Tại sao phim nữ quyền lên ngôi ? - Comic Media Academy

Tại sao phim nữ quyền lên ngôi ?

09/07/2019

Được mệnh danh là “làn sóng hồng,” phim nữ quyền đang càn quét các giải thưởng lớn của Hollywood trong mùa giải gần đây. Và đây là thực tế không thể phủ nhận.

Trong khi ở Hollywood đang nổi lên phong trào bình đẳng giới với tên gọi Time’s Up (Đã đến lúc), thì trên màn ảnh rộng, các nhân vật nữ đua nhau đảm trách vai trò của đàn ông, từ nữ siêu anh hùng Elastigirl bỏ lại chồng con phía sau để dấn thân vào cuộc chiến chống tội phạm trong Incredibles 2 đến Nữ hoàng xứ Scotland Mary cầm quân ra trận trong Mary Queen of Scots, Rachel Weisz “bẻ cong” giới tính trong The Favourite, Ruth Bader Ginsburg tìm kiếm tiếng nói trong On the Basis of Sex.

Nicole Kidman không ngại phá bỏ chuẩn mực về giới tính để hóa thân hết mình vào vai diễn thám tử có quá khứ đen tối, diễn biến tâm lý phức tạp, và hành động đầy bạo lực trong Destroyer.

Ngoài tác động của phong trào Time’s Up, phong trào #MeToo (Tôi cũng vậy), những đột phá trong sản xuất phim, Tổng thống Mỹ Donld Trump dường như cũng góp phần tích cực vào sự lên ngôi của những bộ phim mang thông điệp nữ quyền.

Khi nói về phim On the Basis of Sex – bộ phim xoay quanh cuộc đấu tranh đòi xóa bỏ vấn nạn phân biệt giới tính của Ginsburg vào những năm 1970 – nữ đạo diễn Mini Leder phát biểu, “Tôi nghĩ bộ phim là lời kêu gọi đấu tranh cho quyền bình đẳng giới. Ngày nay, tuy nhiều thứ đã thay đổi, nhưng chúng ta vẫn còn chặng đường dài phía trước. Theo tôi, ngay cả phong trào #MeToo hiện tại cũng chỉ mới bắt đầu mà thôi.”

Từng đoạt giải thưởng Emmy trong những năm 1990 cho đạo diễn phim chính kịch xuất sắc nhất trước khi bước chân sang lĩnh vực điện ảnh, Leder rất ấn tượng với câu chuyện của Daniel Stiepleman về nữ thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ Ginsburg. Bà nói, “Xét về thành tựu đạt được, tôi không thể nào sánh bằng Ginsburg. Chúng tôi tuy ở hai thế giới khác nhau, nhưng cùng chung cảnh ngộ như nhau. Tôi phải tìm kiếm sự tự tin, động lực để tiếp tục đấu tranh cho những gì mình tin tưởng và muốn làm trong đời.”

Trong phim, Ginsburg (Felicity Jones) tuy đã có gia đình, nhưng vẫn quyết tâm theo đuổi ngành luật vào cái thời phụ nữ bị “cấm cửa” ngành này, và cuối cùng góp phần xóa bỏ được vấn nạn phân biệt giới tính. Leder cho biết, “Bộ phim được tôi lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật.”

Josie Rourke cũng đi đầu trong khai thác chủ đề nữ quyền qua bộ phim không kém phần hấp dẫn Mary Queen of Scots, xoay quanh câu chuyện về cuộc chiến giành ngôi vị Nữ hoàng Anh của hai người phụ nữ. Từng giữ chức giám đốc nghệ thuật của nhà hát Donmar Warehouse ở London, bà tiết lộ, “Tôi đã dành phần lớn đời mình để học cách dung hòa giữa quyền lực và cái giá phải trả.”

Phim đầu tay của Rourke khắc họa sinh động quan niệm về tình yêu, đường lối chính trị của Mary Stuart (Saoirse Ronan) và Nữ hoàng Anh Elizabeth (Margot Robbie). Cả hai tuy được đàn ông vây quanh, nhưng Elizabeth chọn tránh xa rắc rồi với họ, còn Mary lấy chồng, sinh con liên tiếp.

Tình tiết mẹ của Elizabeth, Anne Boeyn hứng chịu cái kết bi phảm sau khi bị vua Henry VIII thất sủng tuy không được nhắc đến trong phim, nhưng nó giúp nhấn mạnh lý do tại sao Elizabeth tuyên bố, “Ta chọn làm đàn ông – hôn nhân quá nguy hiểm.”

Rourke nói, “Hai người phụ nữ trẻ trung, xinh đẹp trong phim thuộc tuýp người muốn tự mình quyết định mọi thứ, từ chuyện triều chính cho đến tình dục, hôn nhân, con cái.”

Rourke nói tiếp, “Mang tiếng là chị em họ, nhưng cả hai lại khác nhau về mọi mặt, ngoại trừ một điểm chung là đều làm hoàng hậu bất chấp điều tiếng. Họ thách thức ngôi vị của nhau, nhưng có lẽ chỉ có họ mới biết mình muốn gì.”

The Favourite thậm chí còn táo bạo và “bẻ cong” giới tính hơn cả Mary Queen of Scots. Phim của Lanthimos kể Lady Sarah (Rachel Weisz) và cô em họ nghèo khó Abigail (Emma Stone) ganh đua nhau để trở thành tâm phúc của Nữ hoàng Anne (Olivia Colman).

Nhân vật do Weisz thủ vai bị “bẻ cong” giới tính, lúc đi giày da, đội mũ ba múi (tricorne) đầy nam tính, lúc lại diện áo choàng lộng lẫy, thướt tha. Là người đầu tiên tham gia dự án hợp tác sản xuất với Ed Guiney và Lanthimos vào năm 1998, Ceci Dempsey cho biết, “Đây là nhân vật rất có tiếng trong lịch sử. Trên thực tế, bà là người cai quản vương quốc.”

Sau khi kết hôn, Lady Sarah lợi dụng mối quan hệ thâm thiết với Nữ hoàng Anne để thao túng triều chính cho đến khi Abigail xuất hiện.

Dempsey nói, “Cả ba nhân vật tạo thành mối quan hệ tay ba, bị cuốn vào vòng xoáy không ngừng của những âm mưu lợi dụng nhau.”

Sau khi ra mắt phim Incredibles vào năm 2004, Brad Bird làm tiếp phần 2, và trong nỗ lực tìm kiếm nhân vật phản diện phù hợp cho câu chuyện, ông nảy ra ý tưởng “hoán đổi vai trò” (role reversal) trong Incredibles 2. Trong Incredibles, Bob đảm nhận vai trò siêu anh hùng; nhưng trong phần 2, Helen (Elastigirl) là người gánh vác vai trò ấy. Bird nói, “Cuối cùng, gia đình siêu nhân đã trở lại, và thật tiếc cho Bob, người được giao trọng trách lại là vợ anh. Tôi thiết nghĩ phim sẽ đáng xem khi Helen và Bob hoán đổi vai trò cho nhau, và Helen làm tốt chẳng kém gì Bob.”

Ban đầu, Helen muốn làm siêu anh hùng, nhưng vì trách nhiệm gia đình, cô đành đè nén trong lòng. Sau này, Bob phải ở nhà trông con khi cô lên đường giải cứu thế giới.

Nhân vật phản diện trong phần 2 là một phụ nữ – kết quả của quá trình mày mò cân nhắc các khả năng trước khi xác định vai trò của Evelyn Deavor và Screenslaver trong câu chuyện. Evelyn đóng vai trò “lót đường” cho cảnh đấu trí giữa Screenslaver và Helen. Bird nói, “Đây là cảnh hiếm thấy trong phim hoạt hình. Cảnh hai người phụ nữ bày tỏ quan điểm riêng của mình.”

Được xây dựng dựa trên kịch bản gốc của Phil Hay và Matt Manfredi, phim Destroyer của đạo diễn Karyn Kusama tập trung vào nhân vật nữ thám tử Erin Bell (Kidman).

Kusama nói, “Erin nuốt tủi nhục vào lòng, trút cơn thịnh nộ lên những kẻ hủy hoại cuộc đời cô. Nổi cơn thịnh nộ khi phải luôn sống trong cảnh bị chà đạp âu cũng là điều dễ hiểu. Trên đời này có những lúc tôi muốn đập phá tất cả. Tôi muốn ném những chiếc đĩa vào tường.”

Trong phim, Erin chịu trách nhiệm cho những sai lầm trong quá khứ, điều mà bất cứ ai cũng phải làm trong xã hội loài người. Bộ phim cho chúng ta cơ hội hiếm có để nhìn thấy những góc khuất trong tâm hồn và cuộc sống của phụ nữ.

Nhìn chung, các nhà làm phim rất có hứng thú với những bộ phim đề cao phụ nữ. Incredibles 2 không “ngốn” nhiều kinh phí cho hoán đổi vai trò trong câu chuyện, nhưng thu về 1,24 tỷ USD toàn cầu, gần gấp đôi phần 1. The Favourite, Mary Queen of Scots, On the Basis of Sex vừa ra mắt đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của khán giả và giới phê bình.

Với bằng chứng hùng hồn trên, các nhà làm phim hy vọng thuyết phục nhà tài trợ rằng thị trường phim hiện nay đang bị chi phối bởi phim đề cao phụ nữ. Bên cạnh vai trò hậu phương hoặc nội trợ truyền thống, nhân vật còn đảm đương nhiều vai trò thú vị khác, điển hình như người vợ đứng sau thành công của chồng Lynne Cheney (Amy Adam) trong Vice, nữ văn sĩ Joan (Glenn Close) trong The Wife. Phim Destroyer của Kusama ra mắt sớm hơn dự kiến nhờ nhận được nhiều tài trợ.

Kusama nói, “Tôi hy vọng trào lưu làm phim nữ quyền trong năm nay sẽ không ‘sớm nở tối tàn.’ Theo tôi, chúng ta không có lý do gì mà không đưa hình ảnh người phụ nữ lên màn ảnh. Nhân vật nữ không chỉ hấp dẫn, mà còn dễ đi vào lòng người.”

Thay vì tập trung vào vợ chồng Lady Sarah, The Favourite đi sâu miêu tả mối quan hệ tay ba giữa ba nhân vật nữ. Dempsey nói, “Theo tôi, trong thời gian gần đây, thị trường có lẽ đang chuyển mình để đáp ứng nhu cầu xem phim loại này của khán giả. Phim không có ai thắc mắc tại sao quy tụ tới ba nữ chính. Nó trở thành điều bình thường, không còn xa lạ với khán giả trong năm nay.”

Theo Rourke, mục đích làm phim nữ quyền không phải đề cao những người phụ nữ kiên cường, mạnh mẽ, mà là kể về những nhân vật nữ được phép rắc rối, bị tổn thương như ai. Bà vui mừng, phấn khích trước sự lên ngôi của phim nữ quyền. “Xưa nay chúng ta chưa thấy ai phản ánh cuộc sống muôn màu muôn vẻ của phụ nữ trên màn ảnh. Chúng ta cần mở rộng cửa thêm một chút. Và rồi mọi người sẽ biết đến những câu chuyện của họ. Tôi cảm thấy điều này đang bắt đầu xảy ra.”

Vụ bê bối tình dục của Harvey Weinstein châm ngòi cho phong trào đấu tranh đòi bình đẳng giới, và đây là lý do thuyết phục Leder làm phim về quyền bình đẳng cho phụ nữ On the Basis of Sex.

Leder nói, “Tôi nghĩ phim nữ quyền là chiếc gương phản chiếu những gì đang diễn ra trong xã hội chúng ta hiện nay. Tại sao phim nữ quyền lên ngôi ư? Vì bây giờ là thời đại nữ quyền.”

 

* Nguồn: https://variety.com

* Biên dịch: Comic Media Academy