Đạo diễn stop-motion người Séc tâm sự về bộ phim hoạt hình mới nhất của mình, Đồ chơi trên Gác xép (Toys in the Attic) và hoạt hình phế thải kỳ diệu của Jiří Barta.
Stop- motion: hoạt hình tĩnh vật
Jiří Barta
Khi xem tuyệt phẩm stop motion của Jiří Barta, Đồ chơi trên gác xép, bạn sẽ nhận ra không có chi phí nào đủ lớn để thay thế sức mạnh của một người có tầm nhìn xa trông rộng tài năng với một câu chuyện thông minh, một đội ngũ tận tuỵ, một chiếc máy ảnh và một căn gác xép đầy những thứ phế liệu cũ kỹ và bụi bặm. Bộ phim của Barta không khoe khoang những mô hình tinh xảo hay kỹ thuật in màu 3D, thay vào đó là những thiết kế tuyệt vời, những nhân vật có chiều sâu và set phim dựng từ tập hợp kỳ diệu của những thứ phế liệu gia dụng kỳ quặc nhất mà bạn từng thấy. Đôi khi ngớ ngẩn, đôi khi đáng sợ, nhưng luôn thú vị để xem, Đồ chơi trên gác xép là một lời nhắc nhở về sức mạnh vốn có của visual (hình ảnh hoá) storytelling (kể chuyện) của hoạt hình stop motion.
Vốn được hoàn thành vào năm 2009, bộ phim được đăng ký bản quyền bởi Eurocine Films trụ sở ở Paris vào năm 2010. Bản chuyển thể tiếng Anh, được viết, tuyển vai và đạo diễn bởi Vivian Schilling, với dàn diễn viên lồng tiếng hùng hậu gồm Forest Whitaker, Joan Cusack và Cary Elwes. Đồ chơi trên gác xép đánh dấu sự ra mắt trên màn ảnh lớn đầu tiên của Barta ở Mỹ và review về bộ phim vô cùng tích cực. Và anh đã chia sẻ về những khó khăn khi thực hiện một bộ phim hoạt hình có thiết kế tinh xảo với một ngân sách eo hẹp ở Tiệp Khắc thời hậu Xô Viết
Buttercup
Dan Sarto ( phóng viên): Cuộc sống của anh như thế nào dưới tư cách là một người làm phim hoạt hình trong hoàn cảnh Tiệp Khắc bị cai trị bởi Xô Viết?
Jiří Barta: Dù đất nước của chúng tôi dưới sự ảnh hưởng và áp bức của Xô Viết trong 40 năm, số lượng sản xuất phim hoạt hình của Tiệp Khắc khá lớn, khoảng 250 dự án phim mỗi năm. Một phần lớn của việc sản xuất đó là chương trình cho trẻ em để chiếu trên TV, trong khi một phần nhỏ hơn tập trung vào các dự án cá nhân như những bộ phim hoạt hình ngắn, những bộ phim được chiếu trong rạp phim trước phim truyện hay tại những liên hoan phim điện ảnh.
Khi được trao cơ hội để làm nên một câu chuyện của chính mình, tôi cùng các đồng nghiệp gồm những đạo diễn, thiết kế, những nhà diễn xuất hoạt hình đều muốn làm một phim ngắn. Tuy nhiên sự kiểm duyệt của nhà sản xuất phim ở Tiệp Khắc gắt gao với phim có live-action hơn là hoạt hình nên tôi và những đồng nghiệp có cơ hội tốt hơn để biến những ý tưởng của mình thành một phong cách nghệ thuật đại diện cho những phép ẩn dụ, biểu tượng và hàm ý của chúng tôi. Tôi biết có nhiều đồng nghiệp của tôi ở những nơi khác trong Đông Âu đã đi theo con đường tương tự vào lĩnh vực phim hoạt hình. Chúng tôi nắm bắt lấy cơ hội lớn, đối mặt với những thử thách lớn, kiếm tìm một chút tự do sáng tạo trong cái mê cung khổng lồ của cái chế độ này.
Sir Handsome
DS: Điều gì cuốn hút anh đến với câu chuyện này?Tại sao anh lại chọn kịch bản này mà không phải là một câu chuyện khác để quay dựng?
JB: Tôi luôn có một vài chủ đề hoặc kịch bản trong ngăn kéo, chờ đợi một nhà sản xuất tài giỏi và có đủ kinh phí. Đồ chơi trên gác xép nguyên bản được gọi là Hôm nay là sinh nhật ai? (Whose birthday is it Today?) Nó là một trong những dự án “ngủ quên” mà tôi đã viết nhiều năm về trước với đồng nghiệp của mình, biên kịch Edgar Dutka. Tôi nhớ rằng chúng tôi đã rất mệt mỏi và buồn bực vì những khó khăn dai dẳng từ dự án dang dở Golem của mình nên chúng tôi quyết định làm một cái gì đó mới mẻ, một cái gì đó nhẹ nhàng, vui vẻ và dễ được chấp nhận bởi các nhà sản xuất cũng như khán giả nhỏ tuổi.
Trò chơi trẻ em bao giờ cũng đầy sự sáng tạo và tưởng tượng. Trẻ con dùng trí tưởng tượng để tạo ra những cuộc phiêu lưu và những tình huống trong những vở diễn của chúng. Ví dụ, chúng dùng những cái ly to thay thế cho những ngọn núi cao. Và một chiếc máy hút bụi bình thường trở thành một chiếc phi cơ hay một cái lò than nặng nề sẽ trở thành đầu máy hơi nước. Chúng hiểu ngôn ngữ của ẩn dụ của đồ vật khá tốt, đó là một thử thách tuyệt vời khi chúng tôi phải cố gắng sát nhập trí sáng tạo này vào bộ phim.
Tập hợp những món đồ chơi.
Khi tôi tìm thấy quyển vở bài tập cũ của mình với hình tôi vẽ một đoàn tàu lửa làm từ nhưng tấm vé tàu cũ với một mẩu thuốc lá thay cho ống khói, đứa trẻ trong trí tưởng tượng của tôi sống dậy. Edgar và tôi nhớ lại những trò chơi chúng tôi thường chơi trong những nơi kỳ quặc bị cấm trên gác xép nhà mình. Đột nhiên, kịch bản chúng tôi viết đem lại cho chúng tôi cảm giác vui vẻ thật sự. Nhưng thật đáng tiếc, sau khi viết xong, kịch bản này lại trở thành một dự án ngủ quên trong ngăn kéo tủ của tôi. Đồ chơi trên gác xép ngủ quên đến gần 10 năm cho đến khi chúng tôi gặp một sự tình cờ đầy may mắn- Edgar gặp nhà sản xuất tuyệt vời của chúng tôi trong một chiếc taxi.
DS: Anh có thể mô tả lại những kỹ thuật làm phim hoạt hình mà anh dùng để làm bộ phim này.
JB: Tôi và những đồng nghiệp của mình thường làm những dự án với chiếc camera và phim 35mm, tạo hiệu ứng bằng tay. Tôi không muốn đi quá xa khỏi những kinh nghiệm và kỹ thuật làm phim mà chúng tôi quen thuộc nhất. Vì thế nên tôi quyết định làm mọi thứ thông qua stop-motion và những hình vẽ tay. Một lý do khác nữa là do concept của chúng tôi là phong cách nghệ thuật và hiệu ứng hình ảnh xưa cũ. Tôi nghĩ rằng với phong cách xưa cũ thì bộ phim nhìn sẽ đẹp hơn, các hiệu ứng dựng hình được làm thủ công “ có cảm giác” hơn là dùng hiệu ứng CG ảo. Mặt khác, máy tính vô cùng có ích trong việc thu âm, hiệu ứng đặc biệt và cuối cùng là những hiệu ứng CG chèn thêm. Và máy tính cũng vô cùng quan trọng trong quá trình hậu sản xuất khi chúng tôi ghép phần hình và phần live-action cộng với những thủ thuật khác.
Dr. Earwig
DS: Là một nhà làm phim, một nhà thiết kế và một người kể chuyện, điều gì đã thu hút anh đến với thể loại stop-motion? Thể loại này giúp anh truyền đạt những câu chuyện của mình như thế nào?
JB: Có rất nhiều dự án khác nhau trong ngành điện ảnh của tôi – những chủ đề, thiết kế và công nghệ khác nhau. Phần lớn chúng được làm bằng hoạt hình tĩnh vật vì tôi đã làm việc cùng với những con rối và những vật thể 3D từ hồi nhỏ. Tôi thường biểu diễn trong nhưng nhà hát kịch rối. Khi tôi trở thành sinh viên, tôi là một thành viên trong công ty kịch rối.
Trước hết, tôi là một designer, nên tôi nghĩ ra những câu chuyện của mình nên thông qua những bức hình và hình ảnh tĩnh. Thế nên kết cấu, cảm xúc và hình dáng là những yếu tố quan trọng để tôi khớp vào câu chuyện mà tôi đang hình thành phát triển. Phương pháp này giúp tôi tưởng tượng được mặt hình ảnh của bộ phim tốt hơn và lấp đầy những cảnh quay không chỉ với những sự chuyển động mà còn với những phép ẩn dụ, biểu tượng và hàm ý thường được thấy trong những bức hình tĩnh. Stop-motion là một kỹ thuật hoạt hình thích hợp nhất với cách kể chuyện và sáng tạo hình ảnh của tôi, dù tôi đôi khi cũng cảm thấy nản lòng và bực tức với sự hạn chế về động tác của những con rối cũng như những vật thể tĩnh khác.
The Head
DS: Anh mất bao lâu để làm bộ phim này? Hãy kể chúng tôi nghe một chút về quá trình thực hiện bộ phim này.
JB: Ý tưởng đầu tiên cho câu chuyện này là vào năm 1998. Phiên bản đầu tiên của kịch bản, Hôm nay là sinh nhật ai, được hoàn thành vào năm 2000. Chúng tôi đã chưa bắt đầu vào việc chuẩn bị sản xuất bộ phim này cho đến tháng 1 năm 2007. Sau đó thì mọi chuyện diễn ra rất nhanh. Vì thời gian có hạn, mọi thứ bắt đầu được phát triển cùng lúc – kịch bản phân cảnh, thiết kế, làm những con rối và dựng cảnh. Chúng tôi thu thập một khối lượng khổng lồ những đồ phế thải và những món đồ cổ cho việc dựng cảnh và đạo cụ. Chúng tôi có một căn phòng nhỏ trong cái studio mà chúng tôi thuê và một đội 10-15 người chúng tôi làm tất cả mọi việc, từ khâu tiền sản xuất đến khi đóng máy.
Vào tháng 6 năm 2007, chúng tôi bắt đầu dựng hình và quay bộ phim với 4 người dựng hình chính, đôi khi đổi với những đồng nghiệp khác. Chúng tôi quay xong vào tháng 9 2008. Khâu hậu trường, bao gồm chỉnh sửa, hiệu ứng đặc biệt, âm thanh và nhạc, phải đến đầu năm 2009 mới hoàn thành. Sau cùng, bộ phim của chúng tôi có 12 nhân vật chính, gần 30 nhân vật phụ và một số lượng lớn set và đạo cụ đã được sử dụng trong 1200 cảnh quay.
The Eye
Thường thì tôi thiết kế nhân vật và dựng cảnh. Tuy nhiên phần làm ra những con rối thì được những đồng nghiệp có kinh nghiệm của tôi làm, xin bật mí là họ đều đến từ những ngành nghề khác. Điều kiện làm phim dựa vào kinh phí của chúng tôi. Ngân phí không đủ lớn để tập hợp tất cả những nhân lực chuyên nghiệp đắt đỏ và những cửa hàng creative art như những studio phim lớn. Nhóm của tôi gồm những đồng nghiệp cũ và bạn tôi, bao gồm những sinh viên đã tốt nghiệp và những sinh viên khác từ những ngành khác của những trường nghệ thuật của Prague. Đồ chơi trên gác xép là một trải nghiệm hoàn toàn mới với một trong số họ. Nó là một khoảng thời gian vui vẻ cũng như khó khăn đối với tất cả chúng tôi trong suốt 15 tháng ghi hình.
—
Dan Sarto là biên tập trưởng của nhà xuất bản Animation World Network.
https://www.awn.com/animationworld/magical-junk-filled-world-
CMAVN dịch và biên tập.