Manga đi theo phong cách tối giản so với những loại truyện tranh khác, nhưng thực chất nó không tối giản như chúng ta tưởng. Từng nét vẽ đều được họa sĩ cân nhắc, chọn lọc cẩn thận – không bao giờ sử dụng 10 nét vẽ để miêu tả khi chỉ cần 1 nét vẽ đơn giản là đủ.
Nguyên tắc đi vào trọng tâm xuyên suốt toàn bộ quá trình sáng tác manga. Mỗi khung hình là một sự lựa chọn kỹ lưỡng về kích thước, độ zoom, góc nhìn, vị trí khung thoại, kiểu background. Mỗi trang truyện nói chung đóng vai trò kiểm soát trải nghiệm của người đọc, nhất là nhịp độ.
Hãy đọc 15 mẹo dưới đây để giúp bạn sáng tác comic strip đúng chất Nhật Bản.
01. Gia tăng nhịp độ
Khi sáng tác comic strip theo phong cách manga, bạn cần ghi nhớ manga có nhịp độ nhanh hơn, mật độ khung hình thưa hơn so với những loại truyện tranh khác. Câu chuyện trải dài trên nhiều trang hơn với mỗi trang chứa ít khung hình hơn. Lưu ý có sự khác biệt giữa mỗi loại manga. Ví dụ, Seinen manga (dành cho độc giả nam 18 – 30 tuổi) có mật độ khung hình dày hơn so với Shoujo manga (dành cho độc giả nữ tuổi teen). Tuy nhiên, nguyên tắc chung vẫn là tối đa 3 khung thoại cho mỗi khung hình, trung bình 5 khung hình cho mỗi trang, và khoảng 5 trang cho mỗi cảnh.
02. Cân nhắc hướng đọc
Độc giả Nhật Bản quen đọc manga theo chiều dọc từ trên xuống dưới, từ phải sang trái. Vì vậy, đối với manga được phát hành tại Nhật Bản, bạn nên đọc từ trên xuống dưới, từ phải sang trái. Manga thường vẫn giữ nguyên hướng đọc trên khi nó được dịch sang tiếng Anh. Tuy nhiên, nếu bạn sáng tác bằng tiếng Anh ngay từ đầu, thì không nhất thiết tuân thủ hướng đọc này. Bạn tùy nghi quyết định hướng đọc, rồi gắn bó với nó.
03. Tạo nhóm khung hình
Trong hầu hết manga, khung hình có hình dạng, kích thước thay đổi theo từng trang truyện. Vì khung hình không được đánh số hoặc vẽ mũi tên chỉ hướng đọc, bạn cần tạo nhóm khung hình để buộc độc giả phải đọc nhóm khung hình này trước khi qua nhóm khung hình kia. Phân cách các nhóm khung hình bằng cách tăng khoảng trống giữa chúng (đường phân khung). Sau đó, bảo đảm đường phân khung trong nhóm khung hình này không thẳng hàng với đường phân khung trong nhóm khung hình kia.
04. Khám phá bố cục trừu tượng
Manga không tuân theo bố cục khung hình chữ nhật truyền thống. Nó thường áp dụng bố cục khung hình động với hình dạng không đều, trình bày theo đường chéo thay vì theo hàng tiếp nối nhau, trải dài suốt chiều dài hoặc chiều rộng của trang truyện. Hoa văn thỉnh thoảng được sử dụng làm đường viền khung hình. Nhân vật đôi khi thoát ra khỏi khung hình. Khung hình thậm chí có thể rõ dần, mờ dần như một phần của câu chuyện.
Cái khó là bảo đảm trình tự khung hình rõ ràng bất kể áp dụng bố cục nào. Hãy cố gắng đọc một vài manga để khám phá thêm nhiều bố cục mới lạ, đáng thử.
05. Phản ánh nhiều góc nhìn khác nhau
Manga nổi tiếng với phong cách điện ảnh. Mỗi khung hình được ví như một bộ phim hành động, nơi camera chuyển từ quay cận cảnh đôi mắt sang quay góc nghiêng cuộc đối thoại giữa hai người, quay từ trên xuống các nhân vật, rồi quay từ dưới lên khi gót giày gõ lên sàn nhà. Cố gắng phản ánh nhiều góc nhìn và độ zoom khác nhau trong câu chuyện.
06. Làm sống động
Manga là hình thức kể chuyện sống động. Trong cảnh đánh nhau, nhân vật trông như thể đang chuyển động, thậm chí bay ra khỏi trang truyện. Trong truyện tranh siêu anh hùng, nhân vật và điểm tác động được khắc họa hoàn toàn bằng mực; còn trong manga, tứ chi nhân vật được làm mờ bằng chuyển động, background biến thành đường chuyển động, nhấn mạnh hướng chuyển động và điểm tác động. Hầu hết được thực hiện bằng mực, nhưng cũng có thể bằng screentone.
07. Background ăn nhập với bầu không khí
Giữa manga và các loại truyện tranh khác có một điểm khác biệt lớn, đó là sử dụng background trừu tượng ăn nhập với bầu không khí và cảm xúc của nhân vật. Một khi cảnh truyện đã có cảnh mở màn, background có thể là đăng-ten và những cánh hoa ám chỉ mối tình lãng mạn vừa chớm nở; ngọn lửa nếu nhân vật nổi cơn thịnh nộ; bóng đen và nút thắt ám chỉ sự xáo trộn nội tâm; hoặc bánh quy và bánh ngọt khi nhân vật dễ thương khó cưỡng! Background loại này đặc biệt phổ biến trong Shoujo và Josei manga (dành cho độc giả nữ).
08. Đừng dựa vào “đuôi” khung thoại
Theo truyền thống, người Nhật Bản đọc từ trên xuống dưới, rồi từ phải sang trái. Vì vậy, manga có khung thoại dài hẹp hơn so với truyện tranh phương Tây. Không gian khung thoại rộng rãi, thừa chỗ cho viết lời thoại. “Đuôi” khung thoại tuy là nét đặc trưng của manga, dùng để chỉ người nói, nhưng rất nhỏ hoặc không tồn tại. Thay vì dựa vào “đuôi” khung thoại, đặt khung thoại gần đầu người nói. Hãy lựa chọn góc nhìn một cách khôn ngoan.
09. Sáng tạo với khung thoại
Khung thoại trong manga đa dạng hơn những loại truyện tranh khác. Chúng thường được vẽ tay và có hình dạng khá lạ mắt. Khung thoại nối liền với nhau thay vì được liên kết bằng đường kẻ mảnh. Khi nhân vật này trò chuyện với nhân vật kia, đoạn đối thoại được miêu tả nguyên văn với từng khung thoại chồng lên nhau. Tiếng la hét được đặt trong khung thoại có đường viền sắc nhọn như quy ước, nhưng dòng suy nghĩ không được đặt trong khung thoại đám mây, mà thường được bao bọc bởi lớp sương mờ (vẽ tay hoặc dán screentone).
10. Dán screentone
Manga sử dụng screentone trắng đen. Để thực hiện việc này, trước tiên bạn cần chuẩn bị line art trắng đen (bảo đảm không có bất kỳ màu xám nào), rồi scan với độ phân giải tối thiểu 600 dpi. Sau đó, chuyển đổi từng pixel sang trắng đen. Điều này cũng áp dụng cho screentone: mỗi pixel phải trong suốt/trắng đen.
Sao chép, rồi dán screentone lên lớp trên line art, vừa đủ để phủ kín đường nét. Giả sử screentone không trong suốt trên nền trắng, bạn thiết lập lớp ở chế độ Multiply để có thể nhìn thấy đường nét bên dưới.
Sau cùng, cắt bỏ phần screentone dư thừa bằng nhiều cách như sau: chọn bằng công cụ Lasso/Magic, rồi cắt; sử dụng công cụ Eraser trong chế độ Pencil; hoặc sử dụng Layer Mask với cọ cứng.
11. Khám phá hiệu ứng screentone
Bên cạnh việc dán screentone để tạo bóng đổ, bạn có thể sử dụng nó vào mục đích khác nữa. Ví dụ, tạo mảng sáng bằng cách tô chì trắng lên đường nét và screentone. Tạo mảng bóng mềm mại bằng công cụ Eraser (chọn Dissolve). Dán screentone lên đường nét để tạo vẻ mờ ảo cho hình ảnh. Muốn tăng độ tương phản cho những mảng tối, bạn có thể dán screentone chồng lên nhau, nhưng hãy cẩn thận: bạn có thể gặp tình trạng gợn sóng nếu căn chỉnh chúng không đều, thiếu chính xác.
12. Sử dụng hiệu ứng âm thanh
Hiệu ứng âm thanh bằng tiếng Nhật đa dạng vô cùng, sử dụng kết hợp nguyên âm và phụ âm để biểu đạt sự va chạm, cú đấm, cú đánh,… Cách phát âm thường giống thật hơn tiếng Anh, chẳng hạn như “roar” (GA-O-!) hoặc “slam” (pa-tan!). Từ tượng thanh tiếng Nhật là hiệu ứng âm thanh cho những khái niệm trừu tượng (“shiiin” biểu đạt cái nhìn chằm chằm, hoặc sự im lặng), những biểu cảm trên khuôn mặt (“niko” biểu đạt nụ cười), hoặc thậm chí cả nhiệt độ (“poka poka” biểu đạt sự ấm áp). Chúng là một phần không thể thiếu của artwork, được vẽ tay tại thời điểm đi nét theo phong cách phù hợp.
13. Thêm ký hiệu hình ảnh
Nhiều ký hiệu hình ảnh được sử dụng trong truyện tranh để giúp độc giả nắm bắt suy nghĩ, cảm nhận của nhân vật. Chúng đóng vai trò như dấu chấm câu cho hình ảnh. Ví dụ, ký hiệu trái tim yêu ám chỉ tình cảm lãng mạn, hoặc bóng đèn khi nhân vật nảy ra sáng kiến.
Manga có một số ký hiệu hình ảnh độc đáo: giọt mồ hôi chỉ sự ngượng ngùng/bối rối, đường ngang dọc trên trán (mô phỏng những mạch máu nổi lên) khi nhân vật tức giận,…
14. Thử nghiệm phong cách chibi
Chibi là phân bản siêu biến dạng dễ thương của nhân vật với đầu to, tay chân và thân hình mũm mĩm, vai tròn, hông rộng, chỉ cao gấp 3 – 4 lần chiều cao của đầu.
Mặc dù nhân vật có đặc điểm giống như đứa trẻ, song đừng quên rằng bạn không thật sự vẽ một đứa trẻ! Nhân vật chibi người lớn tuy được cách điệu hóa cao độ, nhưng vẫn mang hình hài người lớn. Trong manga, nhân vật thường được vẽ dưới dạng chibi khi câu chuyện chuyển hướng sang hài hước nhẹ nhàng.
15. Nhấn mạnh cảm xúc bằng kỹ thuật nhân hóa
Kỹ thuật kemonomimi, tạm dịch là tai động vật, cũng được ưa chuộng trong manga. Ví dụ, nếu nhân vật ranh mãnh như mèo, bạn có thể vẽ nhân vật với những đặc điểm giống mèo như tai mèo, đuôi mèo. Bạn thậm chí có thể đi xa hơn, vẽ cặp mắt có con ngươi là khe hẹp như mèo, tạo hình miệng mèo. Tại sao không vẽ anh chàng chán nản dưới hình hài chú chó con buồn bã? Người mẹ hà khắc dưới hình hài con rồng? Cũng như chibi, kemonomimi thường được sử dụng để tạo hiệu ứng trong những cảnh cụ thể, thiết kế nhân vật cho những câu chuyện fantasy.
*Nguồn: creativebloq
*Biên dịch: V.Toàn – Comic Media Academy