7 sự thật sau hậu trường làm phim Toy Story 4 - Comic Media Academy

7 sự thật sau hậu trường làm phim Toy Story 4

11/03/2020

Ra mắt năm 2010 với câu chuyện xoay quanh cuộc phiêu lưu của Woody, Buzz, và những người bạn, Toy Story 4 không chỉ giới thiệu thêm nhân vật như Duke Caboom (hình dưới), Gabby Gabby, và Forky, mà còn nâng mức độ chi tiết hình ảnh và độ phức tạp lên tầm cao mới.

Duke Caboom, Keanu Reeves lồng tiếng, là một trong những nhân vật mới trong Toy Story 4.

Mới đây, trong buổi nói chuyện tại hội nghị dành cho họa sĩ 2D/3D tại Vertex, họa sĩ làm việc cho Pixar Dylan Sisson hé lộ một số bí mật khiến bạn há hốc mồm về hậu trường làm phim hoạt hình 3D đoạt giải Oscar Toy Story 4.

01. Mức độ chi tiết đáng kinh ngạc

Pixar đã tạo 6 tỷ lá cây cho Toy Story 4.

Vài con số sau đây là minh chứng cho thấy Pixar đã tiến xa tới đâu khi nói đến mức độ chi tiết trong cảnh phim. Quái vật nổi tiếng Sully trong phim Monsters. Inc. (2001) được bao phủ bởi hơn 1 triệu sợi lông, một con số ấn tượng vào thời đó, song nó chẳng là gì với Toy Story 4 (2019).

Sisson cho biết, “Ví dụ, bạn sẽ có khoảng 6 tỷ nếu chịu khó đếm hết số lá cây trong bộ phim này. Khá nhiều, đúng không? Trừ khi bạn bắt đầu đếm số lá kim trên cây thông. Chúng ta có hơn 1 nghìn tỷ trong cảnh lễ hội. Đây là số lượng chi tiết và độ phức tạp mà chúng tôi xử lý hiện nay.”

Sisson cũng nhắc đến con số gây sốc 50 triệu mảnh bụi, nhưng cơn “chết ngất” vì sốc của chúng ta chỉ mới bắt đầu mà thôi.

02. Cần đến dàn máy tính cực khủng

Nhân vật như Forky nhìn có vẻ đơn giản, nhưng ẩn chứa độ phức tạp chưa từng thấy trong những cảnh phim như thế này.

Diễn họa là một trong những công đoạn tốn kém nhất, mất nhiều thời gian nhất trong quá trình làm phim. Về cơ bản, công đoạn này đòi hỏi huy động dàn máy tính cực khủng để kết hợp những thành phần hình học, hiệu ứng ánh sáng chuyển động trong cảnh CG thành hình ảnh hoàn chỉnh, cuối cùng.

Tại Vertex, Sisson khiến người nghe há hốc mồm khi cho xem một khung hình đơn giản trong Toy Story 4, rồi tiết lộ phải mất bao lâu để diễn họa nó. “Đây là khung hình tốn kém nhất trong Toy Story 4, và mất khoảng 325 tiếng để diễn họa trên 4 máy tính Core. Như vậy là hơn 1.200 giờ/khung hình.”

Về lý do tại sao lâu như vậy, anh giải thích, “Chúng tôi có đèn chùm chiếm một nửa cảnh phim.” Và để có được độ trong suốt, các tia sáng phải dội lại xung quanh nhà kho khổng lồ. Vì vậy, phải mất rất nhiều thời gian để diễn họa và khử nhiễu.”

Khi được hỏi đèn chùm có thật sự cần thiết cho cảnh phim hay không, Sisson nhún vai cười tiếc nuối, “Lẽ ra chúng tôi có thể thay bằng pinata, chúng tôi sẽ đỡ phải đối mặt với nhiều rắc rối.”

03. Pixar cố ý vô hiệu hóa một số nguồn sáng

Có hơn 17.000 nguồn sáng trong cảnh lễ hội – nhưng không phải tất cả đều hoạt động.

Một trong những thử thách lớn nhất khi làm phim hoạt hình 3D là tạo ánh sáng và bóng đổ tự nhiên, và số lượng nguồn sáng càng nhiều, thử thách sẽ càng lớn. Do đó, cảnh lễ hội trong Toy Story 4 không phải là buổi dã ngoại đối với họa sĩ tại Pixar.

Sisson cho biết, “Có hơn 17.000 nguồn sáng trong cảnh lễ hội. Chúng tôi có vòng quay Ferris, chúng tôi có đủ loại phát sáng khác nhau. Vì vậy, chúng tôi thật sự không có nguồn sáng trực tiếp trong cảnh ban đêm, chúng tôi chỉ có ánh sáng từ những nguồn sáng riêng lẻ.

Và đây là sự thật thú vị: Pixar bảo đảm độ chân thực cao bằng cách bảo đảm không phải tất cả nguồn sáng đều hoạt động. Theo tiết lộ của Sisson, trên thực tế, 3% nguồn sáng bị vô hiệu hóa.

Hầu hết người xem sẽ không nhận ra điều này, nhưng ở mức độ tiềm thức, nó giúp tạo ra thế giới chân thực, đáng tin. Pixar thật sự đã tạo ra sự đột phá nhờ tư duy thông minh kiểu này. Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi khi nói đến độ thông minh trong xử lý ánh sáng.

Kỹ thuật Globally Calibrated Exposure cho phép xử lý ánh sáng hiệu quả, chân thực hơn.

Quan trọng hơn nữa, Pixar áp dụng kỹ thuật “Globally Calibrated Exposure” để hiệu chỉnh ánh sáng trong phim, cho phép kiểm soát độ phơi sáng trong quá trình setup.

Sisson giải thích, “Về cơ bản, chúng tôi setup cho Toy Story 4 giống như cách bạn thay đổi khẩu độ trên máy ảnh DSLR. Đây là cách tạo hiệu ứng hình ảnh phổ biến cho phim ảnh, nhưng đây là bộ phim đầu tiên được chúng tôi quay theo cách này, và nó thật sự mang lại tính chân thực về mặt vật lý cho ánh sáng. Nó tỏ ra rất hiêu quả, vì chúng tôi có thể thay đổi một cách chính xác độ phơi sáng cho từng cảnh phim, từ cảnh ban đêm đến cảnh ban ngày.

04. Gabby Gabby ban đầu có mái tóc vàng

Việc thay đổi màu tóc của Gabby Gabby đã giúp giảm bớt gánh nặng cho bộ phận kỹ thuật.

Búp bê Gabby Gabby, do Christina Hendricks lồng tiếng, là một trong những nhân vật mới trong Toy Story 4. Ban đầu, cô nàng có mái tóc vàng, chứ không phải tóc hung như chúng ta thấy trong phim đâu. Tại sao có sự thay đổi này? Vì, bạn có tin được không, nó giúp giảm bớt chi phí diễn hoạt nhân vật.

Sisson nhớ lại, “Bộ phận thiết kế nhân vật đưa ra mẫu thiết kế ban đầu, và bộ phận kỹ thuật đặt câu hỏi, ‘Tóc cô nàng có nhất thiết phải màu vàng không?’ Tóc vàng sẽ đòi hỏi khối lượng diễn họa nhiều gấp 5 lần so với tóc hung. Và cô nàng hiện diện trong nhiều cảnh phim.”

Bộ phận thiết kế đồng ý thay đổi, và bộ phận kỹ thuật thở phào nhẹ nhõm. Vì theo lời giải thích của Sisson, tóc vàng đặt ra thử thách lớn hơn do cách nó tương tác với ánh sáng.

“Để diễn họa mái tóc vàng, chúng tôi không đơn giản chỉ diễn họa màu vàng, mà còn phải cho tia nắng chiếu vào và dội lại khoảng 80 lần trên mái tóc.” Anh nói, “Tóc vàng thật sự trong suốt; do đó, chúng tôi giảm độ trong suốt, tăng độ mờ đục lên, rồi cho tia nắng chiếu vào và dội lại khoảng 8 lần. Số lượng tia nắng đưa vào cảnh phim giảm đi đồng nghĩa với giảm bớt khối lượng công việc. Tóc hung cho kết quả tương tự, nhưng ít tốn kém hơn.

05. Ducky và Bunny siêu tốn kém

Thiết kế màu sắc cho Ducky và Bunny là không thể thương lượng.

Gabby Gabby là minh chứng cho thấy Pixar luôn tìm kiếm giải pháp mới, sáng tạo để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, Sisson nhấn mạnh rằng việc này không được gây ảnh hưởng đến yêu cầu của câu chuyện, rồi đưa ra ví dụ về thời điểm bộ phận thiết kế không nhượng bộ yêu cầu của bộ phận kỹ thuật.

Đó là trường hợp của cặp nhân vật mới trong Toy Story 4, Ducky và Bunny: hai món đồ chơi lễ hội mong muốn có người làm chủ nhân của chúng. Anh nói, “Chúng là cặp đôi kỳ lạ với bộ lông màu vàng và xanh neon. Diễn họa bộ lông màu vàng neon là tốn kém nhất. Và diễn họa bộ lông xanh neon là siêu tốn kém.

Vì vậy, bộ phận kỹ thuật quay lại đặt câu hỏi với bộ phận thiết kế, “Chúng không thể là màu nâu và đen được sao?” Và câu trả lời là, “Không, chúng phải là màu này!” Bộ phận kỹ thuật làm theo cho tất cả cảnh phim có hai nhân vật trên, vì nó quan trọng đối với câu chuyện.

06. Mạng nhện được dệt bởi nhện AI

Pixar đã lập trình cho nhện AI dệt mạng nhện trong khắp các môi trường.

Câu chuyện về mạng nhện là phần gây nhiều ngạc nhiên nhất trong buổi nói chuyện với Sisson. Anh tiết lộ, “Chúng tôi có một số lỗi phần mềm trong Toy Story 4, và nó đã giúp chúng tôi. Chúng tôi đã tạo ra những con nhện AI ở Houdini, chúng đi khắp nơi và bắt đầu dệt mạng nhện. Chúng tôi sẽ diễn họa những mạng nhện này, và nó khá hữu ích.”

Mạng nhện bạn thấy trong phim không phải do họa sĩ tạo ra hoặc đưa vào từ thư viện tham khảo, mà thực chất chúng được dệt bởi nhện kỹ thuật số. Chúng ta đang sống trong tương lai.

07. Có vô số trứng Phục sinh chờ bạn khám phá

Trứng Phục sinh trong cửa hàng đồ cổ được lấy từ những bộ phim trước đây của Pixar.

Nếu nhà bạn có con nhỏ, thì chẳng mấy chốc bạn sẽ thấy chúng chỉ muốn xem đi xem lại Toy Story suốt cả ngày. Nhưng đừng lo: cho dù mệt mỏi với câu chuyện, bạn vẫn có thể giải trí bằng cách tìm xem trong phim có bao nhiêu trứng Phục Sinh. Theo Sisson, chúng nhiều vô số cho bạn tha hồ ngồi đếm.

Anh nói, “Chúng tôi kiểm tra đạo cụ trong kho đồ cổ, vì đã có hơn 2.000 đạo cụ từ những bộ phim trước đây của Pixar.” Anh chỉ tay vào màn hình và nói tiếp, “Đây là đồ lễ hội lấy từ phim Coco, đây là quả cầu tuyết trong phim ngắn Knick Knack (1989), đây là Arlo the Good Dinosaur… Vì vậy, có nhiều thứ trong phim cho bạn trổ tài tìm kiếm.”

Vâng, bạn nghe không lầm đâu: hơn 2.000. Hãy cố gắng tìm hết xem nào!

*Nguồn: creativebloq 

*Biên dịch: V.Toàn – Comic Media Academy