Hướng dẫn chọn khung hình phù hợp - Comic Media Academy

Hướng dẫn chọn khung hình phù hợp

13/01/2020

Trên thế giới có nhiều loại truyện tranh khác nhau, từ comic strip, tiểu thuyết đồ họa cho đến truyện tranh online. Mỗi loại truyện tranh không chỉ khác nhau về độ dài, phong cách vẽ, mà còn cả bố cục và cách phân khung. Truyện tranh phương Tây thường có khoảng trắng giữa các khung (gutter); trong khi đó, truyện tranh Nhật Bản (manga) có bố cục khác hẳn, mỗi trang truyện được phân thành một hay nhiều khung, không có khoảng trắng ở giữa.

Khung truyện có nhiều hình dạng khác nhau, chứ không nhất thiết là hình vuông hay chữ nhật. Khung truyện hình tròn hay hình sao có khả năng truyền tải cảm xúc/thông tin đến độc giả. Khung truyện hình gợn sóng thường được dùng để để tả cảnh trong trí tưởng tượng, trong mơ hay trong ký ức, và nó không phải là một phần của câu chuyện ở hiện tại.

Cái gì?!

Kích thước khung truyện cho phép làm thay đổi nhịp độ của câu chuyện. Khung dài, nhiều khoảng trống tạo cảm giác thời gian trôi chậm lại. Nhiều khung nhỏ đặt cạnh nhau khiến độc giả có cảm tưởng câu chuyện đang diễn ra dồn dập.

Tưởng tượng bạn là người quay phim khi vẽ nội dung trong khung. Nội dung trong khung phụ thuộc vào góc quay camera. Góc quay thấp (quay từ dưới lên) thường được áp dụng để tạo vẻ cao lớn, đầy quyền uy cho nhân vật. Góc quay cao (quay từ trên xuống) khiến nhân vật trở nên nhỏ bé, yếu đuối, dễ bị tổn thương.

Góc quay ngang
Góc quay cao
Góc quay thấp

Đối với truyện tranh thiên về cảnh đối thoại dài dòng giữa các nhân vật, khung truyện về cơ bản chỉ là những hình vẽ đầu người. Trong comic strip, cảnh nhân vật trò chuyện cũng tương tự như vậy.

Bạn nên di chuyển camera nhiều hơn khi vẽ cảnh đối thoại dài trong truyện tranh. Cảnh hai nhân vật trò chuyện với nhau sẽ trở nên sinh động hơn nhờ được quay từ nhiều góc độ khác nhau: cận mặt, toàn thân, từ trên xuống, từ dưới lên,…

Tính rõ ràng, dễ hiểu luôn là yếu tố quan trọng bất kể bạn sáng tác truyện tranh loại nào. Diễn biến trong từng khung truyện nên đi theo trình tự hợp lý, không gây nhầm lẫn cho độc giả. Bạn tuy muốn thay đổi góc quay camera, nhưng không muốn khiến khán giả hoang mang, thắc mắc nhân vật nào đang nói, anh ta được nhìn qua con mắt của ai.

Quy tắc 180 độ (180-degree rule) thường được áp dụng trong điện ảnh và truyện tranh. Nó vạch ra ranh giới mà camera không thể vượt qua. Nhờ đó, độc giả không bị mất dấu nhân vật khi camera di chuyển từ bên này sang bên kia. Nhân vật phía bên trái khung truyện sẽ vẫn luôn ở phía bên trái khung truyện cho dù camera đặt trước mặt hay sau lưng anh ta.

Quy tắc trên tuy mang tính bắt buộc, nhưng không có nghĩa là không thể bị phá vỡ. Vì vậy, bạn chỉ nên xem nó là công cụ hỗ trợ hơn là quy tắc bắt buộc phải tuân theo.

*Nguồn: design.tutsplus 

*Biên dịch: V.Toàn – Comic Media Academy