Tranh khắc gỗ - Nghệ thuật trường tồn cùng thời gian - Comic Media Academy

Tranh khắc gỗ – Nghệ thuật trường tồn cùng thời gian

10/12/2019

Bạn là người yêu nghệ thuật, bạn dễ dàng bị thu hút bởi các mảng màu. Bạn thường xuyên lui tới các buổi triển lãm hay tham quan các bảo tàng mỹ thuật… Vậy bạn đã từng biết đến “Tranh khắc gỗ”, một thể loại tranh đã có từ lâu đời với nhiều biến thể, được nhiều quốc gia, nhiều nền văn hóa trong đó có cả Việt Nam sử dụng để làm phương thức ghi chép, lưu truyền những giá trị nghệ thuật, thế giới quan và tôn giáo chưa?

Tranh khắc gỗ là gì?

Khắc gỗ/Woodblock là một kĩ thuật in ấn trong nghệ thuật tranh in đồ họa, sử dụng chế bản in gỗ và phương pháp khắc nổi. Để tạo nên một bản in gỗ người ta dùng dao cắt các phần không in ra khỏi một mảnh gỗ đã được bào nhẵn, các phần nổi sau đó được quét màu lên và mang đi in.

Một vài ví dụ về mẫu khắc gỗ

Tranh khắc gỗ là một loại tranh cho phép in ấn văn bản, hình ảnh hoặc những mẫu có sẵn, được sử dụng rộng rãi ở trên toàn khu vực Đông Á.

Tranh khắc gỗ “Thu”

Nguồn gốc và lịch sử ra đời

Nền văn minh tạo ra kỹ thuật in này sớm nhất có lẽ là người Babylon và người Ai Cập, họ đã từng in con dấu làm bằng gỗ khắc nổi trên đất sét mềm.

Trung Quốc cũng là đất nước có vai trò quan trọng trong việc phát triển kỹ thuật in nổi khắc gỗ. Từ thế kỷ thứ 4 người Trung Hoa đã biết dùng mực quét lên những tảng đá có khắc chữ và chà giấy lên để in ra những nội dung mà họ muốn.

Một bức tranh khắc gỗ của Trung Quốc mô tả cảnh quân Nghĩa Hòa Đoàn tấn công và chiếm một pháo đài trên núi ở Thiên Tân

Tại Châu Âu, thế kỉ thứ 12 khắc gỗ mới xuất hiện tuy nhiên vẫn có ghi chép ghi nhận rằng mãi đến thế kỉ 15 khắc gỗ mới thật sự du nhập vào các nước Châu Âu. Tại Ý, các hoa văn, họa tiết trên vải được in bằng cách này. Ở Đức, người ta kỹ thuật in nổi khắc gỗ để in hình vẽ các con bài.

Tranh khắc gỗ tại Việt Nam

Tại Việt Nam, kỹ thuật dùng ván gỗ để khắc và in đã xuất hiện tại nước ta từ khá lâu. Cụ thể, vào thời Lý (1009 – 1225) đã xuất hiện nghề khắc ván in Kinh Phật, đến năm Binh Tý (1396), kỹ thuật này được Hồ Quý Ly sử dụng để in « Thông bảo hội sao », tờ tiền giấy đầu tiên của Việt Nam.

« Thông bảo hội sao » – tiền giấy đầu tiên của Việt Nam

Sau đó nghề khắc gỗ bản in được danh sĩ Lương Nhữ Học truyền lại cho dân làng Liễu Tràng, Hồng Lục sau 2 lần đi sứ sang Trung Quốc. Từ đây, các dòng tranh khắc gỗ dân gian lần lượt ra đời và mang những màu sắc đa dạng về phong cách, sớm nhất là tranh Đông Hồ (khoảng thế kỉ XVI – XVII) sau đó là Hàng Trống, Kim Hoàng (thế kỉ XVIII), Làng Sình (đầu thế kỉ XIX)…

Tranh dân gian Đông Hồ

Tranh khắc gỗ dần trở thành một loại hình nghệ thuật độc đáo với nhiều tầng ý nghĩa và từng được đưa vào giảng dạy tại trường Mỹ thuật Đông Dương (1925-1945). Song hành với sự phát triển của xã hội, tranh khắc gỗ đã không còn dừng lại ở minh họa Kinh Phật, truyện cổ, miêu tả hình tượng các anh hùng dân tộc,… mà đã có sự chuyển biến đáng kể về hình thức khắc và chất liệu cũng như chủ đề.

Ứng dụng trong đời sống

Dưới bàn tay tài hoa của các họa sĩ chuyên nghiệp, tranh khắc gỗ có thể trở thành một tác phẩm nghệ thuật dùng để trang trí nội thất. Tuy nhiên loại hình này vẫn còn khá mới mẻ và tập trung chủ yếu ở những người yêu nghệ thuật do nhiều yếu tố về giá thành và độ khó của sản phẩm.

Ứng dụng phổ biến nhất hiện nay của tranh khắc gỗ là tạo ra các sản phẩm handmade mang dấu ấn cá nhân. Tranh có thể được in lên thiệp handmade, bìa sổ tay cá nhân, đóng khung làm tranh treo tường, trang trí bàn làm việc hoặc tặng người thân, bạn bè… Công đoạn thực hiện không đòi hỏi người làm phải đạt trình độ của họa sĩ chuyên nghiệp mà chỉ cần có sự tỉ mỉ và chút sáng tạo. Thành phẩm lại đẹp và có tính ứng dụng cao. Đó là lí do giúp việc ứng dụng tranh khắc gỗ vào các vật dụng handmade ngày càng được yêu thích.

HL