9 bí quyết làm việc tại nhà cho họa sĩ - Comic Media Academy

9 bí quyết làm việc tại nhà cho họa sĩ

29/04/2020

Một số người trong cộng đồng sáng tạo vốn đã quen với làm việc tại nhà, nhưng đối với nhiều người, làm việc tại nhà là một trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ. Trong một bài viết mới trên ArtStation, họa sĩ Patrick LaMontagne chia sẻ những bí quyết về cách tìm cảm hứng và động lực trong thời gian làm việc tại nhà.

Nào chúng ta hãy cùng nhau đọc bài viết dưới đây của anh.

Patrick là họa sĩ vẽ tranh biếm họa chuyên nghiệp cho các tờ tạp chí trên khắp đất nước Canada, mặc dù anh chưa từng trải qua trường lớp đào tạo chính quy về mỹ thuật. Những năm qua, anh vẽ rất nhiều thứ, nhưng thích nhất vẫn là vẽ tranh động vật hoang dã. Hai trong số những bức tranh kỹ thuật số của anh đoạt giải thưởng Guru tại Hội nghị Thế giới Photoshop 2010 ở Las Vegas. Và một tác phẩm nữa đoạt giải thưởng Best in Show vào năm 2014.

Vượt qua thử thách

Toàn cầu đứng trước tình cảnh khó khăn chưa từng thấy, và mỗi người chúng ta đang cố tìm cách thích nghi với hoàn cảnh mới. Tất cả chúng ta đều đối mặt với thử thách chung: làm thế nào để vẫn sống ổn, vẫn kết nối với gia đình và bạn bè, vẫn lên kế hoạch đều đặn mỗi ngày bất kể thời gian tự cách ly kéo dài đến đâu.

Mỗi ngành nghề, mỗi tầng lớp xã hội sẽ có những khó khăn, thử thách riêng cần vượt qua, nhưng bài viết này chỉ nhắm vào người làm việc trong lĩnh vực sáng tạo mà thôi.

Hiện tại, hầu hết chúng ta đều tự cách ly. Bạn có thể là họa sĩ chuyên nghiệp xưa nay làm việc từ xa, hoặc đang làm việc cho công ty và nay đột nhiên thấy mình chuyển sang làm việc tại nhà. Bạn cũng có thể là sinh viên mỹ thuật đang nghỉ học ở nhà, hoặc người đam mê nghệ thuật giờ có thêm thời gian dành cho hoạt động sáng tạo.

Bất kể bạn nằm trong hoàn cảnh nào, tôi hy vọng những bí quyết sau sẽ cho bạn ý tưởng và cảm hứng để khai thác hiệu quả quãng thời gian đầy thử thách này.

1. Thiết lập không gian làm việc

Tôi làm việc tại văn phòng riêng ở nhà. Khi ở trong không gian này, tôi biết đã đến giờ làm việc, nên khi bước qua cửa, tôi sẽ dễ dàng thay đổi trạng thái tinh thần. Thỉnh thoảng, tôi sẽ làm việc trong bếp nếu muốn “đổi gió”, nhưng đa phần tôi ngồi trước màn hình Wacom trên bàn làm việc.

Tôi hiểu không phải nhà ai cũng có chỗ cho văn phòng riêng. 25 năm trước, tôi sống trong căn hộ chật hẹp, và không gian làm việc chỉ là chiếc bàn nhỏ kê sát TV trong phòng khách. Tuy nhiên, mỗi khi ngồi vào bàn, tôi biết đã đến giờ dành cho sáng tạo. Ngồi quay mặt vào tường là một ý hay, vì không có gì trước mặt làm tôi mất tập trung.

2. Ăn mặc sạch sẽ

Khi tự cách ly hoặc làm việc tại nhà, bạn sẽ dễ cho phép mình buông thả một chút. Tất nhiên, điều đó không có gì sai, nhưng mặc pijama suốt cả ngày không tắm gội gì sẽ không tạo cho bạn tâm trạng tốt khi làm việc. Hãy thức dậy, đi tắm, và ăn mặc sạch sẽ. Trang phục chỉ cần tươm tất là đủ, không nhất thiết phải lịch lãm. Việc này sẽ khiến bạn cảm thấy mình là một họa sĩ chuyên nghiệp, nói được, làm được.

Hàng ngày tôi mặc trang phục giống nhau trừ khi đi ra ngoài. Tôi thích mặc quần pijama, áo thun ngắn tay cho thoải mái. Nếu trời lạnh, tôi mặc áo hoodie. Quần áo tôi mặc mỗi ngày đều rất tươm tất, sạch sẽ. Nếu ai đó đến nhà, tôi sẽ không cần nói lời xin lỗi vì sự nhếch nhác của mình. Trang phục bạn mặc có ảnh hưởng đến trạng thái tinh thần của bạn.

3. Xây dựng thói quen mới

Thói quen rất quan trọng nếu bạn mới làm việc tại nhà. Bạn sẽ hình thành thói quen mới trong môi trường làm việc mới, và những gì bạn ưu tiên sẽ quyết định sự thành công. Tôi không có ông chủ nào khác ngoài khách hàng, nhưng vẫn thức dậy lúc 5 giờ sáng mỗi ngày, thậm chí cả ngày cuối tuần. Tôi tập thể dục vừa phải, thiền trong 15 phút, đi tắm, pha cà phê, rồi ngồi vào bàn làm việc trước 6 giờ.

Đây là thói quen của tôi, và bằng cách tuân thủ nó, tôi đã hoàn thành rất nhiều việc.

Rõ ràng, bạn không cần phải dậy sớm như tôi. Tôi là con người của buổi sáng và lên lịch làm việc vào giờ đó khi cần vẽ tranh biếm họa và gởi đi trước khi làm công việc thường nhật. Khi làm việc toàn thời gian ở nhà, tôi tuân thủ nó, vì nó phù hợp với tôi. Bạn hãy tìm kiếm lịch làm việc phù hợp và bám sát nó.

Óc sáng tạo của tôi phát huy cao nhất vào buổi sáng, nên tôi cố gắng tranh thủ làm việc vào giờ này. Tôi dành buổi chiều cho công việc quản trị và những phần việc khác không đòi hỏi kỹ năng sáng tạo.

Ở nhà, bạn rất dễ ngủ nướng, nằm ườn xem TV, và khi nào cảm thấy thích mới bắt tay vào việc. Thời giờ cứ thế trôi qua, bạn chưa làm xong việc gì cả, và rồi chẳng sớm thì muộn, bạn sẽ tự rước lấy thất bại.

Tài năng chỉ giúp một phần. Thành công luôn đến từ kỷ luật tự giác.

4. Tránh xa nhà bếp

Bạn đang ở nhà. Những món ăn ưa thích đều có sẵn, và bạn không mất nhiều công sức để xuống bếp lấy chúng ra nhấm nháp. Lúc thì vài chiếc bánh quy, lúc thì mấy lát khoai tây chiên, lúc thì vốc quả hạnh nhân. Bạn sẽ tăng cân vù vù trước khi kịp biết lý do tại sao.

Tập ăn đúng bữa, và hãy cắt giảm khẩu phần ăn nếu bạn làm việc dưới mức bình thường. Bạn sẽ không chết đói, và có thể điều chỉnh nếu cần. Việc này lâu dần sẽ trở thành thói quen.

5. Không bào chữa

Nếu bạn đam mê sáng tác nghệ thuật, hãy làm ngay thôi. Đừng đợi đến lúc có cảm hứng mới làm. Họa sĩ thường viện cớ này để bào chữa cho sự lười nhác của mình. Theo kinh nghiệm của tôi, làm trước, sau đó mới đến cảm hứng.

Không ai buộc phải bạn phải ngồi lì suốt 4 tiếng ở bàn làm việc. Khởi đầu với nửa tiếng. Không kiểm tra điện thoại, truy cập mạng xã hội, xem phim trên Netflix, tán gẫu với bạn bè trong 30 phút làm việc. Đây là thời gian dành cho sáng tạo! Ban đầu, nhiêu đó là đủ, rồi tăng dần lên.

6. Dừng ngay việc lướt điện thoại

Điện thoại là vật tiêu khiển lớn nhất của chúng ta, đặc biệt trong thời điểm căng thẳng như hiện nay. Tắt điện thoại, tránh xa mạng xã hội và tin tức. Bạn sẽ không “chết” sau một vài tiếng không biết chuyện gì đang diễn ra trên thế giới. Dù sao, ngay lúc này, bạn thừa biết nó khá ảm đạm rồi. Bạn sẽ khó lòng đắm chìm trong thế giới nghệ thuật khi cứ liếc mắt vào điện thoại.

7. Tham gia khóa học online

Sáng tạo gắn liền với nhu cầu học hỏi không ngừng. Ngay cả khi biết điều đó, cũng không dễ ưu tiên đặt nó lên hàng đầu. Tôi cần tận dụng thời gian cho sáng tác nghệ thuật để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Gần đây, khi có thêm thời gian ở nhà, tôi đã tranh thủ tham gia một số khóa học online

Chúng ta sống trong quãng thời gian tuyệt vời, bất chấp những thách thức hiện tại. Giờ đây, gần như mọi thứ đều được dạy online. Tin vui cho những người có tài chính eo hẹp là chúng đa phần miễn phí. Các khóa học mỹ thuật online thật sự rất đa dạng, bổ ích, bạn học cả đời cũng không hết, và chúng đến từ những giảng viên đẳng cấp thế giới.

Việc bạn cần làm là đi tìm, sau đó dành thời gian để xem, học hỏi, và thực hành.

Tôi có 20 năm kinh nghiệm vẽ tranh bằng Photoshop. Tuy nhiên, nhờ xem video về những mẹo vặt và thủ thuật, tôi đã được thưởng lãm một số tuyệt chiêu mà mình không hề biết chúng tồn tại và lẽ ra nên áp dụng từ lâu.

8. Thử nghiệm cái mới

Tôi quen biết nhiều người làm việc trong lĩnh vực sáng tạo, và tôi nhận ra một điều rằng đa số họ thông thạo nhiều hơn một loại biểu hiện nghệ thuật. Tôi biết nhiều họa sĩ cũng là nhạc sĩ, nghệ sĩ xăm hình cũng là họa sĩ dựng hình 3D lành nghề, họa sĩ hoạt hình cũng là họa sĩ thiết kế nhân vật. Theo đuổi con đường sáng tạo đòi hỏi những kỹ năng khác nhau.

Có thời tôi dành gần hết sức lực cho việc học làm hoạt hình Flash khi nhiều người nghĩ rằng đó là hướng đi của vẽ tranh biếm họa. Tôi làm hoạt hình rất khá, nhưng không được trả công xứng đáng, nên tôi không mặn mà với nó lắm.

Tôi có thời gian ngắn là họa sĩ thiết kế đồ họa. Không thông thạo, cũng không hứng thú. Tôi vẽ tranh biếm họa người. Tôi vẽ không tồi, nhưng không có ý định theo đuổi nó. Tôi chán ngấy nó.

Nhưng tất cả những việc trên đáng để tôi điều tra. Chúng đã dạy cho tôi điều gì đó, và qua những lần theo đuổi, tôi tiến đến với công việc vẽ tranh động vật hoang dã, chiếm phân nửa công việc hiện nay. Tôi vẽ giỏi, được trả công xứng đáng, và cực kỳ hứng thú với nó. Tôi không nghĩ mình sẽ làm công việc này nếu trước đó không thử nghiệm những cái khác.

Một phần của thử nghiệm cái mới là nhận ra những gì bạn không muốn làm. Thông qua quá trình loại bỏ, bạn tìm thấy thiên hướng của mình. Bạn sẽ không biết cho đến khi thử sức.

9. Giữ liên lạc

Chúng ta tuy được yêu cầu tự cách ly, nhưng chúng ta có phương tiện để kết nối với bất cứ ai trên thế giới.

Chúng ta đều sống trong cảnh lo âu, sợ hãi. Chỉ cần nói chuyện với những người cùng cảnh ngộ sẽ giúp xoa dịu căng thẳng. Trên hết, bạn sẽ bao giờ biết điều gì có thể xuất hiện trong cuộc trò chuyện, trao đổi qua email, Facetime, hoặc Skype.

Mới sáng nay, một người bạn thiết kế đồ họa ở thành phố lân cận đã giới thiệu podcast với tôi, và cô đã đúng, nó hóa ra là thứ tôi thích.

Một lý do khác để giữ liên lạc là tìm kiếm việc làm. Giờ là lúc bạn xem lại những kỹ năng mà mình chưa tích cực trao dồi. “Sống sót” qua giai đoạn khó khăn đòi hỏi khả năng thích nghi và tiếp cận vấn đề theo hướng mới.

Tôn trọng, cởi mở, tiếp thu. Người mà bạn liên hệ có thể không có công việc cho bạn, nhưng họ có thể giới thiệu, tiến cử bạn cho người khác.

Không ai cho bạn cơ hội. Bạn phải yêu cầu họ. Hãy trung thực trong các yêu cầu của bạn, vì rõ ràng chúng ta đang du hành trong vùng nước lạ. Đừng xấu hổ khi nói rằng việc làm đột nhiên khó kiếm, và bạn đang khám phá các chọn lựa. Ngay lúc này, chuyện đó chẳng gây bất ngờ cho bất cứ ai.

Họ có thể từ chối, vì nhiều công ty bất ngờ lâm vào tình cảnh tương tự. Tuy nhiên, họ cũng có thể đồng ý.

*Nguồn: artstation 

*Biên dịch: V.Toàn