30 mẹo hay thiết kế nhân vật - Phần 1 - Comic Media Academy

30 mẹo hay thiết kế nhân vật – Phần 1

21/11/2019

Thiết kế nhân vật không phải là chuyện dễ dàng. Nó đòi hỏi bạn phải có tư duy sáng tạo phong phú khi muốn tự tay thiết kế nhân vật từ đầu tới cuối. Nhiều nhân vật quen thuộc trong truyện tranh, phim hoạt hình, và quảng cáo nhìn tưởng đơn giản, nhưng chúng ta có ngờ rằng để vẽ được như vậy, họa sĩ cứng tay nghề phải mất bao nhiêu công sức hay không?

Nhân vật luôn được thiết kế dựa trên tiêu chí “càng đơn giản càng tốt.” Xuất hiện lần đầu tiên trong phim hoạt hình của những năm 1920, chú chuột Mickey nổi tiếng được vẽ bàn tay ba ngón để giúp tiết kiệm thời gian sản xuất. Homer Simpson được thiết kế đơn giản nhưng cực chất.

Trong quá trình thiết kế nhân vật, bên cạnh việc đi nét sạch đẹp, dễ hiểu, bạn cũng cần cân nhắc nhiều thứ khác nữa, chẳng hạn như chỗ nào cần cường điệu, chỗ nào cần giản lược, chỗ nào cần thêm background và chiều sâu, chỗ nào cần tạo nét cá tính riêng,…

Cách thiết kế nhân vật cũng là vấn đề đáng xem xét. Bạn cần bảo đảm mẫu thiết kế nhân vật đẹp mắt (hoặc chí ít phải ổn thỏa) dưới mọi góc nhìn nếu dự định sử dụng chúng trong truyện tranh và phim hoạt hình. Tất nhiên, nói thì dễ, làm mới khó, và đây là minh chứng về chuột Mickey xấu “khủng khiếp” dưới góc nhìn từ trên xuống:

Trong bài viết dưới đây, các họa sĩ hàng đầu trên thế giới sẽ chia sẻ những mẹo hay giúp bạn thiết kế nhân vật độc đáo, đáng nhớ.

1. Đừng làm mất cái hồn

Bảo đảm bạn không làm mất cái hồn của nhân vật (Ảnh: Laurie Rowan).

Nhiều họa sĩ mở đầu dự án bằng bước vẽ phác thảo nhân vật, và hầu hết đều nhất trí rằng đây thường là bước tạo cái hồn cho nhân vật. Vì vậy, khi làm việc với mẫu thiết kế nhân vật, bạn nhớ đừng đánh mất nó.

Laurie Rowan chia sẻ, “Tôi gắn bó với phong cách vẽ độc đáo của mình, do bản năng thích thử sức và sửa sai. Tôi không thích cảm giác tạo ra nhân vật; tôi thích cảm giác đối mặt với nhân vạt.”

Pernille Ørum nói, “Bạn đừng vội đi sâu chi tiết khi vừa bắt tay vào thiết kế nhân vật. Xác định bạn đang cố gắng truyền tải cái gì. Sau đó, phác thảo sơ bộ chuyển động đầy sức sống. Bản phác thảo sẽ mất đi phần nào sức sống ngay khi bạn bắt đầu vẽ chi tiết; do đó, bạn cần tạo càng nhiều sức sống càng tốt ngay từ bước phác thảo. Chuyển động là tất cả, nhưng để sau mới thêm vào là bất khả thi; vì vậy, hãy bảo đảm nó hiện diện trong bản phác thảo sơ bộ.”

2. Tránh xa tài liệu tham khảo

Bạn tuy cần lấy cảm hứng từ đâu đó, nhưng mục tiêu vẫn là hướng đến tính độc đáo, mới lạ. Robert Wallace khuyên khi làm việc, bạn không nên để tài liệu tham khảo ngay trước mặt.

Anh nói, “Nếu bạn nhìn thấy cái gì đó nhưng không cố khắc sâu nó vào tâm trí, thì cuối cùng bạn sẽ cho ra đời tác phẩm mới, thay vì mô phỏng những gì bạn đã thấy.” Trong đoạn phim quảng cáo trên cho một cửa hàng bách hóa tại Hong Kong, các nhân vật được Wallace thiết kế lạ mắt, không đụng hàng.

3. Nghiên cứu nhân vật khác

Cố gắng giải mã tại sao mẫu thiết kế nhân vật này đẹp mắt, đạt chất lượng, còn mẫu thiết kế kia lại không. Tài liệu nghiên cứu không thiếu, nó hiện diện khắp mọi nơi: mục quảng cáo trên TV, hộp ngũ cốc, bảng hiệu cửa hàng, sticker dán trên trái cây, phim hoạt hình trên điện thoại di động,… Nghiên cứu mẫu thiết kế nhân vật. Bạn thích chúng ở điểm nào? Yếu tố nào góp phần tạo nên thành công của chúng?

Pernille Ørum khuyên, “Bạn cần tìm cảm hứng khi làm việc với nhân vật. Bạn có thể làm điều này thông qua nghiên cứu. Bộ não của bạn là thư viện hình ảnh, và bạn có thể lấp đầy nó. Hãy để ý những người xung quanh bạn, nhìn cách họ đi đứng, giao tiếp, ăn mặc, rồi áp dụng vào thiết kế của bạn.

4… và còn gì nữa

Ngoài mẫu thiết kế nhân vật ra, bạn cũng cần tìm cảm hứng từ nơi khác nữa. Rowan cười, “Tôi rất thích nghi thức tán tỉnh của loài chim trong mùa kết đôi. Những điệu vũ kỳ lạ của chúng truyền cảm hứng cho hành vi khác người của nhân vật.”

Anh nói tiếp, “Tôi thường muốn đánh thức cảm xúc khi bắt đầu dự án.” Họa sĩ khởi đầu tiến trình thiết kế nhân vật bằng việc tự quay video để lấy tư liệu tham khảo, rồi dựa vào đấy để tạo cử chỉ, chuyển động cho nhân vật.

Nguồn cảm hứng về màu sắc và kết cấu cũng đến từ trang phục dân gian, đồ gốm sứ,… 

5. Đừng đi chệch khỏi ý tưởng ban đầu

Game Sea of Solitude của studio Jo-Mei (Ảnh: Jo-Mei).

Chúng ta dễ bị tác động một cách vô thức bởi những mẫu thiết kế nhân vật yêu thích. Cornelia Geppert, CEO của studio phát triển game độc lập Jo-Mei, là fan bự của video game The Last Guardian với nhân vật được thiết kế độc đáo, mãn nhãn.

Mẫu thiết kế nhân vật game Sea of Solitude ngày càng có nhiều nét tương đồng với The Last Guardian đến mức một thành viên trong ê-kíp phải lên tiếng cảnh báo. Cô nhìn lại artwork ban đầu, nhớ lại cảm xúc lúc tạo ra chúng. Nhờ đó, dự án được đưa trở lại đúng “quỹ đạo.”

6. Cường điệu 

Cường điệu là thành phần quan trọng trong phim hoạt hình biếm họa, giúp nhấn mạnh quá sự thật đặc điểm, tính cách nhân vật. Những đặc điểm được cường điệu cũng giúp người xem nhận diện phẩm chất chính của nhân vật. Ví dụ, nếu nhân vật là một lực sĩ, bạn vẽ cánh tay cuồn cuộn cơ bắp, lớn gấp năm lần so với bình thường.

Kỹ thuật cường điệu cũng được áp dụng cho action. Phim hoạt hình vui nhộn Enough của Anna Mantzaris miêu tả từng nhân vật trong những tình huống đời thường, làm những việc mà chúng ta đều muốn làm trong một ngày tồi tệ. Cô nói, “Tôi nghĩ cái hay của phim hoạt hình là bạn có thể đẩy mọi thứ đi xa hơn mà vẫn được mọi người chấp nhận. Nó chỉ phi lý về mặt action mà thôi. Ngoài ra, bạn cũng có thể đẩy cảm xúc đi xa hơn.”

7. Xác định nhân vật dành cho đối tượng nào?

Scarygirl trong game và tiểu thuyết hình ảnh (Ảnh: Nathan Jurevicius).

Xác định đối tượng người xem. Ví dụ, nhân vật dành cho trẻ em thường được thiết kế với hình thể đơn giản, màu sắc tươi sáng, bắt mắt. Họa sĩ người Úc Nathan Jurevicius giải thích, “Bạn cần cân nhắc đối tượng người xem trước tiên nếu vẽ theo yêu cầu của khách hàng.”

“Nhân vật được thiết kế theo yêu cầu thường chịu nhiều hạn chế, nhưng không vì thế mà thiếu đi tính sáng tạo. Khách hàng tuy đặt ra những yêu cầu cụ thể, song vẫn muốn để tôi toàn quyền quyết định. Tôi thường đi sâu phân tích tính cách và đặc điểm chính của nhân vật. Ví dụ, nếu đôi mắt là điểm nhấn, tôi sẽ tập trung vào thiết kế khuôn mặt và làm nổi bật điểm nhấn này.”

8. Tạo nét riêng cho nhân vật

Matt Groening sử dụng màu vàng để làm cho gia đình Simpson nổi bật giữa đám đông.

Bất kể thiết kế nhân vật khỉ, robot, hay quái vật, bạn đừng quên ngoài kia có hàng trăm sáng tác giống như bạn. Mẫu thiết kế nhân vật của bạn cần độc đáo, mới lạ về mặt hình ảnh mới mong gây được ấn tượng với người xem.

Khi thiết kế nhân vật gia đình Simpson, Matt Groening biết mình cần phải mang lại cái gì đó khác biệt cho người xem. Ông nhận thấy khi người xem chuyển kênh và tình cờ bắt gặp show truyền hình Gia đình Simpson (The Simpsons), màu da vàng dị thường của nhân vật lập tức thu hút sự chú ý của họ.

9. Tạo hình bóng

Hình bóng giúp bạn “đọc vị” nhân vật (Ảnh: Pernille Ørum).

Theo Pernille Ørum, biến thành hình bóng cũng là cách tạo sự khác biệt cho nhân vật. Kế đến, bạn có thể “đọc vị” nhân vật, rồi làm nổi bật hơn nữa cử chỉ của anh ta nếu cần. Nhìn vào đường trục dáng (line of action), bạn có nhận ra cảm xúc của nhân vật hay không? Mọi thứ đã được đơn giản hóa hay chưa? Cố gắng đừng vẽ chi tiết tay chân chồng chéo lên nhau, hãy tách riêng chúng ra.

10. Dựng đường trục dáng

Đường trục dáng là “xương sống” của bức vẽ nhân vật (Ảnh: Pernille Ørum).

Đường trục dáng (line of action) là yếu tố quan trọng cần cân nhắc khi thiết kế nhân vật. Nó vừa là công cụ kể chuyện hữu hiệu, vừa là phương tiện tạo chuyển động đầy sức sống cho nhân vật.

Pernille Ørum nói, “Cố gắng đẩy đường trục dáng đến cực hạn. Vũ công ba lê là một ví dụ điển hình: đường trục dáng được nhấn mạnh từ đầu ngón chân đến đầu ngón tay. Và nó càng được nhấn mạnh hơn nữa ở sinh vật thiếu tay chân – điều này lý giải tại sao mỹ nhân ngư là đối tượng lý tưởng để dựng đường trục dáng.” 

11. Tạo dấu ấn cá nhân

Sea of Solitude là video game khám phá trải nghiệm về sự cô đơn, tuy mang đậm dấu ấn cá nhân của Geppert, nhưng vừa mới ra mắt, đã được game thủ nhiệt tình đón nhận, bởi nó đề cập vấn đề tuy phổ biến nhưng vẫn bị coi là cấm kỵ.

Geppert nói, “Nghệ thuật dựa trên trải nghiệm cá nhân. Nó càng dễ được chấp nhận nếu dựa trên sự thật. Đây không phải là câu chuyện hư cấu, cho dù nó dựa vào bối cảnh hư cấu.”

12. Tìm kiếm cử chỉ đặc trưng

Cử chỉ tiết lộ nhiều điều về nhân vật (Ảnh: Félicie Haymoz/Wes Anderson).

Félicie Haymoz hợp tác với Wes Anderson thực hiện hai bộ phim hoạt hình: Fantastic Mr FoxIsle of Dogs. Trước khi bắt tay vào thiết kế nhân vật mới, Haymoz thường tìm kiếm cử chỉ đặc trưng, giúp nói nên tính cách nhân vật. “Tôi cố gắng nắm bắt tư thế, cử chỉ của nhân vật. Nhân vật đi đứng lom khom hay ưỡn ngực tự đắc?” Ngoài ra, khuôn mặt cũng là thành phần quan trọng cần vẽ cho đúng.

13. Xem xét đặc điểm của nét vẽ

Nét thẳng và nét cong quyết định tốc độ đọc của người xem (Ảnh: Pernille Ørum).

 Nét vẽ có tính chất miêu tả trong thiết kế nhân vật. Nét vẽ dày, đều đặn, uốn lượn mềm mại được sử dụng để miêu tả nhân vật dễ thương, đáng yêu; còn nét vẽ nguệch ngoạc, sắc cạnh, không đồng đều dùng để miêu tả nhân vật lập dị, khó ưa.

Pernille Ørum khuyên nên tạo sự cân đối giữa nét thẳng và nét cong. “Nét thẳng và nét cong tạo nhịp điệu cho thiết kế nhân vật. Nét thẳng (đơn giản) giúp tăng tốc độ đọc, còn nét cong (chi tiết) làm giảm tốc độ đọc.”

Pernille Ørum cũng khuyên tạo sự cân đối giữa nén (compression) và giãn (stretch). “Ngay cả cử chỉ đơn điệu cũng trở nên ấn tượng nhờ áp dụng nguyên tắc ‘nén-giãn’, dẫn đến thiết kế nhân vật hiệu quả.”

14. Áp dụng cấu trúc chuyện cười

Dance Dancing GIF by Laurie Rowan - Find & Share on GIPHY

Rowan nổi danh qua các clip nhân vật hài hước được anh chia sẻ trên Instagram, qua những dự án thực hiện cho Disney, BBC, MTV, qua vinh dự được đề cử và nhận giải thưởng BAFTA. Trước đây, anh có thời gian làm diễn viên hài độc thoại, nhưng không thành công lắm; tuy nhiên, nó đã truyền cảm hứng cho anh thiết kế những nhân vật hoạt hình làm nên tên tuổi của mình.

Anh giải thích, “Chuyện cười có cấu trúc ngắn gọn, súc tích. Và tôi đã học được qua nghề diễn viên hài độc thoại. Những thành công và thất bại trên sân khấu đã cho tôi kinh nghiệm phân khung hình trong clip.” Anh cười, “Cách học này sẽ đưa bạn đến đích rất nhanh.”

15. Càng đơn giản càng tốt

Pernille Ørum không chỉ biết khi nào cần cường điệu, mà anh còn hiểu rất rõ tầm quan trọng của tính đơn giản. “Tôi luôn cố gắng vẽ giản lược, nhưng điều đó không có nghĩa tôi không đặt tâm huyết vào thiết kế nhân vật, mà chỉ là tôi đang cố gắng giới hạn mọi thứ ở đường nét và màu sắc truyền tải thông tin cần thiết mà thôi.”

*Nguồn: creativebloq 

*Biên dịch: V.Toàn – Comic Media Academy