Được bắt đầu sản xuất từ cuối thế kỉ 19, phim hoạt hình 2D (hay phim hoạt hình truyền thống) được tạo thành bằng một loạt các chuỗi chuyển động nối tiếp nhau. Dù có lịch sử hơn 100 năm, đối mặt với sự ra đời của nhiều dạng thức phim hoạt hình khác, song phim hoạt hình 2D vẫn luôn có sức hút kì lạ và ứng dụng rộng trong ngành giải trí.
Điểm mạnh của phim hoạt hình 2D
So với các dạng thức khác, phim hoạt hình 2D có ưu điểm là dễ dàng sản xuất. Thông thường, phim hoạt hình 2D được dựng trên các phần mềm phổ biến, dễ sử dụng như After Effect, Anime Pro Studio, Flip Boom Doodle, Moho,… Với phim hoạt hình 2D, hoạ sĩ không cần quá phụ thuộc vào các phần mềm. Phương thức này phù hợp với không chỉ phim hoạt hình chiếu rạp, phim hoạt hình truyền hình, mà còn thuận tiện để làm phim hoạt hình quảng cáo.
Ứng dụng của phim hoạt hình 2D trong lĩnh vực quảng cáo
Thời đại Digital lên ngôi, trên các nền tảng social media, các video dạng phim hoạt hình 2D đang chiếm ưu thế rõ rệt.
Các khảo sát cho thấy, hơn 60% người dùng mạng xã hội thừa nhận bị thu hút bởi video animation hơn những hình ảnh tĩnh thông thường. Phim hoạt hình ngắn 2D dùng trong lĩnh vực quảng cáo đang là một hình thức tiếp thị hiệu quả cho doanh nghiệp, và đây được dự báo sẽ là xu hướng của tương lai khi các nền tảng trẻ, chuyên về video như Tiktok đang phát triển vô cùng mạnh mẽ.
Làm sao để trở thành hoạ sĩ phim hoạt hình 2D
Thông thường, một ekip làm phim hoạt hình sẽ chia thành các nhóm: Phác thảo ý tưởng, hoạ sĩ thảo Storyboard, hoạ sĩ thiết kế concept, hoạ sĩ vẽ Background, hoạ sĩ diễn hoạt, dựng phim,… Bạn có thể chọn một trong các công đoạn này để lên kế hoạch nâng cao kĩ năng bản thân một cách có trọng tâm. Song, dù làm việc trong giai đoạn nào đi nữa, hoạ sĩ cũng cần có những kiến thức nền tảng về anatomy, phối cảnh, diễn hoạt và màu sắc, vì đôi lúc giữa ekip cần có sự luân chuyển, hỗ trợ. Hiểu rõ công việc của nhau giúp các bộ phận hoạt động trơn tru, đồng thời tạo ra sản phẩm phim hoạt hình như ý.
(Lạc An)