gì bạn thấy trong manga thực tế. Nó hội đủ yếu tố hồi hộp, gay cấn, đáp ứng tiêu chí về nhân vật và xây dựng cốt truyện. Nhưng nhận định của Oda chỉ gói gọn trong ba từ: “không thú vị.”

Ba từ trên đã nói lên tất cả. Phiên bản AI không đáp ứng yêu cầu xây dựng một thế giới phức tạp, một câu chuyện dài tràn đầy cảm xúc. Nó không tệ. Chỉ là không có…hồn.

Oda không ác cảm với AI – Chỉ là ông chưa có ấn tượng với nó

Đó là điều khiến quan điểm của Oda được chấp nhận dễ dàng. Ông không đánh lên hồi chuông cảnh báo. Ông cũng không đưa ra lời hứa hẹn lớn lao về việc chuyển sang sáng tác bằng AI. Ông chỉ đang…trong hành trình khám phá mà thôi.

Không phải ai cũng có cùng suy nghĩ với ông. Megumi Ishitani, đạo diễn phim hoạt hình One Piece, công khai chỉ trích trào lưu nghệ thuật AI, đặc biệt là trào lưu bắt chước phong cách nghệ thuật của Studio Ghibli. Cô thậm chí còn kêu gọi Ghibli khởi kiện OpenAI ra tòa. Tuy nhiên, đây là Oda và ông không hề tỏ ra nao núng, vẫn tiếp tục thử nghiệm những công cụ tương tự.

Sự chia rẽ không chỉ xảy ra với One Piece. Thế giới manga và anime bị chia rẽ sâu sắc bởi AI. Một số nhà sáng tạo sợ đánh mất bản sắc nghệ thuật của riêng mình. Số khác lo lắng về sự ổn định trong công việc. Và người hâm mộ cũng không im lặng. Reddit và Twitter tràn ngập bình luận gay gắt về nội dung thiếu cảm xúc, thiếu tính độc đáo, hoặc thiếu dấu ấn của con người do AI tạo ra.

Sáng tạo không phải là số nhị phân – Và Oda biết rõ điều đó

Những gì Oda đang làm không phải là đứng về phe nào, mà là cảm nhận mọi thứ. Ông không cố gắng viết tiếp bằng ChatGPT. Ông chỉ đang khám phá những gì khả thi. Đó không phải là sự thiếu hiểu biết, mà là nhận thức.

Trên thực tế, nó trùng với quan điểm của Goro Miyazaki, người từng nói rằng một ngày nào đó có thể làm phim hoạt hình bằng AI. Nhưng ngay cả ông cũng nói rõ: AI không có khả năng sao chép cảm xúc, mối quan hệ con người – yếu tố mang lại ý nghĩa thực sự cho câu chuyện.

Vấn đề là chỗ đó. Oda dường như hiểu rất rõ. Câu chuyện không thất bại do được viết bằng AI. Nó thất bại vì không có cảm xúc. Nó không theo tiêu chuẩn của ông. Ông không phản đối sử dụng công cụ AI, ông chỉ không hạ thấp tiêu chuẩn cho nó.

Manga trong tương lai chắc chắn sẽ có sự góp mặt của AI – Nhưng không giống như bạn nghĩ

Vậy điều này có ý nghĩa gì đối với tương lai của manga và anime?

AI có thể hỗ trợ biên dịch. Nó có khả năng tự động hóa tác vụ tẻ nhạt trong quá trình làm phim hoạt hình. Nó giúp tiếp cận dễ dàng hơn những bộ truyện ngách (niche series). Nếu cách tiếp cận của Oda tiết lộ điều gì đó với chúng ta, thì đó chính là câu chuyện thiếu “cái hồn”, thiếu tính chân thực, và thiếu dấu ấn của con người.

Oda không sợ công cụ AI. Ông không nhầm lẫn nó với họa sĩ. Và thành thật mà nói, đó là cách tiếp cận lành mạnh nhất mà chúng ta từng thấy.

Nguồn: Anime Senpai

Dịch: Toàn Vũ