Chia sẻ của họa sĩ Leon Lee về tính đa dạng trong sáng tạo nghệ thuật - Comic Media Academy

Chia sẻ của họa sĩ Leon Lee về tính đa dạng trong sáng tạo nghệ thuật

08/01/2020

Họa sĩ Leon Lee là một nhân tài trong ngành công nghiệp giải trí, chuyên thiết kế background phim hoạt hình. Những tác phẩm tuyệt đẹp của anh được đăng tải trên nhiều website như Society of Illustrators LA

Nếu muốn biết thêm về Leon Lee, bạn có thể viếng thăm trang portfolio cá nhân  hoặc đọc qua những bài viết mới nhất của anh trên Instagram

Trong bài phỏng vấn dưới đây, Leon có những chia sẻ thẳng thắn về chuyến hành trình nghệ thuật đưa anh đến với ngành công nghiệp giải trí, đồng thời đưa ra lời khuyên hữu ích cho những ai muốn dấn thân vào lĩnh vực sáng tạo.

Anh nhận ra sáng tạo nghệ thuật là nghề nghiệp mình muốn chọn tại thời điểm nào trong đời? Nguyên nhân nào đưa anh đến lựa chọn này?

Tôi sinh ra ở Kuala Lumpur, Malaysia – một thành phố đa văn hóa, đa sắc tộc như Lost Angeles.

Tôi chủ yếu lớn lên ở Malaysia, nhưng học tiểu học khoảng ba năm tại Houston, Texas. Khoảng thời gian này, tôi lần đầu biết đến các lớp học nghệ thuật ở trường.

Tuy nhiên, lúc ấy, tôi chỉ xem nghệ thuật là thú tiêu khiển mỗi khi buồn chán mà thôi. Sau khi tốt nghiệp trung học, tôi theo học chuyên ngành kỹ thuật. Tôi bắt đầu sợ chương trình học sau một năm rưỡi tham gia. Tôi chợt phát hiện mình chỉ hứng thú với những dự án nhóm, đòi hỏi phải thiết kế cái gì đó.

Tôi nghỉ học để dành thời gian cho bản thân. Trong thời gian nghỉ ngơi ngắn ngủi, tôi được mẹ đưa đến Học viện thiết kế truyền thông One (One Academy of Communication Design) – một trong những trường thiết kế và nghệ thuật hàng đầu tại Malaysia.

Tôi xem qua chương trình học, cùng một số tác phẩm ra đời từ ngôi trường này. Không cần phải nói, tôi bị thuyết phục và ghi danh ngay lập tức. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, tôi vẫn chưa chắc chắn 100% rằng sáng tạo nghệ thuật có phải là nghề nghiệp mình muốn theo đuổi hay không.

Một năm rưỡi sau, khi theo học tại trường Cao đẳng nghệ thuật thiết kế (ArtCenter College of Design) ở Pasadena, tôi mới thật sự bắt đầu xem xét nghiêm túc chuyện này.

Tôi chọn theo nghiệp sáng tạo nghệ thuật kể từ lúc nghiệm ra rằng thiết kế thực chất là một quá trình tư duy sáng tạo, cộng đồng họa sĩ đều là những người thân thiện, và trong lĩnh vực sáng tạo, mọi ngã đường đều rộng mở.

Nền tảng văn hóa ảnh ảnh hưởng như thế nào đến tác phẩm khi anh là người Malaysia lớn lên trong môi trường đa văn hóa?

Lớn lên ở Malaysia, tôi coi việc sống trong môi trường đa văn hóa là chuyện đương nhiên.

Đến khi qua Mỹ học nghệ thuật, tôi mới bắt đầu nhận thức về sự đa dạng văn hóa nơi quê nhà.

Giống như Los Angeles, Kuala Lumpur là nơi hội tụ của nhiều nền văn hóa, nhiều sắc tộc, chủ yếu là người Hoa, người Malay, người Ấn độ, cùng một số người nhập cư khác. Tôi bị vây quanh bởi nhiều nền văn hóa, nhiều tôn giáo, nhiều phong cách nghệ thuật, ẩm thực khác nhau.

Tôi cảm thấy rất may mắn vì đã lớn lên trong môi trường giúp tôi giao tiếp cởi mở với người mới, dạy tôi cách nhìn nhận, đánh giá các nền văn hóa trên thế giới.

Qua đi sâu tìm hiểu bản sắc của từng nền văn hóa, tôi đã có ý thức hơn về những chi tiết tinh tế khi thiết kế cái gì đó cụ thể.

Nền tảng văn hóa không chỉ ảnh hưởng đến phong cách, mà còn cả lối tư duy, nghiên cứu của tôi khi sáng tác tác phẩm mới.

Xin anh cho biết về trình độ học vấn của mình? Anh gặp phải những khó khăn gì trong quá trình nghiên cứu nghệ thuật?

Tôi có thời gian học chuyên ngành kỹ thuật trước khi quyết định theo đuổi con đường nghệ thuật.

Tôi bắt đầu học nghệ thuật tại Học viện thiết kế truyền thông One ở Selangor, Malaysia.

Trong hơn một năm rưỡi học tập tại đây, tôi đã lĩnh hội được nhiều kỹ năng vẽ truyền thống, chẳng hạn như vẽ màu nước, vẽ mẫu tự do (figure drawing), vẽ chân dung, vẽ phong cảnh,… Không lâu sau, tôi theo học chuyên ngành minh họa tại trường Cao đẳng nghệ thuật thiết kế (ArtCenter College of Design) ở Pasadena.

Thời gian học tại ArtCenter là một trải nghiệm thú vị, nhưng không kém phần gian nan, thử thách đối với tôi. Những khó khăn mà tôi gặp phải chủ yếu là khối lượng công việc, yêu cầu về chất lượng, và thiếu thời gian dành cho hoạt động khác ngoài công việc.

Theo anh, họa sĩ chuyên nghiệp có cần bằng cấp hay không? Chúng ta có thể tự học qua các website dạy học online được không?

 Tôi thiết nghĩ trong thời đại hiện nay họa sĩ chuyên nghiệp không cần bằng cấp mới xin được việc làm.

Lý do là các studio không nhìn vào bằng cấp khi tuyển dụng.

Vấn đề là bạn đưa gì vào portfolio của mình. Các studio tuyển chọn nhân tài dựa trên tiêu chí chất lượng công việc, trình độ kỹ năng, khả năng giải quyết vấn đề, và ý tưởng sáng tạo của ứng viên.

Ngày nay có nhiều website dạy học online uy tín mà bất cứ ai cũng có thể tiếp cận dễ dàng như Schoolism, New Masters Academy, Gumroad,…

Tất cả website kể trên cung cấp các khóa học tương tự như ở trường, nhưng với học phí mềm hơn rất nhiều.

Giữa tự học với học ở trường có một điểm khác biệt lớn: môi trường học tập. Chọn hình thức học tập nào là vấn đề sở thích cá nhân; tuy nhiên, học ở trường, bạn sẽ luôn có những người giỏi vây quanh, tạo động lực thúc đẩy bạn học tập chăm chỉ hơn, và tiến bộ nhanh hơn

Cơ duyên nào đưa anh đến với thiết kế background? Loại hình nghệ thuật này hấp dẫn anh ở điểm gì?

 Lớn lên, tôi đi du lịch khá nhiều để mở mang tầm mắt về các nền văn hóa, phong cảnh, và công trình kiến trúc trên khắp thế giới.

Trong quãng thời gian du lịch khám phá thế giới, tôi sớm phát hiện ra niềm đam mê của mình là vẽ phong cảnh và kiến trúc.

Sau khi học xong, tôi tiếp tục tham gia các lớp dạy vẽ phong cảnh để tìm hiểu các nguyên tắc thiết kế background.

Loại hình nghệ thuật này thật sự cuốn hút tôi ở chỗ nó liên quan đến quá trình sáng tạo nhiều hơn tôi tưởng.

Có nhiều điều cần cân nhắc khi thiết kế background. Bố cục, dựng cảnh,… Tôi hứng thú với quá trình hơn là kết quả cuối cùng. Tôi thích nghiên cứu, đưa ra ý tưởng mới, và kể câu chuyện thông qua background.

Phong cảnh thực tế truyền cảm hứng và ảnh hưởng như thế nào đến tác phẩm khi anh là họa sĩ thiết kế background?

 Phong cảnh thực tế là nguồn cảm hứng chính của tôi, một trong những lý do khiến tôi thích đi du lịch.

Tôi luôn bị hút hồn bởi nét văn hóa, phong cách kiến trúc, và lịch sử tại mỗi quốc gia nơi mình đi qua.

Bằng cách trải nghiệm thực tế và làm phong phú thư viện hình ảnh, tôi có thể tăng thêm chiều sâu và tính chân thực cho tác phẩm.

Tôi yêu thích nhiều nền văn hóa và phong cách kiến trúc, nhưng khi thiết kế, tôi cố gắng tránh “nhất bên trọng, nhất bên khinh.”

Mỗi sở thích, mỗi ảnh hưởng luôn có thời gian và không gian thích hợp để phát huy. Khi giải quyết vấn đề thiết kế, tôi chỉ sử dụng những gì mình cảm thấy phù hợp với tình huống cụ thể.

Anh nghĩ thế nào về vẽ ngoài trời? Vẽ ngoài trời có hữu ích cho những ai muốn theo nghề thiết kế background/vẽ minh họa hay không?

Vẽ ngoài trời (plein air painting) là sở thích cá nhân của tôi mỗi khi rảnh rỗi. Nó là hình thức thư giãn, cái cớ để tôi ra ngoài khám phá thế giới.

Tôi ý thức rõ tầm quan trọng và lợi ích của việc thực hành. Khi vẽ ngoài trời, tôi luôn hướng đến đối tượng bắt mắt, thu hút sự chú ý của người xem.

Đối tượng có thể là màu sắc, ánh sáng, hoa văn, hoặc hình thể. Theo tôi, vẽ ngoài trời rất quan trọng, vì nó cho chúng ta biết ánh sáng, màu sắc tương tác với nhau như thế nào, cũng như những thay đổi tinh tế của nhiệt độ màu (color temperature).

Đây là thông tin quan trọng, có giá trị đối với họa sĩ thiết kế background. Thực hành vẽ ngoài trời không chỉ truyền cảm hứng sáng tạo, mà còn giúp chúng ta phối màu chân thực, hài hòa như ý muốn cho tác phẩm.

Anh có lời khuyên nào cho những người muốn tác phẩm của mình được tỏa sáng tại phòng tranh hoặc quảng bá ra thế giới bên ngoài, gặp gỡ họa sĩ khác, tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp?

Nói về quảng bá tác phẩm của mình ra thế giới bên ngoài, bạn có nhiều sự lựa chọn. Khởi đầu, bạn nên tạo website hoặc portfolio online, vì giúp tạo ấn tượng về tính chuyên nghiệp.

Mạng xã hội như Instagram và Tumblr cũng là nơi đáng chọn để quảng bá tác phẩm ra thế giới bên ngoài, dẫu kém mang tính chuyên nghiệp hơn.

Cố gắng tham gia càng nhiều hội nghị và sự kiện kết nối càng tốt, bất kể quy mô lớn hay nhỏ.

Đây là cách tuyệt vời để gặp gỡ họa sĩ tài năng khác, kết nối với nhà tuyển dụng, và thậm chí tiếp nhận phản hồi về tác phẩm của bạn.

Trong số những sự kiện đáng tham gia, phải kể đến CTN Animation Expo, Light Box Expo, Comic Con, Designer Con,…

Về cách làm cho tác phẩm tỏa sáng tại phòng tranh, tất cả đều phụ thuộc vào sự hiện diện trực tuyến và tính nhất quán trong tiếp cận cộng đồng. Đừng ngại liên hệ với phòng tranh bạn quan tâm nhưng không đặt nhiều kỳ vọng.

Bạn đôi khi sẽ không nhận được phản hồi, vì họ bận rộn và nhận quá nhiều email. Trong trường hợp này, hãy đợi một thời gian, rồi làm lại. Tính nhất quán là chìa khóa, song bạn đừng cố cưỡng cầu.

Anh làm thế nào để được tham gia vào series phim hoạt hình Tom and Jerry Show? Anh thực hiện tập phim đầu tiên ra sao?

Tôi tham gia nhờ sự giới thiệu của người bạn thân; tuy nhiên, tôi phải trải qua kiểm tra năng lực.

Ban đầu hơi căng, vì chúng tôi làm việc trong môi trường không gian mở, nghĩa là mọi người đều biết tôi đang làm gì. Mấy tuần đầu là một thử thách, vì có nhiều việc phải thực hiện cùng một lúc.

Tôi bắt đầu vẽ background cho tập phim đầu tiên, do giám đốc nghệ thuật muốn tôi thích nghi với phong cách của series phim hoạt hình. Một trải nghiệm tuyệt vời về sự hợp tác, và mọi người sẵn sàng đón nhận những ý tưởng khác nhau.

Qua thời gian thực hiện tập phim đầu tiên, tôi đã nắm được toàn quy trình sản xuất, cũng như có cơ hội tham dự cuộc họp với họa sĩ vẽ storyboard.

Thật tuyệt vời khi biết mọi thứ gắn kết với nhau như thế nào để tạo thành tác phẩm. Sau khi đã nắm rõ mọi thứ, tôi mới dần bắt tay vào thiết kế background và đạo cụ.

Đó là trải nghiệm thú vị từ trước đến nay, đặc biệt từ khi tôi không bị giới hạn ở một công việc nhất định. Tôi vui sướng vì được làm việc với những họa sĩ tài năng, những con người luôn truyền cảm hứng cho tôi làm tốt công việc mỗi ngày.

Thông thường, anh mất bao lâu để hoàn thành một tập phim? Anh có thể miêu tả từ đầu đến cuối quy trình làm việc của mình được không?

Thiết kế thường mất một tuần, hoặc đôi khi hai tuần là cùng.

Tuy nhiên, làm một tập phim hoạt hình hoàn chỉnh thường mất nhiều tháng. Đầu tiên, tôi xem animatic để nắm bắt câu chuyện trong tập phim.

Kế đến, tôi dựa vào chú thích/hình chụp cảnh quay cụ thể trong animatic để xác định những gì cần thiết kế.

Tôi thường được phân công thiết kế 5 – 7 background/tuần.

Tôi luôn cố gắng hoàn thành công việc trước ngày cuối tuần. Tôi muốn phần thiết kế phải xong vào sáng thứ tư, rồi vẽ chúng trong một ngày rưỡi còn lại.

Tôi lấy cảm hứng từ hình ảnh tham khảo. Trước khi bắt tay vào thiết kế, tôi thường dành khoảng nửa tiếng để tìm kiếm hình ảnh tham khảo.

Trong quá trình thiết kế, tôi luôn ghi nhớ nhân vật và action sẽ nằm ở đâu trong background.

Ngoài Tom and Jerry Show, anh còn đảm nhận công việc tương tự cho bộ phim hoặc TV show nào khác hay không? Nói chung, công việc đó như thế nào?

Năm ngoái, tôi dành trọn thời gian cho tập 4 và 5 của Tom and Jerry Show.

Và tôi cũng có hợp đồng thiết kế background cho một TV show khác, nhưng xin thứ lỗi cho tôi vì không được phép nói ra ở đây.

Thiết kế background cho phim hoạt hình là công việc rất thú vị, vì quy trình sản xuất và phong cách thay đổi tùy theo TV show.

Tôi có cơ hội mở rộng thư viện hình ảnh, và học hỏi những điều mới mẻ qua từng dự án mà mình tham gia. Các TV show thường na ná nhau, nhưng cách thức thực hiện chúng sẽ hơi khác nhau.

Vì nghệ thuật thường được dùng làm phương tiện truyền tải thông điệp, anh muốn tác phẩm của mình truyền tải thông điệp gì đến người xem?

Nghệ thuật là cách giúp tôi giải tỏa cảm xúc và bộc lộ sở thích cá nhân.

Tác phẩm của tôi đa phần lấy cảm hứng từ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, từ những trải nghiệm du lịch, và từ những sở thích cá nhân.

Qua đó, tôi hy vọng truyền cảm hứng cho mọi người khám phá thế giới, nghiên cứu văn hóa, lịch sử các nước, và tìm thấy niềm đam mê.

Nhưng đôi khi tôi thích làm việc chỉ vì đam mê sáng tạo cái đẹp.

Sau cùng, anh có lời khuyên nào dành cho những họa sĩ muốn tham gia vào ngành công nghiệp giải trí?

Làm việc chăm chỉ, ham học hỏi, sáng tạo không ngừng, luôn duy trì chất lượng công việc, thành thật với bản thân, thậm chí cả trong giấc ngủ!

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là hãy kiên trì, gắn bó với công việc mình làm.

Và để tránh bị vắt kiệt sức lực, bạn đừng quên tự thưởng cho mình những giây phút nghỉ ngơi, thư giãn, tham gia những hoạt động khác ngoài nghệ thuật.

*Nguồn: conceptartempire 

*Biên dịch: V.Toàn – Comic Media Academy