Các nhà sáng tạo bật mí cách họ ứng dụng AI vào thiết kế nghệ thuật, xây dựng ý tưởng, tạo nguyên mẫu và còn nhiều nữa.
Bạn có bao giờ thắc mắc làm thế nào để ứng dụng AI vào nghệ thuật và thiết kế? AI không chỉ được ứng dụng cho sáng tạo nghệ thuật. Nhiều nhà sáng tạo còn sử dụng AI vào mục đích hỗ trợ quy trình sáng tạo theo nhiều cách khác nhau. Trong bài viết này, chúng tôi trò chuyện với một số họa sĩ và nhà thiết kế chuyên nghiệp – những người đang hàng ngày, hàng giờ làm điều đó – đồng thời chỉ ra những tiềm năng và hạn chế của AI.
Tuy nhiên, bạn có thể không mấy thiện cảm với AI và chỉ muốn nó biến mất. Vâng, thành thật mà nói, điều đó sẽ không bao giờ xảy ra. AI vẫn hiện hữu và nó sẽ tồn tại mãi mãi.
Đơn cử một vài ví dụ…. ChatGPT vượt mốc 1 tỷ người dùng vào tháng 3/2023. Một ca khúc hit bị xóa khỏi nền tảng phát trực tuyến do sử dụng AI để giả giọng của Drake và The Weeknd. Giới trẻ khắp nơi trên thế giới phát cuồng với công cụ AI mới của Snapchat. Google, Microsoft và nhiều công ty khác “chạy đua” tích hợp AI vào công cụ tìm kiếm và phần mềm. Ngay cả Adobe cũng nhập cuộc, trình làng nền tảng nghệ thuật AI của riêng mình, Firefly.
Các nhà sáng tạo đã ứng dụng AI vào thiết kế nghệ thuật như thế nào? Và cách sử dụng AI để cải thiện quy trình làm việc
Công nghệ AI mở ra vô vàn khả năng sáng tạo, song nó cũng đe dọa kế sinh nhai của nhiều nhà sáng tạo. Hiện tại, ngay cả những công cụ tạo hình ảnh AI tốt nhất vẫn còn nhiều hạn chế, thể hiện qua những tác phẩm AI kỳ lạ. Tuy nhiên, công nghệ được cải tiến không ngừng nghỉ, rồi đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ không phân biệt được tác phẩm do AI hay con người tạo ra. Và điều đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia và họa sĩ minh họa.
Tuy nhiên, đó chỉ là một vế của vấn đề. Cũng như bao đột phá công nghệ khác, AI có khả năng cắt giảm phần việc nhàm chán, giúp chúng ta tiết kiệm thời gian, tiền bạc, và rảnh tay để tập trung vào tưởng tượng sáng tạo. Trên thực tế, nhiều người đã làm như vậy.
Trong bài viết này, chúng tôi trò chuyện với một số người trong số họ, đồng thời khám phá 7 cách sử dụng công cụ AI để cải thiện quy trình thiết kế nghệ thuật.
1. Giảm bớt công việc hành chính
AI có khả năng làm được nhiều việc như vẽ tranh, viết bài, làm giả ảnh chụp. Nhưng hiện tại, nó đang tạo ra sự khác biệt đáng kể trong lĩnh vực ít hấp dẫn như tự động hóa email, chuẩn bị biên bản hội nghị qua Zoom.
“AI cho phép nhà sáng tạo làm việc thông minh hơn, chứ không phải chăm chỉ hơn”, Amy Ramage, nhà sáng lập kiêm giám đốc sáng tạo tại Célibataire, cho biết. Ví dụ, chúng ta sử dụng ứng dụng AI để thực hiện những công việc như ghi chép cuộc họp, sự kiện. Đây là công việc không đòi hỏi nhiều về kỹ năng. Tuy nhiên, làm vậy sẽ cho nhà sáng tạo thời gian và không gian để làm những việc thú vị khác: thiết kế, phát triển chiến lược. Những công cụ hỗ trợ ghi chép phổ biến là Rev và Otter.ai.
2. Nhen nhóm lửa sáng tạo
Những hình ảnh AI chưa đủ sức cho ra đời tác phẩm hoàn thiện. Nhưng các ê-kíp tại công ty quảng cáo thấy chúng hữu ích trong giai đoạn đầu của quy trình thiết kế. Amy cho biết, “Hiện tại, nhóm chúng tôi đang tạo hình ảnh thử nghiệm bằng Wedia.ai và mong muốn áp dụng nó rộng rãi hơn”.
“Chúng tôi phải có ý tưởng sáng tạo liên tục. Vì vậy, mọi người đều “bí” ý tưởng tại một thời điểm nào đó”, cô cho biết. “AI thực sự là ‘cứu cánh’ đối với chúng tôi, nhờ nó có khả năng tạo nội dung và nhen lửa sáng tạo. Kết hợp với AI làm thông dòng chảy sáng tạo không phải là điều xấu. Ngược lại, tôi nghĩ nó giúp các nhà thiết kế làm tốt hơn công việc của mình”.
Kieran Ainsworth, nhà sáng tạo nội dung tại công ty truyền thông sáng tạo Krow Group, cho biết họ đã áp dụng cách tiếp cận tương tự. “Midjourney thật tuyệt vời khi được sử dụng trong giai đoạn lên ý tưởng. Nó thực sự hữu ích khi tìm kiếm hình ảnh tham khảo. Nếu chúng không có trên Getty hoặc Shutterstock, bạn tạo hình ảnh của riêng mình và bán ý tưởng cho khách hàng”.
3. Giới hạn các lựa chọn một cách có chủ ý
Nghệ thuật AI khá đơn sơ, nhưng đó chính là điều mà David Clancy-Smith, giám đốc thiết kế tại công ty quảng cáo Free The Birds, đang hướng tới. “Trái với kỳ vọng, khả năng cung cấp điểm xuất phát của AI thực sự thúc đẩy sự sáng tạo”, ông chỉ rõ.
“Bằng cách thách thức các chuẩn mực và thúc đẩy tư duy phản biện, AI đóng vai trò là chất xúc tác cho những ý tưởng khác biệt. Các nhà thiết kế bứt phá khỏi khuôn mẫu truyền thống, thể hiện khái niệm quen thuộc dưới góc nhìn mới lạ. Sự tương tác giữa cái cũ và cái mới dẫn đến những giải pháp mới mẻ, hấp dẫn, kết hợp giữa gợi ý của AI với trực giác sáng tạo của con người”.
4. Thử nghiệm
Theo Dan Bacon, giám đốc điều hành sáng tạo tại 20ten, AI là phương cách hữu hiệu để thử nghiệm các phương pháp tiếp cận trực quan khác nhau. “Trong quá trình phát triển nghệ thuật cho ngành game và điện ảnh, chúng tôi thử nghiệm nhanh bảng màu, góc độ, hoặc ánh sáng để xem mọi thứ có ăn nhập với nhau hay không trước khi đưa ra phản hồi cuối cùng”, ông giải thích. “Nó gần như đã trở thành công cụ tìm kiếm trực quan, giúp chúng tôi phác thảo ý tưởng trước khi chụp kết quả cuối cùng”.
“AI cũng mang đến cho chúng tôi sự linh hoạt trong lĩnh vực kỹ thuật số,” ông nói thêm. “Có thể nó vẫn chưa ở vị trí xuất phát, nhưng với tư cách là công cụ thử nghiệm, nó nhanh chóng trở thành cái gì đó rất thú vị và là một phần trong bộ công cụ của studio, giống như Photoshop, After Effects và Cinema 4D”.
Mark Vatsel, giám đốc điều hành sáng tạo tại UNIT9, kể câu chuyện tương tự. “AI giúp chúng tôi tạo hình ảnh mãn nhãn, giàu cảm xúc, phù hợp với bản brief. Nhờ đó, giảm đáng kể việc ‘thử và sai’ vốn mất nhiều thời gian trong quá trình thiết kế”, ông giải thích. “Nhờ năng lực công nghệ, chúng tôi có thể đánh giá ngay lập tức tính khả thi của bất kỳ giải pháp nào”.
“Midjourney v5 đã cách mạng hóa quy trình sáng tạo của chúng tôi bằng cách đóng vai trò là đối tác động não hiệu quả, cho phép chúng tôi tạo ra và chỉnh sửa các ý tưởng với tốc độ nhanh hơn”, ông nói thêm. “Toàn bộ nhóm thiết kế của chúng tôi hiện đã được kết nối với Midjourney v5 và chúng tôi nhận thấy nhiều thử nghiệm và ý tưởng hơn trên toàn bộ hệ thống. Một nhà thiết kế thậm chí còn sử dụng kết hợp ChatGPT với nó để tạo lời nhắc hiệu quả hơn và có được kết quả tốt hơn”.
5. Tạo văn bản
Nói về ứng dụng ChatGPT trên iOS, thiết kế thường gắn liền với hình và chữ. Ví dụ, nó hữu ích khi bạn thiết kế website. Vì vậy, nhiều nhà thiết kế thấy rằng văn bản do AI tạo ra là một bước đệm ở giai đoạn tạo mẫu.
Ngay cả nhà sáng tạo nội dung chuyên nghiệp cũng sử dụng AI. Cũng giống như nghệ thuật AI, nó không cung cấp thành phẩm, mà chỉ cho bạn điểm xuất phát. Kieran là một trong số đó. “Là nhà sáng tạo nội dung, tôi sẽ không nói dối – AI khiến tôi sợ theo kiểu ‘gà tây bỏ phiếu ủng hộ Giáng sinh’(*),” anh thừa nhận. “Nhưng sau khi dùng thử một vài công cụ, tôi thấy chúng hữu ích cho giai đoạn lên ý tưởng ban đầu”.
Trong một dự án, anh đã sử dụng ChatGPT để giúp xây dựng kịch bản về một nhân vật nổi tiếng. “Không phải để viết kịch bản thực tế: Tôi đã làm điều đó. Nhưng ChatGPT có khả năng viết lại lời của bạn, đóng vai trò là giọng điệu của người khác. Thú thật, kết quả thường tệ đến mức kinh ngạc – nhưng bạn sẽ có được những câu chữ đắt giá giúp xây dựng kịch bản của riêng mình. Ngoài ra, ChatGPT còn giúp khơi gợi sự sáng tạo khi tôi “bí” ý tưởng vào chiều thứ sáu qua”.
(*) ‘Turkeys voting for Christmas’ là một thành ngữ tiếng Anh được sử dụng như một phép ẩn dụ cho một tình huống trong đó một lựa chọn được đưa ra rõ ràng là chống lại lợi ích cá nhân của một người.
6. Hỗ trợ pitching
Vào năm 2023, tất cả chúng tôi đều chịu áp lực nặng nề khi phải pitching và triển khai ý tưởng nhanh hơn bao giờ hết. Và đó cũng là lý do khiến AI trở thành “cứu cánh”.
“Trong thế giới thiết kế nghệ thuật, AI giúp giảm bớt áp lực về thời gian pitching”, Dan nói. “Hơn nữa, nó còn cho nhóm chúng tôi sự tự do thử nghiệm điều gì đó hơi khác thường, có thể điên rồ hoặc thiên tài và nhờ đó, chúng tôi pitching thành công. Bằng cách này, nó mang đến cho chúng tôi nhiều cơ hội và sự tự do sáng tạo hơn”.
Điều này đồng nghĩa với việc bạn không mất nhiều thời gian để tạo từ ngữ trực quan hoặc ý tưởng hoàn hảo trước khi quyết định có nên dùng nó hay không.
“Chúng tôi nhanh chóng xác định xem ý tưởng có giá trị hay không, rồi tự tin triển khai cho đến khi đạt kết quả như mong muốn”, Dan cho biết, “Khả năng kiểm tra và triển khai thực sự rất mạnh mẽ, song vẫn cần bộ óc sáng tạo để tiết chế nó trước khi bạn lạc vào mê cung”.
7. Bắt chước chính mình
Người ta đã nói nhiều về việc sử dụng AI để bắt chước phong cách của nghệ sĩ hay nhạc sĩ khác. Nhưng ít ai biết rằng nghệ sĩ cũng sử dụng AI để bắt chước chính mình.
Và điều đó không làm Helen Bellringer, phó giám đốc sáng tạo tại Imagination, ngạc nhiên. “Nghệ thuật luôn dựa vào công nghệ để cho ra những thể loại định hình thời đại”, bà cho biết. “Giống như đàn guitar điện khai sinh ra thể loại nhạc Rock and Roll, đàn synthesiser khai sinh ra âm nhạc điện tử vào thập niên 80, AI khai sinh ra các loại hình nghệ thuật mới vào những năm 2020. Những tiến bộ công nghệ thường vấp phải sự hoài nghi, nhưng những bước phát triển gần đây của AI không phải là điều đáng sợ đối với nghệ sĩ”.
AI có lúc được nghệ sĩ sử dụng như một công cụ, bà chỉ rõ. “Ví dụ, nghệ sĩ kiêm nhà soạn nhạc người Mỹ Herndon xây dựng và đào tạo mô hình AI dựa trên âm nhạc, giọng hát của chính mình và cho ra giọng hát độc đáo, mới mẻ. Cô đặt tên nó là SPAWN và nó đứng sau một trong những album nổi tiếng của cô, Proto. Bằng cách lồng ghép âm nhạc do AI tạo ra vào âm nhạc của mình, cô tạo ra phiên bản nghệ thuật mang đậm bản sắc riêng, hoàn toàn mới mẻ.
Tuy nhiên, phương pháp này không phải không có hạn chế. “Để đào tạo mô hình AI dựa trên phong cách âm nhạc hay hình ảnh, bạn cần có bằng cấp về khoa học máy tính, cùng phần mềm và công nghệ phù hợp, hoặc đủ kinh phí để thuê người có kỹ năng chuyên môn”, bà giải thích. “Hy vọng một ngày nào đó, chúng ta sẽ thấy những tiến bộ trong lĩnh vực AI phá vỡ rào cản gia nhập, đưa AI đến với tất cả mọi người”.
Những hạn chế của AI
Trong khi các nghệ sĩ và nhà thiết kế tìm kiếm công dụng của AI, chúng tôi không muốn tạo ấn tượng rằng mọi thứ đều màu hồng. Hiện tại, những hạn chế của AI vẫn còn khá lớn. Ví dụ, nó có vẻ chưa thực sự tốt về mặt sắp chữ. Và đó là sự thật, Dan cho biết.
“Sắp chữ, phá vỡ quy tắc xuất phát từ tinh thần ‘vô chính phủ’ của thử nghiệm và bản năng”, ông nói. “Đây là điều mà AI phải vật lộn. Các quy tắc đều có thể học được và sắp chữ gắn liền với các quy tắc. Chúng ta được dạy các quy tắc trong quá trình học thiết kế. Kiểu chữ đẹp phá vỡ các quy tắc theo hướng cải thiện hoặc đưa ra tuyên bố. AI làm thế nào hiểu được tại sao ‘phá vỡ quy tắc’ này thành công, ‘phá vỡ quy tắc’ kia xấu tệ?”
“Thật vậy, có rất nhiều nhiệm vụ thiết kế mà AI không thể nào làm tốt. “AI không có sức mạnh của bản năng”, Dan lý luận. “Thiết kế và sáng tạo là lĩnh vực mang tính chủ quan và đó là điều khiến nó vừa đáng sợ vừa thú vị. Có những chiến dịch, những tác phẩm nghệ thuật, những khái niệm quá xuất sắc đến mức không ai lý giải được. Điều tốt nhất chúng ta có thể nói là ai đó ở đâu đó ‘cảm nhận nó’. Thế giới sáng tạo và tiếp thị của chúng ta trở nên phong phú hơn nhờ kết quả đó”.
Tuy nhiên, ông vẫn tin AI có những công dụng của nó. “Nó học hỏi, vay mượn, kết hợp các xu hướng và phong cách mà nó thu thập được từ khắp mọi nơi. Do đó, nó có thể mang đến cho bạn một vài kết quả bất ngờ”, ông lưu ý. “Nhưng chúng vẫn chỉ là các thử nghiệm. Bản năng cảm xúc thường không thể giải thích được. Do đó, AI không thể học được. Tôi nghĩ chúng ta cần khai thác cả hai khi tiến về phía trước”.
Nguồn: Creative Bloq
Dịch: Toàn Vũ