Trong cuộc thi “Thử thách Nhật Bản thời phong kiến” (Feudal Japan Challenge) do Artstation tổ chức, thí sinh tham gia hạng mục nhân vật phim/kỹ xảo hình ảnh (VFX) được yêu cầu diễn họa nhân vật thời phong kiến Nhật Bản. Thí sinh được quyền chọn diễn họa trên concept có sẵn hoặc do chính tay mình tạo ra.
Trong bài phỏng vấn dưới đây, ba người chiến thắng thử thách Artem Gansior, Sarah Bromley, và John Doromal chia sẻ bí quyết lựa chọn concept, lập kế hoạch hiệu quả cho những ai có ý định tham gia trong tương lai.
Xin anh/chị cho biết đôi điều về concept nhân vật của mình
Artem: Tôi chọn sử dụng concept của Servane Altermatt cho thử thách này, vì không muốn tạo ra samurai tàn bạo với thanh kiếm đáng sợ trên tay. Tôi muốn nhân vật mình tạo ra sẽ mang lại tiếng cười. Tôi thật sự thích thú với ý tưởng sáng tạo nhân vật hoạt hình theo phong cách điện ảnh. Một ý tưởng hoàn hảo cho mục tiêu của tôi.
Sarah: Tôi chọn concept của Hirada Hirao, bởi nó khiến tôi phải thốt lên rằng, “Quá đẹp.” Nó đóng vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy tôi tham gia thử thách. Tôi sở dĩ muốn thử sức là vì cảm thấy tự tin vào khả năng của mình. Tôi cần nguồn cảm hứng sáng tạo. Tôi thường chú trọng vào yếu tố siêu thực, siêu nhiên trong tác phẩm. Tôi thấy concept của Hirada chứa đựng màu sắc tương phản ấn tượng (đỏ và đen là hai gam màu yêu thích của tôi), bàn tay của quỷ, bầu không khí u ám, cùng muôn vàn câu chuyện gắn liền với nhân vật. Tôi liền nhận ra đây là concept dành cho mình.
John: Tôi chọn concept shogun của Thomas Chamberlain-Keen, vì bị mê hoặc bởi tạo hình nhân vật siêu dị. Thông thường, khi xem concept, tôi sẽ “chấm” những concept nào mà mình cảm thấy ít ai chọn hoặc khó chuyển ý tưởng 2D thành concept 3D. Ngoài ra, tôi cũng thích cung tên, nên tôi sẽ chọn concept có nó.
Xin anh/chị tiết lộ bí quyết hoàn thành tác phẩm đúng hạn?
Artem: Bí quyết của tôi là lập kế hoạch cho từng công đoạn chính (trang phục, màu sắc, bố cục,…) trước khi khởi sự. Mặc dù trong quá trình thực hiện nhất định sẽ có một số thay đổi, nhưng tôi vẫn bám sát kế hoạch, vì nó là cách tốt nhất để bảo đảm hoàn thành tác phẩm đúng hạn.
Sarah: Ngay khi bắt đầu, tôi tạo trang Excel liệt kê từng hạng mục công việc phải làm (mô hình, UV, texture,…) Kế đến, tôi tạo cột liệt kê từng công đoạn, chẳng hạn như dựng khối hoặc vẽ chi tiết. Để tiện bề theo dõi tiến độ công việc, tôi tô màu xanh hạng mục công việc đã hoàn thành, màu đỏ cho hạng mục công việc mà mình rơi vào thế bí, và màu vàng cho hạng mục công việc đang thực hiện. Đối với dự án như thế này, bạn rất dễ bị choáng ngợp, nhất là khi phải chạy đua với thời gian. Biểu đồ theo dõi tiến độ công việc bằng trực quan giúp tôi nhìn vào là biết ngay mình ở đâu mỗi ngày, và mình còn việc gì phải làm.
John: Concept bao gồm những hình tổng thể và tiểu tiết. Vì nắm rõ điều đó, tôi quyết định dựng hình trước, rồi mới đi vào chi tiết sau. Nó giúp tôi tiết kiệm thời gian. Khi gần đến công đoạn hoàn thiện, tôi lập thư viện những chi tiết có thể thêm vào mô hình. Tôi tạo texture bằng Substance Painter cho kịp thời hạn.
Theo anh/chị, cái khó nhất của thử thách này là gì?
Artem: Theo tôi, khó nhất là tìm kiếm hiệu ứng ánh sáng và background phù hợp cho nhân vật. Tôi đã thử hàng chục HDRI và background khác nhau, cuối cùng quyết định chọn cảnh hồ nước trong rừng vì thấy phù hợp hơn cả.
Sarah: Với tôi, thử thách lớn nhất là dựng mô hình vừa đúng theo sở trường của mình, vừa đáp ứng yêu cầu của cuộc thi: áp dụng UDIM cho hạng mục kỹ xảo hình ảnh (VFX). Từ trước đến nay, tôi quen thực hiện công đoạn UV và texture theo cách khác; vì vậy, khi đứng trước yêu cầu trên, tôi cứ loay hoay hàng giờ liền ở công đoạn texture, dẫn đến lãng phí thời gian và làm chậm tiến độ công việc.
John: Phần khó nhất của thử thách xuất đầu lộ diện khi thực hiện công đoạn trình bày/diễn họa. Mô hình có tỷ lệ kích thước khác thường. Tôi phải mất nhiều thời gian tìm được góc nhìn tối ưu, sinh động, nhưng thật sự không có nhiều sự lựa chọn.
Anh/chị có lời khuyên nào cho những người có dự định tham gia thử thách hay không?
Artem: Tôi chỉ nói một câu thôi, “Đừng ngại thử thách.” Hãy cố gắng hết sức mình, đừng nghĩ đến phần thưởng. Biết đâu thử thách này sẽ giúp bạn kiếm được công việc mơ ước của mình thì sao…
Sarah: Tôi cho rằng điều quan trọng nhất là cần lựa chọn concept nào mà bạn cảm thấy hứng thú, tâm đắc nhất, rồi quyết tâm theo đuổi đến cùng. Mỗi lần nghĩ đến nó là bạn muốn lấy ra làm ngay khi ngồi trước máy tính. Tự đặt ra deadline cho bản thân để bạn luôn cảm thấy áp lực thời gian đè nặng trên vai, cần gấp rút đẩy nhanh tiến độ công việc cho kịp thời hạn.
John: Lời khuyên của tôi cho những nhà chinh phục thử thách trong tương lai là hãy lập kế hoạch rõ ràng, chi tiết, xác định sẽ tạo mô hình như thế nào. Cân nhắc thời gian diễn họa, những vấn đề có thể phát sinh, vì thời hạn sẽ đến rất nhanh. Xem việc tạo mô hình như là một thú vui. Nếu nó thú vị, bạn sẽ thấy thời gian không còn là vấn đề, và sẽ hoàn thành đúng hạn!
Browse all Film/VFX Character entries from the Feudal Japan Challenge.
*Nguồn: https://magazine.artstation.com