Đây là bài viết tiếp theo của Phần 1 và cũng là bài viết cuối cùng của loạt bài “30 mẹo hay thiết kế nhân vật.”
Các bạn có thể xem “30 mẹo hay thiết kế nhân vật – Phần 1” tại đây.
1. Cân nhắc tất cả các góc nhìn
Tùy theo ý đồ thiết kế, bạn cần cân nhắc diện mạo nhân vật dưới mọi góc nhìn. Ví dụ, nhân vật bụng phệ tẻ nhạt có thể khoác diện mạo hoàn toàn mới nếu nhìn từ góc nghiêng.
Học viên tham gia khóa học thiết kế nhân vật cấp tốc thường được yêu cầu phác thảo nhân vật bằng kỹ thuật vẽ bắt dáng.
Nhân vật không chỉ cần ổn thỏa về mọi mặt, mà còn phải đẹp mắt dưới mọi góc nhìn nếu bạn dự tính biến thành nhân vật truyện tranh.
Luke Pearson gặp phải một loạt vấn đề trong quá trình tạo nhân vật Hilda: Phải vẽ Hilda như thế nào để mái tóc không “nuốt chửng” hình bóng cô ấy nếu nhìn từ phía sau? Chiếc mũi của cô sẽ trông ra sao khi nhìn từ trên xuống?… Mọi vấn đề về thiết kế cuối cùng rồi sẽ có cách giải quyết.
2. Tạo mô hình 3D
Bạn cần cân nhắc chiều cao, cân nặng, và hình dạng vật lý nếu nhân vật sẽ hiện diện trong thế giới 3D. Bạn cần thực hiện thêm bước tạo mô hình 3D.
Alexander nói, “Thông qua chuyển đổi nhân vật sang mô hình 3D, bạn có thể học hỏi được nhiều điều bổ ích dù bản thân không phải là họa sĩ 3D.”
3. Chọn màu cẩn thận
Màu sắc giúp nói lên tính cách nhân vật. Nhân vật tâm địa độc ác, nham hiểm thường được diễn tả bằng gam màu sẫm như đen, xám,…
Gam màu nhạt như trắng, hồng, xanh dương, và vàng phản ánh sự trong sáng, thuần khiết. Màu đỏ, vàng, và xanh dương cho thấy nhân vật truyện tranh mang phẩm chất anh hùng.
Pernille Ørum giải thích, “Muốn chọn màu hiệu quả, bạn cần nắm vững nguyên tắc cơ bản về màu sắc. Tập làm quen với khái niệm màu sơ cấp (primary color), màu thứ cấp (secondary), màu cấp 3 (tertiary color), màu đơn sắc (monochromatic color), và màu bổ túc (complementary color). Bí quyết tạo bảng màu hiệu quả là lựa chọn hai màu bổ túc, rồi làm việc với chúng trong lược đồ màu đơn sắc.”
“Bạn cần tạo sự cân đối hài hòa giữa tính động của màu bổ túc (tạo sự sống động) và tính tĩnh của màu đơn sắc (khơi dậy cảm giác về sự tĩnh lặng, thanh bình). Ngoài ra, bạn cũng có thể thử nghiệm lược đồ màu cấp 3, thêm màu thứ 3 như tím, cam, và xanh lục, rồi làm việc với phiên bản đơn sắc của những màu này. Muốn làm tốt việc này, bạn cần có kỹ năng và kế hoạch cụ thể. Hãy khởi đầu đơn giản nếu bạn chưa am hiểu nhiều về màu sắc.
4. Đừng quên mái tóc
Pernille Ørum chia sẻ, “Cách đây mấy năm, tôi đi từ chán ghét sang yêu thích công việc vẽ mái tóc. Trước kia, tôi quen miêu tả mái tóc đến từng chi tiết, và thấy công việc này thật nhàm chán làm sao. Còn bây giờ, tôi xem xét nó trên bình diện rộng, coi nó như lá cờ trong gió, biểu thị và nhấn mạnh chuyển động của nhân vật hoặc cảnh vật xung quanh.”
“Dựng hình, phân chia, và xác định đường diềm mái tóc. Mỗi nét vẽ phải giúp định rõ khối lượng, hình dạng, và chiều xõa tóc.”
5. Thêm phụ kiện
Phụ kiện và trang phục có thể giúp nhấn mạnh tính cách và lai lịch nhân vật. Ví dụ, trang phục rách rưới, bẩn thỉu dành cho nhân vật nghèo khó, bần hàn; quần áo đắt tiền, trang sức đeo đầy người dành cho nhân vật giàu sang, phú quý. Phụ kiện cũng có thể là hiện thân cho tính cách nhân vật, chẳng hạn như con vẹt đậu trên vai gã cướp biển, con giòi bò trong hộp sọ ma cà rồng.
6. Tập trung vào biểu cảm trên khuôn mặt
Biểu cảm khuôn mặt là chìa khóa của tính cách nhân vật. Nhân vật biểu hiện những cung bậc cảm xúc qua nét mặt, và việc miêu tả chúng sẽ góp phần làm rõ hơn về nhân vật. Tùy theo tính cách nhân vật, cảm xúc có thể bị kìm nén, gượng gạo hoặc bùng nổ dữ dội.
Pernille Ørum nói, “Hãy tập trung vào biểu cảm một khi bạn nắm vững nguyên tắc vẽ khuôn mặt. Sử dụng gương soi để “đọc vị” những thay đổi tinh tế trên khuôn mặt của bạn. Biểu hiện cảm xúc qua cử chỉ nhíu mày, nhướng mày,… Tránh vẽ khuôn mặt đối xứng. Vẽ miệng lệch sang một bên cho thêm phần sinh động. Tạo sắc thái riêng cho nhân vật bằng cách vẽ cái đầu nghiêng nghiêng.
Tác phẩm của Tex Avery là ví dụ tiêu biểu về cường điệu cảm xúc nhân vật: cặp mắt của Wild Wolf thường nhảy ra ngoài mỗi khi bị kích động. Chú chó Droopy với vẻ mặt tỉnh bơ là ví dụ điển hình về cách truyền tải cảm xúc thông qua cử chỉ, hành động.
7. Đặt ra mục tiêu cho nhân vật
Mục tiêu muốn đạt được là yếu tố sâu xa tác động đến tính cách nhân vật. Mục tiêu – làm giàu, có bạn gái, hoặc giải đáp bí ẩn – giúp tạo cú huých kịch tích cho câu chuyện và chuyến hành trình của nhân vật. Nhân vật không hoàn hảo hoặc đầy thiếu sót thường là yếu tố tạo nên sức hấp dẫn.
8. Xây dựng backstory
Bạn cần xây dựng backstory nếu dự định thiết kế nhân vật truyện tranh và hoạt hình. Backstory giúp người xem hiểu rõ hơn về nhân vật, nguồn gốc xuất thân, và những biến cố làm thay đổi cuộc đời anh ta. Backstory đôi khi lôi cuốn, hấp dẫn hơn cả những chuyến phiêu lưu hiện tại của nhân vật.
Pernille Ørum khuyên, “Nếu bạn gặp khó khăn trong việc tìm hiểu bản chất nhân vật, hãy cố gắng đặt nhân vật vào tình huống nhất định và xem xét. Sử dụng câu chuyện để nghĩ đến cảm xúc nhân vật trước khi bắt tay vào thiết kế và miêu tả chi tiết. Dựng cảnh thay vì nhìn chằm chằm vào trang giấy trắng sẽ giúp công việc trở nên thú vị hơn!
9. Đừng quên khuôn mặt không phải là tất cả
Yukai Du không phải là họa sĩ thiết kế nhân vật theo đúng nghĩa: các tác phẩm của cô đều không vẽ khuôn mặt, mà thay vào đó là bàn tay. Tự thấy mình không giỏi nắm bắt những biểu cảm tinh tế trên khuôn mặt, cô chuyển sang vẽ bộ phận khác: bàn tay. Cô nói, “Bàn tay có sức biểu cảm cao. Bạn có thể dựa vào bàn tay để kể nhiều câu chuyện, và thực hiện một cách tinh tế. Bàn tay là công cụ kể chuyện của tôi.”
10. Linh hoạt trong thiết kế nhân vật
Phần mềm vẽ tuy hữu ích, nhưng không thật sự cần thiết khi bạn thiết kế nhân vật. Nhiều nhân vật tuy ra đời cách đây nhiều năm, nhưng vẫn thành công về mặt thiết kế, mặc dù thời đó chưa ai có PC, và Photoshop CC là giấc mơ xa vời.
Nếu nhân vật thuộc tuýp người mạnh mẽ, nhưng chỉ với cây bút và tờ giấy trong tay, bạn vẫn có thể khắc họa trọn vẹn khí chất mạnh mẽ của anh ta. Hoặc như lời Sune Ehlers đã nói, “Nhúng cây que vào bùn, rồi vẽ trên nhựa đường cũng đủ sức tạo ra nhân vật.”
11. Lấy ý kiến phản hồi của người khác
Cho mọi người xem tác phẩm của bạn, rồi mời họ phát biểu cảm nghĩ. Đừng hỏi họ có thích tác phẩm hay không. Thay vào đó, hỏi xem họ có nhận xét gì về đặc điểm, tính cách nhân vật. Tìm người bạn cho là thích hợp hoặc lý tưởng để xin ý kiến phản hồi.
12. Thành thật với chính mình
John Bond nói, “Nhiều dự án thương mại được tôi lấy từ tác phẩm riêng. Đây là lý do tại sao tôi thành thật với sở thích cá nhân khi sáng tác tác phẩm riêng.” Gần đây, anh ra mắt truyện tranh đầu tay NOT LOST dựa trên mẫu thiết kế nhân vật Mini Rabbit của mình.
13. Xây dựng môi trường phù hợp
Ngoài việc tạo tiểu sử cho nhân vật, bạn cũng cần xây dựng môi trường để giúp củng cố thêm tính chân thực cho tác phẩm. Thế giới nơi nhân vật sinh sống và tương tác phải góp phần tiết lộ thân phận nhân vật.
14. Chỉnh sửa nhân vật
Cân nhắc từng thành phần sáng tác, đặc biệt là những chi tiết như nét mặt. Sự thay đổi dù là nhỏ nhất cũng có thể ảnh hưởng rất lớn đến cách cảm nhận nhân vật.
Họa sĩ minh họa Neil McFarland khuyên, “Xem xét ý nghĩa của từ ‘nhân vật.’ Bạn cần thổi sức sống vào nó, tạo sức hấp dẫn cho nó, ban ‘phép màu’ cho phép mọi người tưởng tượng nó sẽ gặp gì, chuyển động như thế nào.”
15. Đừng ngại thay đổi
Hilda biến đổi theo năm tháng, qua từng tập truyện, nhưng Pearson giải thích rằng không ai ép buộc anh làm việc này cả. Anh nói, “Tôi nghĩ thiết kế phải đủ mạnh mới không bị kéo đi nhiều hướng khác nhau.”
*Nguồn: creativebloq
*Biên dịch: V.Toàn – Comic Media Academy