Được tạo ra ở giai đoạn tiền kỳ, Animatic là video diễn hoạt đơn giản từ những hình ảnh của storyboard, có căn thời lượng nhằm để nhà sản xuất hoặc khách hàng xem trước một sản phẩm hoạt hình, show hay video game. Các yếu tố diễn hoạt trong các video animatic sẽ khác nhau tùy thuộc vào thời lượng và ngân sách của nhà sản xuất. Một số chỉ cần kết hợp các khung storyboard lại với nhau để canh thời lượng của sản phẩm. Trong khi một số khác lại thể hiện cả góc quay, điều hướng camera cùng những hiệu ứng cơ bản. Nhiều video animatic còn bao gồm cả âm thanh và lồng tiếng.
Công việc chính của một hoạ sĩ animatic là dự trù thời lượng cần thiết cho mỗi cảnh, ngoài ra còn có diễn hoạt chuyển động giữa các khung. Các studio và hoạ sĩ diễn hoạt sử dụng animatic để đảm bảo nhịp độ của cảnh diễn ra trôi chảy, mượt mà và dễ dàng chỉnh sửa trước khi đi vào diễn hoạt chính thức. Điều này sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian và ngân sách.
Tại sao chúng ta cần Animatic?
Các dự án animation (hoạt hình) ngắn, chương trình truyền hình hoặc phim ảnh khi sản xuất sẽ được phân thành các cảnh nối tiếp nhau (hay các góc máy khác nhau). Đây là công việc của hoạ sĩ storyboard khi họ giúp định hình tác phẩm theo hướng kích thích thị giác. Thông thường các dự án ngắn chỉ cần sử dụng storyboard, nhưng với các sản phẩm dài hơn một phút thì giai đoạn diễn hoạt tiền kỳ và dự trù trước thời lượng rất quan trọng. Đây chính là thời điểm mà animatic làm nên điều khác biệt.
Dựa theo góc nhìn thực tiễn, bạn cần phải biết một cảnh sẽ chiếm bao nhiêu thời lượng khi lên hình để có thể đưa ra các kế hoạch như:
-Số lượng công việc và thời gian cần thiết để diễn hoạt
-Cần bao nhiêu hoạ sĩ cho dự án?
-Ngân sách thực tế và ngân sách cần thiết?
-Làm thế nào để phân chia các cảnh cho đội ngũ để họ không bị quá tải?
-Dự án của bạn có đáp ứng được thời lượng bắt buộc?
Animatic sẽ trở nên quan trọng hơn gấp bội nếu muốn sản xuất một câu chuyện hoàn hảo với nhịp điệu tự nhiên. Trước khi bắt đầu diễn hoạt chính thức, animatic giúp chúng ta nhận ra sự thiếu mượt mà trong chuyển động hoặc sự vội vã và gượng gạo giữa các cảnh. Hơn hết, nó cho phép các biên tập viên và đạo diễn có cái nhìn tổng quát về dự án và cân nhắc xem có nên cắt bớt hay thêm vào một số cảnh hay không. Do đó, công việc này giúp tiết kiệm thời gian và năng lượng của mọi người nếu họ phải làm việc trong một thời gian dài.
Điểm khác biệt giữa Animatic và Storyboard
Storyboard bao gồm một loạt các hình ảnh tỉnh diễn tả câu chuyện bao gồm lời thoại được viết bên dưới mỗi khung truyện. Còn animatic là tập hợp các khung storyboard được diễn hoạt có thời lượng thành một phiên bản cực kỳ cơ bản của animation. Bạn sẽ không thể tạo ra một animatic mà không có storyboard.
Animatic có bao gồm các yếu tố diễn hoạt thật sự?
Có thể. Thỉnh thoảng người hoạ sĩ sẽ cảm thấy việc diễn hoạt một cách chi tiết là cần thiết để có thể ước tính thời lượng chính xác. Thông qua đó họ sẽ biết được phân cảnh nào cần diễn ra và diễn ra khi nào. Nó tùy thuộc vào nhu cầu của người hoạ sĩ và sự phức tạp của dự án. Ví dụ, đây là một sản phẩm animatic cho nhạc nền ca khúc Feel Good của phim Gorillaz. Sản phẩm chỉ có điều hướng camera. Và bây giờ hãy xem bản animatic của Into The Unknown từ Frozen II. Nó được thể hiện chi tiết hơn với các chuyển động và diễn hoạt. Do đó có thể nói mức độ chi tiết sẽ phụ thuộc vào sự phức tạp của dự án cũng như ngân sách dự trù.
Phần mềm phù hợp để tạo Animatic?
Vẽ storyboard là điểm khởi đầu. Bạn sẽ cần scan lên máy tính nếu đã vẽ storyboard trên giấy. Hoặc có thể tạo storyboard bằng bất kỳ phần mềm vẽ kỹ thuật số nào ví như Photoshop. Sau đó Boords có thể giúp căn thời gian rồi kết hợp các khung lại với nhau. Một số phần mềm khác có thể kể đến như Adobe Premiere, Adobe After Effects hoặc các chương trình chỉnh sửa video chuyên nghiệp khác.
Cuối cùng, hẳn mọi người đã biết đến movie Iron Man đình đám từ vũ trụ Marvel đúng không, cùng xem Iron Man 3 khi được hoạ sĩ animatic phù phép thì sẽ như thế nào nhé.
- Tác giả: Claire Heginbotham
- Nguồn: Concept Art Empire
- Dịch: Kim Tuyến