VẼ NHÂN VẬT TRUYỆN TRANH VỚI CLIP STUDIO PAINT - Comic Media Academy

CÁCH VẼ NHÂN VẬT TRUYỆN TRANH VỚI PHẦN MỀM CLIP STUDIO PAINT

30/12/2021
Tranh của Asia Ladowska

Với những ai đang trên con đường trở thành một họa sĩ truyện tranh thì đều biết rằng công việc này không hề dễ (dù nhìn có vẻ đơn giản), đặc biệt là mỗi khi nhìn những khung truyện và không biết nên vẽ gì tiếp theo. Các họa sĩ luôn cảm thấy hào hứng và có động lực mỗi khi bắt đầu vẽ truyện mới, nhưng những cảm xúc này luôn đi kèm với nhiều lo lắng như không biết nên vẽ từ đâu hay vẽ gì. Các câu hỏi: “Liệu tranh của mình nhìn có ổn không? Có nên thêm thắt hay đơn giản hóa một vài chi tiết lại không? Nếu như thay đổi chi tiết này thì có ảnh hưởng gì tới tổng thể trang truyện không?” cũng là những nan đề khó giải.

Để giúp bạn trả lời những thắc mắc trên, họa sĩ Asia Ladowska đã chia sẻ quá trình dấn thân vào con đường trở thành họa sĩ truyện tranh của mình. Trong bài chia sẻ này, Ladowska đã tạo ra một nhân vật tên là Mai. Cho những ai thắc mắc cái tên thì nó bắt nguồn vào tháng Năm (May), tháng mà cô ấy vẽ nhân vật này. Nào, hãy cùng xem bài chia sẻ dưới đây có những gì nhé!

1/ Hãy chọn một góc độ để vẽ

Có thể các bạn không biết (hoặc chưa biết) góc chính diện luôn là góc vẽ chân dung khó nhất. Vì nó cần sự cân xứng giữa hai bên, tỉ lệ cũng phải được đo lường cẩn thận và sẽ có đôi khi bạn kết hợp các tỉ lệ với nhau thì chúng lại không được như mong đợi. Tôi luôn cố gắng vẽ làm sao cho các tư thế trực diện của nhân vật trông thật thú vị, tôi thử vẽ mọi tư thế để xem cái nào hợp với nhân vật nhất. Tất nhiên là trong lúc vẽ đi vẽ lại để chọn góc thì sẽ hơi chán. Nhưng tin tôi đi, nếu bạn chọn được góc độ ăn ý cho nhân vật của mình thì bạn đang có một khởi đầu rất tốt đấy.

2/ Phác thảo nhanh

Tôi luôn cố gắng phác thảo trong vòng 15 phút đổ lại. Hãy tập làm quen dần với điều này, nó chỉ là một bản phác thảo thôi nên không cần quá nhiều thời gian. Và trong lúc vẽ, hãy cố hình dung ý tưởng của mình thật rõ ràng. Công cụ vẽ yêu thích của tôi trong Clip Studio Paint là Darker Pencil. Nó rất hữu dụng khi dùng để vẽ phác thảo, phù hợp để đi nét cũng như đổ bóng. Tôi chủ yếu sử dụng những brush mặc định của phần mềm, thay đổi một chút cài đặt của chúng để phù hợp với tôi. Đối với Darker Pencil, tôi luôn chỉnh Tốc độ và Stabilization (độ ổn định nét bút) khoảng 15.

3/ Lên màu bản phác thảo

Tôi thường thêm một chút màu cho nhân vật ở bản phác thảo để thử xem liệu có sai sót gì hay không. Một số lỗi trong khi phác thảo rất khó nhìn thấy khi bạn chưa lên màu, khi đã lên màu bạn có thể chỉnh sửa, xóa bớt những nét không cần thiết để tranh trông hoàn thiện hơn. Đối với bản phác thảo này, tôi sử dụng màu xanh biển đậm thay cho màu đen, và khi tôi chuyển chế độ layer thành Color Burn, nó sẽ tạo ra các màu sắc phù hợp mà tôi có thể dùng để đổ bóng cho nhân vật.

4/ Đừng vội vẽ nét

Mỗi khi vẽ, tôi chia nhỏ những quy trình ra theo thứ tự như sau: phác thảo, vẽ nét, lên màu sau đó là thêm thắt chi tiết. Nghe có vẻ đơn giản nhưng mỗi bước đều có độ phức tạp riêng. Khi nói “đừng vội vẽ nét”, ý tôi không phải là vẽ từ từ, mà hãy chỉnh sửa bản phác thảo càng nhiều lần càng tốt, mục đích là để sau này vẽ nét được đơn giản hơn.

5/ Tiết kiệm thời gian khi sử dụng công cụ Smart Bucket của Clip Studio Paint

Trước khi biết đến phần mềm Clip Studio Paint, tôi từng lãng phí rất nhiều thời gian chỉ để tô một lớp màu theo cách thủ công. Giờ thì tôi không muốn bạn phải dẫm lên vết xe đổ đó. Công cụ Smart Bucket của Clip Studio Paint dùng rất tốt trong việc nhận dạng các nét vẽ, và chỉ với một cú click chuột, vùng bạn chọn sẽ được tô màu mà không cần phải tốn công sức quá nhiều. Nếu bạn biết điều chỉnh một chút setting, bạn thậm chí có thể tô những nét phức tạp hay texture đều được.

6/ Ưu tiên brush cứng hơn là dùng airbrush mềm

Các bức tranh đẹp luôn có đủ cả hai loại đổ bóng mềm và cứng, nhưng nếu bạn không biết mình nên làm gì, hãy chọn brush cứng. Các bản vẽ sẽ trông đẹp hơn nhiều với những lớp đổ bóng phẳng (có thể tham khảo truyện tranh hoặc xem anime để rõ hơn cách đổ bóng của các họa sĩ) hơn là lạm dụng airbrush để vẽ lớp bóng mềm. Tôi luôn sử dụng brush cứng để đổ bóng trước, sau đó blend các lớp này lại với nhau để tạo ra lớp bóng mềm.

Ở bước này, tôi đã đổ bóng một số vị trí cần thiết trong tranh. Phần đổ bóng này không nhất thiết phải xác định bất kỳ nguồn sáng nào. Nó đã tạo thêm chiều sâu cho nhân vật và khiến cô ấy trông đẹp hơn.

7/ Dùng brush Transparent Watercolor như một công cụ blend

Đối với tôi, công cụ hữu dụng hơn cả so với công cụ  blend mặc định là Transparent Watercolor. Như bạn thấy trên ảnh, tôi có thay đổi cài đặt của brush một chút khi vẽ. Nếu bạn đặt Amount of Paint của brush ở mức thấp, chúng sẽ giúp bạn blend các màu lại với nhau tùy vào hướng vẽ và lực nhấn bút của bạn. Nếu bạn chỉnh ở mức cao, brush sẽ giúp bạn blend các màu có sẵn trên tranh với màu mà bạn đang chọn. Công cụ này rất linh hoạt và hữu dụng khi chúng ta biết cài đặt, sử dụng chúng đúng mục đích.

8/ Chỉnh độ dày của nét

Clip Studio Paint  là phần mềm thân thiện với tất cả họa sĩ từ vẽ minh họa, truyện tranh tới hoạt hình,… Phần mềm này được tích hợp nhiều chức năng giúp cho các họa sĩ làm việc năng suất, hiệu quả hơn. Một trong những chức năng mà tôi thích là điều chỉnh độ dày (hay độ to) của nét bút. Bạn có thể tùy chỉnh nó trong Bộ lọc>Nét>Điều chỉnh độ dày nét (Filters>Correct line> Adjust line width), nó sẽ cho phép bạn chỉnh dày hay hẹp các nét bút tùy ý bạn. Ở ảnh bên trái, bạn có thể thấy các đường nét mà tôi đã vẽ ban đầu, còn bên phải là các nét đã được chỉnh sửa lại. Nhờ chức năng này mà  tranh của tôi nhìn tinh tế, đều nét hơn. Tuy nhiên, nếu tranh của bạn đang trông khá thô và có nhiều mảng màu phức tạp, tôi khuyên bạn nên nhân đôi layer “vẽ nét” đã được chỉnh sửa ra, làm mờ nó một chút với Filters>Blur>Gaussian Blur và đặt chế độ layer thành Multiply.

9/ Thử nhiều màu khác nhau

Tôi không bao giờ lên ý định trước cho việc sẽ dùng những màu gì cho nhân vật tôi vẽ. Tôi thích thử nhiều màu sắc khác nhau để xem liệu chúng có tạo nên điều gì khác biệt cho nhân vật hay không. Có nhiều cách để bạn có thể tự điều chỉnh màu sắc nhân vật. Ví dụ như chọn một vùng màu mà bạn muốn (hoặc nếu bạn có phân layer màu ra từng phần của nhân vật thì chọn luôn layer) và sau đó chọn Edit>Tonal Correction>Hue/Saturation/Brightness, điều chỉnh thanh trượt tới bất kỳ màu nào bạn muốn. Hoặc bạn chọn một vùng mà bạn muốn, cắt nó ra và chỉnh thành Color mode, rồi thêm màu với công cụ Bucket mà tôi đã nhắc bên trên. Bạn cũng có thể điều chỉnh thêm những màu khác nhau với các chức năng mặc định như Multiply, Color Dodge, Split, chỉnh Gradient…

10/ Hãy tập trung vẽ đôi mắt thật hoàn hảo

Tôi luôn tin rằng đôi mắt chính là cửa sổ tâm hồn, và bạn hãy ghi nhớ điều này thật kỹ nhé! Điều đó khiến tôi rất thích vẽ mắt, đặc biệt là những đôi mắt mang phong cách truyện tranh, hoạt hình. Tôi không ngừng thử vẽ những đôi mắt mới, sáng tạo ra chúng với nhiều kiểu dáng, hình dạng và màu sắc khác nhau. Tôi cũng thường học tập, lấy cảm hứng từ những họa sĩ khác và kết hợp phong cách của họ với tôi.

11/ Xác định nguồn sáng và đổ bóng

Khi đổ bóng cho tranh, tôi luôn bắt đầu đổ những vị trí cơ bản và cố làm cho nó thật tinh tế, không dựa trên bất kỳ nguồn sáng nào. Giai đoạn này có thể giúp bạn xác định, tạo thêm chiều sâu cho những lớp màu phẳng của nhân vật, tạo cơ sở cho đổ bóng trong giai đoạn sau.

Để tiếp tục, hãy tưởng tượng nguồn sáng, sau đó thêm một layer được tùy chỉnh Multiply và để nó bên trên các layers màu. Tiếp theo, tôi đổ bóng chỉ với một màu duy nhất trên layer mới này. Thường thì tôi dùng màu tím xám, nhưng tùy vào tranh bạn vẽ thì bạn cũng có thể dùng các màu khác.

Tôi làm cho layer bóng đổ trên tranh của mình làm nổi bật hơn bằng cách thêm một layer khác trên layer Multiply mà tôi đã tạo trước đó, rồi chỉnh nó thành Color Dodge. Bây giờ tôi dùng một brush mềm, vẽ vào những vị trí mà tôi muốn nó nổi bật hơn với màu được chỉnh thành giá trị (value) thấp và độ bão hòa (saturation) cao.

12/ Hãy tô và tô, đừng quan tâm bất cứ điều gì

Đôi khi đừng quá cầu toàn, hãy “thả lỏng” những bước trên hay thậm chí không làm theo trình tự cũng được. Thành thật mà nói, chúng ta có rất nhiều điều để suy nghĩ trong khi vẽ tranh. Tôi chỉ muốn có một sự thư giãn trong khi sáng tạo nghệ thuật, vì thế tôi cố gắng vẽ sao cho thoải mái nhất có thể, phác thảo, lên màu rồi thêm một layer lên trên (hoặc đôi khi không), sau đó tôi chỉ việc vẽ và vẽ. Hãy nhớ các công cụ mà tôi yêu thích là Darker Pencil và brush Transparent Watercolor.

13/ Hãy dùng sự tương phản màu sắc trong tranh của bạn

Đây là một kỹ thuật tuyệt vời để làm cho tranh của bạn thêm sống động. Hãy thêm các màu tương phản vào các vùng tối hoặc tại các điểm màu khác nhau. Màu sắc thường tương phản nhau trong tự nhiên. Ví dụ, nếu nhân vật được đặt trong một môi trường có yếu tố màu đỏ mạnh, thì màu đỏ có thể nổi bật khi được đặt trong một số màu tối khác. Màu xanh da trời hay màu xanh lá cũng vậy. Trong vẽ minh họa, đôi khi bạn có thể phóng đại chúng lên. Các họa sĩ truyện tranh thường điều chỉnh các sắc độ xung quanh khuôn mặt như trên quần áo và tóc để làm cho làn da của nhân vật trở nên trông mềm mại hơn.

14/ Đừng quá hoàn mỹ

Tôi tự thấy tôi vẽ nền không được đẹp cho lắm. Đối với bức minh họa này, tôi sử dụng những bức ảnh do chính tôi chụp và điều chỉnh chúng bằng khả năng chỉnh sửa ảnh của mình. Tôi cắt chúng ra, làm mờ chúng, chỉnh sáng, tô thêm sắc độ và thêm các hiệu ứng sao cho mọi người không nhận ra nền bức tranh thực chất chỉ là một bức ảnh chụp.

15/ Hãy biết khi nào nên dừng lại

Thường thì sau khi vẽ xong, tôi sẽ xem lại toàn bộ quá trình vẽ của mình, sau đó ngồi thêm thắt, xóa bớt các chi tiết thừa trong nhiều giờ đồng hồ. Tôi luôn tự đặt câu hỏi như: “Liệu mình đã vẽ xong bức tranh chưa? Có nên thêm gì không? Nó đã đẹp chưa nhỉ? Mình có thể làm nó đẹp hơn nữa không?”

Để tạo thêm sự nỗ lực, tôi đã tự lập ra những bước cuối cùng để kết thúc một quá trình vẽ tranh. Đó là thêm một chút màu sắc cho tranh hay thêm hiệu ứng Glow Dodge (như các tia sáng lấp lánh mà bạn thấy trong hình); thêm layer Color Balance và viết chữ ký lên tranh. Và nếu như tôi không đăng nó lên mạng xã hội để người xem thưởng thức, thì có lẽ tôi sẽ còn quay lại bức tranh và tốn thêm hàng giờ đồng hồ để chỉnh sửa nó. Đăng tranh lên mạng xã hội khiến tôi cảm thấy hài lòng, khép lại quá trình vẽ bức tranh đó. Đừng ngại đăng tranh lên mạng xã hội, bởi vì đó là một cuốn nhật ký lưu giữ hành trình vẽ tranh của bạn. Một hành trình học hỏi, tìm tòi, khám phá, sáng tạo và sửa chữa những sai lầm.

>> Cho những bạn cần Instagram của Ladowska: https://www.instagram.com/ladowska/