Các thuật ngữ không phải lúc nào cũng dễ định nghĩa, và điều này vẫn đúng với nhiều loại hình truyện tranh. Việc phân loại truyện tranh chỉ mang tính tạm thời do sự phong phú, đa dạng về nội dung, và cách sử dụng thuật ngữ cũng thay đổi theo thời gian. Thuật ngữ “truyện trang mạng” (webcomics) thường có nghĩa là truyện tranh đăng trên mạng. Tuy nhiên, nó phải được định nghĩa là truyện tranh được sáng tác với mục đích phát hành/đăng tải trên nền tảng PC thì mới chính xác hơn cả. “Truyện tranh mạng” thường được dùng để thay thế cho các thuật ngữ như “truyện tranh kỹ thuật số,” “truyện tranh online,” và “truyện tranh internet,” mặc dù nó thỉnh thoảng còn là thuật ngữ chung cho mọi loại hình truyện tranh kỹ thuật số, bao gồm cả truyện tranh trên nền tảng di động và CD-ROM. “Cha đẻ” của truyện tranh mạng Scott McCloud nhấn mạnh việc sáng tác, phát hành và phân phối tác phẩm trên nền tảng kỹ thuật số đã góp phần làm thay đổi mọi thứ ra sao. Ông sử dụng thuật ngữ “trang vô hạn định” (infinite canvas) để phân biệt truyện tranh mạng với truyện tranh giấy.
Khái niệm “trang vô hạn định” có thể khiến một số người nghi ngờ, vì thực tế cho thấy trang truyện tranh mạng không hề vô hạn định như tuyên bố của McCloud. Bằng chứng là cách phân khung và truy cập trang truyện bị phụ thuộc nhiều vào hình dáng và kích thước màn hình. Tuy nhiên, bất chấp những hạn chế cố hữu, truyện tranh mạng vẫn phát triển không ngừng, sản sinh ra loại hình nghệ thuật mới, phương thức mới trong sáng tác, phân phối và phát hành tác phẩm văn hóa, cũng như trong tương tác giữa tác giả với độc giả. Bài viết dưới đây đề cập những điểm khác biệt giữa truyện tranh giấy và webtoon (truyện tranh mạng Hàn Quốc), và chỉ ra những cái hay của truyện tranh mạng.
Webtoon có hai điểm đáng chú ý. Thứ nhất, “webtoon” không phải là thuật ngữ chung, tương đương với “truyện tranh mạng,” và nó cũng không phải là một thể loại truyện tranh. Webtoon thực chất là sản phẩm của sự kết hợp giữa truyện tranh với phương tiện kỹ thuật số – nhân tố góp phần làm thay đổi diện mạo truyện tranh, quy trình sản xuất, thói quen đọc truyện, cũng như quan niệm về ranh giới giữa tác giả và độc giả, phân phối và phát hành tác phẩm văn hóa. Thứ hai, webtoon là hình thức kể chuyện mới lạ bằng hình ảnh kỹ thuật số trên mạng, có xuất xứ từ Hàn Quốc, được phát triển dựa trên cơ sở khái thác tiềm năng của công nghệ đa phương tiện và phương tiện truyền thông hiện đại.
Webtoon – từ ghép của “web” (mạng) và “cartoon” (truyện tranh) – là thuật ngữ do người Hàn Quốc nghĩ ra để chỉ truyện tranh mạng. Ban đầu, họ sử dụng nhiều thuật ngữ khác nhau để chỉ truyện tranh đăng trên các website ở Hàn Quốc. Webcomic – từ ghép của “web” và “comic” – là một ví dụ, nhưng nó sớm bị thay thế bởi webtoon. Năm 2000, Ch’ŏllian khai trương website mới mang tên “Webtoon” trên Cổng thông tin điện tử Hàn Quốc. Tuy nhiên, hầu hết truyện tranh đăng trên website này đều theo định dạng truyền thống, nghĩa là chúng vẫn giữ nguyên bố cục (layout) như trên trang in. Webtoon có thời được dùng để chỉ flash animation, nhưng sau không còn mang nghĩa đó nữa, vì trước đó rất lâu, nó đã trở thành thuật ngữ chung cho truyện tranh được sáng tác và phát hành qua mạng ở Hàn Quốc.
Khác với truyện tranh giấy, truyện tranh mạng được bố cục theo chiều dọc (vertical layout). Trước khi webtoon xuất hiện, các tác giả quen bố cục trang truyện theo chiều ngang do màn hình máy tính có thiết kế nằm ngang mỗi lần chỉ cho phép hiển thị 1/2 trang truyện, rồi đăng tác phẩm lên các website như N4 và Comics Today (K’omiksŭ t’udei). Webtoon vừa ra đời đã được nhiều họa sĩ học tập cách bố cục mới lạ của nó và tạo nên trào lưu hot nhất hiện nay. Được phát hành định kỳ trên Cổng thông tin Daum của Hàn Quốc (2002), Pape and Popo’s Memories của Sim Sŭnghyŏn là webtoon đầu tiên áp dụng bố cục dọc, và độc giả có thể xoay nút cuộn chuột để đọc truyện. Cũng được phát hành định kỳ trên Daum (2003), webtoon Sunjŏng manhwa (Truyện tranh lãng mạn) của họa sĩ nổi tiếng Kang P’ul khơi mào trào lưu bố cục trang truyện theo chiều dọc.
Nhằm mục đích cải thiện lưu lượng truy cập, các tác giả truyện tranh khác cũng chạy theo trào lưu trên, áp dụng bố cục dọc vào tác phẩm của mình trên Cổng thông tin điện tử như Daum và Naver.
Bên cạnh bố cục dọc, webtoon còn đóng vai trò quan trọng trong sáng tác và phát hành đa phương tiện, đa nền tảng. Bản thân webtoon cũng là nền tảng cho sự kết hợp nhiều phương tiện với nhau để tạo hiệu ứng thẩm mỹ độc đáo và thể loại mới. Thông qua đề cập khía cạnh đa phương tiện, đa nền tảng của webtoon, bài viết hé lộ những nét đặc trưng, riêng biệt của ngành công nghiệp webtoon ở Hàn Quốc.
Bố cục dọc đầy màu sắc tuy thống trị thị trường truyện tranh mạng Hàn Quốc, nhưng nó không phải là trào lưu tại những thị trường khác. Ví dụ, tại Nhật Bản, truyện tranh mạng thường là trắng đen và vẫn giữ nguyên bố cục như trên trang in. Tương tự, tại Mỹ, truyện tranh mạng thường được bố cục giống như comic strip hoặc truyện tranh giấy. Nói cách khác, tại Nhật Bản và Mỹ (phần sau sẽ trình bày chi tiết hơn), truyện tranh mạng không tạo nên trào lưu hot từ khi chuyển sang nền tảng kỹ thuật số, mặc dù các tác giả và họa sĩ đã có nhiều đổi mới trong sáng tác của mình. Webtoon ở Hàn Quốc có vẻ đoạn tuyệt với bố cục truyền thống nhanh hơn truyện tranh mạng ở những nơi khác. Qua so sánh trào lưu truyện tranh mạng tại Hàn Quốc với Nhật Bản và Mỹ, chúng ta thấy webtoon là phương tiện truyền thông mới làm thay đổi diện mạo truyện tranh, và nó có vị thế vững chắc trên thị trường văn hóa đại chúng Hàn Quốc.
Bài viết dành cho những ai chuyên nghiên cứu văn hóa phương Đông và truyện tranh Hàn Quốc, cung cấp cái nhìn khái quát về loại hình truyện tranh mới webtoon; so sánh webtoon với truyện tranh giấy ở Hàn Quốc, truyện tranh mạng ở Mỹ và Nhật Bản.
Bố cục dọc
Theo định nghĩa của Will Eisner, truyện tranh là phương tiện liên kết hình và chữ; vì vậy, nó đòi hỏi độc giả phải nắm vững kỹ năng diễn giải hình và chữ. Ngoài ra, ông còn định nghĩa truyện tranh là loại hình “nghệ thuật tiếp diễn” (sequential art), sau này được Scott McCloud củng cố thêm bằng định nghĩa “hình ảnh được xâu chuỗi với nhau một cách có chủ ý.” Truyện tranh có từ vựng và ngữ pháp riêng. Những thành phần cơ bản nhất của truyện tranh là: khung hình, khung thoại, khung chữ, và khoảng trắng giữa các khung. Cách phân khung, dựng hình, và chèn chữ quyết định cách truyền tải câu chuyện trong truyện tranh.
Một trong những điểm khác biệt đáng chú ý nhất của bố cục dọc là khoảng trắng giữa các khung (gutter). Theo đánh giá của nhiều chuyên gia nghiên cứu truyện tranh, khoảng trắng giữa các khung là nơi thu hút nhiều sự chú ý nhất của độc giả, bởi nó cho phép họ nắm bắt nội dung và ý nghĩa câu chuyện thông qua xâu chuỗi các khung hình lại với nhau. Ví dụ, nếu độc giả thấy khung hình đầu tiên là cảnh một người đàn ông vừa xem TV vừa ngáp ngắn ngáp dài, khung hình tiếp theo là cảnh anh ta mặc đồ pijama nằm ngủ trên giường, họ liền lấp đầy thông tin còn thiếu vào giữa hai khung hình: anh ta đứng dậy tắt TV, thay đồ pijama, rồi đi ngủ. Khoảng trắng giữa các khung là yếu tố làm nên nét đặc trưng của truyện tranh. Nhờ nó, những hình ảnh tĩnh sẽ trở nên sống động, giàu ý nghĩa trong mắt độc giả.
Khoảng trắng giữa các khung tuy quan trọng là vậy, song nó thường khá đơn điệu, tẻ nhạt trong truyện tranh giấy. Tuy nhiên, với webtoon thì khác hẳn, nó phong phú, đa dạng vô cùng, thậm chí còn chứa đựng cả hình và chữ. Nó đôi khi chiếm nhiều “đất” hơn cả khung hình, và đóng góp tích cực vào câu chuyện. Trong một số trường hợp, khoảng trắng được sử dụng để ám chỉ quãng thời gian trôi qua và/hoặc chuyển cảnh. Khoảng trắng cũng có khi mang thiết kế hoặc màu sắc phản ánh bầu không khí của câu chuyện. Ví dụ, trong webtoon Pape Popo của Sim Sŭnghyŏn, khoảng trắng dài bao trùm tất cả các khung hình, cộng với gam màu vàng/hồng nhạt giúp đem lại bầu không khí lãng mạn cho câu chuyện tình dễ thương của đôi bạn trẻ.
Đi liền với khoảng trắng trải dài theo chiều dọc là hình ảnh lặp đi lặp lại một vật đang rơi xuống, khiến người xem có cảm tưởng những khoảng trắng này được nối liền với nhau; nhờ vậy, làm nổi bật bố cục dọc của hình ảnh. Ví dụ, trong webtoon Changma (Mùa mưa) của Ko Yŏnghun, độc giả thấy vô số đường thẳng – hình ảnh tượng trưng cho cơn mưa – chạy dài qua những khoảng trắng giữa các khung hình.
Hình ảnh cơn mưa trong khoảng trắng nối liền với hình ảnh cơn mưa trong khung hình bất chấp sự phân cách rõ nét giữa khoảng trắng và khung hình. Hình ảnh cơn mưa lặp đi lặp lại trong khoảng trắng nhuộm màu u ám làm dấy lên trong lòng độc giả cảm giác sợ hãi, bất an khi đọc câu chuyện về một vụ án mạng.
Do khoảng trắng giữa các khung trong webtoon có tính co giãn linh hoạt, tác giả truyện tranh thường di dời một phần hoặc toàn bộ văn bản (lời thoại, độc thoại, thuyết minh, từ tượng thanh,…) ra khỏi khung hình. Việc dời văn bản sang khoảng trắng bên cạnh sẽ giúp khung hình trở nên thông thoáng hơn, tạo điều kiện cho độc giả tập trung vào phần hình ảnh. Tùy theo ngữ cảnh cụ thể, văn bản viết trong khoảng trắng còn mang lại ý nghĩa khác cho câu chuyện. Ví dụ, trong phần đầu webtoon Widaehan K’aetch’ŭbi (K’aetch’ŭbi vĩ đại) của Kang Toha, đoạn độc thoại của nhân vật chính được đặt ngoài khung hình với hàm ý rằng người kể chuyện và nhân vật là hai cá thể riêng biệt, đôi khi xung đột với nhau.
Khoảng trắng giữa các khung không còn đơn thuần đóng vai trò ngắt dòng tưởng tượng của độc giả như trước nữa. Ngày nay, nó được các tác giả webtoon tích cực khai thác vào mục đích kể chuyện. Nó cung cấp cho câu chuyện những thành phần như bầu không khí, thời gian, bối cảnh, lời thoại, và lời kể – những thành phần vốn chỉ được cung cấp qua khung hình trong truyện tranh giấy. Ví dụ, trong webtoon Changma (Mùa mưa) của Ko Yŏnghun, ranh giới giữa khoảng trắng và khung hình bị xóa nhòa để chúng biến thành hai thành phần không thể tách rời, bổ sung cho nhau để mang tới cho độc giả câu chuyện hay.
Bố cục dọc của webtoon không chỉ làm thay đổi diện mạo và chức năng của khoảng trắng giữa các khung, mà còn cả cách độc giả cảm nhận thời gian và không gian. Theo lời của Art Spiegelman, truyện tranh là phương tiện biểu thị thời gian thông qua cách sắp xếp không gian trên trang truyện, do thời gian không phải là thành phần hữu hình trong truyện tranh. Ví dụ, khung hình dài biểu thị quãng thời gian dài trôi qua; còn khung hình hẹp biểu thị khoảng thời gian ngắn, thường dành cho những cảnh hành động gay cấn, dồn dập. Biểu thị thời gian thông qua cách sắp xếp không gian là một trong những nét đặc trưng nổi bật của truyện tranh, và nét đặc trưng này trở nên đa dạng trong truyện tranh mạng.
Độc giả có thể cảm nhận thời gian và không gian thông qua khung hình trải dài bất tận theo chiều dọc – điều bất khả thi trong truyện tranh giấy, do khung hình sẽ phải trải dài qua nhiều trang truyện. Tập 53 trong webtoon T’aeho’s P’ain của Yun có cảnh nhóm thợ lặn lặn xuống đáy biển để trục vớt cổ vật bị chôn vùi dưới cát hàng trăm năm qua.
Khung hình trên quá dài (tỷ lệ chiều rộng và chiều dài xấp xỉ 1:8) đến mức độc giả phải cuộn xuống liên tiếp mới thấy hết khung hình trên màn hình máy tính. Khung hình mở đầu bằng cảnh nhóm thợ lặn nhảy xuống nước, rồi lặn tới chỗ xác tàu đắm dưới đáy biển. Khi cuộn xuống, độc giả thấy làn nước sâu thăm thẳm chuyển dần sang màu tối đen, và cuối cùng là xác tàu đắm bị vùi trong cát. Trong webtoon, độ sâu của biển được phản ánh chân thật hơn so với truyện tranh giấy, khiến độc giả rùng mình sợ hãi chẳng kém gì nhóm thợ lặn kia.
Độc giả cảm nhận thời gian qua lời miêu tả của nhân vật về độ sâu của biển, qua chiều dài bất tận của khung hình (hình ảnh cho thấy nhóm thợ lặn sẽ mất nhiều thời gian để xuống tới đáy biển), qua số lần cuộn xuống liên tiếp để xem toàn bộ khung hình. Khác với khung hình bình thường, nằm vừa vặn trên màn hình máy tính, và không cần cuộn xuống, khung hình này tạo hiệu ứng như trong phim.
Mặc dù bố cục dọc đem lại cho webtoon nhiều hiệu ứng đặc sắc mà truyện tranh giấy không có được, song nó cũng bộc lộ mặt hạn chế: Nó không cho độc giả tự do “dạo chơi” giữa các khung hình. Với truyện tranh giấy, độc giả có thể đọc lướt từ trang này qua trang kia, rồi quay ngược trở về trang đầu để đọc kỹ hơn theo đúng trình tự. Vì lý do khó kiểm soát thói quen đọc truyện của độc giả, tác giả không có nhiều sự lựa chọn trong sáng tác câu chuyện, nên đành phải “tùy cơ ứng biến” mà thôi. Với webtoon, độc giả không được thoái mái “dạo chơi” theo ý mình. (Truyện tranh Nhật Mangapolo tự động phát trên Youtube thậm chí còn “trói tay” độc giả hơn cả webtoon.) Bất chấp hạn chế trên, bố cục dọc vẫn tối ưu cho thể loại cartoon kinh dị hồi hộp. Ví dụ, tập đầu webtoon Iut saram (Người hàng xóm) của Kang P’ul có cảnh một phụ nữ trung niên đang đứng xắt rau. Cô hoảng sợ khi nghe có tiếng mở cửa.
Ở webtoon phiên bản giấy (phát hành sau thành công của phiên bản web), độc giả thấy trong những khung hình tiếp theo đứa con gái đã khuất của cô từ ngoài cửa bước vào.
Thông tin trên đập vào mắt độc giả khi họ lật sang trang mới. Trong webtoon, độc giả phải cuộn xuống mới biết nguyên nhân khiến cô hoảng sợ. Bố cục dọc tỏ ra hiệu quả trong thể loại webtoon kinh dị, vì nó có khả năng đẩy căng thẳng lên cao thông qua kiểm soát thói quen đọc truyện của độc giả và thứ tự khung hình.
Truyện tranh mạng hiện vẫn phát triển, dù chúng ta không biết sau này nó sẽ thế nào, có góp phần xoay chuyển bánh xe lịch sử truyện tranh hay không. Tuy nhiên, trước mắt, chúng ta thấy nó đã tạo sự khác biệt về mặt bố cục (tuy chưa phải tối ưu) với truyện tranh giấy, và nổi lên như là loại hình truyện tranh hot nhất hiện nay. Ngày nay, ngành công nghiệp webtoon phát triển nhanh hơn bao giờ hết, nhờ dịch vụ webtoon trên nền tảng di động: bố cục dọc của webtoon phù hợp với màn hình dọc của điện thoại di động, nên không cần cuộn xuống/chạm màn hình quá nhiều.
*Nguồn: tcj
*Biên dịch: V.Toàn – Comic Media Academy