Nếu bạn dự định trở thành họa sĩ, thì đến một lúc nào đó, bạn nên cân nhắc thử sức với vẽ kỹ thuật số và làm việc với bảng vẽ. Bạn khó lòng sống thiếu nó nếu muốn trở thành họa sĩ vẽ concept.
Nhưng làm thế nào để so sánh giữa vẽ kỹ thuật số và vẽ truyền thống. Nó có đáng để chuyển đổi hay không? Về cơ bản, chúng khác nhau như thế nào? Bài viết sau đây đi sâu so sánh hai phương tiện nghệ thuật này; qua đó, cho bạn cái nhìn tường tận về những gì nhận được khi chuyển sang vẽ kỹ thuật số.
Vẽ kỹ thuật số khác với vẽ truyền thống như thế nào?
Điều dễ nhận thấy đầu tiên khi thử sức với vẽ kỹ thuật số là nó hiệu quả hơn nhiều so với vẽ truyền thống. Vẽ kỹ thuật số đưa bạn đến một thế giới với vô vàn lựa chọn màu sắc và cọ vẽ. Đó là chưa kể đến khả năng hoàn tác và xếp chồng các lớp (layer) lên nhau. Chúng cho bạn sức mạnh tối thượng đối với tác phẩm của mình.
Ngoài ra, vẽ kỹ thuật số còn đi liền với phần mềm thiết kế như Photoshop. Điều này góp phần mang đến cho bạn nhiều sức mạnh hơn nữa ngoài sức mạnh đã có.
Tuy nhiên, đây là giả định bạn vẽ kỹ thuật số thuần thục. Bạn cần vượt qua chặng đường khổ luyện trước khi trình độ vẽ kỹ thuật số đạt đến cảnh giới thượng thừa. Bạn phải mất thời gian để làm quen với độ nhạy của bảng vẽ.
Nếu sử dụng bảng vẽ, bạn sẽ mất thời gian làm quen với việc nhìn màn hình thay vì bề mặt vẽ trong lúc vẽ. Đây có vẻ là sự thay đổi đơn giản, nhưng thực chất không phải vậy.
Phương pháp vẽ quen thuộc của chúng ta là nhìn khung vẽ trong lúc vẽ. Nó bắt nguồn từ thuở sơ khai của loài người, khi con người bắt đầu biết vẽ bích họa trên vách hang động. Vẽ bằng bảng vẽ buộc bạn phải từ bỏ phương pháp vẽ đã ăn sâu vào máu thịt. Nó phải mất một thời gian đối với một số người.
Lời khuyên là đừng bỏ cuộc nếu ban đầu bạn thấy nó thực sự quá khó. Hãy nhớ rằng bạn đang cố gắng chống lại bản năng ăn sâu vào máu thịt. Coldplay từng nói, “Không ai nói đây là chuyện dễ dàng cả…”
Mọi thứ sẽ dễ thở hơn đôi chút nếu bạn sở hữu bảng vẽ tích hợp màn hình LCD. Trong trường hợp này, bạn có thể nhìn bảng vẽ trong lúc vẽ. Việc này tuy mất thời gian để làm quen, nhưng ngắn hơn nhiều so với bảng vẽ đồ họa.
Mẹo giúp học tập dễ dàng hơn là dán giấy lên bề mặt bảng vẽ. Mục đích là mô phỏng bề mặt vẽ truyền thống. Phác họa tác phẩm trên giấy. Sau đó, scan hình, rồi chỉnh sửa kỹ thuật số.
Mẹo này rất hiệu quả. Sau một thời gian, tất cả bắt đầu thấm dần. Và bạn cảm thấy tự nhiên hơn.
Ưu và nhược điểm của việc chuyển sang kỹ thuật số
Ưu điểm
Bạn không cần phải scan hình – Trong trường hợp vẽ nhiều concept art, hoặc cần chỉnh sửa kỹ thuật số trước khi đưa vào sản xuất, vẽ kỹ thuật số giúp bạn tiết kiệm bước scan hình. Bạn sáng tạo nghệ thuật, chỉnh sửa, và trình bày cùng một chỗ, nên sẽ thuận tiện hơn.
Vẽ kỹ thuật số mở ra nhiều khả năng hơn – Còn nhớ ở trên có nói vẽ kỹ thuật số cho bạn sức mạnh tối thượng hay không? Không nói quá đâu. Khả năng của vẽ kỹ thuật số là gần như vô tận. Bạn có thể chia tỷ lệ bản vẽ, di chuyển, chỉnh sửa và chọn màu. Bạn có thể đưa bản phác thảo, hình ảnh tham khảo và đủ thứ khác vào. Thuận tiện, không mất nhiều thời gian như cách truyền thống.
Khả năng hoàn tác – Một ưu thế khác của vẽ kỹ thuật số là bạn có thể hoàn tác nhanh gọn. Bạn không thể nhấn nút Undo nếu vẽ trên giấy. Cách khắc phục thường thấy nhất (không nhất thiết phải nhanh gọn) là xóa đi, vẽ lại hoặc thay khung vẽ mới.
Fan cứng của lối vẽ truyền thống viện nhiều lý do để nói đó không phải là lỗi, đó là tính năng. Tuy nhiên, họ không thể phủ nhận khả năng hoàn tác giúp đẩy nhanh tiến độ công việc.
Vẽ kỹ thuật số cho tốc độ nhanh hơn – Vẽ kỹ thuật số cho phép bạn làm việc nhanh hơn so với vẽ trên giấy. Nếu bạn phải mất vài giờ để hoàn thiên bài vẽ trên giấy, thì bạn có thể rút ngắn còn một nửa hoặc ít hơn khi bạn biết cách thực hiện trên bảng vẽ. Tốc độ là yếu tố tiên quyết khi bạn đảm nhận dự án lớn, phức tạp.
Nhược điểm
Vẽ kỹ thuật số có thể chậm hơn – Tốc độ vừa là ưu, vừa là khuyết điểm của vẽ kỹ thuật số. Nghe có vẻ hơi lạ phải không? Tuy ở trên có nói vẽ kỹ thuật số giúp đẩy nhanh tiến độ công việc. Nhưng xin lưu ý đó là khi bạn biết cách thực hiện. Nếu bạn chưa vẽ kỹ thuật số thuần thục, nó cản trở nghiêm trọng tiến độ làm việc so với vẽ trên giấy.
Một nhược điểm khác của vẽ kỹ thuật số là nó khuyến khích bạn soi xét quá mức. Vì có thể liên tục phóng to và chỉnh sửa, bạn thấy mình bị ám ảnh bởi tiểu tiết vốn thường bị bỏ qua khi vẽ trên giấy.
Khi vẽ kỹ thuật số, bạn tiến gần hơn đến tác nhân gây phân tâm như Twitter, YouTube,… Do sống trong thời đại smartphone, nên chúng ta có thói quen nghỉ tay để kiểm tra điện thoại.
Nhưng xin lưu ý khi vẽ trên giấy, ít nhất bạn có thể để điện thoại sang một bên. Còn khi vẽ kỹ thuật số, bạn không thể đem cất máy tính đi. Trong một số trường hợp, tùy theo tính chất công việc, bạn thậm chí không thể tắt Internet.
Tất cả yếu tố trên góp phần gây chậm tiến độ vẽ kỹ thuật số so với trên giấy.
Chi phí – Giấy và họa cụ khác thường có giá rất rẻ so với bảng vẽ và phần mềm trả phí.
Bảng vẽ đồ họa có giá “mềm” hơn, nhưng đòi hỏi quá trình học tập, rèn luyện gian nan. Bảng vẽ màn hình đa năng, dễ sử dụng, nhưng đi kèm với nó là mức giá khá “chát.” Nó thực sự là một khoản đầu tư.
Vấn đề về tính di động với vẽ kỹ thuật số – Bạn dễ dàng mang sổ vẽ (sketchbook) tới công viên ngồi vẽ suốt cả ngày. Tuy nhiên, bạn không thể làm thế với bảng vẽ do bị giới hạn bởi thời lượng pin.
Sổ vẽ cũng có khổ lớn. Bảng vẽ có giới hạn về kích thước thực tế, nên vẫn có thể mang theo được.
Bạn có thể bị mất dữ liệu bất cứ lúc nào – Nếu bạn quên sao lưu định kỳ, hoặc quên bật tính năng AutoSave, thì sự cố phần cứng hoặc mất điện đột ngột đồng nghĩa với việc mất sạch dữ liệu. Với vẽ trên giấy, bạn không phải lo lắng về điều này, trừ khi lỡ tay làm đổ chất lỏng lên nó. Tác phẩm kỹ thuật số bền hơn so với phiên bản vật lý, trừ khi bạn vẽ sơn dầu.
“Tác phẩm nghệ thuật gốc” bị giảm giá trị – Bức họa Mona Lisa của Leonardo Da Vinci chỉ có một bản gốc duy nhất. Các tác phẩm của Van Gogh hay Picasso cũng vậy. Đây chính là yếu tố làm nên giá trị của tác phẩm. Sở hữu độc quyền bản gốc của một cái gì đó.
Với tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số thì sẽ thế nào? Bạn tạo bản sao và mỗi bản sao được xem là một “bản gốc.” Điều này làm giảm giá trị của tác phẩm.
Tất nhiên, giải pháp cho vấn đề này là quản lý bản quyền kỹ thuật số. Tác phẩm do bạn đứng tên sẽ đặt tâm điểm chú ý vào bạn, người họa sĩ, chứ không phải tác phẩm. Từ đó, giá trị của bạn sẽ tăng lên.
Ưu điểm của vẽ trên giấy
Vẽ kỹ thuật số có những ưu điểm không thể chối cãi, nhưng vẽ trên giấy cũng nhiều không kém.
Ưu điểm lớn nhất của vẽ trên giấy là nó không khiến bạn phụ thuộc vào điện. Tất cả những gì bạn cần là cuốn sổ vẽ (sketchbook) và cây bút chì. Bạn có thể vẽ ở bất cứ đâu, thậm chí trên đỉnh Everest nếu muốn, nhưng chúng tôi không khuyến khích bạn làm như vậy. Với bảng vẽ, bạn ngồi vẽ miệt mài trên đỉnh Everest được không?
Một ưu điểm khác của vẽ trên giấy là bạn học vẽ “chuyên sâu” hơn nếu bắt đầu từ đây. Nếu chọn học vẽ kỹ thuật số trước rồi mới đến vẽ trên giấy, bạn dễ ngộ nhận mình đạt bước tiến lớn. Vẽ kỹ thuật số mang đến cho bạn nhiều sức mạnh mà vẽ trên giấy không có. Nó lấp đầy khoảng trống mà bạn thậm chí không biết chúng tồn tại.
Vẽ trên giấy bắt buộc bạn phải học. Do đó, nó mang lại nền tảng vững chắc hơn so với vẽ kỹ thuật số. Chuyển từ vẽ trên giấy sang vẽ kỹ thuật số thực chất dễ hơn rất nhiều so với từ vẽ kỹ thuật số sang vẽ trên giấy.
Nếu là người mới, bạn nên bắt đầu từ vẽ trên giấy để nắm vững nguyên tắc cơ bản. Sau này, bạn mang sang áp dụng cho vẽ kỹ thuật số. Chúng cho bạn những kỹ năng không mất đi trong trường hợp mất điện.
Điểm tương đồng
Tất nhiên, cả hai phương tiện vẫn đòi hỏi sử dụng bút. Do đó, kỹ năng cầm bút là hết sức quan trọng. Ngoài ra, bạn cần nắm vững kỹ thuật vẽ cơ bản để mỗi nét vẽ ra đều chứa đựng ý nghĩa.
Vẽ kỹ thuật số chỉ “che chở” cho bạn phần nào. Muốn tạo ra kiệt tác, bạn phải là họa sĩ giỏi.
Trên hết, muốn giỏi cả hai, bạn cần có đức tính kiên nhẫn, lòng quyết tâm và sự nhất quán.
Lời kết
Qua bài viết so sánh giữa vẽ kỹ thuật số và vẽ trên giấy, bạn có thể thấy mỗi phương tiện đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng, không phương tiện nào chiếm ưu thế tuyệt đối.
Đừng coi chúng là đối thủ. Hãy xem chúng là công cụ giúp bạn nâng cao kỹ năng của người họa sĩ.
Nguồn: archisoup
Dịch: Toàn Vũ