Tác phẩm Nụ hôn (The Kiss) của Nhà điêu khắc Pháp Auguste Rodin. Đây là một trong những biểu tượng nghệ thuật nổi tiếng nhất về tình yêu và tính dục, rất được yêu thích trong lịch sử nghệ thuật thế giới.
Tác phẩm này ban đầu là một phần phù điêu trong thiết kế cổng bằng đồng mang tên “Cổng địa ngục” do chính phủ Pháp đặt hàng Rodin làm cho một bảo tàng nghệ thuật. Do kế hoạch bị lùi lại, năm 1886, Rodin quyết định biến phần hoạ tiết trang trí này thành một tác phẩm độc lập.
Ban đầu Rodin đặt tên cho bức tượng này là Francesca da Rimini, theo tên Francesco, nhà quý tộc nữ Italy thế kỷ 13 đã được bất tử hóa trong Thần khúc của Dante. Bà đã yêu em trai chồng mình và bị chính người chồng phát hiện. Ông ta đã giết cả hai người khi họ đọc sách cùng nhau. Trong tác phẩm điêu khắc, có thể thấy cuốn sách trên tay Paolo và đặc biệt, đôi môi của cặp tình nhân không thực sự chạm vào nhau. (Mặc dù tên tác phẩm là Nụ hôn!)
Trong cuộc đời của Auguste Rodin, có tới hơn 300 phiên bản lớn nhỏ, với các chất liệu khác nhau của “The Kiss”, nhưng chỉ có ba phiên bản được làm bằng đá cẩm thạch với kích cỡ lớn hơn kích cỡ người thật: 1 bản đầu tiên hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Rodin, 1 bản làm cho chính phủ Pháp (hiện đang được đặt ở công viên Tuileries) và 1 bản làm cho Edward Perry Warren.
Năm 1900, nhà sưu tầm nghệ thuật đồng tính nổi tiếng Edward Perry Warren đã trả 20.000 Franc, đặt hàng Rodin làm một phiên bản giống hệt bản gốc của “The Kiss” kèm thêm điều kiện khắc họa rõ ràng hơn phần bộ phận sinh dục của người đàn ông. Sau khi hoàn thành vào năm 1904, tác phẩm được đưa đến tư dinh của Warren tại East Sussex (Anh). Thế nhưng, do kích cỡ quá lớn không thích hợp để trưng bày, phiên bản này đã bị cất vào kho trong một thời gian dài. Năm 1914, Warren đem “The Kiss” cho Toà thị chính thị trấn Lewes mượn trưng bày. Tuy nhiên, người dân nơi đây cho rằng, những gì được miêu tả quá trần trụi, có thể châm ngòi cho những hành vi xấu và quyết định dựng rào chắn xung quanh, thậm chí còn dùng vải che phủ bức tượng.
Phải đến tận năm 1953, “The Kiss” của Warren mới được hệ thống Bảo tàng Tate của Anh mua lại và trở thành một trong những hiện vật được ưa thích nhất.
Trải qua hơn nửa thế kỷ, kiệt tác của Rodin lại một lần nữa gây sóng gió tại Anh khi vào năm 2003, nữ nghệ sĩ Cornelia Parker, trong cuộc triển lãm Tate Triennial đã quyết định quấn dây vài vòng quanh bức tượng. “Tôi cảm thấy, cho dù là tác phẩm điêu khắc nổi tiếng nhất của Tate, “The Kiss” quả thực có hơi nhàm chán. Tôi muốn làm sống lại những gì tác phẩm này muốn biểu hiện: Đó là các mối quan hệ có thể thực sự đau đớn, chứ không chỉ là cảm giác lãng mạn. Vì thế, sợi dây tượng trưng cho sự phức tạp trong tình yêu”, Parker giải thích về ý tưởng của mình. Tất nhiên, không phải tất cả mọi người đều đồng ý với bà. Bên cạnh một loạt những bài báo chê bai, một số khách tham quan bảo tàng thậm chí còn đem theo kéo xén cỏ và lén cắt đứt dây trước khi bị lực lượng an ninh phát hiện.
(Thông tin được tổng hợp từ nhiều nguồn)
Comic Media Academy