“Tạo Ảnh AI Theo Phong Cách Ghibli Có Vi Phạm Bản Quyền Không?”: Bất Ngờ Với Câu Trả Lời Của Nhật Bản

“Tạo Ảnh AI Theo Phong Cách Ghibli Có Vi Phạm Bản Quyền Không?”: Bất Ngờ Với Câu Trả Lời Của Nhật Bản

29/04/2025

Gần đây, mạng xã hội rộ lên trào lưu sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo hình ảnh theo phong cách Ghibli. Những bức tranh phong cảnh mang màu sắc nhẹ nhàng cùng nhân vật kỳ dị đã làm nổ ra những cuộc tranh luận nảy lửa trên mạng xã hội. Chính phủ Nhật Bản hiện đã phản hồi và câu trả lời của họ thu hút nhiều sự chú ý.

Nhật Bản cho rằng chỉ dừng lại ở sao chép phong cách thì không vi phạm bản quyền

Vào ngày 16/4/2025, Yoshihiko Nakahara, một cán bộ cấp chiến lược tại Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (MEXT), đã đề cập vấn đề này trong một phiên họp của ủy ban Hạ viện.

Khi Masado Emi thuộc Đảng Dân chủ Lập hiến chất vấn rằng hình ảnh do AI tạo ra theo phong cách Ghibli có vi phạm bản quyền hay không.

Nakahara đã trả lời như sau:

Nếu chỉ giống nhau về mặt phong cách hoặc ý tưởng thì không bị coi là vi phạm bản quyền”.

Tuyên bố trên xua tan đi mọi hoài nghi về việc tạo hình ảnh AI theo phong cách Ghibli có gây ra vấn đề pháp lý hay không. Ông cho rằng phán quyết cuối cùng về vấn đề này vẫn thuộc về tòa án. Vì vậy, đây là quan điểm chung, không phải sự bảo đảm chắc chắn.

Sự khác biệt giữa phong cách và nội dung

Nakahara giải thích rằng luật bản quyền Nhật Bản chỉ bảo vệ bản quyền đối với tác phẩm gốc, không phải hình thức chung hay phong cách nghệ thuật. Điều này có nghĩa việc sử dụng những đặc điểm chung như bối cảnh huyền ảo, ánh sáng dịu nhẹ, hay nhân vật trẻ con sẽ không tự động được tính là sao chép.

Vấn đề pháp lý chỉ nảy sinh khi hình ảnh AI sao chép nội dung thực tế của Ghibli, chẳng hạn như nhân vật được nhiều người biết đến, cảnh phim cụ thể, hoặc bố cục độc đáo. Đây là những nội dung được bảo vệ theo luật bản quyền.

Ví dụ đơn giản thế này cho dễ hiểu:

+ Có thể không vi phạm bản quyền: Khu rừng huyền ảo mang chủ đề hoặc màu sắc giống như Ghibli.

+ Có thể vi phạm bản quyền: Hình ảnh do AI tạo ra tái hiện gần như trọn vẹn khoảnh khắc trong My Neighbor Totoro hoặc Spirited Away.

Emi tóm tắt lại như sau:

Miễn là chỉ giống nhau về mặt phong cách hoặc ý tưởng thì không vi phạm bản quyền, nhưng nếu được công nhận là của Ghibli, thì nó sẽ là hành vi vi phạm bản quyền”.

Tranh luận này không phải tự nhiên mà có. Vào ngày 25/3/2025, OpenAI chính thức tung ra tính năng tạo ảnh mới cho ChatGPT. Đột nhiên, bất kỳ ai cũng có thể nhập đoạn mô tả ngắn và nhận về hình ảnh chi tiết theo bất kỳ phong cách nào.

Ghibli tự nhiên trở thành một trong những câu lệnh được sử dụng nhiều nhất. Nó chẳng những quen thuộc, độc đáo về mặt hình ảnh, mà còn được nhiều người yêu thích. Không bao lâu sau, những nền tảng như Instagram và X (trước đây là Twitter) tràn ngập hình ảnh do AI tạo ra theo phong cách Ghibli.

Nhiều người yêu thích sự sáng tạo này, trong khi số khác bắt đầu đặt câu hỏi nghiêm túc rằng loại nội dung này có vi phạm luật bản quyền hay không.

Hayao Miyazaki, nhà đồng sáng lập Studio Ghibli, không có hứng thú với trào lưu này. Được biết là người luôn tâm huyết với hoạt hình vẽ tay, Miyazaki lên tiếng phản đối mạnh mẽ nội dung do AI tạo ra.

Vào năm 2016, trong một tập phim tài liệu, ông phản ứng gay gắt khi xem đoạn phim hoạt hình AI thử nghiệm.

“Đây là sự xúc phạm đến cuộc sống”.

Ông bày tỏ mối quan ngại về việc tác phẩm do AI tạo ra thiếu đi ý nghĩa, cảm xúc và trải nghiệm cá nhân mà ông tin là cần thiết cho nghệ thuật. Theo ông, sự nỗ lực của con người mới là thứ mang lại giá trị cho nghệ thuật. Những cuộc tranh luận đang diễn ra đều xoay quanh quan điểm này.

Bên cạnh bản quyền, trào lưu tạo ảnh AI theo phong cách Ghibli còn làm dấy lên mối lo ngại về đạo đức. Một số người sử dụng phong cách Ghibli để tạo ảnh AI về những chủ đề nghiêm túc hoặc nhạy cảm, kể cả các sự kiện lịch sử. Những hình ảnh này bị nhiều người cho là không phù hợp và vô nghĩa.

Hiện tại, lập trường của Nhật Bản về sao chép phong cách nghệ thuật bằng AI là không vi phạm bản quyền. Nhưng sao chép nhân vật hoặc cảnh phim cụ thể lại là chuyện khác và có thể bị coi là vi phạm bản quyền.

Vấn đề này không chỉ giới hạn ở Nhật Bản. Mỗi quốc gia đều đang tìm cách áp dụng luật bản quyền cho công cụ AI có khả năng sáng tạo nội dung chân thực, chi tiết chỉ bằng một câu lệnh. Và vấn đề vẫn sẽ tiếp tục xuất hiện khi AI ngày càng trở lên phổ biến trong lĩnh vực sáng tạo.

Nguồn: Anime Senpai

Dịch: Toàn Vũ