Học vẽ là một thách thức đối với người mới bắt đầu. Có hai phương tiện vẽ chủ yếu – vẽ kỹ thuật số và vẽ truyền thống. Bạn có lẽ bối rối không biết nên bắt đầu với phương tiện nào và phương tiện nào tốt hơn phương tiện nào.
Khác với suy nghĩ của nhiều người, bạn không nhất thiết phải vẽ giỏi theo cách truyền thống để trở thành họa sĩ kỹ thuật số. Sự khác biệt chủ yếu giữa vẽ kỹ thuật số và vẽ truyền thống nằm ở phương tiện vẽ. Cả hai đều có những ưu và nhược điểm riêng ảnh hưởng đến quyết định học vẽ của bạn.
Nếu dự định trở thành họa sĩ chuyên nghiệp, bạn có một lựa chọn là học vẽ kỹ thuật số. Hầu hết các công ty đều yêu cầu họa sĩ làm việc có năng suất, chất lượng, hiệu quả. Do việc này dễ thực hiện bằng kỹ thuật số, nên phần mềm vẽ và bảng vẽ rất được họa sĩ chuyên nghiệp ưa chuộng.
Vẽ truyền thống
Khi nói về chủ đề vẽ, chúng ta lập tức nghĩ ngay đến việc học vẽ theo cách truyền thống. Vẽ truyền thống có vẻ tự nhiên hơn nhiều so với vẽ kỹ thuật số. Và nó cũng không tốn nhiều chi phí ban đầu. Bạn chỉ cần có giấy bút là bắt tay vào vẽ được rồi.
Hầu hết họa sĩ trẻ mới “chập chững” vào nghề đều vẽ theo cách truyền thống. Các nguyên tắc nghệ thuật cơ bản, các khái niệm như đổ bóng, phối cảnh, giải phẫu,… đều dễ hiểu, dễ học.
Hơn nữa, vẽ theo cách truyền thống cũng giúp bạn hiểu rõ các khái niệm nghệ thuật nói chung. Bạn biết mình không thể “hoàn tác” nếu vẽ sai trên giấy. Điều đó giúp bạn hiểu rõ cách sửa lỗi, dẫn đến đột phá trong tìm hiểu các nguyên tắc nghệ thuật cơ bản.
Tuy nhiên, về lâu dài, bạn rất khó duy trì kỹ năng vẽ truyền thống trên con đường chuyên nghiệp. Vẽ theo cách truyền thống ngày càng tốn kém. Nó hạn chế cơ hội khám phá kỹ thuật mới, thử nghiệm nhiều chất liệu khác nhau.
Bạn luôn đứng trước nguy cơ lãng phí giấy, chi quá nhiều tiền cho vật liệu vẽ và nếu lỡ tay đánh đổ nước cũng đủ làm hỏng tác phẩm. Ngoài ra, rất khó tạo nhanh nhiều tác phẩm nghệ thuật. Khả năng sử dụng bảng vẽ cùng phần mềm như Photoshop sẽ giúp quá trình vẽ diễn ra nhanh hơn.
Vẽ kỹ thuật số
Bạn có lẽ thích vẽ theo cách truyền thống hơn là vẽ kỹ thuật số. Tuy nhiên, vẽ kỹ thuật số lại nhanh hơn rất nhiều.
Nói đến vẽ chì đơn giản, giấy bút là thứ đầu tiên bạn cần có trong tay. Nhưng khi các bức vẽ càng trở nên phức tạp hơn, bạn sẽ thấy mình liên tục tìm đến màu nước, cọ vẽ và khung tranh.
Điều này giúp vẽ kỹ thuật số dễ dàng lọt vào “mắt xanh” của bạn, vì bạn có tất cả mọi thứ mình cần trong một phần mềm vẽ tiện dụng. Bạn sẽ không phải tức tốc chạy ra siêu thị mỗi khi hết vật liệu vẽ tranh, hoặc bút marker hết mực.
Hơn nữa, nó còn cho bạn cơ hội thử nghiệm nhiều thủ thuật vẽ kỹ thuật số khác nhau. Nhờ cọ vẽ tùy chỉnh, bạn có thể tạo hiệu ứng giống hệt như khi vẽ bằng chất liệu truyền thống.
Đến nay, học vẽ kỹ thuật số dường như là một sự lựa chọn hiển nhiên. Tuy nhiên, vẫn có một số trở ngại khiến người mới bắt đầu phải chần chừ, e ngại.
Vẽ kỹ thuật số đòi hỏi cả một quá trình khổ luyện lâu dài khi bạn mới bắt đầu. Bạn đa phần vẽ bằng bảng vẽ điện tử. Và trừ khi có tiền để mua bảng vẽ màn hình, bạn cần rèn luyện kỹ năng phối hợp tai và mắt.
Vẽ bằng bảng vẽ khác với vẽ bằng giấy bút truyền thống. Khi bạn vẽ trên giấy, nét vẽ sẽ xuất hiện ở nơi bạn đặt bút. Vì vậy, nó mang tính trực quan, tự nhiên. Nhưng với bảng vẽ, bạn sẽ vẽ trên tấm bảng đặt trước mặt và nét vẽ sẽ hiển thị trên màn hình thiết bị. Do đó, khi vẽ, bạn không biết chính xác nét vẽ sẽ xuất hiện ở đâu.
Điều này có thể dẫn đến chán nản, thất vọng và cuối cùng là bỏ cuộc trước khi kịp hiểu rõ vấn đề. Bạn cần khổ luyện để thành thạo bất kể vẽ bằng phương tiện nào.
Nói đến vẽ kỹ thuật số, bạn không chỉ thực hành kỹ thuật mà còn phải tìm hiểu về phím tắt , lực nhấn bút, độ nhạy, độ mờ, chế độ hòa trộn,… Ngoài ra, bạn còn phải học sử dụng phần mềm vẽ kỹ thuật số thông dụng như Photoshop. Chỉ riêng phần mềm này đã sở hữu hơn 70 công cụ khác nhau.
Tất cả những điều này có thể gây choáng ngợp cho những ai mới chuyển từ vẽ truyền thống sang vẽ kỹ thuật số. Nhưng một khi đã có nền tảng vững chắc, bạn có thể tiến xa trên con đường đã chọn.
Cách lựa chọn bảng vẽ cho người mới bắt đầu
Khi mới bắt đầu, việc bạn mua bảng vẽ nào không quá quan trọng. Nếu không thử, bạn sẽ không bao giờ biết bảng vẽ nào phù hợp với mình nhất. Vì vậy, ban đầu đừng cố chi quá nhiều tiền cho bảng vẽ. Mua bảng vẽ giá rẻ chất lượng kèm theo phần mềm vẽ là bước khởi đầu hoàn hảo cho hành trình học vẽ kỹ thuật số.
Trong số những bảng vẽ tốt nhất cho người mới bắt đầu có Wacom Intuos và Huion H610. Đây là hai thương hiệu bảng vẽ nổi tiếng được họa sĩ chuyên nghiệp tin dùng. Chúng có mức giá phải chăng, bền bỉ, sở hữu nhiều tính năng tiên tiến và phù hợp với người mới bắt đầu.
Chắc hẳn bạn cũng thắc mắc không biết bảng vẽ có đáng mua với người mới bắt đầu hay không? Hãy đọc bài viết này để được giải đáp mọi vấn đề.
Tôi có nên học vẽ theo cách truyền thống trước khi chuyển sang vẽ kỹ thuật số hay không?
Đến lúc này, bạn đã nắm rõ ưu nhược điểm của vẽ truyền thống và vẽ kỹ thuật số. Nhưng bạn sẽ tự hỏi, có nên học vẽ theo cách truyền thống trước khi chuyển sang vẽ kỹ thuật số hay không?
Khởi đầu với phương tiện nào cũng được, nhưng học vẽ theo cách truyền thống trước sẽ trang bị cho bạn kỹ năng cần thiết để bắt đầu hành trình học vẽ kỹ thuật số. Nhưng cho dù bạn chọn con đường nào, bạn vẫn cần phải khổ luyện.
Thông qua kiên trì luyện tập, cuối cùng bạn sẽ vẽ được như một người chuyên nghiệp. Bạn cũng nên xem xét phương tiện nào khiến bạn quan tâm hơn. Nếu bạn cảm thấy không hào hứng với việc học vẽ theo cách truyền thống, thì điều đó cũng không có giá trị. Vì vậy, tốt hơn hết là khởi đầu với cái mà bạn sẽ gắn bó và dành hết tâm huyết cho nó.
Nên học vẽ nào trước cho người mới bắt đầu?
Tóm lại, vẽ truyền thống là con đường để khám phá các nguyên tắc nghệ thuật cơ bản. Tuy nhiên, khi đã là họa sĩ chuyên nghiệp, thì sớm muộn gì bạn cũng phải học vẽ kỹ thuật số, vì nó nhanh và hiệu quả hơn. Tất nhiên, điều này chỉ áp dụng cho lĩnh vực hoạt hình, truyện tranh và thiết kế đồ họa mà thôi.
Nhưng bất kể bạn chọn lĩnh vực nào, yếu tố chính dẫn đến thành công vẫn là luyện tập. Nhờ kiên trì rèn luyện kỹ năng vẽ, bạn cho phép mình trở thành họa sĩ bậc thầy – truyền thống hoặc kỹ thuật số.
Nguồn: Mediacaterer
Dịch: Toàn Vũ