Manga, manhwa, và manhua giống nhau phải không? Không. Sau đây là bài so sánh ba loại truyện tranh Châu Á.
Trong những năm gần đây, sự phổ biến rộng rãi của manga trên toàn thế giới đã dẫn đến sự quan tâm ngày càng tăng đối với manhwa và manhua. Manga, manhwa, và manhua nhìn giống nhau, và nói chung, chúng giống nhau về mặt hình ảnh và cách trình bày, dẫn đến vô tình phân loại truyện tranh này có nguồn gốc Nhật Bản. Tuy nhiên, giữa chúng có một số điểm khác biệt tuy tinh tế nhưng quan trọng.
Lịch sử manga, manhwa, và manhua
Thuật ngữ “manga” và “manhwa” thực chất bắt nguồn từ từ Trung Quốc “manhua”, có nghĩa là “những bức vẽ ngẫu hứng.” Ban đầu, những thuật ngữ này được sử dụng ở Nhật Bản, Hàn Quốc, và Trung Quốc, là thuật ngữ chung cho tất cả truyện tranh và tiểu thuyết đồ họa, bất kể của nước nào. Hiện nay, độc giả quốc tế sử dụng thuật ngữ này này để chỉ truyện tranh đến từ quốc gia cụ thể: manga là truyện tranh Nhật, manhwa là truyện tranh Hàn Quốc, và manhua là truyện tranh Trung Quốc. Người sáng tác truyện tranh Châu Á cũng có tên gọi cụ thể: người sáng tác manga là “mangaka”, người sáng tác manhwa là “manhwaga”, và người sáng tác manhua là “manhuajia”. Cùng với từ nguyên, mỗi quốc gia cũng ảnh hưởng đến truyện tranh của nhau.
Tại Nhật Bản vào giữa thế kỷ 20, Tezuka Osamu, tác giả của Astro Boy, được nhiều người biết đến là cha đẻ của manga. Tuy nhiên, các học giả tin rằng manga ra đời vào khoảng thế kỷ 12 – 13 qua việc xuất bản tuyển tập tranh vẽ động vật Chōjū-giga của nhiều họa sĩ. Trong thời kỳ Mỹ chiếm đóng (1945 – 1952), binh lính Mỹ mang theo truyện tranh Âu Mỹ đến Nhật Bản, và điều này ảnh hưởng đến sự sáng tạo, cũng như phong cách nghệ thuật của mangaka. Nhu cầu đọc manga là rất lớn, do sự gia tăng số lượng độc giả trong những năm 1950 – 1960, và không bao lâu sau, manga trở thành hiện tượng toàn cầu bắt đầu từ cuối thập niên 80 cho đến nay.
Manhwa có lịch sử phát triển riêng. Trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng Triều Tiên (1910 – 1945), binh lính Nhật mang văn hóa và ngôn ngữ của họ vào xã hội Triều Tiên, bao gồm cả việc du nhập manga. Vào những năm 1930 – 1950, manhwa được sử dụng làm công cụ tuyên truyền chiến tranh và áp đặt hệ tư tưởng chính trị lên người dân. Manhwa trở nên phổ biến trong những năm 1950 – 1960, nhưng giảm sút vào giữa những năm 1960 do bị kiểm duyệt nghiêm ngặt. Tuy nhiên, manhwa phổ biến trở lại khi Hàn Quốc khai trương website đăng tải manhwa kỹ thuật số, hay còn gọi là webtoon, chẳng hạn như Daum Webtoon (2003) và Naver Webtoon (2004). Sau đó, vào năm 2014, Naver Webtoon ra mắt toàn cầu với tên gọi LINE Webtoon.
Manhua là truyện tranh đến từ Trung Quốc, Đài Loan, và Hồng Kông. Manhua được cho là ra đời từ đầu thế kỷ 20 cùng với sự xuất hiện của kỹ thuật in thạch bản. Một số manhua mang đậm màu sắc chính trị với những câu chuyện về Chiến tranh Trung-Nhật lần thứ hai và thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng Hồng Kông. Tuy nhiên, sau cách mạng Trung Quốc năm 1949, luật kiểm duyệt nghiêm ngặt dẫn đến việc manhua gặp khó khăn trong xuất bản hợp pháp ở nước ngoài. Tuy nhiên, manhuajia bắt đầu tự xuất bản tác phẩm của mình trên mạng xã hội và nền tảng webcomic như QQ Comic và Vcomic.
Đối tượng độc giả
Truyện tranh Châu Á chứa đựng nội dung thu hút đối tượng độc giả đã định, thường dựa theo độ tuổi và giới tính. Ở Nhật bản, manga shonen dành cho độc giả nam, xoay quanh câu chuyện phiêu lưu hành động kịch tính như My Hero Academia và Naruto. Manga shoujo dành cho độc giả nữ, chủ yếu là câu chuyện về cô gái phép thuật như Cardcaptor Sakura, và mối tình lãng mạn, rắc rối như Fruits Basket. Manga seinen và josei thiên về nội dung người lớn. Tương tự, manhwa và manhua có truyện tranh dành cho đối tượng độc giả cụ thể.
Ở Nhật Bản, các chương truyện được phát hành trên tạp chí hàng tuần hoặc hai tuần một lần như Shonen Jump. Nếu một bộ manga được nhiều người yêu thích, nó sẽ được xuất bản dưới dạng tankōbon. Đối với manhwa và manhua kỹ thuật số, các chương truyện được tải lên hàng tuần trên nền tảng webtoon.
Nội dung và hướng đọc
Nội dung truyện tranh Châu Á phản ánh các giá trị văn hóa. Manga có nhiều câu chuyện giả tưởng và siêu nhiên về shinigami – thần chết – như Bleach và Death Note. Manhwa thường có cốt truyện gắn liền với văn hóa làm đẹp của người Hàn Quốc như True Beauty, còn manhua thiên về chủ đề võ hiệp. Manhua tuy chứa cốt truyện hấp dẫn, nhưng bị chỉ trích là thiếu câu chuyện mạch lạc, mặc dù điều này không khiến bạn từ bỏ ý định đọc qua một lần cho biết.
Manga và manhua được đọc từ phải sang trái, từ trên xuống dưới. Tuy nhiên, manhwa giống truyện tranh Âu Mỹ ở chỗ đọc từ trái sang phải, từ trên xuống dưới. Truyện tranh kỹ thuật số có hướng đọc từ trên xuống, cho phép cuộn vô hạn (infinite scrolling). Manga in có những hạn chế khi miêu tả chuyển động trong artwork. Tuy nhiên, trong manhwa và manhua kỹ thuật số, bố cục dọc và tính năng cuộn vô hạn được sử dụng để miêu tả chuyển động đi xuống của chủ thể hoặc quãng thời gian trôi qua.
Artwork
Manga in và kỹ thuật số thường phát hành dưới dạng trắng đen, ngoại trừ ấn phẩm đặc biệt được in màu. Manhwa kỹ thuật số in màu, nhưng theo truyền thống, manhwa in lại in trắng đen như manga. Tương tự manhwa, manhua kỹ thuật số cũng in màu.
Lấy cảm hứng từ phong cách nghệ thuật của Walt Disney, Tezuka Osamu vẽ nhân vật mắt to, miệng nhỏ, cường điệu nét mặt để nhấn mạnh cảm xúc. Phong cách nghệ thuật của Tezuka ảnh hưởng đến artwork của họa sĩ Nhật Bản và nước ngoài. Tuy nhiên, nhân vật manhwa và manhua được vẽ với tỷ lệ cơ thể, ngoại hình chân thực hơn. Manga và manhwa có background chi tiết như thật, trái ngược với manhwa kỹ thuật số có background đơn giản hơn – về mặt này, manhwa in cũng giống như manga.
Manga sử dụng bộ từ tượng thanh độc đáo trong câu chuyện để không chỉ miêu tả âm thanh của loài vật và những vật vô tri vô giác, mà còn cả âm thanh của tâm trạng và cảm xúc. Từ tượng thanh được đặt trong khung bao hệt như truyện tranh Mỹ. Tương tự, manhwa và manhua có bộ từ tượng thanh riêng để miêu tả cảm xúc và chuyển động. Ngoài ra, manhwa kỹ thuật số còn sử dụng nhạc và âm thanh để nâng cao trải nghiệm đọc – nét mới lạ trong trình bày kỹ thuật số.
Với Internet, chúng ta có thể tiếp cận dễ dàng nhiều truyện tranh Châu Á. Bất kể bạn đọc manga, manhwa, hay manhua, mỗi truyện tranh có giá trị riêng, giúp nâng cao trải nghiệm đọc của độc giả khắp nơi trên thế giới.
Nguồn: cbr
Biên dịch: V.Toàn