SLAM DUNK VS KUROKO NO BASKET: Đâu mới là đỉnh cao của bóng rổ? - Comic Media Academy

SLAM DUNK VS KUROKO NO BASKET: Đâu mới là đỉnh cao của bóng rổ?

19/10/2020

Slam Dunk và Kuruko no Basket là hai tựa phim anime vô cùng nổi tiếng khi nói đến anime thể thao nói chung và anime bóng rổ nói riêng. Đều là những bộ anime đỉnh cao và thành công vang dội vào thời kì phát hành của mỗi phim, thế nên việc khán giả đem cả hai tác phẩm ra so sánh là điều không tránh khỏi.

Cả Slam Dunk và Kuroko no Basuket đều kể về hành trình khốc liệt của những đội tuyển bóng rổ trung học kém cỏi cùng nhau vượt qua những gian nan tưởng chừng như bất khả thi để có thể chạm đếm giấc mơ của họ. Bộ anime nào vượt trội hơn từ trước đến nay vẫn là một chủ đề tranh cãi sôi nổi giữa cộng đồng người hâm mộ. Hãy cùng điểm qua những đặc điểm giống nhau và khác biệt của cả hai tựa phim đình đám này nhé!

“TÍNH BÓNG RỔ” 

Thoạt nhìn qua, hẳn ai cũng nghỉ rằng cả hai tựa phim đều kể về bóng rổ và những trận đấu nảy lửa. Tuy nhiên, cách cốt truyện được xây dựng và dẫn dắt xoay quanh bộ môn này lại chính là điểm khác biệt lớn nhất của cả hai tựa phim. Với Slam Dunk, tình yêu nồng cháy dành cho bóng rổ trong từng thước phim là điều không thể bàn cãi. Từ cách trình bày chân thực về từng khía cạnh của bóng rổ, những chi tiết lịch sử thú vị, đến những giải đáp về luật lệ của bộ môn thể thao này đều được Tiến sĩ T – phiên bản anime của tác giả Inoue Takehiko – khiến Slam Dunk không chỉ là một bộ anime giải trí, mà còn là một bức thư tình gửi đến cho bóng rổ.

Đối nghịch với Slam Dunk, Tadatoshi Fujimaki dường như chỉ muốn “mượn” bóng rổ để kể về câu chuyện của anh về mâu thuẫn và tình bạn. Trong Kuroko no Basket, có những tuyển thủ sở hữu những kỹ năng “siêu nhiên”, không thể nào diễn ra được trong những tình huống bóng rổ thực tế. Thế nhưng, những cuộc chạm trán giữa các tuyển thủ sở hữu những kỹ năng như vậy lại là những giây phút đỉnh cao của Kuroko no Basket. Đó cũng là yếu tố giúp thúc đẩy được cốt truyện và xứng đáng với sự kỳ vọng của khán giả. Chính vì yếu tố phi thường của một số tuyển thủ nên đã nảy sinh những ý kiến trái chiều, cho rằng Kuroko no Basket vẫn sẽ thành công tốt đẹp nếu chủ đề là về bất kỳ một môn thể thao đồng đội nào khác, không nhất thiết phải là bóng rổ.

PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT

Đây có vẻ là một phép so sánh khá khập khiễng, vì đây là hai tác phẩm của hai thời đại khác nhau. Đậm chất là một bộ manga và anime của thập niên 90, phong cách nghệ thuật của Slam Dunk thiên về sự chi tiết trong biểu cảm khuôn mặt của các nhân vật, sự nhấn mạnh các chi tiết bằng kỹ thuật đánh bóng và sự góc cạnh trong hình dạng của các vật thể và nhân vật.

Mặt khác, Kuroko no Basket là một tác phẩm được phát sóng gần đây, thừa hưởng những yếu tố của anime thời hiện đại, thế nên biểu cảm khuôn mặt của các nhân vật lại ít chi tiết hơn, với những đường nét được vẽ mượt mà và đơn giản hơn. Thêm vào đó, sự can thiệp của công nghệ CGI cũng giúp bộ anime thực hiện được những pha đi bóng không tưởng và những kỹ thuật siêu phàm của một số cầu thủ.

CHỦ ĐỀ

Cả hai tựa phim đều kể được những câu chuyện tuyệt vời về bóng rổ và khai thác được nhiều chủ đề từ bộ môn thể thao này. Slam Dunk chủ yếu xoay quanh những chủ đề có phần “đen tối” hơn, chẳng hạn như những lần bại trận, sự chuộc lỗi và tham vọng. Kuroko no Basket lại nhắm đến những chủ đề tươi sáng và lạc quan hơn, như sức mạnh tình bạn và ý chí chiến đấu không chịu bỏ cuộc. Một chủ đề đáng chú ý mà cả hai bộ phim đều có chung là tầm quan trọng của sự chăm chỉ và sự cống hiến đến từ mỗi cá nhân.

Trong Slam Dunk, hẳn ta đã quá quen thuộc với gã tóc đỏ Sakuragi Hanamichi, một “newbie” thực thụ trong bóng rổ. Sở hữu thể trạng cực tốt nhưng lại vô cùng nóng nảy à thiếu trách nhiệm khiến Hanamichi dường như chỉ là một người “có cũng được, không có cũng chẳng sao” hơn là một thành viên có ích cho đội tuyển. Chính những dèm pha ấy đã giúp anh có được ý chí quyết tâm và khao khát được cống hiến cho đội tuyển, và đã lao đầu vào luyện tập không ngừng nghỉ – có lúc anh đã đặt mục tiêu cho bản thân phải thực hiện được 20000 cú bật nhảy trong vòng 1 tuần. Và đến khi câu chuyện của Slam Dunk đi đến hồi kết, gã tóc đỏ cứng đầu đã chứng tỏ được bản thân và trở thành một phần không thể thiếu trong đội hình thi đấu của đội Shohoku.

Trong Kuroko no Basket, nhân vật chính Kuroko Tetsuya lại nhiều lần được cho là người sở hữu kỹ năng yếu nhất trong số những tuyển thủ sở hữu kỹ năng vượt trội nổi tiếng. Anh thường xuyên gục ngã trong những buổi tập và không có đủ thể lực để thi đấu một trận bóng trọn vẹn. Tuy nhiên, cũng vì nỗ lực luyện tập không ngưng nghỉ, vượt qua khóa huấn luyện “địa ngục”, Kuroko đã lọt vào mắt xanh của đội trưởng Seijuro Akashi, người mà sau đó đã kết nạp anh vào đội tuyển vô địch “Phamtom Sixth Man”.

Dù có sở hữu thể trạng vượt trội hay không, một tuyển thủ bóng rổ xuất sắc luôn phải vượt qua được giới hạn của bản thân và đặt mục tiêu của tập thể, của đội bóng lên hàng đầu.

KẾT LUẬN

Đây chỉ là sơ lược về một số điểm giống và khác nhau giữa hai tựa phim bóng rổ đình đám, huyền thoại Slam Dunk và nhà vô địch Kuroko no Basket. Mặc dù đều lấy bóng rổ làm chủ đề chính, thế nhưng thực chất đó là đặc điểm giống nhau duy nhất của cả hai tựa phim, và đây là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Thế nên, chẳng có bộ anime nào hay hơn bộ anime nào, cả hai đều xứng đáng nhận được sự công nhận cho những gì mà cả hai tựa phim mang lại. Mỗi người đều có những nhận định riêng, và khán giả nên thưởng thức trọn vẹn cả hai tác phẩm đỉnh cao này, cả anime lẫn manga, trước khi đưa ra câu trả lời của riêng mình.

 * Nguồn: MyAnimeList

 * Người dịch: Khôi Nguyên