Hầu hết artwork của những họa sĩ vẽ minh họa hàng đầu đều truyền tải câu chuyện giàu ý nghĩa đến người xem. Bài viết dưới đây sẽ tiết lộ 18 bí quyết kể chuyện tuyệt vời của họ thông qua artwork.
Bí quyết 1: Nhìn xa hơn
Trong quá trình vẽ bìa sách hoặc tranh minh họa cho bài báo, chúng ta đôi khi chỉ chú trọng vào miêu tả khoảnh khắc cao trào trong câu chuyện sao cho hiệu quả, kịch tính hơn.
Bây giờ, không dừng lại ở đó, chúng ta cố gắng khám phá những nét tinh tế ẩn giấu trong câu chuyện, rồi đi sâu khai thác chúng trong artwork. Chúng ta quyết định lồng những biểu tượng và chi tiết quan trọng đối với câu chuyện vào khung cảnh tĩnh lặng trong artwork.
Bí quyết 2: Nhìn từ góc độ khác
Chúng ta cần thử thách bản thân bằng cách nhìn mối tương tác giữa các sự vật từ góc độ khác. Trong quá trình phác thảo, chúng ta cần vẽ tối thiểu ba bản, xác định bố cục tối ưu cho chúng, rồi biến chúng thành bản thảo hoàn chỉnh.
Andrea Rossi (USA)
Bí quyết 3: Tạo cảm xúc
Do cần hạn chế vẽ chi tiết đến mức tối thiểu, chúng ta cần áp dụng kỹ thuật khác để tạo cảm xúc và bầu không khí cho artwork.
Chúng ta luôn vẽ thu nhỏ nhân vật và không điểm xuyết chi tiết trên khuôn mặt. Do đó, muốn phản ánh cảm xúc nhân vật, chúng ta phải cường điệu cử chỉ, hành động của anh ta. Nhân vật chạy nhảy tung tăng trên giấy sẽ giúp tăng thêm phần sinh động, vui nhộn cho artwork.
Charlotte Trounce (UK)
Bí quyết 4: Gây bất ngờ ngoài dự đoán
Chúng ta gây bất ngờ ngoài dự đoán cho người xem bằng cách trình bày những điều tưởng nghịch lý nhưng hóa ra là chân lý, những vật tưởng đặt sai chỗ nhưng hóa ra đúng chỗ, những tình huống khó tin nhưng có thật,…
Giây phút người xem bất ngờ trước điều trái với quan niệm bấy lâu nay cũng chính là lúc chúng ta đánh thức sự quan tâm và trí tưởng tượng của họ.
Craig Frazier (USA)
Bí quyết 5: Lồng câu chuyện vào hành động
Chúng ta vẽ nhân vật sắp, đang và vừa thực hiện xong hành động. Hành động là thành phần quan trọng thứ hai sau nhân vật. Những thành phần khác như xô nước hoặc cái cưa chỉ đóng vai trò hỗ trợ.
Sau cùng, chúng ta vẽ môi trường xung quanh như cây cối chẳng hạn. Chúng ta sử dụng màu sắc giản dị nếu thích đồ họa đơn giản.
Những gì chúng ta vẽ phải là manh mối giúp nắm bắt toàn bộ câu chuyện và thông điệp. Nghĩa vụ của người xem là gắn kết mọi thứ với nhau và giải câu đố.
Craig Frazier (USA)
Bí quyết 6: Minh họa thông điệp
Chúng ta lấy kể chuyện làm công cụ minh họa thông điệp. Chúng ta cố gắng miêu tả khoảnh khắc “đắt giá”, kích thích trí tưởng tượng của người xem.
Chúng ta kể chuyện về những điều bình dị trong cuộc sống. Chúng ta muốn cho người xem khoảnh khắc được hóa thân vào nhân vật. Đây là điểm khác biệt giữa vẽ tranh với vẽ minh họa câu chuyện.
Craig Frazier (USA)
Bí quyết 7: Kể câu chuyện đáng để khám phá
Thách thức lớn nhất là bảo đảm tạo hình đáng để khám phá và chiêm ngưỡng thay vì những hình chỉ đẹp đơn thuần. Chúng ta cần cung cấp đầy đủ những thành phần cần thiết như cảm xúc, background, hình ảnh tượng trưng,…
Ed J Brown (UK)
Bí quyết 8: Lấy nhân vật làm trung tâm
Lấy nhân vật chính diện/phản diện làm trung tâm. Cân nhắc những chỗ có thể lồng ghép chi tiết, chủ đề và cảm xúc. Chúng chứa hàm ý sâu xa hay rõ ràng là tùy thuộc vào chúng ta.
Chúng ta có thể ghép chữ hoặc hình ảnh tượng trưng vào background. Bảo đảm nhân vật trung tâm và tất cả chi tiết kể trên đều hòa quyện nhuần nhuyễn vào background.
Bí quyết 9: Gây thắc mắc
Ảnh bìa album Alone in the Ark chứa đựng câu chuyện mơ hồ, khiến người xem thắc mắc không biết nó mang giai điệp vui tươi hay buồn bã.
Người đàn ông hy vọng được máy bay đến cứu hay đang lẩn trốn nó? Anh ta từ đâu đến? Tại sao anh ta ngâm mình trong nước? Anh ta có thích sống hòa mình vào thiên nhiên hay không? Anh ta có sắp bị chết đuối hay không?
Bí quyết 10: Tạo điểm nhấn
Chúng ta cần nắm vững kỹ thuật tạo điểm nhấn trong quá trình xây dựng bố cục. Ví dụ, nếu chúng ta vẽ artwork không có điểm nhấn, khán giả chỉ lướt mắt xem qua một lượt rồi thôi. Còn như chúng ta lồng điểm nhấn vào artwork, nó khiến khán giả phải dừng lại để nghiền ngẫm, suy đoán,…
Owen Davey (UK)
Bí quyết 11: Phản ánh câu chuyện qua bố cục
Bố cục thật sự rất quan trọng, bất kể chúng ta thực hiện dự án gì. Chúng ta thường sử dụng nó để phản ánh nội dung câu chuyện.
Ví dụ, trong sách Laika có trang kể về nỗi cô đơn của một chú chó. Trong quá trình xây dựng bố cục, chúng ta dồn hết hình ảnh về một góc, càng cách xa chú chó Laika càng tốt.
Chú chó cô đơn theo đúng nghĩa đen giữa không gian bao quanh, trông thật đáng thương làm sao.
Owen Davey (UK)
Bí quyết 12: Tạo mảng sáng tối hút mắt
Ý tưởng là quan trọng nhất, câu chuyện đọc chẳng có gì hay nếu nó thiếu vắng ý tưởng xuất sắc.
Trong artwork mang tên Ôm cây, kỹ thuật tạo mảng sáng tối được áp dụng để nhấn mạnh thành phần hình ảnh. Bóng cây trải dài trên mặt đất giúp hướng sự chú ý của người xem vào nhân vật trung tâm – điểm nhấn của câu chuyện.
Patrick O’Leary (UK)
Bí quyết 13: Cho nhân vật thuộc về một nơi nào đó
Mỗi khía cạnh của câu chuyện đều phải có ý nghĩa, nhân vật phải cảm thấy mình thuộc về một nơi nào đó. Trong artwork mang tên Tuyết từ đâu đến, câu chuyện được kể thông qua nét mặt và ngôn ngữ cử chỉ của hai người tuyết. Dòng chảy của muối giúp chuyển hướng chú ý của người xem từ người tuyết bên trái sang người tuyết bên phải.
Chúng ta thậm chí có thể tận dụng những hình ảnh tượng trưng cơ bản nhất để tăng thêm chiều sâu cho câu chuyện.
Bí quyết 14: Phác thảo nhanh
Bản vẽ phác thảo tuy sơ lược và đầy thiếu sót, song nó cho chúng ta xem trước diện mạo artwork khi chuẩn bị bước sang giai đoạn trau chuốt và hoàn thiện. Bản vẽ phác thảo giúp chúng ta ghi nhận những chuyển động của nhân vật và sự tương tác giữa nhân vật với môi trường xung quanh. Sau này, chúng có thể trở nên vô cùng hữu ích khi chúng ta gặp phải khó khăn, vướng mắc.
Patrick O’Leary (UK)
Bí quyết 15: Tô màu câu chuyện
Khi lựa chọn màu sắc, chúng ta cần cân nhắc xem mình đang cố gắng chuyển tải thành phần nào của câu chuyện, chẳng hạn như thời điểm diễn ra câu chuyện, điều kiện thời tiết,…
Chúng ta lựa chọn màu sắc dựa trên nhiệt độ màu để tạo ấn tượng về không gian và thời gian.
Robert Frank Hunter (UK)
Bí quyết 16: Chọn đúng phối cảnh
Đặt nhân vật trung tâm theo đúng phối cảnh là cách truyền tải hiệu quả nhất cảm xúc đến người xem.
Để phản ánh nỗi buồn của người phụ nữ vô sinh, chúng ta chọn thể hiện một cách trực tiếp và tinh tế cảnh cô ta đừng ngoài hàng rào nhìn vào công viên. Hàng rào được sử dụng để ám chỉ ranh giới mà cô không thể vượt qua được.
Bên trong công viên là hình ảnh những bà mẹ – bà mẹ đang mang thai, bà mẹ có con nhỏ, mẹ con chó, mẹ con vịt, và mẹ con bồ câu.
Mọi thành phần hình ảnh cần đóng vai trò củng cố câu chuyện.
Rose Blake (UK)
Bí quyết 17: Định hướng thị giác
Trong mắt của người kể chuyện, bố cục có nghĩa là định hướng thị giác (visual hierarchy). Định hướng thị giác là “điều khiển” hướng nhìn của mắt trên mặt phẳng 2D, được thực hiện thông qua kiểm soát độ tương phản, màu sắc, tông màu, kết cấu,…
Tomer Hanuka (US)
Bí quyết 18: Kiểm soát điểm cao trào
Hình ảnh đúng lúc diễn ra hành động hồi hộp, gay cấn sẽ phát huy hiệu quả cao nhất. Kiểm soát thông tin là chìa khóa để có cảnh đầy kịch tính.
* Nguồn: Digitalartsonline.
* Biên Dịch: Comic media Academy