Trở thành họa sĩ manga không phải là điều dễ dàng. Nó không chỉ đòi hỏi tài năng nghệ thuật, mà còn cả khả năng nắm bắt thị hiếu độc giả và chạy deadline.
Mỗi họa sĩ manga đều có bản sắc riêng, sử dụng nhiều thể loại và phong cách nghệ thuật khác nhau để kể câu chuyện của mình. Bất kể thông qua nghệ thuật trừu tượng hay kinh dị rùng rợn, ngành công nghiệp manga luôn mang đến phương pháp kể chuyện phong phú, đa dạng.
Vậy ai trong số họ là họa sĩ manga xuất chúng, chiếm được cảm tình của hàng triệu độc giả bằng sự pha trộn độc đáo giữa cách kể chuyện và tính nghệ thuật?
Bài viết này sẽ điểm danh 15 họa sĩ manga nổi tiếng trong ngành công nghiệp manga. Mặc dù cách kể chuyện và tính nghệ thuật đều quan trọng, nhưng ở đây, chúng ta sẽ đặc biệt chú ý đến tài năng nghệ thuật của họ.
15. CLAMP
Tác phẩm làm nên tên tuổi: Cardcaptor Sakura
Được thành lập vào năm 1987, CLAMP là nhóm bốn họa sĩ manga tài năng đóng vai trò then chốt trong việc định hình thể loại Shojo trong ngành công nghiệp manga. Bốn thành viên sáng lập – Satsuki Igarashi, Nanase Ohkawa, Mokona, và Tsubaki Neko (còn được gọi là Mick Nekoi) – vẫn là trụ cột của nhóm cho đến ngày nay.
Ban đầu quy tụ 11 thành viên, CLAMP phân công nhiệm vụ dựa trên dự án manga cụ thể mà họ đang đảm nhận. Theo thời gian, nhóm bắt đầu tan rã, mỗi thành viên chọn theo đuổi sự nghiệp riêng. Hiện tại, nhóm quay lại với 4 thành viên trụ cột ban đầu.
CLAMP chính thức ra mắt công chúng với bộ truyện RG Veda, và nó nhanh chóng được chuyển thể thành anime. Một điểm đáng chú ý của CLAMP là sự tiến bộ trong phong cách nghệ thuật; so sánh tác phẩm mới với tác phẩm trước đây cho thấy họ có sự tiến bộ vượt bậc.
Tác phẩm mang tính biểu tượng của họ, Cardcaptor Sakura, tiếp tục được yêu thích rộng rãi. Những sáng tác đáng chú ý khác của CLAMP bao gồm Chobits, xxxHOLIC, và Tokyo Babylon. Ngoài ra, họ còn thiết kế nhân vật gốc cho anime Code Geass.
14. Osamu Tezuka
Tác phẩm làm nên tên tuổi: Astro Boy
Osamu Tezuka là một huyền thoại, một người có tầm nhìn xa trông rộng. Ông không chỉ cách mạng hóa manga, mà còn giới thiệu nó với độc giả toàn cầu. Mặc dù manga có nguồn gốc từ thế kỷ 13, nhưng Tezuka chính là người đã hiện đại hóa hình thức manga như chúng ta thấy hiện nay.
Tezuka tốt nghiệp năm 1951, và ban đầu đi theo con đường trở thành bác sĩ y khoa. Tuy nhiên, ông đã chọn con đường khác – con đường sẽ khắc tên ông vào lịch sử. Ông bắt đầu vẽ manga, và nhận được sự công nhận rộng rãi qua Astro Boy, tác phẩm mang về cho ông danh hiệu “Cha đẻ của Manga.”
Manga chính thức đầu tay của ông, The Diary of Ma-chan, được xuất bản vào năm 1946. Phong cách nghệ thuật của ông vừa giản dị, trực tiếp, vừa mang hơi hướng hoạt hình, nhưng như người ta thường nói, mọi huyền thoại đều phải bắt đầu từ đâu đó. Việc ông có tên trong danh sách này là rất xứng đáng.
Astro Boy vẫn là tác phẩm mang tính biểu tượng nhất của ông, không chỉ được chuyển thể thành anime, mà còn cả phim hoạt hình ở Mỹ. Các tác phẩm tiêu biểu khác của Tezuka bao gồm Dororo, Black Jack, và Phoenix. Ông thậm chí còn thành lập xưởng phim hoạt hình mang tên Tezuka Production, vẫn tiếp tục hoạt động cho đến ngày nay.
13. Tatsuki Fujimoto
Tác phẩm làm nên tên tuổi: Chainsaw Man
Tatsuki Fujimoto là một người bí ẩn, và ông vẫn thích sự bí ẩn ngay cả khi chấp bút một số tác phẩm hư cấu hấp dẫn nhất trong thế giới manga. Fujimoto chưa một lần “xuất đầu lộ diện”, và ngay cả ngày sinh của ông cũng là một bí mật.
Fujimoto bắt đầu sáng tác manga từ khi còn trẻ, dẫu chưa từng qua trường lớp đào tạo chính quy nào. Những nỗ lực ban đầu được ông biên soạn thành hai tập sách, cung cấp cái nhìn sơ lược về công việc của ông trước khi nổi tiếng.
Bộ truyện đầu tay của ông là một one-shot mang tên A Couple Clucking Chickens Were Still Kickin. Phong cách nghệ thuật giản dị, song mang đậm chất phương tiện truyền thông đại chúng. Ông nổi tiếng với thể loại “siêu nhiên.”
Tuy nhiên, chính Chainsaw Man đã góp phần củng cố vị thế huyền thoại manga của ông. Bộ truyện được nhiều người công nhận là một trong những tác phẩm hay nhất từ trước đến nay, được Studio Mappa chuyển thể thành anime. Các tác phẩm đáng chú ý khác của Fujimoto bao gồm Fire Punch, Look Back, và Sayonara Eri.
12. Akihito Tsukushi
Tác phẩm làm nên tên tuổi: Made in Abyss
Chỉ sau một vài manga, Akihito Tsukushi đã tạo ra cái mà nhiều người coi là đỉnh cao của “giả tưởng đen tối” (dark fantasy) trong lịch sử manga. Trước khi trở thành họa sĩ manga, ông từng làm việc nhiều năm cho Tonami.
Phong cách nghệ thuật của Tsukushi thoạt nhìn tưởng theo phong cách hoạt hình, nên khiến một số người lầm tưởng ông sáng tác manga cho thiếu nhi. Tuy nhiên, tác phẩm của ông thường khai khác chủ đề đen tối đến mức khiến người lớn phải rơi lệ. Ông thích lồng ghép yếu tố bất ổn vào khung hình, cuốn hút độc giả bằng những tình tiết ngày càng đáng lo ngại.
Manga đầu tay của ông, From Star Strings, không mang lại kết quả như mong đợi. Khi ông bắt tay vào thực hiện bộ truyện Made in Abyss, nó dường như là một dự án lý tưởng, nhưng ông suýt bỏ dở vì thiếu nhân vật trung tâm. Mọi thứ thay đổi nhờ Nanachi, nhân vật thổi sức sống vào bộ truyện, và thuyết phục Tsukushi hoàn thành nó.
11. Junji Ito
Tác phẩm làm nên tên tuổi: Uzumaki, Tomie, và Gyo
Thường được biết đến với biệt danh “Vua kinh dị”, Junji Ito là người đã góp phần cách mạng hóa thể loại manga kinh dị. Hành trình đến với nghề vẽ manga kinh dị bắt đầu từ khi ông lên 4 tuổi. Các tác phẩm của Kazuo Umezu, một họa sĩ manga kinh dị nổi tiếng khác, đã truyền cảm hứng cho ông. Tính đến nay, những đóng góp của Ito đã được ghi nhận bằng ba giải thưởng Eisner(*).
Giống như Osamu Tezuka, Junji Ito phải đứng trước quyết định lựa chọn giữa nghề họa sĩ manga và nghệ bác sĩ y khoa (nha sĩ). Vì vậy, ông phải mạo hiểm, và giờ đây được mệnh danh là bậc thầy kinh dị. Các câu chuyện được ông lấy cảm hứng từ những trải nghiệm ngoài đời thường, rồi nhào nặn thành câu chuyện rùng rợn trong manga của mình.
Bộ truyện đầu tay của Junji Ito, Tomie, được phát hành nhiều kỳ suốt 13 năm qua. Câu chuyện được ông lấy cảm hứng từ một người bạn trung học chẳng may qua đời ở trường. Phong cách nghệ thuật rùng rợn kết hợp với câu chuyện hấp dẫn, hiếm thấy trong manga kinh dị.
Uzumaki và Gyo cũng là bộ truyện làm nên tên tuổi của Junji Ito. Một số bộ truyện nổi tiếng khác là tuyển tập truyện ngắn kinh dị như Shiver, Smashed, Fragments of Horror, và Venus in the Blind Spot.
(*) Giải thưởng Eisner: được trao cho những thành tựu sáng tạo trong lĩnh vực truyện tranh của Mỹ
10. Hirohiko Araki
Tác phẩm làm nên tên tuổi: Jojo’s Bizarre Adventure
Nổi tiếng với những tác phẩm độc phá, Hirohiko Araki nhận được sự công nhận ngay lập tức khi giành giải thưởng Tezuka(*) cho tác phẩm đầu tay. Sức ảnh hưởng của ông vượt ra ngoài thế giới manga, bằng chứng là sự hợp tác với các hãng thời trang quốc tế như Louvre, Gucci và Balenciaga.
Bộ sưu tập truyện tranh của cha đã khơi dậy trong Araki niềm đam mê manga ngay từ thuở nhỏ. Phong cách nghệ thuật đặc sắc của ông tuy chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ những gã khổng lồ thời trang như Versace và Gucci, song nó vẫn mang đậm nét thẩm mỹ của manga kinh điển, và tôn trọng cội nguồn.
Trong khi tác phẩm đầu tay, Poker Under Arms, mang lại cho ông sự thành công ban đầu, thì Jojo’s Bizarre Adventure góp phần đưa danh tiếng ông ra thế giới. Phần 7 của bộ truyện phản ánh đặc biệt rõ nét tài nghệ kể chuyện xuất chúng của ông.
Bộ truyện chiếm trọn cảm tình của độc giả, được chuyển thể thành nhiều phiên bản anime.
(*)Giải thưởng Văn hóa Tezuka Osamu: là một giải thưởng manga thường niên của Nhật Bản. Giải thưởng được trao tặng cho các họa sĩ manga và các tác phẩm có phương pháp tiếp cận tương đồng với manga của Tezuka Osamu
9. Akira Toriyama
Tác phẩm làm nên tên tuổi: Dragon Ball Series
Akira Toriyama là họa sĩ manga có tác phẩm gắn liền với biết bao thế hệ độc giả. Những bộ truyện đình đám một thời như Dragon Ball và Dr. Slump góp phần làm nên tuổi thơ của những ai thuộc thế hệ 9X và 10X.
Toriyama bắt đầu chuyến hành trình vào thế giới manga bằng Wonder Island, nhưng mãi đến khi ra mắt Dr. Slump, ông mới trở nên nổi tiếng trên toàn cầu. Phong cách nghệ thuật được thể hiện qua đường nét tỉ mỉ, chi tiết, đưa độc giả du hành vào thế giới tưởng tượng của ông.
Ngoài những thành tích cá nhân, Toriyama còn thành lập xưởng phim hoạt hình riêng mang tên Bird Studio. Tuy nhiên, xưởng phim không còn đóng góp nào đáng kể sau khi bộ truyện Dragon Ball kết thúc.
Dragon Ball Z vẫn là tác phẩm mang tính biểu tượng nhất của ông, không chỉ được chuyển thể thành anime, mà còn được đổi tên hành Dragon Ball Z: Kai. Những tác phẩm đáng chú ý khác của Toriyama là Sand Land, Neko Majin, và Kajika.
8. Mamashi Kishimoto
Tác phẩm làm nên tên tuổi: Naruto Series
Masashi Kishimoto, họa sĩ manga đứng sau Naruto, đã cho độc giả thế giới thấy rằng có thể giải quyết xung đột bằng con đường đối thoại. Chịu ảnh hưởng từ những họa sĩ huyền thoại như Akira Toriyama, Kishimoto để lại dấu ấn lâu dài, mạnh mẽ ở thể loại này.
Kishimoto luôn bị mê hoặc bởi chủ đề chiến tranh – chủ đề mà ông đi sâu khai thác trong bộ truyện mang tính biểu tượng Naruto. Sau khi kết thúc bộ truyện, ông chuyển sang vai trò giám sát, giao cho trợ lý Mikio Ikemoto phụ trách phần tiếp theo Boruto: Naruto Next Generations.
Tuy nhiên, bộ truyện bắt đầu chệch choạc dưới tay người mới, khiến Kishimoto phải quay lại nắm quyền phụ trách. Sự can thiệp kịp thời của ông đã giúp hồi sinh Boruto, nâng nó lên tầm cao mới, đáp ứng kỳ vọng của fan.
Ngoài Naruto và Boruto, Kishimoto còn chấp bút bộ truyện Samurai 8. Mặc dù chủ đề độc đáo, song bộ truyện gặp khó trong tìm kiếm độc giả, và kết thúc chỉ sau một năm.
Còn tiếp…
Nguồn: Anime Senpai
Dịch: Toàn Vũ