Nhen nhóm ước mơ trở thành Họa sĩ truyện tranh chuyên nghiệp

Nhen nhóm ước mơ trở thành họa sĩ truyện tranh chuyên nghiệp

23/11/2015

Đến với buổi talkshow Làm thế nào để trở thành Họa sĩ vẽ truyện tranh do Viện Truyện tranh và Hoạt hình (Comic Media Academy – CMA) tổ chức vào hôm thứ 7 vừa qua tại Không gian chia sẻ S.Hub, tôi thấy giấc mơ trở thành họa sĩ vẽ truyện tranh từ ngày còn bé đang dần được nhen nhóm trở lại.  

làm thế nào để trở thành họa sĩ truyện tranh

Trò chuyện đôi chút với những người bạn mới khi đến tham dự chương trình, tôi nhận thấy có rất bạn cùng trang lứa với mình cũng chia sẻ sở thích đọc và “ngâm cứu” truyện tranh như mình. Ánh mắt của nhiều bạn thể hiện những khát khao trở thành người làm truyện tranh thật sự. Có lẽ đó là lý do để các bạn sẵn sàng “hy sinh” buổi sáng thứ 7 đẹp trời để đến với buổi trò chuyện do CMA tổ chức.

Buổi talkshow có sự tham dự của các thầy đến từ CMA, những người trực tiếp giảng dạy chính quy một ngành tương đối mới mẻ: Họa sĩ truyện tranh. Thạc Sĩ Quách Hồng Phúc, Thạc sĩ Họa sĩ Lê Thắng, Họa sĩ Trang Đức Huy đều là các họa sĩ có kinh nghiệm lâu năm trong nghề, và hôm nay các thầy cùng đến, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thẳng thắn với chúng tôi – những người trẻ và đam mê làm truyện tranh, về những thắc mắc, những băn khoăn về con đường trở thành một họa sĩ truyện tranh chuyên nghiệp.  

thạc sĩ Lê Thắng

Th.S Lê Thắng

Thạc sĩ – Họa sĩ Lê Thắng mở đầu buổi chia sẻ bằng cách trả lời cho một loạt câu hỏi “Thế nào là một họa sĩ truyện tranh?”, “Họa sĩ truyện tranh chuyên nghiệp được đánh giá trên phương diện nào?”, “Cách để duy trì niềm cảm hứng trong quá trình làm việc lâu dài?”… Theo thầy Thắng, trở thành họa sĩ truyện tranh không hề khó, khi bạn yêu thích truyện tranh và bắt tay vào vẽ từ nhân vật truyện tranh đầu tiên, bạn đã bước vào con đường họa sĩ truyện tranh. Tuy vậy để trở thành chuyên nghiệp, bạn phải có cách tiếp cận khoa học, kỷ luật và nghiêm túc, xem đây là công việc của mình (và thật sự thì đúng là như thế!) Những chia sẻ của thầy khá sâu sắc, ngoài việc trả lời các câu hỏi, thầy còn đưa thêm lời khuyên về cách suy nghĩ, tư duy thế nào để có thể giữ được bản sắc riêng. Làm thế nào để đứng vững trước dư luận. Bản thân tôi rất thích lời khuyên của thầy dành cho các bạn rằng hãy tìm lấy phong cách, “chữ ký” của riêng mình.

talkshow vẽ truyện tranh

Không gian diễn ra Talkshow

Sau phần chia sẻ của Thầy Thắng, không khí trong phòng nóng dần lên. Rất câu hỏi đều xoay quanh các khía cạnh khác nhau, mang nhiều sắc thái khác riêng biệt, có những câu hỏi khá “hiểm hóc” như đâu là đánh giá về đúng về thành công và thất bại của truyện? Vì sao bạn thất bại khi tự mình làm truyện tranh? cho đến những câu trao đổi hài hước xóa tan sự căng thẳng như kiểu “là fan của truyện nhưng tôi không thích cái kết tác giả viết, tôi không thích anh A yêu cô B mà cô B lại yêu anh C. Tôi muốn 2 người con trai đến với nhau để cho cô gái kia nhìn mà thèm chơi!”

khán giả chia sẻ Khán giả chia sẻ

Không khí của buổi trò chuyện vừa sôi nổi, vừa vui, nói chuyện chuyên nghiệp nhưng vẫn rất bình dân và thân tình. Tựu trung, tất cả cả mọi người trong khán phòng đều thể hiện niềm đam mê và khát vọng lớn với việc làm truyện tranh, trở thành họa sĩ truyện tranh chuyên nghiệp.

Trong số hàng loạt câu hỏi, câu trả lời ấn tượng nhất có lẽ thuộc về Họa sĩ Trang Đức Huy. Khi được hỏi về những tố chất mỹ thuật cần có ở người họa sĩ chuyên nghiệp, thầy phân tích rất kỹ càng, bên cạnh những yếu tố như khả năng vẽ, tư duy sáng tạo, thì các họa sĩ cần phải có óc suy luận khoa học, phải có những kiến thức căn bản về giải phẫu học, chuyển động học, phối cảnh… Điều đó có nghĩa rằng, đối với người làm truyện tranh, bản thân truyện tranh phải được tiếp cận như một đối tượng nghiên cứu độc lập, không đơn thuần chỉ là thú giải trí.        

Trang Đức Huy

Ngoài ra thầy Huy còn chia sẻ tâm sự với các bạn trẻ về việc trước đây chưa có ngành dạy vẽ truyện tranh, các họa sĩ truyện tranh hiện tại chủ yếu học các ngành khác hoặc tự mày mò, vẽ và học theo những người đi trước, cách làm này tốn nhiều thời gian, công sức và có thể có nhiều thiếu sót thậm chí có nhiều điều hiểu sai về ngành về nghề. Để hỗ trợ thêm chia sẻ của thầy, ban biên tập còn trình chiếu cho chúng tôi xem những đoạn phỏng vấn ngắn các họa sĩ truyện tranh thực thụ. Họ đều còn rất trẻ, rất nhiệt huyết và yêu nghề tuy vật họ rất chững chạc và chính chắn với nghề sau quá trình dài gian khó phải tự học, tự mày mò vì trước kia chưa từng có ngành đào tạo họa sĩ truyện tranh.

Quách Hồng Phúc

Phần chia sẻ của Thạc sĩ – Designer Quách Hồng Phúc khá đặt biệt, thầy Phúc đã đưa ra cứu cánh cho rất nhiều các bạn đang ấp ủ ý tưởng hay về kịch bản nhưng lại không tự tin vào nét vẽ của mình. Các bạn có thể vẽ không đẹp, không xuất sắc, nhưng nếu kịch bản, ý tưởng của các bạn sáng giá, vẫn còn đó con đường để các bạn bắt tay vào làm truyện tranh. Vì làm truyện tranh chuyên nghiệp là cả một quy trình gồm nhiều công đoạn, có sự góp sức của nhiều người, bạn có thể tìm đến và bắt tay cùng với những người bạn tin tưởng để cùng làm tác phẩm truyện tranh. Một câu nói tưởng chừng đơn giản nhưng lại mở ra con đường sáng cho rất nhiều bạn. Kể cả tôi cũng ngộ ra điều quan trọng “tại sao phải ôm đồm mọi thứ một mình, từ sáng tác kịch bản đến vẽ hình ảnh, rồi liên hệ tìm phương thức in ấn hoặc phát hành, rồi còn phải đi quảng cáo truyện của mình… trong khi nếu tập hợp một đội ngũ tốt, mọi thứ trở nên rất dễ dàng!” Thế nhưng, cuộc đời không chỉ có màu hồng, thầy Phúc cũng chia sẻ về các khó khăn có thể gặp phải trong quá trình làm việc nhóm. Lời khuyên của Thầy là nên chủ động tìm hiểu công việc của đối phương để thấu hiểu và thông cảm lẫn nhau, từ đó mới có thể làm ra những tác phẩm thỏa mãn đam mê và sáng tạo của nhóm.

Đại diện dự án truyện Hot Girl Tắc Kè

Lạc An – Đại diện nhóm tác giả truyện Hot Girl Tắc Kè giới thiệu về dự án

Sau những chia sẻ của các thầy, những khán giả tham dự talkshow lại được thêm một lần nữa thuyết phục và củng cố ước mơ đi theo con đường làm truyện tranh chuyên nghiệp khi được giới thiệu 2 bộ truyện mới toanh do các bạn học viên CMA thực hiện. Bộ truyện tranh Phá Luật mang màu sắc trinh thám đồng thời giới thiệu luật pháp Việt Nam một cách dễ tiếp cận, “dễ nuốt” hơn cho những người trẻ. Một ý tưởng hay và táo bạo! Bộ truyện Hotgirl tắc kè lại mang màu sắc hài hước, đánh đúng tâm lý phát số vì mạng xã hội của các bạn gái tuổi teen và “tiền mãn teen” như tôi. Dự báo đây sẽ là bộ truyện hot trong thời gian tới đây!

dự án truyện Phá Luật

Thạc sĩ Quách Hồng Phúc – cố vấn kịch bản – giới thiệu bộ nhân vật dự kiến của dự án truyện Phá Luật

Việc giới thiệu bộ truyện không chỉ có mục đích quảng cáo mà quan trọng hơn, 2 nhóm tác giả còn kể lại những câu chuyện thật về quá trình làm truyện tranh của những người trẻ. Nhờ đó mà tôi và nhiều bạn khác ngộ ra được nhiều điều, trong đầu cũng dần hình thành các ý tưởng để biết đâu đấy trong một tương lai không xa sẽ có một bộ truyện tranh made by Như Quỳnh và các bạn đến được với bạn đọc? Đó dường như không còn là ước mơ quá viễn vông mà có thể thực hiện ngay trước mắt. Có quá nhiều những suy nghĩ mới trong tôi sau khi kết thúc chương trình, chúng thôi thúc tôi phải bắt tay ngay vào thực hiện một dự án cho riêng mình. Nếu tôi thành công, tôi nghĩ mình phải cảm ơn ban tổ chức, các khách mời cũng như các khán giả đã cùng nhau làm nên một talkshow nhiều ý nghĩa như thế này. Nếu CMA có tổ chức những chương trình tiếp theo, chắc chắn tôi sẽ tham dự và tôi nghĩ có nhiều hơn nữa các bạn trẻ cũng đến tham dự như tôi, đúng như vậy chứ?

Như Quỳnh