Năm 2022 đánh dấu cột mốc 50 năm bộ shoujo manga “Hoa hồng Versailles” được ra đời. Dù có yêu thích hay không, cũng không thể phủ định sức ảnh hưởng của bộ truyện với một thế hệ lớn độc giả, đặc biệt là ở Việt Nam.
Hoa hồng Versailles – Berusaiyu no Bara hay còn được gọi là Lady Oscar/ La Rose de Versailles là bộ manga được viết và vẽ minh họa bởi tác giả Riyoko Ikeda, đăng nhiều kỳ trên tạp chí manga Margaret trong khoảng thời gian 1972 – 1973. Khác với những manga thời đó xoay quanh chủ đề Nhật Bản, Hoa hồng Versailles lại lấy bối cảnh dựa trên một giai đoạn lịch sử có thật của nước Pháp, trước và trong cuộc Cách mạng Pháp, cụ thể là thời kì cuối của Vương tộc Bourbons.
Câu chuyện về vương triều Pháp lộng lẫy, xa hoa
Câu chuyện được Riyoko Ikeda kể lại đan xen giữa những tình tiết, con người có thật là Marie Antoinette – công chúa nước Áo, với nhân vật giả tưởng Oscar Francois de Jarjeyes – nữ cận vệ của hoàng gia Pháp.
Marie Antoinette, hay có tên đầy đủ là Marie Antoinette Josèphe Jeanne, là Vương hậu của Pháp trước Cách mạng Pháp. Xuất thân là nữ công tước của Áo, khi trưởng thành, bà đến nước Pháp với tư cách là Thái tử phi của Louis-Auguste, người sau này lên ngôi với tư cách là Louis XVI.
Trên thực tế, bà là người không được lòng dân chúng Pháp khi ngoại tình với bá tước Thụy Điển Axel von Fersen, bị xem là kẻ phung phí tiền thuế, thân với những kẻ thù của nước Pháp… Họ ghét bà đến mức gọi Marie Antoinette với biệt danh “L’Autrichienne – Con mụ người Áo”.
Nhưng Riyoko Ikeda lại cho thấy thêm một góc nhìn khác về vị Vương hậu thị phi này, để lý giải rõ hơn việc hình thành nên nhân cách của một Marie Antoinette khi trưởng thành. Từ khi sinh ra, số phận của Marie Antoinette đã được định sẵn trở thành một con bài chính trị, 14 tuổi đã rời xa gia đình đến một đất nước xa lạ. Phải chịu đựng những nghi lễ khắt khe, cái nhìn soi mói của những người trong hoàng cung, đặc biệt là sự thờ ơ từ chính người chồng của mình, để rồi sau này bà sa vào những cuộc vui nhằm khỏa lấp nỗi cô quạnh.
Nhân vật này dù được miêu tả dưới góc nhìn nhân đạo nhưng những điều bà làm cũng không thể tha thứ và kết cục là Marie Antoinette đã qua đời bên chiếc máy chém.
Oscar François de Jarjayes
Oscar là con gái út trong một gia đình 6 chị em gái, vì cha là tướng quân nên từ khi ra đời, cô đã được nuôi dưỡng như một cậu con trai để tương lai kế vị cha mình, chỉ huy Đội cận vệ Hoàng gia tại Cung điện Versailles. Đồng hành cùng Oscar là người bạn thuở niên thiếu André Grandier.
Oscar được xây dựng là một cô gái với hình mẫu khác biệt hoàn toàn với những cô tiểu thư dịu dàng, nhẹ nhàng thuộc dòng dõi quý tộc xưa. Nàng được nhìn ngắm thế giới bao la bên ngoài, được học chữ Latinh, chính trị, kinh tế, lịch sử, văn hóa…, thông thạo kiếm thuật, bắn súng. Không chỉ sở hữu nét đẹp từ trí thức, nàng còn nổi tiếng với vẻ ngoài xinh đẹp, mái tóc dài vàng óng. Tính cách của Oscar cũng cao quý như xuất thân của nàng: dũng cảm, cương trực, nhân hậu và chọn đứng về phía lẽ phải.
Từ hai cô gái khác biệt về khoảng cách địa lý, tính cách, Oscar và Marie lại được gắn kết với nhau bởi sợi dây số phận, trở thành chủ – tớ và bạn bè thân thiết.
Nhiều ý kiến cho rằng, tựa đề Hoa hồng Versailles là dùng để nói về Oscar, một đóa hồng xinh đẹp và đầy gai. Hơn hết, bộ truyện thu hút độc giả, đặc biệt là độc giả nữ bởi nét vẽ tỉ mỉ, chi tiết về sự xa hoa của hoàng gia Pháp thông qua kiến trúc, trang phục, kiểu tóc… những điều này là ước mộng của bất kì cô gái nào khi còn nhỏ.
Câu chuyện về nữ quyền mạnh mẽ
Những tình tiết được đề cập trong Hoa hồng Versailles phần nhiều thể hiện tinh thần của tác giả Ikeda Riyoko. Bà được xem là một trong những họa sĩ truyện tranh nổi tiếng nhất Nhật Bản trong những năm 1970, sau khi tác phẩm Hoa hồng Versailles ra đời. Bộ truyện có công đóng góp rất lớn cho sự phát triển của thể loại shoujo manga ở Nhật Bản.
Bối cảnh Ikeda Riyoko sinh ra và lớn lên có nhiều nét tương đồng với giai đoạn được mô tả trong Hoa hồng Versailles. Tác giả Ikeda Riyoko sinh năm 1947 tại Osaka và lớn lên ở Kashiwa, Chiba. Trong thời đại mà nhiều người vẫn đặt câu hỏi về việc học đại học của phụ nữ, bà đã vượt qua sự phản đối của cha mình để theo học Triết học tại Đại học Sư phạm Tokyo (nay là Đại học Tsukuba).
Ngay sau khi nhập học, bà đã tham gia sôi nổi vào các phong trào sinh viên. Về sau bởi những bất đồng trong quan điểm sống với cha mẹ, Ikeda Riyoko chuyển ra khỏi nhà và tự trang trải việc học của mình bằng công việc phục vụ bàn, làm việc tại nhà máy hay bán hàng.
1960 là thập kỷ chứng kiến sự trỗi dậy của Cánh tả Mới ở Nhật Bản, được truyền cảm hứng bởi lý tưởng của Cách mạng Pháp, hun đúc giới trẻ Nhật Bản và dẫn đến sự hình thành các phong trào phản đối của sinh viên. Ikeda trở thành một phần của phong trào này sau khi gia nhập Liên đoàn Thanh niên Dân chủ Nhật Bản, chi nhánh thanh niên của Đảng Cộng sản Nhật Bản. Thời điểm này, các tác phẩm của bà thường tập trung vào hai chủ đề chính: lãng mạn và chính trị – xã hội.
Bản thảo của Hoa hồng Versailles ban đầu bị phản đối bởi đội ngũ ban biên tập (chỉ toàn là nam giới) của tạp chí Shukan Margaret, với lý do là độc giả sẽ không hiểu được nội dung đậm tính lịch sử của bộ truyện. Thời điểm này, manga vẫn bị coi là văn hóa thấp và shoujo là thể loại được đánh giá thấp nhất. Các nữ họa sĩ manga kiếm được chỉ bằng một nửa so với đồng nghiệp nam.
Tuy vậy, dưới sự kiên trì và cam kết mạnh mẽ của Riyoko, nhà xuất bản cũng phải nhượng bộ và kết quả, bộ truyện đã thành công ngoài sức tưởng tượng với nhiều lần tái bản, một series anime được phát sóng trên Nippon TV, một live action của đạo diễn Jacques Demy và cả nhạc kịch do đoàn kịch với toàn diễn viên nữ Takarazuka Revue dàn dựng. Bộ truyện cũng được NXB Kim Đồng mua bản quyền và phát hành với tên “Hoa hồng Véc-Xây”.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2013 với tạp chí phụ nữ Fujin Koron, Ikeda Riyoko chia sẻ rằng Oscar là biểu tượng của sự thách thức chống lại một xã hội vẫn không công nhận tài năng và vai trò của phụ nữ. Trong bối cảnh của cuộc cách mạng, bất chấp địa vị, đặc quyền của mình, Oscar chưa bao giờ có ý định trốn chạy đến một đất nước khác.
Cô là một viên ngọc quý giữa xã hội quý tộc, mê hoặc nam giới và nữ giới bằng sự kết hợp của vẻ đẹp, sức mạnh và trí tuệ, đồng thời cũng nhận thức rõ về thời đại mình đang sống, sở hữu lòng trắc ẩn để cảm thông với những người kém may mắn và có đủ quyền hạn để không phải sống dưới sự chỉ huy của người khác.
Trong Ikeda Riyoko no sekai (Thế giới của Ikeda Riyoko), một tuyển tập được xuất bản vào năm 2012 để kỷ niệm 40 năm Hoa hồng Versailles, Yoshinaga Fumi, một họa sĩ truyện tranh đương đại, người cũng nghiên cứu các chủ đề lịch sử bao gồm cả Cách mạng Pháp, đã mô tả sức hấp dẫn độc đáo trong tác phẩm của Ikeda: “Cô ấy miêu tả một xã hội lý tưởng hóa, trong đó mỗi cá nhân đang sống một cuộc sống đích thực. Nhưng cô ấy kết hợp điều đó với khía cạnh giải trí để tạo nên tác phẩm khác biệt với phần còn lại”.
- Nguồn: kilala.vn