Sự phát triển của nền công nghiệp sản xuất phim điện ảnh, truyền hình hiện nay tạo ra một nhu cầu kịch bản vô cùng lớn. Để đáp ứng, nghề biên kịch trở thành một nghề hot hơn bao giờ hết. Song ở thị trường Việt Nam, hàng năm vẫn có vô số phim chuyển thể hoặc mua kịch bản từ nước ngoài. Điều đó cho thấy, biên kịch ở nước ta tuy nhiều về số lượng, song chất lượng là điều đáng suy ngẫm.
Biên kịch ở Việt Nam hầu hết là tay ngang.
Giai đoạn trước đây, Việt Nam chưa có trường đại học hoặc cơ sở nào đào tạo nghề biên kịch, nên hầu hết những người viết kịch bản đều có xuất thân từ các ngành nghề khác trong xã hội như báo chí, truyền thông, đạo diễn,… Họ có sự sáng tạo, song để làm phim, ngoài sự sáng tạo, biên kịch cần có sự logic, tính thực tiễn và kĩ thuật viết.
Kĩ thuật viết là thứ có thể học.
Không giống như sáng tạo là yếu tố bẩm sinh, kĩ thuật viết là thứ chúng ta có thể học và trau dồi hàng ngày. Đó là kĩ thuật xây dựng và phát triển nhân vật, công thức phim thành công, hoặc tiêu chuẩn của một hồ sơ kịch bản đúng nghĩa.
Thực tế cho thấy, các biên kịch thành công ở Việt Nam hiện nay đều được đào tạo ở môi trường chuyên nghiệp nước ngoài hoặc tự học. Kĩ thuật chính là yếu tố làm nên tính chuyên nghiệp cho nghề biên kịch.
Học về nghề biên kịch trở nên dễ dàng hơn trong thời đại hiện nay.
Nhu cầu cùng thực tế xã hội đã mở đường cho một cuộc cách mạng trong ngành điện ảnh. Các trung tâm đào tạo nghề biên kịch mọc lên khắp nơi, các lớp hoặc, talk show liên tục được tổ chức đã truyền thông điệp rằng: Biên kịch cần được đào tạo.
Sự chuyên nghiệp cùng kĩ thuật tốt không chỉ giúp các biên kịch tìm kiếm được cơ hội nghề nghiệp trong thời đại huy hoàng của ngành công nghiệp giải trí, mà còn giúp nâng vị thế của Việt Nam trên bản đồ điện ảnh thế giới.
Lạc An