Truyện tranh thường bị nhiều bậc phụ huynh Việt Nam xem là “vô bổ”, nhưng thực tế là ở những nước có trình độ phát triển về văn hoá cao, tỷ lệ trẻ em đọc truyện tranh lại chiếm tỷ lệ lớn. Thật ra, ngoài chức năng giải trí, truyện tranh có rất nhiều lợi ích, đặc biệt những lợi ích liên quan đến khả năng sáng tạo của trẻ.
Hãy cùng Comic Media Academy Vietnam khám phá 7 lợi ích bất ngờ từ việc cho trẻ đọc truyện tranh nhé!
1) TRUYỆN TRANH GIÚP TRẺ TIẾP NHẬN KIẾN THỨC THEO CÁCH HẤP DẪN
Có nhiều cách để trẻ tiếp nhận kiến thức, song so với đọc sách, đọc truyện tranh là hình thức hấp dẫn hơn khi trẻ đang trong độ tuổi tiếp nhận tốt kiến thức về mặt hình ảnh. Không chỉ thế, truyện tranh thường được kể bởi những nhân vật vui nhộn, gần gũi, có cốt truyện rõ ràng, vì vậy gây hứng thú với trẻ hơn so với việc đọc sách thông thường.
2) TRUYỆN TRANH KÍCH THÍCH TRẺ TÌM VÀ ĐỌC SÁCH
Chắc hẳn có không ít phụ huynh khi là trẻ con cũng đã từng tìm đến sách để thoả mãn trí tò mò sau khi đọc được một kiến thức nào đó về khoa học hay lịch sử trong truyện tranh. Mặc dù khối lượng kiến thức trong truyện tranh thường ít hơn nhiều so với trong sách, nhưng đọc truyện tranh thường là cầu dẫn giúp trẻ tìm đọc những sách có lượng kiến thức lớn hơn một cách chủ động.
3) TRUYỆN TRANH TĂNG KHẢ NĂNG SÁNG TẠO
Truyện tranh là sản phẩm sáng tạo với những nhân vật và cốt truyện độc đáo, ấn tượng. Đọc truyện tranh từ nhỏ, đặc biệt là những bộ truyện có yếu tố fantasy giúp trẻ tăng khả năng tưởng tượng, sáng tạo. Thực tế, trẻ đọc truyện tranh nhiều thường phát triển tốt khả năng sáng tạo ra những câu chuyện và nhân vật theo ý của mình.
4) TRUYỆN TRANH GIÚP LUYỆN TẬP THỊ GIÁC NHANH NHẠY
Truyện tranh đòi hỏi độc giả phải xử lý mọi thành phần – hình ảnh, văn bản và không gian – trong câu chuyện đang đọc, rồi tổng hợp lại để hiểu rõ ý nghĩa của câu chuyện.
Bên cạnh đó, khi đọc truyện tranh, mắt trẻ cần chuyển động liên tục để tiếp nhận câu chuyện qua từng trang. Ánh nhìn của trẻ được điều hướng liên tục để tiếp nhận câu chữ, các hộp hội thoại của từng nhân vật, cách sắp xếp hình ảnh, bố cục thể hiện nội dung. Nếu phản xạ này được thực hiện thường xuyên, thị giác của trẻ sẽ được rèn luyện tốt hơn, tăng độ nhạy và khả năng quan sát.
5) TRUYỆN TRANH PHÁT TRIỂN TƯ DUY VỀ HÌNH ẢNH
Đọc truyện tranh không đơn thuần là chiêm ngưỡng hình ảnh, độc giả còn nhận thêm lợi ích về mặt trí não. Theo nghiên cứu, việc liên tục theo dõi từng tập truyện giúp các nơ-ron được kích thích và tạo kết nối, não sẽ xử lý nhiều hơn để hiểu nội dung câu chuyện qua từng khung tranh với nhiều hình ảnh, phối cảnh không gian và câu chữ khác nhau. Càng dùng nhiều chức năng phân tích, tổng hợp cùng lúc, các liên kết nơron thần kinh càng được hình thành nhiều hơn, khiến cho khả năng xử lý và liên kết thông tin của trẻ càng thêm nhạy bén.
6) TRUYỆN TRANH GIÚP PHÁT TRIỂN TRÍ THÔNG MINH CẢM XÚC
Truyện tranh đa phần đặt trọng tâm vào cảm xúc và chủ đề câu chuyện. Mỗi tác phẩm truyện tranh thường có một cảm xúc riêng, vui nhộn, kịch tính, hoặc cảm động. Đọc truyện tranh giúp trẻ trải nghiệm những câu chuyện với những cung bậc cảm xúc khác nhau, từ đó trở nên thông minh và tinh tế trong việc tiếp nhận và bày tỏ cảm xúc.
7) TRUYỆN TRANH GIÚP TRẺ NHẬN THỨC THẾ GIỚI
Giai đoạn từ 3 đến 10 tuổi là giai đoạn thích hợp nhất cho trẻ trong việc nhận thức thế giới. Ở độ tuổi này, khi kĩ năng đọc của trẻ còn chưa hoàn thiện, còn khó khăn trong việc đọc hiểu những sách có lượng chữ và kiến thức lớn thì truyện tranh là lựa chọn tuyệt vời cho trẻ. Việc kết hợp cả ngôn ngữ hình ảnh và chữ viết (ở mức độ vừa phải) giúp trẻ thoải mái trong việc tiếp nhận thông tin, từ đó hào hứng trong việc tìm hiểu về thế giới xung quanh.
(Lạc An)