Muốn Theo Nghề Họa Sĩ Minh Họa Chuyên Nghiệp Thì Phải Làm Thế Nào?

Muốn Theo Nghề Họa Sĩ Minh Họa Chuyên Nghiệp Thì Phải Làm Thế Nào?

12/07/2024

Bạn trau dồi kỹ năng và tạo nên những kiệt tác nghệ thuật, nhưng bước tiếp theo là gì? Tạo porfolio và thể hiện các tác phẩm nghệ thuật là bước giúp bạn trở thành họa sĩ minh họa chuyên nghiệp toàn thời gian.

Trở thành họa sĩ minh họa chuyên nghiệp không chỉ là nghệ thuật

Bất kể bạn vừa tốt nghiệp trường nghệ thuật hay đang tìm hướng đi mới trên con đường sự nghiệp, bước chân vào nghệ họa sĩ minh họa chuyên nghiệp là thể hiện tốt tác phẩm của mình.

Xác định lĩnh vực cần tập trung để giúp định hình phong cách cá nhân

Bất kể bạn muốn theo đuổi nghề minh họa sách, mỹ thuật, minh họa biên tập, hay thậm chí vẽ thiệp chúc mừng, việc hiểu rõ mục tiêu và mài giũa phong cách để hướng tới mục tiêu đó sẽ giúp bạn tập trung hơn.

“Tập trung 100%”, họa sĩ minh họa truyện tranh Jen Bartel cho biết. “Nhiều họa sĩ minh họa không phải là người vẽ giỏi nhất, nhưng họ có lập trường vững chắc. Họ có tác phẩm nhìn vào là nhận ra ngay. Nếu bạn muốn theo đuổi nghề minh họa, điều đầu tiên bạn cần là một tác phẩm phù hợp”.

Bạn có khả năng vẽ mọi thứ, từ vẽ chân dung tả thực đến vẽ kỹ thuật số siêu thực. Tuy nhiên, vẽ được mọi thứ đôi khi gây hiểu lầm cho khách hàng tiềm năng. Nó khiến bạn đi trệch khỏi những gì mình thực sự muốn làm.

“Tôi có nhiều khách hàng thích hình ảnh minh họa bằng chì theo lối fantasy”, họa sĩ sáng tác tiểu thuyết hình ảnh Ethan Young cho biết. “Tôi không ghét việc vẽ chúng, nhưng niềm đam mê của tôi lại ở chỗ khác. Cuối cùng, tôi quyết định, ‘Mình cần tập trung nhiều hơn vào truyện tranh. Đó là cái mình yêu thích’.”

Cách tạo và nội dung cần đưa vào portfolio

“Nếu bạn muốn theo đuổi nghề yêu thích, hãy tạo portfolio về những điều bạn yêu thích”, họa sĩ Mildred Louis chia sẻ. “Hãy đưa loại hình công việc bạn muốn làm vào portfolio”.

Lời khuyên tuy đơn giản nhưng hợp tình hợp lý. Portfolio chính là sơ yếu lý lịch của bạn. Vì vậy, hãy trình bày công việc bạn muốn được thuê làm. Bạn tuy cần công việc không phù hợp với mục tiêu sáng tạo vì lý do mưu sinh, nhưng khi tạo portfolio, bạn cần kiên trì với mục tiêu của mình. Bartel, người từng làm việc trong lĩnh vực khác trước khi theo nghề truyện tranh, giải thích lợi ích của việc tạo portfolio.

“Hãy đưa loại hình công việc bạn muốn làm vào portfolio”

Cô nói, “Trong trường hợp của tôi, tôi biết mình mê vẽ bìa truyện tranh. Vì vậy, tôi cố gắng hết sức để vẽ hình minh họa giống như bìa truyện tranh”.

Đây là sự nghiệp của bạn. Vì vậy, hãy chuẩn bị cho những gì bạn muốn. Thu hẹp trọng tâm của portfolio sẽ giúp giám đốc nghệ thuật xác định chuyên môn của bạn. Tuy nhiên, nếu muốn tham gia nhiều dự án khác nhau, bạn áp dụng cách tiếp cận khác.

“Tôi muốn thể hiện sự đa tài trong công việc”, nhà thiết kế kiêm họa sĩ minh họa Lenore Ooyevaar cho biết. “Tôi muốn chứng minh mình có thể làm được mọi thứ. Do đó, tôi sẽ được giao nhiều dự án hơn”.

Sau đây là một số mẹo tạo portfolio:

1. Tính khả dụng: Bạn cần chuyển portfolio cho khách hàng tiềm năng. Tuy nhiên, bạn cũng cần có sẵn tác phẩm trên website portfolio để xây dựng cơ sở dữ liệu khách hàng. Bảo đảm portfolio chứa đựng tác phẩm mới, phản ánh khả năng của bạn – tác phẩm bạn muốn được thuê vẽ – và đừng quên ghi lại thông tin liên hệ.

2. Loại hình công việc: Cho nhà tuyển dụng tiềm năng biết bạn chuyên về lĩnh vực nào, rồi tập trung vào nó. Nếu bạn chọn giới thiệu nhiều hơn, hãy bảo đảm đó là công việc bạn muốn được thuê làm. Portfolio giống như một thực đơn – chỉ liệt kê những món bạn muốn thực khách sẽ đặt.

3. Khả năng truy cập: Giám đốc nghệ thuật là người bận rộn, nên ông ta không có nhiều thời gian để xem portfolio. Vì vậy, bạn cần sử dụng tác phẩm nguyên cỡ (thay vì dưới dạng ảnh thumbnail phải nhấp vào) trên website portfolio. Ngoài ra, cũng cần tối ưu hóa kích thước file cho website để tải hình ảnh nhanh hơn.

4. Đo lường kỳ vọng: Mặc dù tác phẩm mất nhiều tháng để hoàn thành sẽ chứng minh tài năng của bạn, nhưng nó không phải là minh chứng thực tế cho tác phẩm phải hoàn thành đúng hạn. Đừng đăng tải tác phẩm kém chất lượng chỉ để thêm nội dung. “Nếu bạn mới bắt đầu và không có nhiều tác phẩm trong tay, thì chỉ nên đăng tải tác phẩm chất lượng nhất mà thôi”, Ooyevaar nói. “Đừng chạy theo số lượng mà xem nhẹ chất lượng”.

Tham khảo portfolio của các họa sĩ minh họa trên Behance nếu bạn muốn lấy cảm hứng và định hướng nghề nghiệp.

Nỗ lực xây dựng website portfolio chất lượng sẽ được đền đáp xứng đáng. Đây thường là yếu tố cần cân nhắc khi bạn xin việc.

“Sẽ không có cuộc phỏng vấn nào cả khi bạn làm việc tự do trong ngành công nghiệp sáng tạo”, Bartel giải thích. “Tâm lý chung là, “Hãy cho tôi thấy anh/chị có thể làm được việc này thông qua portfolio của anh/chị, rồi tôi sẽ thuê anh/chị”. Tác phẩm chính là cuộc phỏng vấn của bạn.

Những điều cần lưu ý khi làm việc với khách hàng và giám đốc nghệ thuật

Bạn nỗ lực một để tạo portfolio phục vụ cho mục đích của mình, nhưng để xây dựng mạng lưới quan hệ, bạn bắt buộc phải nỗ lực gấp mười. Mọi việc từ gõ cửa từng nhà đến gửi email chào hàng, thu hút người theo dõi trên mạng xã hội, kết nối với giám đốc nghệ thuật và nhà tuyển dụng – hoặc tìm người đại diện – đều đòi hỏi rất nhiều công sức.

Sau khi được thuê làm, bước tiếp theo là quản lý giao tiếp với khách hàng, từ kỳ vọng của khách hàng cho đến xác định chính xác yêu cầu của họ.

“Cần hiểu rõ mong muốn của khách hàng và họa sĩ minh họa sẽ cung cấp gì cho khách hàng”, Ooyevaar nói. “Tôi từng lâm vào tình huống khách hàng không nói rõ yêu cầu, hoặc không biết mình muốn gì. Vì vậy, tôi đưa ra giả định và không giải thích rõ những gì mình sẽ cung cấp. Kỳ vọng đặt ra cần minh bạch, rõ ràng”.

“Đúng thời hạn. Đây là lý do số một khiến các biên tập viên và giám đốc nghệ thuật quay lại với tôi”

Người ta thuê họa sĩ khi có nhu cầu. Họ thích phong cách của bạn và điều này dẫn đến cuộc nói chuyện. Tuy nhiên, họ cũng có thể tìm kiếm cái gì đó rất cụ thể. Do đó, cần giao tiếp rõ ràng và đặt nhiều câu hỏi hơn nữa.

“Bạn được gọi đến để giải quyết vấn đề cụ thể”, Chris Kindred giải thích. “Họ biết bạn có tài – nếu không, họ sẽ không gửi email cho bạn. Và nếu bạn làm tốt, sau này, khi có việc mới, họ sẽ liên lạc với bạn.

Mặc dù minh họa và nghệ thuật là lĩnh vực sáng tạo, nhưng nếu muốn thành công trong lĩnh vực này, bạn cần phải chuyên nghiệp.

“Đúng kỳ hạn. Đây là lý do số một khiến các biên tập viên và giám đốc nghệ thuật quay lại với bạn”, Bartel cho biết. “Bảo đảm cập nhật thông tin cho giám đốc nghệ thuật hoặc biên tập viên. Giao tiếp. Nếu đảo ngược vai trò, bạn sẽ đánh giá cao điều gì?”

Nếu bạn giao tiếp tốt và hoàn thành đúng thời hạn, bạn sẽ tạo được nhiều động lực trên con đường trở thành họa sĩ minh họa chuyên nghiệp. “Bạn sẽ phải nhận những công việc mình không thích”, Louis nói. “Nhưng miễn là bạn tập trung vào những điều khiến mình hạnh phúc và tiếp tục vẽ, thì cuối cùng, nó sẽ giúp bạn tiến về phía trước.” Và với động lực đó, sự nghiệp sẽ rộng mở trước mắt bạn.

Nguồn: Adobe

Dịch: Toàn Vũ