Tất cả chúng ta đều có chung mong muốn tạo ra tác phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân, nhưng rồi nỗi lo lắng bắt đầu trỗi dậy… Nên sáng tạo nhân vật như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ trình bày quy trình sáng tạo nhân vật độc đáo, hấp dẫn.
Đầu tiên, hãy nghĩ về những gì bên trong, yếu tố cốt lõi của nhân vật
Tính cách là yếu tố quan trọng nhất tạo nên nhân vật.
Có lẽ bạn nghĩ rằng, “Tôi là họa sĩ minh họa. Tôi không hứng thú với sáng tác manga. Do đó, tôi không cần xây dựng tính cách nhân vật”. Tuy nhiên, chỉ riêng vẻ bề ngoài của nhân vật sẽ không giúp bạn hình dung anh ta đi đứng ra sao, biểu cảm như thế nào.
Vì lý do này, bạn cần xây dựng tính cách nhân vật. Không có nó, bạn dễ đi đến nhân vật giống hệt nhau. Nếu việc thổi hồn vào nhân vật khiến nhân vật trở nên “độc đáo”, thì tính cách nhân vật chính là cái hồn.
Xây dựng tính cách chính và mở rộng ra
Tuy nhiên, ban đầu rất khó xác định đặc điểm tính cách nhân vật. Vì vậy, trước tiên, chúng ta sẽ xác định tính cách chính của nhân vật, rồi từ đó mở rộng ra.
Đầu tiên, bạn cần xác định:
+ Nhân vật sẽ giữ vai trò nào trong câu chuyện? (Nhân vật chính, nhân vật phản diện, nhân vật phụ,…)
+ Nhân vật có lai lịch ra sao? Nhân vật truyện tranh? Nhân vật có cái nhìn sâu sắc về thế giới? Nhân vật được thiết kế dựa trên mô-típ cụ thể?
+ Giới tính, độ tuổi
+ Tính cách
Trong tất cả những điều kể trên, tính cách là quan trọng nhất. Tuy nhiên, chúng ta không nên nhồi nhét quá nhiều ý tưởng cùng một lúc. Thay vào đó, hãy tập trung vào 2 – 3 đặc điểm chính.
Nói một cách ngắn gọn, bạn sẽ mô tả nhân vật như thế nào? Hãy nghĩ đến những đặc điểm tính cách cơ bản như ích kỷ, lạnh lùng, giàu tình cảm, nhiệt tình,… Sau khi xác định xong đặc điểm chính, chúng ta bắt đầu mở rộng ra.
Ví dụ, có thể mở rộng “ích kỷ” ra thành “kén chọn”, “bị người khác ghét bỏ”,… Điều này giúp duy trì tính nhất quán cho nhân vật. Nếu không có tính nhất quán, bạn khó biết nhân vật “tốt bụng” nhưng “nóng tính” sẽ phản ứng ra sao trong tình huống cụ thể. Nó dẫn đến sự hoang mang, bối rối. Và nhân vật khó để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng độc giả.
Xung đột dẫn đến tính cách
Xây dựng tính cách nhân vật và mở rộng ra mới chỉ là bước khởi đầu. Giờ chúng ta chuyển sang yếu tố làm cho nhân vật trở nên hấp dẫn. Đây là nơi chúng ta cần nắm bắt những thay đổi trong tính cách nhân vật và cốt truyện.
Thay đổi trong tính cách dường như là biểu hiện của sự không nhất quán, nhưng nó là thành phần quan trọng tạo chiều sâu cho nhân vật. Khi nhân vật thể hiện mặt đối lập với tính cách chính, chẳng hạn như nhân vật ích kỷ bỗng trở nên kiên nhẫn trong tình huống nhất định, hoặc nhân vật mạnh mẽ đôi khi có phút giây yếu lòng, điều đó khiến nhân vật có vẻ giống con người hơn.
Tuy nhiên, nếu thay đổi quá mức, nó sẽ đe dọa đến yếu tố cốt lõi của nhân vật. Vì vậy, tốt nhất bạn nên tạo mâu thuẫn, xung đột trong tình huống cụ thể như ở ví dụ trên.
Cốt truyện là những trải nghiệm trong quá khứ của nhân vật, cung cấp thông tin cho hiện tại. Ví dụ, hoàn cảnh gia đình, cuộc sống mà nhân vật đã trải qua, bước ngoặt,… Nếu bạn nghĩ đến lai lịch ít ai biết của nhân vật, nó sẽ giúp tạo nền tảng đáng tin cậy cho những hành động ở hiện tại của anh ta.
Ví dụ: nhân vật 16 tuổi. Nhân vật đã trải qua 16 năm cuộc đời như thế nào? Biết điều này sẽ cho phép gắn kết nhân vật với cái gì đó cụ thể. Nhờ đó, càng làm tăng thêm tính chân thực cho nhân vật.
Giờ chúng ta sẽ sáng tạo hai nhân vật gồm một nam và một nữ theo mô-típ giả tưởng.
Chúng ta sẽ biến nhân vật nam thành pháp sư hiền lành, nhân vật nữ thành võ sĩ cao quý. Chúng ta sẽ sáng tạo nhân vật dựa trên đặc điểm tính cách. Việc này sẽ giúp làm nổi bật tính cách nhân vật trong bức vẽ.
Bạn không cần phải có ý tưởng vững chắc ngay từ đầu. Ý tưởng có thể dần định hình trong quá trình vẽ. Vì vậy, đừng quá lo lắng về việc xác định mọi khía cạnh của tính cách nhân vật. Trong lúc vẽ, bạn chắc chắn sẽ nghĩ ra thêm ý tưởng mới và mở rộng ra nữa.
Tạo diện mạo nhân vật
Sau khi xây dựng xong tính cách nhân vật, giờ là lúc chuyển sang phần diện mạo bên ngoài.
Chúng ta sẽ không tạo diện mạo trái ngược với tính cách bên trong nhân vật. Ví dụ, võ sĩ quyền anh theo phong cách Lolita dễ thương, thân thiện có gì đó không ổn. Về mặt lý thuyết, nó đóng vai trò như cú twist, nhưng bề ngoài, nó có vẻ mâu thuẫn.
Mở rộng ý tưởng như đã làm với tính cách.
Những điều cần xác định khi tạo diện mạo nhân vật:
+ Hình dáng cơ thể (chiều cao, cân nặng, vòng ngực, cơ bắp, đặc điểm thể chất)
+ Tóc
+ Trang phục
+ Biểu cảm khuôn mặt, tư thế, chuyển động
Nhân vật nam là pháp sư, nên anh ta sẽ thấp lùn, mặc áo choàng, đeo kính – tất cả đều toát lên vẻ hiền lành, dễ bảo. Nhân vật nữ sẽ mặc đồng phục võ thuật, mang dáng vẻ của người Nhật Bản.
Nếu nhân vật bạn phác thảo tại thời điểm này trông giống như nhân vật thường thấy ở bất cứ đâu, thì không sao cả. Cái chúng ta cần ở giai đoạn này là bản phác thảo thô.
Thể hiện tính cách mạnh mẽ thông qua vẻ bề ngoài
Sau khi xác định xong ý tưởng chính, bạn bắt tay vào trau chuốt trang phục và ngoại hình. Đây là lúc nhân vật của chúng ta sẽ trở thành “nhân vật độc đáo” thay vì chung chung.
Khi vẽ diện mạo bên ngoài, bạn cần tạo cái gì đó hấp dẫn, đáng nhớ với độc giả, chẳng hạn như họa tiết hay phối màu. Ví dụ, nếu họa tiết là bươm bướm, chúng ta thêm chúng vào trang phục và phụ kiện. Ngay cả khi nhân vật mặc đồng phục học sinh tiêu biểu, chúng ta vẫn có thể điểm thêm nét cá tính riêng như kiểu tóc hay món đồ trên tay.
Bạn vẫn cần làm nổi bật đặc điểm này nếu sáng tạo nhân vật dưới dạng chibi. Về ví dụ, bạn xem hình minh họa dưới đây:
Vẽ chuyển động và tư thế phù hợp với đặc điểm tính cách nhân vật. Ví dụ, cô nàng tomboy mặc đồ cho phép vận động thoải mái và đi đứng như con trai.
Chủ nghĩa cá nhân và sự cường điệu
Giờ chúng ta hãy nói về sự cường điệu trong tính cách và ngoại hình.
Đây là tác phẩm hư cấu. Vì vậy, tác phẩm sẽ không hấp dẫn độc giả nếu nó chỉ chứa đựng nhân vật thường thấy ở bất cứ đâu. Nhân vật chính phải có vẻ ngoài hấp dẫn. Giả sử bạn có nhân vật mạnh mẽ nhưng thầm thích những thứ dễ thương. Bạn thể hiện điều này qua kiểu tóc đuôi ngựa bồng bềnh, xõa xuống.
Tư duy theo hướng này sẽ giúp bạn sáng tạo nhân vật đầy cá tính.
Đưa nhân vật vào hoạt động sau khi tạo xong
Vẽ nhân vật với nhiều biểu cảm và tư thế khác nhau.
Vui thì cười, buồn thì khóc. Chúng ta đừng để bị trói buộc vào khuôn mẫu đơn giản này khi tạo biểu cảm cho nhân vật. Tiếng cười, tiếng khóc phải độc nhất vô nhị với từng nhân vật. Hãy tưởng tượng như thế này, chúng ta có nhân vật trầm tính hoặc nhút nhát. Nhân vật có thể không phản ứng như thường thấy. Thay vào đó, anh ta che giấu nỗi e dè sau lớp vỏ bọc nóng tính.
Nếu khó tạo đặc điểm bên ngoài, hãy làm cho tính cách nhân vật trở nên thú vị hơn
Ví dụ, nhân vật mặc đồng phục đặt ra thử thách “khó nhằn” cho việc tạo đặc điểm bên ngoài. Trong trường hợp này, bạn cần tập trung nhiều hơn vào tính cách nhân vật.
Ngoài ra, bạn có thể kết hợp những cảm xúc tinh tế với đặc điểm tính cách để tạo ra cái gì đó đặc biệt. Khởi đầu với một nhân vật. Sau đó, tạo thêm nhân vật, cho tương tác với nhau, phát triển câu chuyện, và tạo ra thế giới mới!
Hãy tận dụng cơ hội này để sáng tạo nhân vật độc đáo, hấp dẫn của riêng bạn.
Nguồn: Art Rocket
Dịch: Toàn Vũ