Review- Buổi Workshop Hướng dẫn vẽ nhân vật truyện tranh

[Review] – Buổi Workshop Hướng dẫn vẽ nhân vật truyện tranh

18/11/2015

Nhân vật có trước hay cấu trúc nhân vật có trước?

Nhân vật truyện tranh có chút khác biệt với nhân vật trong tiểu thuyết và thơ ca. Nhân vật trong truyện tranh là nhân vật “hữu hình”, nhân vật trong tiểu thuyết và thơ ca là nhân vật “vô hình” theo đúng nghĩa đen của nó. Dù vậy, điểm chung của các loại hình nhân vật này là đều có xuất phát điểm từ cấu trúc nhân vật. Xây dựng hình tượng nhân vật có thể ví như xây một tòa tháp cao tầng, nếu như có được “nền móng” là kết cấu vững chắc thì nhân vật đó có thể ngự trị trong tâm thức của độc giả, và ngược lại nếu như nhân vật không có cấu trúc nền tảng, hình tượng nhân vật có thể “sụp đổ” bất cứ lúc nào. Vậy mới thấy được tầm quan trong của cấu trúc nhân vật. Tuy nhiên, không có cấu trúc nhân vật là lỗi phổ biến mà các họa sĩ chưa có sự nghiên cứu chuyên sâu về truyện tranh thường mắc phải.

Để giúp các bạn trẻ, những người yêu thích truyện tranh và sáng tác truyện tranh hiểu hơn về cách tạo một nhân vật thu hút với 03 chiều: vật lý – xã hội – tâm lý, Comic Media Academy đã tổ chức buổi workshop: Hướng dẫn vẽ nhân vật truyên tranh vào ngày 14/11 vừa qua tại không gian chia sẻ tri thức – SHUB – trực thuộc Thư viện khoa học tổng hợp thành phố, địa chỉ: 69 Lý Tự Trọng, P. Bến Thành, Q1, TpHCM. Các bạn trẻ đã có cơ hội giao lưu cũng như nhận được sự hướng dẫn vẽ nhân vật truyện tranh nhiệt tình từ hai họa sĩ Đặng Kim Chi và họa sĩ Lưu Nguyễn Tiến Đạt.

workshop hướng dẫn vẽ nhân vật truyện tranh

Buổi workshop với đông đảo sự góp mặt của các bạn trẻ yêu thích vẽ truyện tranh

Qua buổi workshop, người tham dự đã có cái nhìn tổng quan hơn và cách phân biệt giữa hai trường phái truyện tranh chính trên thế giới là Manga và Comic.

[spacer]

Sáng tạo nhân vật truyện tranh nên bắt đầu từ đâu?

Quy trình vẽ nhân vật truyện tranh cần trải qua nhiều giai đoạn và phải đi theo từng bước để hình thành nên cấu trúc chặt chẽ cho truyện tranh: Đầu tiên là phải thông qua kịch bản. Thứ hai là vẽ phân khung, sau đó tiến hành vẽ cấu trúc nhân vật, thể hiện các cảm xúc nhân vật, vẽ tính động cho nhân vật, rồi đến quá trình lọc nét và cuối cùng là đồ họa.

họa sĩ Tiến Đạt

hướng dẫn vẽ nhân vật truyện tranh

Họa sĩ Lưu Nguyễn Tiến Đạt và họa sĩ Đặng Kim Chi hướng dẫn vẽ
theo phong cách Manga và Comic

Tất cả các hình thức vẽ (truyện tranh, minh họa, hội họa truyền thống…) đều cần có một nền tảng căn bản về kỹ thuật vẽ cơ bản, phối cảnh, khối, giải phẫu học… Trong công việc tạo hình nhân vật, nếu như cứ chăm chăm vẽ đến cái kết quả cuối cùng mà không xây dựng nền tảng cấu trúc ban đầu cho nhân vật thì hình tượng nhân vật dễ bị “sa đà”, lạc lối và mất đi nét riêng biệt. Một lỗi nữa mà đa phần các họa sĩ mới vào nghề do chưa có sự nghiên cứu bài bản về truyện tranh nên thường mắc phải đó là lỗi sao chép do: “Họa sĩ thường vẽ từ những gì mà họ nhìn thấy”. Tác giả bộ truyện Naruto lừng danh, họa sĩ Masashi Kishimoto đã từng là một trường hợp như vậy. Thuở thiếu thời do ông từng đọc qua nhiều thể loại truyện tranh nên nét vẽ của ông mang hơi hướng góp nhặt từ các tác phẩm ông từng đọc qua. Do đó mà các tác phẩm truyện tranh của Kishimoto như Gundam chỉ nhận được sự lắc đầu của bạn bè và gia đình – những người từng được xem qua bản vẽ truyện tranh của Kishimoto thuở nhỏ. Và rồi Kishimoto bắt đầu nghĩ rằng một bức tranh cần nhất là sự sáng tạo độc đáo, và sao chép của hoạ sĩ khác là vô nghĩa.

Vấn đề đáng lưu tâm là các bạn lần đầu tiên bước vào con đường truyện tranh chưa có sự nghiên cứu kỹ về cách tạo hình nhân vật, bên cạnh đó, tuổi trẻ là tuổi hay vội vàng, các bạn cứ vẽ, vẽ cho thỏa niềm đam mê. Điều này không có gì sai, nhưng để đi theo con đường vẽ truyện tranh, Họa sĩ Kim Chi và Họa sĩ Tiến Đạt khuyên rằng: “Các bạn trẻ khi bắt đầu con đường họa sĩ vẽ truyện tranh thì hãy tập vẽ cấu trúc nhân vật nhiều hơn nữa, vì cấu trúc như bộ khung linh hồn của nhân vật, linh hồn mất đi thì nhân vật còn tồn tại chỉ là một nhân vật trống rỗng”. Thật vậy, khi xây dựng nhân vật, nếu như bạn đã có cấu trúc cho từng nhân vật của mình thì việc phải làm thế nào để thể hiện cử chỉ, tính cách, trang phục cho nhân vật sao cho thật sinh động chỉ còn là chuyện nhỏ. Bởi khi đó, bạn đã nắm bắt quá rõ về nhân vật của mình, điều mà chỉ những người tạo ra nhân vật mới là người hiểu rõ nhất về nhân vật.

cấu trúc nhân vật

Bằng những nét vẽ cơ bản, họa sĩ Đặng Kim Chi đã giúp người tham dự
hình dung ra nhân vật

Buổi workshop thêm phần thú vị hơn với sự nhiệt tình tham gia chia sẻ và biểu diễn vẽ truyện tranh từ các bạn học viên đang theo học tại Viên Truyện tranh và Hoạt hình Việt Nam (CMA).

workshop ve truyen tranh 11

Bạn Lê Hoàng Gia – học viên khóa 1 ngành truyện tranh chia sẻ về hành trình
theo đuổi nghề họa sĩ truyện tranh.

Người tham gia đã có thể tận mặt chứng kiến những nhân vật truyện tranh ra đời dưới bàn tay người họa sĩ qua các góc camera khác nhau: Góc cao, góc thấp, góc rộng, góc hẹp, lồng ghép cảm xúc… Bên cạnh đó các họa sĩ cũng chia sẻ thêm về các cách tạo hình nhân vật với chiều vật lý:  Đặc điểm nhận dạng, ngoại hình chung, diện mạo, v.v…; chiều tâm lý: Nhân vật có chiều sâu nội tâm, bi kịch, ám ảnh, v.v…; và chiều xã hội:  Bối cảnh xã hội biểu hiện xung quanh nhân vật v.v…

workshop ve truyen tranh 14 workshop ve truyen tranh 13

Chăm chú theo dõi hướng dẫn của họa sĩ

Hấp dẫn hơn, gần cuối chương trình, những món quà nhỏ là những bức vẽ chân dung theo phong cách truyện tranh do chính các học viên CMA vẽ tặng người tham dự cùng với những phần quà đặc biệt từ nhà tài trợ Bookbuy.vn và Viện CMA cũng đã được cho những người tham dự may mắn.

[spacer]
Cuối chương trình, họa sĩ Kim Chi cũng dành thêm một lời khuyên cho các bạn trẻ: “Cho dù có bất kì ai phán xét bạn như thế nào đi nữa, nếu đã chọn đi theo ngành nghề vẽ truyện tranh này thì các bạn hãy luyện tập vẽ hết mình và rồi thành công sẽ đến với các bạn”.

 Vũ Thu Hà