Truyện tranh – trong tiếng Pháp là bande dessinée, trong tiếng Anh là comic, và trong tiếng Nhật là manga – trước kia được in trên báo chí bằng tranh, và chỉ được coi là dành cho tầng lớp thất học. Người có văn hóa nếu cầm đọc sẽ bị coi là thất học. Ngày nay, truyện tranh được yêu thích rộng rãi, và chiếm vị trí vinh dự trên các ngăn sách báo của thư viện.
Trong vòng nửa thế kỷ qua, cách nhìn nhận đối với loại hình nghệ thuật này đã thay đổi nhanh chóng, thể hiện rõ nhất là qua việc định nghĩa từ này trong từ điển Petit Larousse Illustré.
Năm 1968, truyện tranh được định nghĩa là “câu chuyện được thể hiện bằng tranh vẽ kèm theo lời thoại của nhân vật”. Và đến năm 1981, truyện tranh được giải thích là “dãy tranh liên hoàn” kèm theo lời thuật lại một hành động (action) mà diễn biến của nó được trình bày thành từng bước nhảy từ hình ảnh này sang hình ảnh khác mà không làm đứt quãng tính liên tục của câu chuyện, cũng như sự hiện diện của nhân vật.
Burne Hogarth, đồng giám đốc của trường nghệ thuật thị giác (School of Visual Arts), viết như sau: “Một số người cho rằng truyện tranh không phải là nghệ thuật thuần khiết, bởi nó còn phụ thuộc vào lời chú giải mà thực chất cũng chỉ là một thể loại văn học. Nhưng bảo nó là văn học sao được, khi truyện tranh cố từ bỏ cách thể hiện bằng ngôn từ để thay bằng động tác, dáng điệu, sự chuyển động?…” Cha đẻ của truyện tranh, họa sĩ vẽ truyện tranh người Thụy Sĩ Rodolphe Topffer gọi truyện tranh là “văn học bằng tranh”.
Dù định nghĩa như thế nào đi nữa, chúng ta cũng thấy truyện tranh khai thác tính sáng tạo của họa sĩ và người viết truyện. Truyện tranh là sự kết hợp giữa nghệ thuật tạo hình và văn học. Văn học không phải bao giờ cũng cần thiết, bởi loạt tranh nối tiếp nhau không cần lời chú thích cũng vẫn làm người xem hiểu được diễn biến câu chuyện và hành động của nhân vật. Hơn nữa, truyện tranh không đơn thuần mang tính giải trí, nó còn truyền đạt những khái niệm trừu tượng mà nhiều khi không thể diễn tả hết bằng lời.
Truyện tranh không phân biệt tuổi tác của đối tượng độc giả, từ trẻ học mẫu giáo cho đến người già về hưu đều yêu thích truyện tranh. Bên dưới tiêu đề của tạp chí truyện tranh Tintin luôn in dòng chữ “dành cho lứa tuổi từ 7 đến 77”. Tuy nhiên, khi nhắc đến lịch sử phát triển của truyện tranh, không phải ai trong chúng ta cũng đều am hiểu nó.Truyện tranh có lịch sử khá lâu đời. Nó có liên hệ với những hình vẽ thời tiền sử trên vách đá trong các hang động và chữ tượng hình Ai Cập. Nếu hiểu truyện tranh là truyện kể bằng hình vẽ, thì những hình vẽ trên hang động cách đây 35.000 năm chính là “truyện tranh”. Còn cho rằng truyện tranh là truyện kể lại bằng hình ảnh kết hợp với chữ viết, thì những bức bích họa trong lăng mộ Ai Cập cổ đại được gọi là truyện tranh cổ nhất. Từ xa xưa, người ta rất coi trọng việc thể hiện chủ đề tôn giáo thông qua hình vẽ nhằm truyền đạt thông điệp đến người xem một cách dễ dàng hơn. Truyện tranh theo đúng nghĩa thực sự phải được thể hiện trên giấy hoặc da thú, và được đóng thành sách. Nó ra đời vào thời Trung Cổ, là những cuốn sách có hình minh họa kể lại các sự tích trong Kinh thánh.
Comic Media Academy – Trường dạy vẽ truyện tranh tại TPHCM