10 tiêu chí để tự đánh giá tranh của bạn - Comic Media Academy

10 tiêu chí để tự đánh giá tranh của bạn

28/03/2022
Tranh của tôi (tác giả Gregory Manchess ) trong cuộc triển lãm Faerie ll của Krab Jab Studio – tháng 2/2014

Tôi đã từng vùi đầu vào tranh, vừa cắm cúi vẽ vừa chờ một phép màu nào đó xuất hiện. Tôi muốn bức tranh phải giống hệt như hình ảnh tôi đã hình dung trong đầu mình.

Dù vậy, nó vẫn không giống. Thế nên tôi buộc nó phải khuất phục theo ý mình. Tôi  rèn giũa nó giống như một người thợ rèn đang tạo ra thanh kiếm.

Đó là một nỗi thống khổ. Điều này tiếp diễn trong nhiều năm. Chỉ vài lần tôi mới có được cái nhìn thoáng qua về phép màu. Và trong những khoảnh khắc hiếm hoi ấy, tôi đã nghiệm ra được bằng cách nào tôi đạt được điều mình mong muốn. Tôi nhận thấy rằng mình đã cực kỳ tập trung, từ khâu lên ý tưởng cho đến khi hoàn thành.

Bây giờ đến lượt bạn. Hãy thử bước ra ngoài vị trí của mình để xem người khác nhìn thấy gì. Bạn phải giả vờ rằng bạn không biết mình là ai, phải tự đánh lừa bản thân rằng bạn đang xem tác phẩm nghệ thuật của người khác. Điều này khó lòng đạt được. Vì vậy, bạn cần phải có… sự luyện tập.

Dưới đây là một số câu hỏi có thể giúp bạn tìm hiểu xem tranh của mình có đang tiến triển tốt không. Hãy tự đặt ra những câu hỏi sau đây cho tranh của bạn, phân tích và đánh giá. Người xem không biết ý định của bạn là gì, họ chỉ biết điều mà bạn cho họ thấy.

Tác phẩm thú vị này của Erwin Madrid có một đường nét chính để dẫn dắt mắt của người xem, nhưng trong tranh cũng có nhiều nét định hướng khác.

Đưng nét (Line)

Những yếu tố trong tranh của bạn có sự trôi chảy trong phạm vi hình chữ nhật không? 

Mắt bạn có dễ dàng di chuyển từ vật thể chính đến vật thể phụ không?

Có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các yếu tố trong tranh không?

Tiền cảnh, trung cảnh và hậu cảnh trong tranh của Thom Tennery… Tuyệt vời.

Chiều sâu (Depth)

Bạn có cảm nhận được chiều sâu trong tranh của mình không?

Trong tranh có tiền cảnh (foreground), trung cảnh (middle ground), hậu cảnh (background) không?

Cảnh tượng trong tranh có cho cảm giác được dàn dựng bài bản như cách dựng cảnh trên sân khấu hay không, từ cảnh tiêu điểm đến cảnh quay phía sau?

Các yếu tố trong bức tranh concept xuất sắc này của Noelle Triaureau được thiết kế từ trái sang phải, từ trên xuống dưới, từ trước ra sau để lột tả được toàn bộ khung cảnh.

Khu vực, không gian (Area, Space)

Không gian mà bạn trình bày có được thiết kế từ bên này sang bên kia, từ trước ra sau không?

Mỗi một inch vuông trong tranh có chủ ý và thật sự cần thiết không?

Bạn đã diễn tả từng khu vực trong tranh với đầy đủ thông tin cần thiết chưa? Có nên thêm hay bớt gì không?

Kỹ thuật kiểm soát sắc độ một cách chặt chẽ của Ruan Jia cho chúng ta thấy được chiều sâu tuyệt vời của thế giới trong tranh.

Sắc độ (Value)

Tranh có đầy đủ các sắc độ từ đậm đến nhạt không?

Nếu trong tranh chủ yếu là ánh sáng, phạm vi của các sắc độ có chặt chẽ không?

Về tổng thể, tranh có thu hút sự chú ý bằng cách lột tả sự tương phản giữa các yếu tố chính và  phụ hay không?

Tôi thích cách PJ Lynch kiểm soát ánh sáng trong tranh một cách tinh tế.

Ánh sáng (Light)

Ánh sáng xuyên suốt không gian tranh có cuốn hút không?

Ánh sáng có nhất quán và thực tế không?                                       

Nếu điều kể trên không cần thiết, bạn có gây được sự tò mò bằng cách mô tả ánh sáng chưa?

Ánh sáng có bị nhạt nhẽo không?

Bạn đã kiểm soát được ánh mắt của người xem tại những điểm có ánh sáng trong tranh chưa?

Dorje Bellbrook biến một bức tranh phong cảnh bình thường thành một tác phẩm vượt trội bằng cách chia nhỏ các khối có hình dạng tương tự nhau và hơn thế nữa.

Hình dạng và Khối (Form & Shape)

Hình dạng của tất cả các yếu tố trong tranh có đa dạng  không?

Các nếp gấp quần áo, gờ núi, hình dạng cây, tảng đá, thú vật,… có sự thay đổi và biến chuyển không? 

Có quá nhiều yếu tố bị lặp đi lặp lại theo cùng một hướng hay không?

Nếu sự lặp lại trên là có chủ ý, có yếu tố tương phản nào trong tranh  giúp tăng thêm hiệu quả cho chiều hướng đó không?  

Cách Matti Martinnen cắt chi tiết người khổng lồ thật hoàn hảo. Chúng ta không cần phải nhìn thấy toàn bộ sự vật, chúng ta chỉ cần cảm nhận được quy mô của sự vật đó.

Cắt xén các yếu tố trong tranh (Cropping)

Chủ đề có quá an toàn trong khuôn khổ của tranh hay không?

Bạn có thể cắt bớt chi tiết mà vẫn không làm mất đi sự ấn tượng?

Hoặccắt bớt chi tiết để gia tăng sự quan tâm và tò mò của người xem?

Bạn đã thử cắt bớt chi tiết để gây ấn tượng chưa?

Craig Mullins đã cường điệu hóa các tông màu trong tranh này mà vẫn kiểm soát được cách chúng ta nhìn thấy nó. Thật đẹp.

Màu sắc (Color)

Nếu cần thiết, màu sắc có thay đổi trên quang phổ (spectrum) không?

Có sự tương phản giữa các màu tẻ nhạt trên tổng thể và các điểm sáng nhỏ rực rỡ trong tranh không? 

Bạn có thể tăng cường độ của màu nào không? Hay khiến nó trầm lại?

Phần lớn màu trong tranh có cần phải dịu bớt đi để cho phép chủ thể chính trong tranh thu hút sự chú ý?

Neil Campbell Ross cho phép chúng ta cảm nhận được chiều sâu của tác phẩm bằng một góc nhìn thật hấp dẫn.

Góc nhìn (Point of View)

Tác phẩm có cho ta thấy một góc nhìn độc đáo không?

Nếu tác phẩm mang khuynh hướng cổ điển, góc nhìn mà bạn chọn có tạo được sự độc đáo cho tranh không?

Tác phẩm có cần một sự đột phá, thay đổi về góc nhìn hay bối cảnh không?

Có cần thay đổi thời điểm trong ngày (của bức tranh)?

Lại một lần nữa, họa sĩ gạo cội Craig Mullins cho chúng ta biết chính xác cần nhìn vào đâu bằng cách sử dụng sắc độ và màu sắc.

Tiêu điểm (Focus)

Khi nhìn vào tác phẩm, mắt bạn có đi thẳng đến chủ đề chính không?   

Mắt bạn có bị rối khi không biết phải nhìn vào đâu trước tiên?

Bạn đã kiểm soát được tiêu điểm thông qua ánh sáng chưa? Màu sắc? Sắc độ? Sự tương phản?

Nếu không có nét cọ và lớp màu nền, bức tranh này của tôi sẽ bị thiếu đi sự thú vị về bề mặt chất liệu.

Texture (Bề mặt chất liệu)

Tác phẩm có quá bằng phẳng để gây sự chú ý?

Các yếu tố trong tranh có quá trơn tru hoặc quá thô?

Các lớp màu có tạo được sự thu hút về bề mặt chất liệu không? (tranh truyền thống)

Tác phẩm cần được mô tả chất liệu nhiều hơn hay ít hơn?

Bạn đã kiểm soát được những chi tiết cần và không cần mô tả chất liệu chưa?              

Đến đây có lẽ bạn cũng đã nhận ra, phần lớn những câu hỏi trên sẽ hữu ích hơn nếu bạn đã tự hỏi chúng từ những bước đầu tiên trong quá trình vẽ, ví dụ như ở khâu vẽ thumbnail và vẽ phác.

Bạn có còn nghĩ rằng hội họa giống như phép màu không? Nó chỉ là phép màu khi bạn biến nó thành phép màu thông qua những thử nghiệm, sai sót, thất bại và sự kiên trì được lặp đi lặp lại.

Đừng chờ đợi tác phẩm đến với mình. Hãy theo đuổi nó.

Nguồn: Muddy Colors

Dịch: Xuân Chiêu