Từ những cảnh hành động cho tới lời thoại sống động, tất cả đều được ghi lại trong một bản storyboard chất lượng. Ngành công nghiệp giải trí đang rất cần những hoạ sĩ Storyboard và họ cũng mong muốn có một phần mềm phù hợp với công việc cũng như kĩ năng của mình. Bạn có thể tìm thấy hàng loạt những sự lựa chọn nhưng mỗi phần mềm có những đặc điểm, lợi ích và giá cả khác nhau (một số lại miễn phí).
Vậy phần mềm nào tốt nhất để tạo storyboard? Và trong số chúng, cái nào hữu ích và phù hợp nhất với các dự án của bạn?
Dưới đây là 14 phần mềm được đánh giá cao để chúng ta – những hoạ sĩ storyboard có thể tham khảo cũng như bắt đầu tạo ra tác phẩm của riêng mình.
1/ Storyboarder
Giá: Không tính phí
Hệ điều hành: Mac, Windows, Linux
Đội ngũ của Wonder Unit đã phát triển một số phần mềm ấn tượng dành cho những nhà làm phim. Một trong số đó phải kể đến Storyboarder, một phần mềm miễn phí giúp tạo ra những câu chuyện mang tính thị giác cao. Phần mềm này sử dụng được ở cả ba hệ điều hành chính chuyên dùng và hoàn toàn miễn phí. Nếu bạn là người mới bắt đầu, hiển nhiên sẽ muốn tiết kiệm tiền, vậy Storyboarder là một sự lựa chọn hợp lí cho bạn và những ai cần một ứng dụng đơn giản để luyện tập.
Trong Storyboarder, một khung hình tương ứng với một shot, bạn có thể chèn thêm lời thoại hoặc sử dụng các điều hướng di chuyển, thậm chí có thể chèn thành phẩm vào Photoshop khi bạn cần nhiều công cụ chỉnh sửa hơn cho bản storyboard của mình.
Đây cũng là một phần mềm có thể giúp bạn trình bày ý tưởng với khách hàng, hoặc đơn giản chỉ để luyện các kĩ năng vẽ storyboard cho nhuần nhuyễn hơn. Tất nhiên không có gì phải phàn nàn về giá của nó cả, đúng không?
2/ Toon Boom Storyboard Pro
Giá: $60/tháng hoặc $999 cho 1 lần mua
Hệ điều hành: Mac, Windows
Nếu xét về phương diện giá cả, Toon Boom Storyboard Pro hoàn toàn không có lợi thế. Đây có thể là phần mềm làm Storyboard mắc nhất trên thị trường ở thời điểm hiện tại, cũng là thước đo tiêu chuẩn của ngành công nghiệp truyện tranh và hoạt hình. Đa số những studio có tiếng đều sử dụng Toon Boom để tạo storyboard cũng như diễn hoạt, nên bạn sẽ cần tìm hiểu Toon Boom nếu muốn thâm nhập sâu hơn vào thị trường truyện tranh và hoạt hình. Ngoài giá gốc đã nêu, Toon Boom cũng cung cấp gói tháng với mức chi phí thấp hơn để người dùng tiện chi trả. Với mức chi phí này, bạn có thể kiểm tra chất lượng diễn hoạt của yếu tố nước trong các phân cảnh để đánh giá chất lượng của Toon Boom mà không cần phải mua bản quyền chính.
Vậy phần mềm này có những chức năng gì?
Toon Boom Storyboard Pro tổng hợp cả chức năng sketching (kí hoạ) lẫn diễn hoạt. Bạn có thể phác thảo storyboard và xem thử cách nó diễn hoạt, trong khi vẫn bám chặt vào kịch bản để chắc chắn mọi phân cảnh đều đáp ứng được yêu cầu của biên kịch. Có thể nói Toon Boom còn hơn cả một phần mềm làm hoạt hình. Các công ty quảng cáo có thể tận dụng Toon Boom. Nó cũng có thể hỗ trợ hoạ sĩ vẽ storyboard trong những dự án nhỏ. Hơn hết, công cụ Story Flow còn giúp biên kịch dễ dàng chuyển đổi giữa bản phác thảo và kịch bản, giúp họ theo dõi độ chính xác của từng chuyển cảnh, phân cảnh và hành động của nhân vật. Toon Boom còn có thể thiết lập chuyển động cho camera một cách linh hoạt, tạo không gian 3D – trải nghiệm phù hợp với những hoạ sĩ diễn hoạt 3D. Bạn có thể chèn kịch bản từ Final Draft vào Toon Boom hoặc chèn các Layer Panel từ Toon Boom vào Photoshop một cách dễ dàng. Cuối cùng là sở hữu hàng loạt các chức năng tương tự như các phần mềm khác trên thị trường.
Thẳng thắn xem xét thì Toon Boom Storyboard thật sự là một phần mềm chuyên nghiệp. Để tạo ra một bản thảo ở mức độ cao thì không cần thiết phải dùng Toon Boom. Tuy nhiên, nếu muốn theo đuổi nghiêm túc ngành công nghiệp hoạt hình thì việc tìm hiểu về phần mềm này sẽ vô cùng hữu ích.
3/ Adobe Photoshop
Giá:$9.99/tháng
Hệ điều hành: Mac, Windows.
Chắc chúng ta chẳng còn lạ gì với Photoshop. Đã hơn 20 năm kể từ khi phần mềm này chính thức ra mắt nhưng độ phổ biến của nó vẫn không hề giảm sút. Thật thú vị là Photoshop được người dùng tận dụng để thực hiện nhiều thứ khác bên cạnh tính năng chỉnh sửa ảnh, chẳng hạn như digital painting, vẽ đồ hoạ và tạo storyboard.
Bạn có thể thực hiện đồ hoạ kỹ thuật số trên Photoshop tương tự như các phần mềm khác. Photoshop hiện nay đã và đang được nâng cấp khi cung cấp thêm hàng loạt những công cụ brush mới phục vụ cho giới hoạ sĩ vẽ môi trường (background artists). Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng những template storyboard miễn phí dưới định dạng PSD đặc trưng của Photoshop. Không cần phải nói quá nhiều về phần mềm này nữa vì hầu như tất cả hoạ sĩ đều biết về nó. Nhược điểm lớn nhất là nó không được hỗ trợ để chạy trên hệ điều hành Linux, nhưng Photoshop vẫn là một phần mềm được hỗ trợ và quản lí bởi Adobe – một trong những thương hiệu uy tín và đáng tin cậy nhất trên thị trường. Nếu đã sử dụng Photoshop cho mục đích digital painting thì chắc hẳn bạn cũng sẽ biết cách tạo ra storyboard trên ứng dụng này.
4/ Storyboard Fountain
Giá: Không tính phí
Hệ điều hành: Mac
Storyboard Fountain là một ứng dụng mới chỉ dành cho hệ điều hành MacOS. Thật tiếc vì người dùng Windows và Linux hiện tại chưa có cơ hội trải nghiệm. Bạn có thể tải phần mềm này hoàn toàn miễn phí trên trang web chính thức. Hiện nó được chạy với hệ số beta nên thỉnh thoảng khá nhiều tính năng bị quá tải và một số lỗi lập trình nhỏ xảy ra trong quá trình vận hành. Một khi phiên bản 1.0 được ra mắt, thì chúng ta vẫn có thể được dùng miễn phí vì toàn bộ dự án này đều có trên GitHub. Điều này đồng nghĩa với việc các mã lập trình đều có sẵn vì có thể người tạo ra phần mềm đã ngừng trả phí bảo mật.
Theo một số đánh giá, giao diện chung cũng như các công cụ của nó hoạt động khá hiệu quả trong việc chuyển cảnh. Bạn có thể chọn những cảnh cần chỉnh sửa nhanh hoặc chạy demo và sắp xếp lại chúng mà không làm thay đổi những phân đoạn còn lại. Đoạn video preview sau đây có thể giúp bạn có một cái nhìn tổng quan hơn về phần mềm này.
Bởi vì chỉ có trên nền tảng Mac nên chắc chắn sẽ có ít người sử dụng Storyboard Fountain hơn các phần mềm khác. Tuy nhiên, với mức giá 0 đồng cùng giao diện đồ hoạ đẹp mắt và những chức năng đa dạng, thì Storyboard Fountain vẫn đáng để chúng ta trải nghiệm.
5/ Boords
Price: $12-$24/tháng.
Hệ điều hành: Mac, Windows, Linux
Những sản phẩm trực tuyến thuộc thương hiệu SaaS đang nhanh chóng trở thành “tiêu chuẩn” của lĩnh vực phần mềm. Dù các phần mềm ngoại tuyến vẫn được người dùng ưu ái nhưng ngày càng có nhiều ứng dụng dựa trên nền tảng web ra đời như Boords và chúng cung cấp những giải pháp rất hữu ích.
Boords hoạt động như một nền tảng chuyên tạo storyboard, cung cấp hàng loạt những template miễn phí và công cụ đa dạng. Nếu bạn đang làm việc với khách hàng, họ có thể đăng nhập vào dự án và để lại bình luận ngay trên máy tính của họ. Bạn cũng có thể thiết lập các tài khoản đa người dùng nếu đang thực hiện dự án nhóm. Boords có nhiều kích cỡ khung, template miễn phí và công cụ animatic hoạt động hiệu quả trước khi đi vào giai đoạn diễn hoạt chính. Boords có mức giá hợp lí và được hỗ trợ trên hầu hết các hệ điều hành thông dụng. Không có quá nhiều ứng dụng có thể cung cấp các chức năng hoạt động hiệu quả với mức giá rẻ như thế.
Những ai đang tìm kiếm một giải pháp đồng bộ trên nhiều tài khoản nên trải nghiệm Boords. Nó có thể không đáp ứng được tất cả yêu cầu nhưng bạn cũng có thể cân nhắc phiên bản dùng thử để đưa ra một quyết định hợp lý.
6/ FrameForge
Giá: $199
Hệ điều hành: Mac, Windows
FrameForge được đánh giá cao bởi giới phim ảnh hơn. Nó vẫn là một phần mềm hấp dẫn nhưng không phải là sự lựa chọn đầu tiên của giới hoạt hoạ. Thực tế, nét vẽ storyboard không chỉ hoạt hình mới có. Nhiều công ty trong lĩnh vực marketing cần storyboard cho mục đích thương mại hoặc cho các dự án video teaser ngắn. Một số khác sử dụng storyboard cho những cảnh phim phức tạp,những nhà làm phim Indie (phim độc lập) cũng cần soryboard.
Ưu điểm của FrameForge là ngoài việc sở hữu các chức năng tương tự những phần mềm khác, thì nó còn tập trung sâu hơn vào phân đoạn kịch bản. FrameForge hỗ trợ chuyển kịch bản từ những ứng dụng viết kịch bản phổ biến như Fadein và Final Draft. Thêm vào đó bạn có thể dễ dàng di chuyển và xem xét các cảnh trước và sau để có cái nhìn bao quát cốt truyện.
Phần mềm này được đánh giá phù hợp cho những người làm việc trong ngành đạo diễn và phim ảnh, nghệ sĩ Indie hoặc những nhà làm phim có ý định thực hiện các dự án mang tính bước ngoặc mà không cần ngân sách lớn.
7/ Prolost Boardo for After Effects
Giá: $29
Hệ điều hành: Mac, Windows
Về mặt kĩ thuật, đây không phải là một phần mềm độc lập, mà chỉ là một công cụ bổ sung của phần mềm Adobe After Effects. Prolost Boardo vẫn nằm trong danh sách này bởi nó hoạt động như một phần mềm riêng biệt. Giao diện After Effects đã quá nổi tiếng trong cộng đồng những nhà làm phim và truyền hình, vì vậy Prolost Boardo là một trong những chương trình tốt nhất chúng ta nên trải nghiệm.
Chương trình bổ sung này cho phép bạn dễ dàng xoay, nghiêng, thu phóng và di chuyển camera theo nhiều hướng khác nhau chỉ với một vài thiết lập. Ngoài ra, với các chức năng của After Effect, bạn sẽ dễ dàng chỉnh sửa hoặc thay thế bất cứ thứ gì trên màn hình. Đưa sự sống động vào khung phác thảo với những chuyển động camera, sau đó chuyển tất cả sang một bản animatic cuối cùng, tất cả đều có trong After Effect. Thật hoàn hảo, phải không?
Bạn chỉ cần trả 29 đô một lần để sở hữu Prolost Boardo không bao gồm giá của AE. Nhưng nếu bạn đã có sẵn bản quyền AE thì không cần phải lo lắng nữa rồi.
8/ Clip Studio Paint
Giá: $49
Hệ điều hành: Mac, Windows
Nhiều hoạ sĩ sử dụng Clip Studio Paint (CSP) để vẽ truyện tranh và sắp xếp những trang truyện. CSP có các chức năng giúp bạn sắp xếp các khung theo phong cách truyện tranh manga. Phần mềm này cũng giúp tạo ra storyboard vì có giao diện tương đồng. Bạn có thể thiết kế template CSP và sử dụng nó nhiều lần để tạo storyboard nhanh chóng hoặc tải template PSD và cài nó vào phần mềm.
Nếu cân nhắc việc nó là một trong những phần mềm đồ hoạ tốt nhất trên thị trường thì mức giá 49 đô là hoàn toàn hợp lí.
Phần mềm này phù hợp với tất cả? Có thể là không. Nhưng nó có thể là sự lựa chọn thay thế Photoshop với các chức năng và công cụ đa dạng: vẽ, tô, phác hoạ và tạo board.
9/ StoryboardThat
Giá: $9.99/tháng
Hệ điều hành: Mac, Windows, Linux
Storyboard That vẫn nằm trong danh sách mặc dù nó không đặc biệt phù hợp với hoạ sĩ. Phần mềm này dựa trên nền tảng web, hỗ trợ tạo board cùng hình ảnh, lời thoại và giúp sắp xếp những câu chuyện một cách nhanh chóng. Nhưng nó không cho phép vẽ thêm ngoài sử dụng những hình ảnh có sẵn. Bạn sẽ phải trả một khoản phí theo tháng để sử dụng phần mềm và để truy cập vào những công cụ tốt hơn. Theo nhận xét thì nó không thích hợp với nghệ sĩ hoạt hình, đặc biệt ở khâu kịch bản. Hãy sử dụng cho mục đích lên kế hoạch nhanh hoặc lên ý tưởng. Nếu bạn không có bất kỳ khả năng hội hoạ nào, Storyboard That vẫn có thể hỗ trợ bạn tạo ra thành phẩm. Do đó, nó sẽ phù hợp hơn với các hoạ sĩ vẽ truyện tranh web hay các thiết kế đồ hoạ nhỏ lẻ theo bố cục khung nối tiếp, hoặc các công ty marketing và quảng cáo cần sử dụng storyboard.
10/ OpenToonz
Giá: Không tính phí
Hệ điều hành: Mac, Windows
Ngày càng có nhiều phần mềm đồ hoạ miễn phí ấn tượng ra mắt. Có vẻ như tiềm năng phát triển của những nguồn thông tin, tài liệu miễn phí không giới hạn về nội dung và thể loại đang ngày càng tăng. OpenToonz là một trong số đó.
Theo một số nhận xét thì Storyboard Fountain nhỉnh hơn một chút so với OpenToonz nếu chỉ bàn về các phần mềm miễn phí, nhưng OpenToonz lại có ưu thế hơn vì có thể chạy trên hai nền tảng Window và Mac. Phần mềm này được thiết kế dựa trên phần mềm đồ hoạ 2D – Toonz, được sử dụng và thiết lập bởi Studio Ghibli. Có thể xem OpenToonz là phiên bản miễn phí thay thế cho Toonz. Dù vẫn đang trong quá trình phát triển nhưng đã có những chức năng nổi bật. Một trong số đó có thể kể đến khả năng kết nối câu chuyện đầy tính sáng tạo, giúp bạn liên kết nhiều cảnh với nhau và sắp xếp câu chuyện thành một biểu đồ. Tuy nhiên, chức năng tô màu vẫn cần được nâng cấp thêm. OpenToonz thậm chí còn kém xa so với Photoshop trên phương diện đồ hoạ nên có thể sẽ không đáp ứng được kì vọng của bạn. Nhưng cũng hợp lí vì nó hoàn toàn miễn phí, đặc biệt là khi bạn chỉ cần phác thảo board và tạo nên một câu chuyện mạch lạc từ những mảnh rời rạc.
11/ Krita
Price: Không tính phí
Hệ điều hành: Mac, Windows, Linux
Hoàn toàn miễn phí và được cộng đồng hoạ sĩ ưu ái. Còn có thể đòi hỏi gì nữa đây? Krita có lẽ là phần mềm đồ hoạ phát triển nhanh chóng nhất trên thị trường. Nó có hàng trăm loại brush miễn phí cùng với hàng loạt bài hướng dẫn cho người mới sử dụng. Tuy nhiên, Krita không phải là phần mềm chuyên về storyboard mà thiêng về vẽ và đồ hoạ số.
Vậy tại sao nó lại nằm trong danh sách này: có 2 lí do đó là miễn phí và dễ học.
Một số hoạ sĩ storyboard thích tô vẽ cho tác phẩm của mình đậm màu sắc và sinh động. Nhưng hầu hết họ chỉ muốn làm công việc đúng chuyên môn, vẽ nhân vật hoặc tô màu nhưng chỉ với mục đích giải trí. Krita cho phép bạn làm mọi thứ: tạo storyboard, vẽ, tô, chỉ với một thiết lập, và hoàn toàn miễn phí. Nó còn chạy được trên mọi hệ điều hành khác nhau. Còn nếu sử dụng máy tính bảng, chỉ cần cài đặt sẵn driver là bạn đã hoàn toàn có thể sử dụng trơn tru. Tuy nhiên, dường như hệ thống Krita không chấp nhận các template đuôi PSD thông dụng, nhưng bạn có thể chuyển file PSD thành đuôi PDF và chèn vào Krita. Dù đó không phải cách làm dễ dàng nhất nhưng đó là một trong những cách tốt nhất.
Krita được giới đồ hoạ khuyên nên trải nghiệm nếu bạn cân nhắc đến một phần mềm miễn phí. Hãy cứ yên tâm vì phần mềm này sẽ không ngừng được cải thiện theo thời gian.
12/ Plot
Giá: $10/tháng
Hệ điều hành: Mac, Windows, Linux
Plot giúp đơn giản hoá việc tạo storyboard. Chỉ với 10 đô/tháng bạn sẽ được truy cập không giới hạn vào các board, dự án cũng như được sử dụng chế độ đa người dùng.
Về cơ bản, đây là một phần mềm web có chức năng tương tự như một ứng dụng vẽ storyboard cho người mới bắt đầu. Nó cũng được trang bị các chức năng hữu ích phù hợp với hoạ sĩ hoạt hình. Phần mềm này chạy được trên tất cả các hệ điều hành và cho phép sử dụng chức năng vẽ. Bạn có thể dễ dàng vẽ các khung sẵn và chuyển chúng vào dự án, chèn thêm lời thoại và hướng di chuyển của camera. Vì ứng dụng mang tính kích thích thị giác cao nên chúng ta có thể dễ dàng chuyển đổi các cảnh chỉ bằng những cú nhấp chuột, kéo thả vào các khung sao cho chúng khớp với cốt truyện có sẵn. Thật dễ đúng không? Những chức năng và công cụ kết hợp, bổ trợ nhau tinh tế và hiệu quả hơn nhiều so với các phần mềm khác có mức giá tương tự. Bạn có thể vẽ trên desktop để điều khiển dễ dàng hơn, sau đó chuyển chúng vào Plot và sắp xếp chúng theo thứ tự. Việc còn lại chỉ là sử dụng các công cụ, chức năng để vẽ chi tiết và quản lí dự án hoàn toàn online.
Phiên bản chạy thử miễn phí của Plot ở trang homepage luôn chào đón bạn, chỉ với một cú nhấp chuột vào “tạo storyboard miễn phí”, bạn đã có thể trải nghiệm nhanh phần mềm này rồi.
13/ Mischief
Giá: $25
Hệ điều hành: Mac, Windows
Mischief là một phần mềm đồ hoạ chuyên về vẽ và kí hoạ. Website chính thức của Mischief sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về phần mềm này.
Tổng quan, Mischief thật sự ấn tượng và hữu ích. Dù không được thiết kế để tạo storyboard, nhưng nó hỗ trợ vẽ không giới hạn và kí hoạ chuyên sâu mà không cần những công cụ phức tạp. Bởi vì sự đơn giản nên bạn có thể dễ dàng học và sử dụng Mischief để thực hiện những ý tưởng lên màn hình một cách nhanh chóng. Theo các đánh giá, Mischief lý tưởng cho các hoạ sĩ để vẽ ra ý tưởng và xem xét cách chúng hoạt động mà không cần phải suy nghĩ về vấn đề template và các định dạng phức tạp. Vì nó được trang bị một mặt phẳng vô hạn cho phép bạn vẽ liên tục mà không cần lo sẽ hết chỗ trống. Board của bạn có vẻ bừa bộn một chút nhưng sẽ không bị những lằn ranh giới hay bìa giấy choáng chỗ. Hãy cứ tiếp tục vẽ và thể hiện những ý tưởng đó. Mischief có hai hình thức trả phí: miễn phí với bản giới hạn và một bản nâng cấp với 25 đô.
Creative Bloq có một bản review cho phần mềm này nếu bạn muốn tham khảo thêm các đánh giá của họ. Nhưng thật sự, Mischief sẽ đáp ứng được sự sáng tạo không giới hạn của bạn đấy.
14/ TVPaint
Giá: $600
Hệ điều hành: Mac, Windows, Linux, Android
TVPaint là một phần mềm nổi tiếng trong giới nghệ thuật. Tuy nhiên trên thị trường, nó không có thị phần cao như Toon Boom nên có thể TVPaint không được biết đến rộng rãi. Có nhiều hoạ sĩ hoạt hình thích sử dụng TVPaint bao gồm Aaron Blaise, hoạ sĩ đã từng làm việc tại Disney. Ông đã cho ra mắt các khoá học vẽ trực tuyến dành cho dân hoạt hình và hầu hết đều sử dụng TVPaint. Phần mềm này thật sự tốt và linh hoạt, đặc biệt trong giai đoạn tạo storyboard. Nó cũng được xem là một phần mềm hoạt hình uy tín và đáng tin cậy tương tự như Adobe Animate và Toon Boom Animate. Những ai muốn tạo ra một storyboard chuyên nghiệp sẽ hài lòng với các chức năng và công cụ đa dạng chuyên về vẽ board và diễn hoạt animatic trên TVPaint.
Nhưng tại sao nó lại nằm cuối danh sách?
Vấn đề hầu như nằm ở giá cả. Với giá 600 đô bạn có thể sở hữu Toon Boom, phần mềm đa chức năng hơn và được ưu ái hơn trong giới hoạt hình. Có nhiều sự khác nhau giữa 2 phần mềm này nhưng TVPaint cung cấp gói tạo hoạt hình toàn diện hơn.
Nếu chỉ nói về giá cả thì rất khó để đánh giá TVPaint, vì chúng ta còn rất nhiều sự lựa chọn khác rẻ hơn, dù chúng vẫn còn hạn chế về công cụ và chức năng. Tuy nhiên, TVPaint vẫn nằm trong danh sách và có đủ lí do cho điều đó. Đây là một phần mềm ấn tượng nên rất đáng để bạn dành thời gian trải nghiệm nếu đã từng tiếp xúc, trải nghiệm nó hoặc ấn tượng với một đoạn quảng cáo trên website TVPaint.
Nếu bạn thích làm việc trong thế giới hoạt hình 2D hay muốn tạo storyboard một cách chuyên nghiệp, hãy thử nhé. Nhưng nếu như là người mới bắt đầu, đây có lẽ không phải là sự lựa chọn ưu tiên. Những người hoàn toàn mới nên sử dụng Storyboarder, Storyboard Fountain hay Krita nếu như muốn tìm thấy template thích hợp.
Lời kết, bất kể bạn đang ở giai đoạn nào: mới bắt đầu, nghiệp dư hay chuyên nghiệp, đảm bảo rằng có ít nhất một phần mềm trong danh sách này sẽ đáp ứng được nhu cầu của bạn.
*Nguồn: Concept Art Empire
*Người dịch: Kim Tuyến