Không ít người giữ suy nghĩ rằng phim hoạt hình chỉ dành cho con nít, thế nhưng vẫn có phần lớn những người quan tâm, yêu thích và dành lời khen ngợi cho thể loại này. Trong đó, một vài bộ phim hoạt hình chuyển thể đã gây được sự xúc động mạnh mẽ cho khán giả và tạo được tiếng vang.
Đặc biệt, vào những năm 2000, thể loại phim hoạt hình phát triển vô cùng nổi bật, khi chào đón sự ra đời của một loạt tác phẩm nổi tiếng từ các hãng phim “gạo cội” như Studio Ghibli, Pixar. Hơn nữa, một số tính năng mới như stop-motion (hoạt hình tĩnh vật) cũng được khai phá và sử dụng rộng rãi trong thời kì này.
1/ Bộ phim Hoàng đế Lạc Đà (The Emperor’s New Groove) – 2000
Ngoài các tập phim truyền hình hay những tập phim đặc biệt, bộ phim hoạt hình được xếp thứ hạng cao nhất trong khoảng thời gian này chính là Hoàng đế Lạc Đà của hãng phim hoạt hình Walt Disney. Đây là bộ phim đánh dấu sự thay đổi thú vị khác với các bản phát hành thông thường từ những hãng phim khác để mở ra một kỷ nguyên mới.
Đây không phải là một bộ phim với âm nhạc đặc sắc hay cốt truyện lãng mạn, thay vào đó nội dung lại tập trung vào mối quan hệ giữa vị hoàng đế ích kỷ bị biến thành lạc đà và người đàn ông tử tế đã giúp hoàng đế này trở thành một người tốt hơn, dù trước đó anh bị vị hoàng đế này đối xử bất công. Với việc phá vỡ hình ảnh himbo của Kronk – chàng trai cao to vạm vỡ nhưng ngốc nghếch trong bộ phim cùng hãng Trường học mới của hoàng đế, bộ phim trở thành một tác phẩm kinh điển.
2/ Bộ phim Vùng đất linh hồn (Spirited Away) – 2001
Studio Ghibli từ lâu được xem như là “ông trùm” của ngành hoạt hình Nhật Bản, đặc biệt vào thời điểm có sự xuất hiện của đạo diễn Hayao Miyazaki, hãng phim hoạt hình này càng thành công hơn cả. Dù Miyazaki đã sản xuất và ra mắt rất nhiều bộ phim tuyệt vời nhưng có lẽ hay nhất vẫn là tác phẩm Vùng đất linh hồn.
Vùng đất linh hồn kể về một gia đình bị lạc đến một nơi kì quái, bị biến thành loài heo và mất đi ý thức. Duy chỉ có cô con gái, cũng là nhân vật chính của bộ phim, không bị gì cả và vì thế cô phải tìm cách giúp cha mẹ mình trở lại thành người bình thường. Dù mở đầu bộ phim có chút ghê sợ, song người xem vẫn dễ dàng nắm bắt được mạch truyện bởi bộ phim chứa đựng rất nhiều bài học cuộc sống, nhân vật được xây dựng đa dạng và giàu lòng nhân ái, hoạt hoạ của phim cũng được thiết kế công phu, đẹp mắt. Chính điều này đã giúp Vùng đất linh hồn thắng giải Oscar – Phim hoạt hình hay nhất năm 2001.
3/ Bộ phim Lilo và Stitch – 2002
Lilo và Stitch là một trong những tác phẩm của hãng phim hoạt hình nổi tiếng Walt Disney, tuy nó không đạt được thành công lớn về doanh thu phòng vé như hầu hết các bộ phim Disney thập niên 90 nhưng lại trở thành một thương hiệu lớn với phiên bản phim truyền hình nhiều tập và phiên bản làm lại do người đóng.
Bộ phim xoay quanh câu chuyện một người ngoài hành tinh đến Trái đất và trở thành bạn thân với một cô bé. Điều đáng nói ở đây là, bộ phim không tập trung vào sự lãng mạn giữa các nhân vật mà nó lại đưa ra một khái niệm mới về gia đình, ý nghĩa của một gia đình thực thụ. Lilo và Stitch cũng được đề cử cho Phim hoạt hình hay nhất tại lễ trao giải Oscar.
4/ Bộ phim Một đêm tuyết phủ (Tokyo Godfathers) – 2003
Có một điều mà có lẽ các bạn vẫn chưa biết, dù phát hành cùng năm nhưng bộ phim Đi tìm Nemo (Finding Nemo) của Pixar không được đánh giá cao nhất trong giới chuyên gia của Letterboxd, mà bị vượt mặt bởi bộ phim Một đêm tuyết phủ này.
Cốt truyện của Một đêm tuyết phủ vô cùng độc đáo, kể về ba người vô gia cư tìm thấy một em bé bị bỏ rơi và họ cùng nhau cố gắng tìm lại “cội nguồn” của em bé. Điều khiến bộ phim này khác biệt hơn cả chính là cách xây dựng hình tượng các nhân vật khi mà tác giả đã khắc hoạ ba người vô gia cư là một cô gái đang bỏ trốn, một nữ hoàng kéo xe và một người đàn ông nghiện rượu.
5/ Bộ phim Lâu đài di động của Howl (Howl’s moving castle) – 2004
Trong danh sách các bộ phim hoạt hình năm 2004, mặc dù Gia đình siêu nhân (Incredibles) của Pixar đã tạo được cú đột phá mới mẻ nhưng bộ phim Lâu đài di động của Howl do Studio Ghibli sản xuất lại được đánh giá cao nhất.
Bộ phim này khác hoàn toàn với những bộ phim trước đó của Hayao Miyazaki. Nó là bức tranh đẹp tái hiện câu chuyện về một cô gái trẻ nhút nhát bị dính lời nguyền khiến cho thân xác của cô trở nên già nua xấu xí. May mắn thay, cô tìm thấy sự giúp đỡ từ một vị pháp sư – người sở hữu lâu đài di động. Tuy nhiên, có một điểm mà bộ phim này giống với các bộ phim trước của ông, đó là biến những yếu tố tưởng chừng như vô lý trở thành những điểm giá trị cho bộ phim, chẳng hạn như cách ông vẽ nên lâu đài biết đi này.
6/ Bộ phim Cô dâu ma (Corpse Bride) – 2005
Bộ ba huyền thoại – Tim Burton, Johnny Depp và Helena Bonham Carter đã góp phần không nhỏ cho sự thành công của nhiều tác phẩm nổi tiếng như Gã thợ cạo ma quỷ trên phố Fleet (Sweeney Todd), Alice ở xứ sở thần tiên (Alice in Wonderland) và Cô dâu ma (Corpse Bride). Trong đó, bộ phim hoạt hình Cô dâu ma này đã được đề cử giải Oscar, là một trong những bộ phim hoạt hình tĩnh vật hay nhất.
Do Burton và Mike Johnson đạo diễn, cùng với sự tham gia lồng tiếng của Carter và Depp, bộ phim kể về một người đàn ông trẻ bị đưa đến vùng đất của người chết, nơi anh ta kết hôn với một cô dâu xác chết – cũng chính là người phụ nữ mà anh đã mòn mỏi chờ đợi trước đây.
7/ Bộ phim Kẻ trộm giấc mơ (Paprika) – 2006
Kẻ trộm giấc mơ là ứng cử viên cuối cùng trong danh sách phim hoạt hình không nói tiếng Anh và được đánh giá cao nhất trong những năm 2000. Bộ phim không lấy trẻ em là trung tâm, thay vào đó nó pha trộn giữa thể loại tâm lý và khoa học viễn tưởng khi lấy bối cảnh một thế giới nơi các bác sĩ trị liệu có thể đi vào giấc mơ của bệnh nhân.
Vài năm sau khi phát hành, bộ phim này đã trở thành tiền đề để sản xuất cho bộ phim ‘Kẻ đánh cắp giấc mơ (Inception) vào năm 2010. Kẻ trộm giấc mơ cũng vì thế được khen ngợi về phong cách hoạt hình và kịch bản phim.
8/ Bộ phim Chú chuột đầu bếp (Ratatouille) – 2007
Chú chuột đầu bếp là bộ phim để lại nhiều ấn tượng cho người xem và các chuyên gia của Letterboxd, đưa Pixar trở thành hãng phim dẫn đầu danh sách đề cử trong năm 2007.
Thoáng nhìn, nội dung của bộ phim không quá mới mẻ khi khắc hoạ hình ảnh một chú chuột yêu thích nấu ăn và muốn thử làm việc tại nhà hàng nổi tiếng bằng cách giúp đỡ chàng trai hát rong học cách nấu ăn. Tuy nhiên, bộ phim đã có được thành công lớn cả về mặt thương mại lẫn phê bình, giành giải Phim hoạt hình hay nhất tại Lễ trao giải Oscar và cũng được đề cử cho Kịch bản gốc xuất sắc nhất.
9/ Bộ phim Rô-bốt biết yêu (Wall-E) – 2008
Pixar luôn được biết đến với việc tạo ra những thế giới độc đáo và kể những câu chuyện về những nhân vật lạ lùng nhưng rất dễ thương như đồ chơi, quái vật hay cá.
Với bộ phim Rô-bốt biết yêu, nội dung xoay quay nhân vật WALL-E – một con rô bốt titi được giao nhiệm vụ dọn sạch Trái đất khi Trái đất ngày càng khô cằn và không thể ở được. Con người cũng vì thế đã làm cuộc phiêu lưu hoang dã vào không gian để tìm đến ngôi nhà mới. Người chiến thắng giải Oscar cho Phim hoạt hình hay nhất đã mang đến cách truyền tải thông điệp không thể nào tuyệt vời hơn và kể về một trong những câu chuyện tình yêu hay nhất của thể loại này từ trước đến nay.
10/ Bộ phim Gia đình nhà Cáo (Fantastic Mr.Fox) – 2009
Năm 2009 có lẽ là năm sôi động nhất của ngành phim hoạt hình tĩnh vật khi có sự góp mặt của các tác phẩm nổi tiếng như Mary và Max (Mary and Max), Cô bé Coraline (Coraline) và Gia đình nhà Cáo. Trong đó, bộ phim Gia đình nhà Cáo do Wes Anderson đạo diễn và Century Fox phát hành.
Anderson đã thêm thắt rất nhiều yếu tố, chi tiết, vốn được cho là thương hiệu đặc trưng của bản thân, để làm nổi bật hình tượng nhân vật chính – một con cáo ranh mãnh lên kế hoạch cho hàng loạt vụ trộm. Bộ phim cũng được đề cử cho hai giải Oscar, một giải Quả cầu vàng và cuối cùng đã giành được chiến thắng ở Giải Annie.
- Nguồn: SCREENRANT
- Người dịch: Mita
(Comic Media Academy)