Manga sở hữu lượng fan đông đảo trên khắp thế giới. Chúng ta hẳn muốn biết nhờ đâu mà họa sĩ Nhật Bản làm được như vậy? Họ có bí quyết gì để luôn cho ra đời những series manga chất lượng, làm say mê lòng người? Trong bài viết dưới đây, chúng ta sẽ đi sâu khám phá những nhân tố góp phần biến manga thành tác phẩm nghệ thuật giàu chiều sâu, sánh ngang với tiểu thuyết và phim bom tấn.
Cuộc họp giữa họa sĩ và biên tập viên.
Nhóm trợ lý 5 người của họa sĩ manga Kumagai Kyoko (ngồi phía sau).
Sự cộng tác giữa họa sĩ và biên tập viên
Biên tập viên thường là nhân tố quan trọng quyết định chất lượng manga. Quá trình sản xuất series manga mở đầu bằng cuộc họp giữa họa sĩ và biên tập viên để bàn bạc, trao đổi về ý tưởng cho câu chuyện. Sau cuộc họp, họa sĩ bắt tay vào vẽ storyboard, hay còn gọi là bản name. Ở giai đoạn này, manga chỉ là những bản phác thảo đơn sơ kèm theo lời thoại. Sau khi storyboard được biên tập viên thông qua, họa sĩ bắt đầu bước vào giai đoạn sản xuất thật sự. Đây là giai đoạn cần đưa ra những quyết định quan trọng liên quan đến cốt truyện và phát triển nhân vật. Tùy vào thể loại manga, họa sĩ có thể tiến hành các nghiên cứu trong giai đoạn này. Nếu họa sĩ gặp khó khăn, vướng mắc, biên tập viên là người thích hợp để xin lời khuyên. Chất lượng manga đa phần được cải thiện nhờ làm theo lời khuyên chân thành, bổ ích của biên tập viên. Biên tập viên vừa là cộng sự đắc lực, vừa là người bạn thân thiết trong mắt họa sĩ – người chia sẻ nỗi lo với họa sĩ, chịu trách nhiệm bảo đảm mọi việc diễn ra suôn sẻ, thuận lợi. Thật không ngoa khi nói rằng biên tập viên đóng góp đến 30% công sức vào sự thành công của manga.
Họa sĩ manga Kumagai Kyoko đang làm việc.
Họa sĩ đích thân vẽ nhân vật, do nhân vật là thành phần tối quan trọng trong manga.
Ở Nhật Bản, ngoài công việc kể trên, biên tập viên còn là cầu nối giữa họa sĩ và độc giả. Họ đích thân đến nhà sách để tham dò ý kiến bạn đọc về manga mới ra mắt. Ý kiến phản hồi của độc giả thường tác động trực tiếp lên hoạt động sản xuất series manga. Cuối cùng, biên tập viên đảm nhận thêm vai trò marketing, tổ chức sự kiện, tặng quà lưu niệm, đề xuất ý tưởng cải thiện doanh thu, tìm kiếm và ươm mầm tài năng mới.
Hệ thống biên tập
Hệ thống biên tập tại Nhật Bản đóng vai trò rất quan trọng đến sự thành công của manga trên toàn cầu. Muốn biết hệ thống biên tập này hoạt động như thế nào, chúng ta hãy xem hệ thống bình chọn trên các tạp chí manga như Shonen Jump chẳng hạn. Mỗi số tạp chí đều có mục yêu cầu độc giả bình chọn những series manga được yêu thích nhất. Biên tập viên căn cứ vào mức độ yêu thích để xếp hạng các series manga. Những series manga được nhiều người bình chọn nhất sẽ được đưa lên trang đầu trong số tiếp theo. Những series manga nhận quá ít lượt bình chọn thường sẽ bị phòng biên tập cắt bỏ không thương tiếc. Khi độc giả không còn hứng thú với một series manga, series manga đó chắc chắn sẽ không được đăng tiếp trên tạp chí, cho dù tác giả là người nổi tiếng đến đâu đi nữa.
Nakada Kenichi, biên tập viên giàu kinh nghiệm cho nhà xuất bản Shogakukan, phát biểu, “Hệ thống biên tập là một trong những thế mạnh của ngành công nghiệp manga tại Nhật Bản. Chúng tôi mất tới nửa thế kỷ mới xây dựng được hệ thống biên tập như ngày nay. Nhờ nó, chúng tôi có thể bảo đảm cho ra đời những series manga chất lượng nhất. Nguồn ý tưởng dồi dào cũng là thế mạnh không nhỏ trong ngành công nghiệp manga. Nó là kết quả của quá trình thử nghiệm không ngừng đủ mọi ý tưởng khác nhau ở mỗi thể loại manga. Khỏi phải nói, nguồn ý tưởng dồi dào này mang lại lợi ích to lớn cho họa sĩ manga.
Trợ lý họa sĩ vẽ cây quạt theo mẫu để bảo đảm tính chính xác tuyệt đối.
Theo họa sĩ manga Kumagai Kyoko, cạnh tranh là nhân tố quan trọng không kém. Nó thúc đẩy mọi người thi đua làm việc. Nhờ nó, mọi người mới chịu khó rèn luyện kỹ năng để nâng cao năng suất lao động. Cô nói, “Hiện tại, tôi đang bận rộn với hai series manga. Tôi chỉ có 2 tuần để hoàn thành chúng. Tôi không thể một mình đảm đương khối lượng công việc lớn như vậy. Vì vậy, tôi luôn nhờ đến sự hỗ trợ của năm trợ lý đầy tài năng. Background, đồ vật trên tay nhân vật,… tuy là chi tiết nhỏ nhặt nhưng quan trọng. Nếu thiếu chúng, chất lượng manga sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Tôi thuộc tuýp người kỹ tính, nên luôn nhờ trợ lý vẽ phụ những chi tiết này.”
Manga sở dĩ trở thành hiện tượng toàn cầu là nhờ hệ thống biên tập khắt khe tại Nhật Bản, cùng tinh thần làm việc quên mình của họa sĩ, biên tập viên giàu tâm huyết.
* Nguồn: web-japan
* Biên Dịch: Comic Media Academy