Những thông điệp và đề tài do bộ manga Haikyuu!! truyền tải cho chúng ta sau khi kết thúc chặng đường của mình, có vẻ đã vươn xa hơn ngoài những mặt sân bóng chuyền.
Thoạt nhìn ban đầu, Haikyuu!! có vẻ như chẳng có gì đặc sắc, khi nó giống như bao bộ manga shounen về thể thao khác, kể về một nhóm thanh thiếu niên theo đuổi ước mơ và đam mê, và với nhân vật chính vượt qua được điều không thể nhờ nỗ lực và tinh thần đồng đội. Mặc dù Haikyuu!! có những điều đó, nhưng nó không hẳn chỉ kể về bộ môn thể thao bóng chuyền. Truyện còn đề cao tinh thần đồng đội, tình bạn và việc vượt qua được giới hạn sẽ mang lại những kết quả gì – những điều cũng rất thiết thực trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.
Dù bộ manga đã kết thúc cách đây không lâu, khán giả xem qua bộ anime hay đã đọc xong bộ manga vẫn nhớ như in về những bài học của những đội tuyển, những vị huấn luyện viên và những vận động viên đã dạy cho họ. Không chần chừ lâu nữa, sau đây là những gì Haikyuu!! đã dạy cho chúng ta.
“KẾT NỐI”
Bóng chuyền là một môn thể thao khi người chơi chỉ có vài giây để có thể chạm vào bóng. Ngay sau khi trái bóng đã chạm đất cũng đồng nghĩa với việc ván đấu đã kết thúc. Chính vì thế, kể từ giây phút đầu tiên, bộ truyện đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chạm được vào bóng – để kết nối ngay cả khi người nhận bóng hay chính bản thân bạn không phải là người ghi được bàn thắng. Chỉ cần bóng chưa chạm đất, thì người chơi vẫn có thể hi vọng và giữ vững tinh thần, và đó là một điều vô cùng quan trọng trong một trận đấu.
Sự kết nối ở đây nằm ở sự tin tưởng lẫn nhau giữa những người đồng đội, chẳng hạn như những libero chơi ở vị trí phòng thủ “sống chết” cũng quyết không để đối phương ghi điểm, hay cách Hinata nhắm chặt đôi mắt và bật nhảy thật cao, biết chắc chắn rằng thể nào cũng sẽ nhận được bóng từ Kageyama. Xuyên suốt cuộc sống của một tuyển thủ, họ cũng đã tạo nên được nhiều mối quan hệ khác với những vị huấn luyện viên, với những người thầy giáo, những người bạn mới hay thậm chí là cả với đối thủ. Ngay cả khi đội tuyển bị chia ra, sự gắn kết của họ vẫn còn rất bền chặt, vì chính niềm đam mê với bóng chuyền và cùng có chung một mục đính chính là điều đã mang họ đến với nhau. Có những giây phút, tình cảm họ dành cho nhau còn vươn xa hơn ngoài sân bóng chuyền.
XEM THẤT BẠI LÀ NHỮNG BÀI HỌC
Vào mùa thứ 3 của bộ anime, vào giây phút bàn thắng quyết định giữa trận đấu giữa đội Karasuno và đội Shiratoriwaza, huấn luyện viên Ukai, được lồng tiếng bởi cố diễn viên Tanaka Kazunari, đã có một câu nói rất hay: “Bóng chuyền là môn thể thao mà luôn luôn bạn phải ngẩng cao đầu!” Theo nghĩa đen, các tuyển thủ luôn luôn phải cao đầu, dõi theo đường bóng để có thể xử lí tình huống kip thời, nhưng nếu hiểu theo nghĩa bóng, ông Ukai đang muốn nói với đội của ông rằng, không được để một bàn thua làm rối loạn tinh thần thi đấu của toàn đội được. Khi mọi thứ trông quá ảm đạm, điều quan trọng nhất chính là nhìn về phí trước và tương lai.
Dù chưa từng chơi một trận bóng chuyền nào, thầy Takeda đã nhìn thấy và cảm thông với sự thất vọng trong mắt của các tuyển thủ khi họ đã thua trận đấu đó. Ông biết rằng các tuyển thủ đã rất chăm chỉ luyện tập và việc thắng trận đấu đó có ý nghĩa rất lớn đối với họ. Ông còn nói với họ rằng, thất bại không phải là điểm yếu, mà là cơ hội để toàn đội nhìn ra được điểm mạnh của họ. Họ sẽ học được những gì từ trận thua ấy và bằng cách nào trở nên mạnh mẽ hơn từ nó.
Không có điều gì chắc chắn rằng bạn sẽ thắng. Aoba Johsai và Shiratorizawa tưởng chừng như đã là 2 đội của 2 trường mạnh nhất, nhưng cuối cùng họ vẫn thua trường Karasuno. Sẽ luôn có kẻ mạnh hơn bạn. Không có đội tuyển nào là bất bại, chỉ có những đội tuyển học được bài học từ những trận thua, như cách đội Karasuno tạo nên một chiến lược tấn công mới, cách Tsukishima cải thiện khả năng cản bóng hay cách Hinata và Kageyama cải thiện nhanh chóng vào mùa 2. Mặc dù đội Karasuno đã thua tại giải bóng quốc gia, nhưng con đường của họ chưa kết thúc tại đó, mà nó kết thúc với một câu hỏi : “Ngày hôm nay các bạn đã bại trận, vậy ngày mai các bạn sẽ là ai?”
GIỚI HẠN KHÔNG HỀ TỒN TẠI
Đội Karasuno đã từng được ví như một đội tuyển vô danh trước khi tham dự giải Trung học và Quốc gia, chẳng ai tin rằng họ có thể chiến thắng những gã khổng lồ đương kim vô địch, ấy vậy họ vẫn giành được những chiến thắng vẻ vang. Ai cũng từng nghĩ với chiều cao hạn chế của Hinata rằng anh sẽ chẳng thể ghi nổi một bàn, nhưng rồi anh đã cho họ thấy họ đã lầm. Điều này càng được chứng minh khi huấn luyện viên Ukai đã nói với Hinata khi anh đang nằng liệt giường do bệnh tật: “Việc vượt qua được giới hạn của bản thân không quan trọng, điều quan trọng là cách em nuôi nấng chúng”, nhằm nhắn nhủ rằng ông muốn Hinata nhắm đến mục tiêu cao hơn, đi được xa hơn và trở nên mạnh mẽ hơn.
Oikawa và Hinata là hai nhân vật thường phải đối mặt với thử thách vượt qua được giới hạn của bản thân: đối với Hinata là về thể chất của anh, còn với Oikawa là nỗi sợ về khả năng kiến tạo siêu việt của Kageyama. Tuy nhiên, cả hai chàng trai đã không chùn bước trước những chướng ngại vật ấy – Họ đã vượt qua chúng, vươn cao đến những ước mơ và mục tiêu mặc cho những gì cản bước họ. Chỉ những kẻ mạnh mới có thể tồn tại trên sân bóng và chỉ những người thường xuyên đặt giới hạn cao hơn mới có thể trở nên mạnh mẽ hơn.
“BAY CAO”
Huấn luyện viên Ukai nhấn mạnh rằng, con người sinh ra không có cánh như loài chim, thế nên ta luôn tìm đến những cách khác để bay cao. Đội Karasuno đã luôn được xem như những chú quạ bay, với biệt danh là “nhà vô địch sa ngã”, và ngạc nghiên thay đó lại là một lời khen. Khẩu hiệu “bay cao” mang ý nghĩa rằng đội Karasuno có sự tự do để tìm kiếm hàng ngàn cách để thi đấu và dập tan những điều không thể. Tại trại huấn luyện hè, họ đã dõi theo đối thủ, học được những kĩ năng của đối thủ và biến tấu theo phong cách thi đấu của họ. Như những chú quạ, họ như những kẻ “ăn tạp”, tiếp thu và phát huy mọi thứ mà có thể khiến họ trở nên mạnh mẽ hơn. Điều này còn được Hinata nhấn mạnh với câu nói của anh tại giải đấu quốc gia : “Chơi bóng tốt cũng có nghĩa như được tự do.”
Bóng chuyền là môn thể thao rất đề cao về chiều cao thể chất. Tuy nhiên sau khi chứng kiến đội Little Giants chơi bóng, bạn sẽ nhận ra chiều cao chưa bao giờ thực sự là yếu tố cản trở bạn chơi bóng. Nó chỉ có nghĩa rằng bạn luôn có thể tìm đến những cách khác để tiếp tục thi đấu, như cách tận dụng sức lực và sự nhanh nhẹn để chạy nhanh hơn, nhảy cao hơn, thấy được những gì đằng sau bức tường cao vời vợi ấy. “Bay cao” có nghĩa rằng vươn tới những điều không thể.
CHƠI BÓNG CHUYỀN RẤT VUI
Dù cho đa số thời lượng của Haikyuu!! kể về những trận bóng trong các giải đấu, hay quá trình luyện tập, thắng bại của đội Karasuno, những điều đó chưa bao giờ là chủ đề cốt lõi của bộ manga và anime này. Vào chương cuối cùng của bộ manga, tác giả đã cố tình không hé lộ ai là người chiến thắng trong trận đấu Olympics hay kết quả của cuộc so tài giữa Hinata và Kageyama. Chưa bao giờ Haikyuu!! nhắm đến sự thắng bại – mà là về bộ môn bóng chuyền. Đối với Hinata và Kageyama, việc có thể tiếp tục chơi bóng đã là một niềm vui quá lớn đối với họ.
Ngay vào những giây phút khó khăn nhất, các tuyển thủ như Hinata và Oikawa thường nghĩ lại về quá khứ, rằng thứ gì đã khiến họ bắt đầu chơi bóng chuyền. Họ đã không quên được gốc rễ của niềm đam mê: rằng đó là môn thể thao mà họ yêu dấu và nó rất là vui.
* Nguồn: CBR.com
* Người dịch: Khôi Nguyên