Cơ hội và thách thức của nghề họa sĩ truyện tranh - Comic Media Academy

Cơ hội và thách thức của nghề họa sĩ truyện tranh

22/08/2020

Tại các nước có nền công nghiệp truyện tranh phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, họa sĩ truyện tranh là một trong những công việc được yêu thích nhất và có thu nhập cao. Tại Việt Nam những năm gần đây, cùng với sự phát triển của công nghệ, sự ra đời của các dự án hỗ trợ và sự thay đổi trong thói quen giải trí của độc giả, công việc họa sĩ truyện tranh cũng nhận được rất nhiều chú ý.

Đa dạng nền tảng tiếp cận khán giả

Nếu như trước đây, các họa sĩ truyện tranh chỉ có thể thông qua việc xuất bản để tiếp cận khán giả thì hiện tại, với sự phát triển của công nghệ, các tác giả hoàn toàn có thể chủ động giới thiệu tác phẩm và xây dựng hình ảnh cá nhân thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, Behance, Artstation, Deviantart. Điều này giúp việc tiếp cận khán giả trở nên dễ dàng hơn và không bị giới hạn bởi yếu tố địa lý, theo đó tác giả cũng có nhiều cơ hội việc làm hơn khi tác phẩm của họ được yêu thích.

Trong trường hợp tác giả chỉ muốn chuyên tâm vào sáng tác, họ vẫn có thể hợp tác với các nền tảng xuất bản trực tuyến tại Việt Nam để giới thiệu tác phẩm như Comicola hoặc Pops comic. Những nền tảng này không đơn thuần là giới thiệu tác phẩm mà còn giúp các tác giả có nguồn thu thực tế, từ việc thu phí của người đọc và chiết khấu từ nguồn quỹ chương trình.

Chất lượng chuyên môn được cải thiện, cơ hội việc làm mở rộng

Những năm gần đây, các họa sĩ truyện tranh của Việt Nam có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng chuyên môn.  Các tác giả Việt Nam liên tục đạt giải các cuộc thi sáng tác truyện tranh quốc tế như Silent manga, International Manga Award, International Comic/Manga School Contest…

Long Thần Tướng

 

Lớp học mật ngữ

Hình ảnh trích từ tác phẩm “Địa ngục môn” của tác giả Can Tiểu Hy, giải Bạc cuộc thi International Manga Award

 

Bên cạnh công việc sáng tác truyện tranh, nhiều tác giả còn hoạt động năng nổ trong các lĩnh vực mỹ thuật như vẽ minh họa, vẽ bìa sách, vẽ truyện quảng cáo. Độc giả Việt Nam cũng rất ưu ái và nhiệt tình đóng góp cho các tác phẩm trong nước và luôn dành sự ủng hộ cho tác phẩm chất lượng của nước nhà.

Song vẫn còn những thử thách

Số lượng truyện tranh Việt vẫn rất khiêm tốn khi so với truyện tranh nước ngoài. Chi phí xuất bản cũng là một trở ngại khi số lượng xuất bản thấp dẫn đến việc giá thành sản phẩm còn cao.  Số lượng họa sĩ truyện tranh có kỹ năng chuyên môn tốt, phong cách riêng vẫn còn hạn chế. Nhiều tác giả chưa quản lý được tiến độ làm việc và gặp khó khăn ở phần phát triển nội dung kịch bản, dẫn đến tiến độ sáng tác chưa được đảm bảo và chất lượng tác phẩm không đồng đều.

Tại các nước khác, bên cạnh nguồn thu từ nhuận bút, các họa sĩ còn có thu nhập từ việc bán tác quyền để phát triển sản phẩm thành các định dạng khác như phim ảnh, game, đồ chơi, vật dụng lưu niệm. Nhưng tại Việt Nam, “chiếc đuôi dài” của truyện tranh vẫn chưa phát triển nhiều. Bên cạnh đó, định kiến của gia đình với nghề họa sĩ truyện tranh vẫn còn là thử thách với các bạn muốn theo đuổi một cách chuyên nghiệp.

Sản phẩm Board game phát triển từ bộ truyện tranh Lớp học mật ngữ. Bên cạnh game, tựa truyện tranh này còn có các sản phẩm lưu niệm khác.

Bad luck được chuyển thành phim live-action

Có thể thấy, ngành Truyện tranh tại Việt Nam đang trên đà phát triển với rất nhiều thử thách và khó khăn tồn tại. Nhưng đó cũng là cơ hội để các họa sĩ truyện tranh bứt phá, khẳng định mình. Bên cạnh các nền tảng hỗ trợ từ doanh nghiệp và cộng đồng, các bạn trẻ đã có thể học làm họa sĩ truyện tranh một cách bài bản, được tiếp cận các quy trình làm việc chuyên nghiệp tại CMA. Nếu đủ đam mê và theo đuổi, thành công vẫn chờ đợi các bạn. 

Bắt đầu ngay với CMA nhé.