Bản thân tôi là một hoạ sĩ đã được trải nghiệm cả hai phương thức sáng tạo bao gồm: vẽ truyền thống và vẽ kỹ thuật số, tuy nhiên để đưa ra quyết định rằng hình thức nào tốt hơn thì quả thật không dễ dàng. Digital Art (vẽ kỹ thuật số) kể từ khi ra đời đến nay đã có rất nhiều bước tiến và cải thiện đáng kể khiến nó ngày càng trở thành đối thủ nặng ký nhất đối với các hình thức sáng tạo truyền thống. Thế nhưng, như mọi phương tiện khác, vẽ kỹ thuật số cũng có những ưu và nhược điểm mà bạn cần lưu ý trước khi thực sự lựa chọn hình thức sáng tạo phù hợp cho mình.
* Ưu điểm:
1/ Thời gian sáng tạo sẽ được rút ngắn một cách đáng kể. Ví dụ khi bạn muốn vẽ một bức tranh màu nước, bạn sẽ cần rất nhiều công cụ như: giấy vẽ, nước, màu, các loại cọ, khăn giấy,… Thế nên, để vẽ một bức tranh màu nước, cần trải qua rất nhiều bước chuẩn bị và khó khăn hơn hết chính là duy trì chất lượng của họa cụ và sản phẩm cuối cùng. Trong khi đó, vẽ kỹ thuật số sẽ giúp bạn loại bỏ đi những lo âu như màu của bạn sẽ không còn giữ được màu sắc ban đầu sau nhiều lần nhúng qua nước, hay việc lỡ tay làm rơi cọ lên bức tranh đang vẽ. Mọi thứ bạn cần đã được cài đặt sẵn trong các phần mềm và bạn chỉ cần thích nghi với việc “dán mắt” vào màn hình máy tính mà thôi. Thêm vào đó, vẽ kỹ thuật số, giúp bạn chỉnh sửa trực tiếp tác phẩm của mình trên màn hình máy tính trước khi đem đi xuất bản.
2/ Vẽ bằng kỹ thuật số mang đến khả năng chỉnh sửa tốt hơn rất nhiều so với hình thức truyền thống. Chẳng hạn, khi bạn vô tình có một nét vẽ không ưng ý, bạn chỉ cần bấm tổ hợp phím Ctrl + Z hoặc nhấn nút Undo, là bạn đã có thể vẽ lại. Nghệ thuật truyền thống thì lại không hề đơn giản như thế, mọi đường nét bạn vẽ lên giấy, vải hay gỗ, ít nhiều vẫn sẽ bám lại trên bề mặt ấy mà không biến mất hoàn toàn. Nói cách khác, không có nhiều chỗ dành cho những sai lầm khi vẽ theo cách truyền thống.
3/ Vẽ bằng kỹ thuật số còn giúp bạn sao chép vô tận các sản phẩm của mình với độ chính xác cực cao. Có thể nói, đây là một công cụ đắc lực của ngành công nghiệp xuất bản, khi mọi bản sao đều trông giống nhau từng li từng tí mà không hề bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài.
4/ Cuối cùng, hình thức vẽ bằng kỹ thuật số mang đến những tiềm năng vô tận cho người làm sáng tạo. Ngày nay, các phần mềm hỗ trợ đã mang đến những “kho tàng” công cụ, mà bạn có thể sẽ chẳng bao giờ khám phá hết những chức năng mà chúng mang đến. Tóm gọn lại, nghệ thuật sáng tạo bằng kỹ thuật số có thể tạo ra những thứ mà nghệ thuật truyền thống sẽ phải mất rất nhiều thời gian và công sức, hoặc thậm chí là không bao giờ có thể làm được.
* Nhược điểm:
1/ Trớ trêu thay, một trong những ưu điểm của vẽ kỹ thuật số lại chính là nhược điểm của hình thức sáng tạo này, đó là khả năng sao chép vô số bản sao với độ chính xác tuyệt đối. Nhiều người cho rằng, các tác phẩm được thực hiện bằng kỹ thuật số có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu, theo cách giống hệt nhau, khiến họ có cảm giác rằng chúng không phải là một tác phẩm nghệ thuật thực thụ, vì không có một bản gốc nào, thứ mà họ có thể chạm vào và cảm nhận. Việc in ra nhiều bản sao cũng không đem lại cảm giác như một tác phẩm được vẽ bằng tay. Và trên hết, điều này cũng có nghĩa việc “đánh cắp” chất xám của người khác và vi phạm những nguyên tắc của luật bản quyền cũng dễ dàng xảy hơn.
2/ Khả năng dễ dàng tẩy xoá và chỉnh sửa của vẽ kỹ thuật số cũng bị xem là một nhược điểm vì nó đòi hỏi ít kỹ năng sáng tạo nghệ thuật hơn. Trong đa số các tình huống thì điều này là không đúng, vì những họa sĩ kỹ thuật số (Digital Artist) cũng cần phải thành thạo những kỹ năng vẽ truyền thống và cảm nhận nghệ thuật để có thể sáng tạo, nhưng đáng buồn thay, luận điểm trên đôi khi là đúng vì những sản phẩm của những họa sĩ truyền thống rõ ràng đòi hỏi nhiều thời gian, kỹ năng và công sức hơn rất nhiều.
3/ Việc có thể sáng tác trong thời gian ngắn cũng là một nhược điểm của vẽ kỹ thuật số, vì nó đã tước đi những cảm giác “kì diệu” và chân thực khi làm việc trên một bức tranh hoặc một bức vẽ bằng tay. Khi vẽ bằng hình thức truyền thống, bạn đang thực sự tạo ra một thứ gì đó hữu hình, thực tế với những thiếu sót. Quá trình tạo ra một sản phẩm mới chính là lúc điều thần kì xảy ra, khiến tác phẩm có hồn. Sự “không hoàn hảo” là thứ khiến những tác phẩm nghệ thuật truyền thống quyến rũ và đáng giá.
4/ Vẽ kỹ thuật số mang lại những tiềm năng vô tận, nhưng một người họa sĩ vẫn cần có trí tưởng tượng và đầu óc sáng tạo mới có thể sử dụng được những tiềm năng ấy. Học hỏi kỹ năng từ những họa sĩ khác là điều đáng khích lệ tuy nhiên nếu bản thân bạn không có nét riêng nào cũng sẽ khiến những “đứa con” của bạn trở nên vô hồn và nhàm chán. Tác phẩm chỉ thực sự độc nhất khi bạn biết chất riêng của bạn là gì và tận dụng nó vào đâu trong sản phẩm của mình.
– Nguồn: CleosBlogging
– Người dịch: Khôi Nguyên