Khi không thể chụp ảnh, chúng ta có thể vẽ
Khi lật giở tạp chí, tìm kiếm phim trên Netflix, xem Instagram hay khi lựa chọn bất kỳ trò giải trí thích hợp trong giai đoạn dịch bệnh này, thì chắc chắn bạn sẽ lướt qua không ít những tác phẩm vẽ minh hoạ từ đơn giản đến phức tạp. Vẽ minh họa không phải là một lĩnh vực mới trong marketing và thiết kế, mà trên thực tế, nó đã xuất hiện từ lâu. Trước khi dịch bệnh xảy ra, vẽ minh hoạ đã nhận được nhiều sự quan tâm và tìm hiểu của cộng đồng thiết kế. Nhưng đứng trước đại dịch và những tháng ngày phong toả kéo dài, các vị Giám đốc nghệ thuật nhận thấy bản thân ngày càng phụ thuộc vào người hoạ sĩ minh hoạ và những loại hình sáng tạo độc lập (chỉ cần một cá nhân thực hiện) hơn là những shoot ảnh cần đến các công tác hậu kỳ phức tạp. Vì vậy, có thể nói rằng vẽ minh hoạ là một trong nhiều xu hướng bị tác động bởi dịch bệnh, dù là trực tiếp hay gián tiếp.
Giám đốc nghệ thuật của tạp chí New York – Stevie Remsberg cho rằng giai đoạn này là minh chứng của việc chuyển đổi từ chụp ảnh thực tế sang vẽ minh hoạ. Khi không thể thực hiện những buổi chụp hình ở phim trường, vẽ minh hoạ là một cách thay thế. Remsberg nói rằng “Nếu không thể chụp ảnh, làm cách nào để bạn truyền tải câu chuyện mà vẫn thu hút người xem? Dẫu biết rằng có cả một kho tàng ảnh miễn phí có sẵn mà mọi người đều có thể sử dụng, nhưng tôi muốn sở hữu những tấm ảnh của riêng mình”.
Chuyên mục Grub Street Diet của tạp chí New York là một trong những ví dụ điển hình cho việc chuyển đổi từ ảnh chụp sang vẽ minh hoạ. Các tác phẩm minh họa đều mang thông điệp nhất định. Nội dung chính miêu tả lại chế độ ăn uống mỗi tuần của một cá nhân nổi bật hoặc một người nổi tiếng. Biên tập Megan Paetzhold từng sử dụng hình ảnh thực tế được chụp trong những nhà hàng để minh hoạ cho các bài viết thuộc chuyên mục này. Tuy nhiên vào cuối tháng 3, cô đã triển khai sử dụng tranh minh hoạ và đã duy trì hình thức này cho đến hiện tại.
Hơn cả những lợi ích thực tế, Remsberg cũng nhận thấy vẽ minh hoạ là một cách để chia sẻ những cái nhìn khác nhau về câu chuyện muốn truyền tải. “Vẽ minh họa giúp chúng ta tiếp cận những độc giả đồng quan điểm hoặc quan tâm đến đối tượng trong bức vẽ dễ dàng hơn”. Remsberge cũng nhắc đến chuyên mục Hola Papi mới ra mắt của tạp chí The Cut, được minh hoạ bởi Pedro Nekoi, như một ví dụ cho thấy nghệ thuật giúp nhân đôi giá trị câu chuyện. Dường như những bức vẽ sáng tạo có nội dung đã trở thành một điều tất yếu khi chúng ta chia sẻ các câu chuyện lên mạng xã hội. Nhận biết được điều đó nhưng trước khi dịch bệnh bùng phát, đội ngũ của Remsberge vẫn chưa có kế hoạch phát triển xu hướng này trên các nền tảng mạng, mặc dù bản thân cũng hi vọng mình có thể tập trung vào nó sớm nhất có thể. Cô cũng bày tỏ mình đã luôn muốn thực hiện nhiều tác phẩm minh hoạ hơn cho tạp chí New York ở cả mảng báo mạng và báo giấy. Và tình hình dịch bệnh như hiện nay đã cho cô cơ hội để thực hiện chúng. Hiện tại, ngân sách cho các khoản cộng tác và thu mua tác phẩm minh hoạ từ đội ngũ bên ngoài đang không ngừng gia tăng. Các biên tập viên “cũng đang đẩy mạnh nhu cầu sử dụng tranh minh hoạ. Tôi không nghĩ rằng nguyên do là vì dịch bệnh, mà vì họ đang thấy được những giá trị thật sự mà vẽ minh họa đem lại”.
Đối với Martina Ibanez – Baldor, nhà thiết kế và giám đốc nghệ thuật của Los Angeles Times, minh hoạ luôn là một phần trong công việc của cô. Nhưng hơn một năm trở lại đây, vẽ minh họa bắt đầu chuyển sang những hướng phát triển mới. Chuyên mục Food mà Ibanez-Baldor đang phụ trách trước đó đã được hồi sinh vào năm 2019 bởi biên tập tờ Lucky Peach, Peter Meehan. Ngay cả khi Meehan từ chức vào mùa hè, thì phong cách mang hơi hướng vẽ minh hoạ của ông, đặc biệt trên những bìa tạp chí giấy, vẫn gây ảnh hưởng tới hình ảnh hiện tại của Food. Tháng 2 vừa qua, chỉ một vài tuần trước khi thành phố Los Angeles phong toả, tạp chí kịp thời ra mắt chuyên mục Plans (đi kèm với một tài khoản Instagram riêng) đã thu hút đọc giả bằng nhiều hình ảnh minh hoạ, meme và truyện tranh đầy tính sáng tạo.
Ibanez-Baldor nói rằng vì nhu cầu xem những nội dung về phong cách sống ngày càng tăng, những nhà thiết kế bắt đầu quan tâm hơn tới những câu chuyện và dự án có chiều sâu. Cô tiết lộ: “Chúng tôi đang làm việc với các biên tập viên và nhà báo song song với tự sản xuất những nội dung của riêng mình”. Năm vừa rồi, cô thiết kế ấn phẩm đầu tiên cho LA Times, nói về kỷ niệm 50 năm diễn ra cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam (Chicano Moratorium), theo sau đó là ba tác phẩm có chủ đề hữu ích với bạn đọc trong đợt dịch này: thực vật, nấu ăn và hướng dẫn dành cho những ai lần đầu khám phá công viên Griffith.
Cũng trong năm vừa qua, nghệ sĩ minh hoạ poster phim kiêm nhà thiết kế Akiko Stehrenberger cũng chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong nhu cầu về tranh minh hoạ, như sự mở rộng của loại hình streaming và các xu hướng tương tự. Ví dụ như chiến lược sử dụng thumbnail cá nhân của Netflix. Thuật toán của Netflix sẽ hiển thị những hình ảnh khác nhau cho mỗi cá nhân dựa theo profile và thói quen xem của họ. Chiến lược này giúp tăng độ hứng thú của người xem đối với những phim được đề xuất cũng như tạo điều kiện để đội ngũ sáng tạo đưa ra các ý tưởng concept hay hơn. Về phần Stehrenberger, cô cũng thiết kế thêm một poster cho bộ phim Tôi đang nghĩ về những điều kết thúc (I’m thinking of ending things) của Charlie Kaufman. Poster này sẽ được sử dụng trên các nền tảng số khi bộ phim được ra mắt vào tháng 9. Cô cho rằng “Họ đã có poster đầu tiên dưới dạng hình ảnh rồi, nhưng với tấm poster phụ này, bộ phim sẽ có cơ hội được quảng bá rộng hơn.” (Tấm poster miêu tả một người phụ nữ đang ngồi, nửa thân bị che phủ bởi tuyết, rất phù hợp với màu sắc lạ thường và bí ẩn của phim).
Stehrenberger chia sẻ khoảng 20 năm trước, những poster phim sử dụng tranh minh hoạ hầu hết chỉ dành cho thể loại phim Indie (dòng phim độc lập). Sau này, chúng được các studio sử dụng để đa dạng hoá các chiến dịch marketing. “Có thể trước đại dịch, vẽ minh họa chỉ là một cách thu hút thêm khách hàng mới. Trong đại dịch, nó lại trở thành một giải pháp thay thế”. Việc những shoot ảnh bị tạm dừng cộng với ngân sách quảng cáo bị giảm xuống do việc phải đóng cửa hàng loạt các rạp phim đã biến tranh minh hoạ trở thành một nhu cầu thiết yếu. Cô cho biết thêm khoảng chi phí để chia sẻ một poster lên Instagram là thấp hơn nhiều so với trả phí để quảng cáo trên billboard đã khiến các studio chấp nhận mạo hiểm và rủi ro, và cô hy vọng tinh thần này tiếp tục được lan rộng. “Một điều thú vị khác ở công tác minh hoạ là có hàng triệu cách khác nhau để miêu tả một câu chuyện. Tôi cho rằng cùng với việc phát triển không ngừng của loại hình nghệ thuật này, thì họa sĩ minh họa đang dần trở nên nhạy bén và thông minh hơn – họ không chỉ đơn giản thêm màu sắc vào nhân vật/đối tượng họ muốn thể hiện, mà còn sáng tạo ra những ý tưởng hay ho song hành với yếu tố công nghệ để đem đến cho người xem sự mới lạ chỉ qua một tấm poster”.
Vẽ minh hoạ đã và đang trở thành một cách để truyền tải thông điệp đời sống hơn là chỉ ghi lại chúng. Vai trò của những bức ảnh là làm nổi bật người hoặc vật thể chính của bức ảnh. Còn trong những trang chữ dài bất tận, những bức vẽ minh hoạ đi kèm sẽ thu hút bạn đủ lâu để đọc hết những nội dung đó. Có thể nói, loại hình này hiện tại vừa thiết yếu, vừa mới lạ. Không yếu tố nào sẽ kéo dài mãi mãi, nhưng nếu thời đại số hoá vẫn bị thống trị bởi cuộc cách mạng hình ảnh như ngày nay, thì vẽ minh hoạ sẽ luôn luôn là một sự lựa chọn tuyệt vời để thu hút ánh mắt người xem.
Nguồn: Eye on Design
Tác giả: Rachel del Valle
Dịch: Kim Tuyến