Việt Nam chúng ta có bề dày văn hoá hơn 4000 năm, đi cùng hành trình lịch sử đó, hội hoạ với điển hình là tranh dân gian được tạo nên từ các làng nghề đã tạo nên những đặc trưng độc đáo cho nghệ thuật truyền thống nước ta.
Khác với các tác phẩm tranh nghệ thuật khác, tranh dân gian Việt Nam thường không có một tác giả cụ thể, mà được tạo ra bởi nhiều hoạ sĩ, tuy vậy mỗi loại hình tranh vẫn mang những đặc trưng trong nét bút, phối màu, chất liệu riêng của từng làng nghề. Trong đó nổi tiếng nhất là 4 làng: Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng, Làng Sình.
Tranh Đông Hồ
Tranh Đông Hồ, tên đầy đủ là tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ là một dòng tranh dân gian Việt Nam xuất phát khoảng thế kỉ 17, được dùng ván khắc gỗ để in trên giấy điệp, màu in tranh được chế biến từ nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên: Màu trắng từ sò, điệp; đen từ than rơm hay lá tre; hồng từ gỗ vang; đỏ từ son; xanh từ gỉ đồng; lam từ lá chàm; vàng từ hoa hoè, quả dành dành,…
Tranh thường được dùng để chưng vào dịp Tết Nguyên Đán với nội dung nói về đời sống sinh hoạt của bà con nhân dân. Làng Đông Hồ xưa còn gọi là làng Mái, cùng với dòng chảy lịch sử, nghề làm tranh dân gian đã đi vào thơ văn qua nhiều thế hệ.
“Hỡi cô thắt lưng bao xanh
Có về làng Mái với anh thì về
Làng Mái có lịch có lề
Có sông tắm mát có nghề làm tranh”
Ngày nay, dù không còn được chuộng dùng như trước nhưng tranh Đông Hồ vẫn được đánh giá rất cao bởi tính nghệ thuật và giá trị văn hóa trong đó.
Tranh Hàng Trống
Tranh Hàng Trống có vào thế kỉ 17, cùng thời điểm với tranh Đông Hồ, nhưng nếu tranh Đông Hồ có nội dung hướng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày thì tranh Hàng Trống lại thiên về thờ cúng nhiều hơn, đặc biệt là trong việc thờ cúng Đạo Mẫu như tranh Tứ Phủ công đồng, Bà chúa thượng ngàn, Ông Hoàng cưỡi cá, cưỡi lốt, Ngũ hổ… Chưng tranh Hàng Trống trong ngày tết, nhân dân ta không chỉ thể hiện lòng tôn kính với Thần Linh, mà còn cho thấy những ước nguyện đầu năm đầy may mắn và phát đạt.
Những chi tiết sử dụng trong tranh Hàng Trống mang đậm ảnh hưởng thẩm mỹ của giới quý tộc và sĩ phu kinh thành, như mai – lan – cúc – trúc, đàn – ca – sáo – nhị. So với tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống đa dạng hơn về màu sắc, vì các nghệ nhân không sử dụng hoàn toàn bản khắc gỗ để in mà chỉ in một nửa rồi sử dụng các công cụ để tô vẽ. Đây cũng là nét hấp dẫn rất riêng của làng tranh Hàng Trống ở giai đoạn bấy giờ.
Tranh Kim Hoàng
So với tranh Đông Hồ và tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng xuất hiện muộn hơn, vào khoảng cuối thế kỉ 18, tại làng Kim Hoàng, Hà Nội. Tuy sinh sau đẻ muộn, nhưng với nét đặc trưng riêng của mình, tranh Kim Hoàng đã nhanh chóng trở thành một sản phẩm hội hoạ độc đáo phục vụ nhu cầu chơi tranh tết của xứ Kinh Kỳ, đặc biệt là tầng lớp quý tộc.
Tương tự như tranh Hàng Trống, ở tranh Kim Hoàng, các nghệ nhân chỉ dùng một bản khắc để in nét đen trên giấy rồi từ đó tự do chấm phá màu sắc lên tranh theo cảm xúc và ngẫu hứng cá nhân của mình. Bởi vậy mà mỗi bức tranh là một phong thái riêng chứa đựng sự phóng khoáng và nét tài hoa riêng của mỗi nghệ nhân mặc dù chúng cùng in ra từ một bản khắc.
Về đề tài, tranh Kim Hoang cũng lấy chất liệu từ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày như tranh Đông Hồ, nhưng bên cạnh hình ảnh, trên tranh còn thường có những câu thơ chữ Hán được viết theo lối chữ thảo, hài hoà với bố cục bức tranh. Để có được một bức tranh dân gian Kim Hoàng, đòi hỏi người nghệ nhân không chỉ thông hiểu chữ Hán mà còn phải thể hiện được nét tài hoa lên từng đường nét và màu sắc, tạo sự khác biệt cho dòng tranh Kim Hoàng.
Tranh Kim Hoàng phát triển mạnh nhất vào đầu thế kỷ 19, nhưng bị thất truyền vào năm 1915, khi cả làng bị ngập nặng, nhiều ván in tranh bị nước lũ cuốn trôi. Đến năm 1945, cả làng Kim Hoàng không còn ai làm tranh nữa.
Tranh Làng Sình
Nếu Đông Hồ, Hàng Trống và Kim Hoàng là những làng nghề làm tranh nổi tiếng bậc nhất ở phía Bắc, thì làng Sình là nơi sản xuất ra những bức tranh nức tiếng xứ Cố Đô. Tranh làng Sình được chia thành 2 dòng chính: tranh chưng tết và tranh thờ, trong đó tranh thờ với các chủ đề Tượng Bà, tranh Ông Điệu, Ông Đốc, Tờ Bếp,… là những đặc trưng nổi bật nhất của tranh làng Sình.
Để làm ra được một bức tranh đòi hỏi người thợ phải thật khéo léo và tỉ mỉ. Tranh hoàn toàn được làm thủ công, để có một bức tranh phải trải qua đủ 7 công đoạn, từ xén giấy, quét điệp, in tranh trên mộc bản, phơi tranh, pha màu, tô màu, cuối cùng là điểm nhãn. Giấy được quét điệp cho dai, giữ màu. Vỏ điệp được nhập từ phá Tam Giang rồi người làm tranh phải tỉ mẩn ngồi giã, nghiền thật nhỏ, trộn với lớp bột gạo thành một lớp mịn quét đều lên giấy.
Nét độc đáo ở tranh làng Sình là màu sắc, mỗi bức mang một nét riêng. Tông màu chính là xanh, đỏ, đen, vàng, tím. Bố cục màu được quy định chặt chẽ nhưng không hề đơn điệu bởi sắc màu tươi tắn cùng đường nét tự nhiên.
Ngày nay, tranh làng Sình vẫn được sử dụng phổ biến với mục đích thờ cúng và hoá vàng vào những ngày lễ lớn và giỗ chạp. Làng Sình ở Huế cũng trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng, nơi du khách có thể tự tay tạo cho mình những bức tranh mang đặc trưng của làng Sình và văn hoá Việt Nam.
Lạc An