Con Rồng Cháu Tiên là bộ phim hoạt hình Việt Nam gây ấn tượng nhất trong thời gian gần đây khi đạt 5 triệu lượt xem trên Youtube. Được biết, bộ phim này nằm trong chuỗi các chương trình quảng bá dự án văn hóa Việt của Biti’s. Liệu đây sẽ là tín hiệu tích cực đưa hoạt hình Việt Nam phát triển?
>>> Tìm hiểu thêm: Khóa học làm phim hoạt hình 3D chuyên nghiệp
Hoạt hình Việt Nam đứng trước cơ hội chuyển mình khi doanh nghiệp tư nhân vào cuộc. Nguồn: mtv.vn.
Sức hút của phim hoạt hình đối với khán giả Việt đã thay đổi khá lớn trong 10 năm qua. Thống kê cho thấy, doanh thu phòng vé phim hoạt hình tại Việt Nam đã tăng từ 2-12% trong 10 năm. Cùng với đó, phim hoạt hình chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong danh sách phim chiếu rạp ở nước ta.
Trong năm 2017, loạt phim điện ảnh gây sốt thế giới được công chiếu ở Việt Nam xuất hiện khá nhiều phim hoạt hình nước ngoài, phần lớn là từ Hollywood như The Boss Baby, Smurfs, The Lost Village hay gần nhất là Coco.
Song, có thể dễ dàng nhận ra số liệu trên chỉ đến từ các bộ phim hoạt hình nước ngoài. Trong khi, phim hoạt hình Việt Nam 10 năm qua vẫn chưa tạo ra sự đột phá mạnh mẽ nào. Mặc dù, nhiều studio sản xuất phim hoạt hình của người Việt đã xuất hiện và có một vài tín hiệu tích cực, nhưng đó vẫn chỉ là một “ giọt nước nhỏ” giữa cả biển phim quốc tế.
Vòng lẩn quẩn của phim hoạt hình Việt Nam
Bên cạnh tốc độ phát triển chóng mặt của thế giới, hoạt hình Việt Nam vẫn đạt mức ổn định khi có trung bình khoảng 10-15 phim được sản xuất mỗi năm. Tuy nhiên, những bộ phim hoạt hình này chỉ có độ dài từ 10-15 phút (dài nhất là 30 phút của Hào Khí Thăng Long) với đủ tạo hình từ cắt giấy, 2D, 3D và đa dạng chủ đề từ cổ tích, lịch sử đến ngụ ngôn, con người đến loài vật,… Tất cả đều được trình chiếu trên sóng truyền hình do Hãng Phim hoạt hình Việt Nam sản xuất. Ngoài ra, hãng cũng rất nỗ lực khi đưa phim đến gần hơn với lứa tuổi thiếu nhi bằng cách thành lập trang web riêng để cập nhật các phim đã ra mắt theo từng năm. Rạp chiếu Thánh gióng ra mắt vào năm 2014 chuyên dành cho phim hoạt hình cũng nằm trong những cố gắng của Hãng với phim hoạt hình nước nhà.
Phim hoạt hình do Hãng phim hoạt hình Việt Nam sản xuất. Nguồn: youtube.com.
Song, những nỗ lực này cũng không đủ để đáp ứng nhu cầu của trẻ em ngày nay. Loạt kênh giải trí như Disney, Cartoon Network hay các kênh truyền hình thuần Việt như HTV3 Dreams TV, Kid TV,.. với những bộ phim hoạt hình điện ảnh có nội dung hấp dẫn và hình ảnh đẹp mắt hơn hẳn sản phẩm của Hãng phim hoạt hình Việt Nam. Đó là lý do những bộ phim do Hãng thực hiện không mặn mà lắm với trẻ em. Hơn nữa, đối tượng khán giả mà Hãng phim hoạt hình Việt Nam hướng đến vẫn chưa chính xác khi người xem phim hoạt hình không chỉ bó hẹp ở trẻ em.
Nghệ sĩ Nhân dân Hà Bắc, đạo diễn hơn 40 năm kinh nghiệm làm phim hoạt hình chia sẻ: “Ở nước ta, hoạt hình chủ yếu do Nhà nước đặt hàng nên cơ chế làm phim phụ thuộc quá nhiều vào chính sách đầu tư, phát hành của Nhà nước. Đôi khi còn rất quan liêu. Trong khi chi phí để làm ra một bộ phim hoạt hình chừng 10 phút là rất đắt. Tư nhân muốn đầu tư thì cũng ngại phim không có đầu ra. Muốn có đầu ra thì phải đảm bảo chất lượng nội dung, hình ảnh để thu hút nhà đài, nhà phát hành rạp (thời lượng ít nhất 60 phút), tính thương mại.”
Để đảm bảo những tiêu chí trên cần phải có đầu tư, tiếp tục quay ngược lại vấn đề lo ngại đầu tư của doanh nghiệp. Như vậy, hoạt hình Việt Nam cứ thế xoay quanh một vòng lẩn quẩn, chưa tìm được lối ra.
Sẽ chuyển mình mạnh mẽ với sự xuất hiện của doanh nghiệp
Vào năm 2016, Colory Studio thông báo khởi động dự án phim hoạt hình chiếu rạp “Dưới bóng cây: Hành trình trở về”. Cùng với đó, Hãng phim hoạt hình Việt Nam cũng phát triển dự án phim hoạt hình chiếu rạp “Tôi là Bê tô”. Loạt thông tin này khiến khán giả Việt khá hào hứng và mong chờ. Song, đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa thấy có một tín hiệu nào cho 2 dự án trên.
Phim hoạt hình Dưới bóng cây của Colory Animation Studio. Nguồn: vi.wikipedia.org.
Hoạt hình Việt Nam cứ thế im lặng cho đến thời điểm cuối năm 2017, Con Rồng Cháu Tiên ra mắt và thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Được biết, bộ phim hoạt hình này do Biti’s, thương hiệu giày dép lâu đời của Việt Nam thực hiện. Nội dung của phim không chỉ đơn thuần xoay quanh câu chuyện của Rồng – Tiên, mà còn xuất hiện những tình tiết kịch tính, tạo sự bất ngờ cho khán giả. Phim đã có hơn 10 triệu lượt xem trên các kênh online, hàng chục nghìn lượt yêu thích, chia sẻ trên Youtube và gần 600.000 người bình luận trên mạng xã hội, với phần lớn là những phản hồi tích cực.
Ngoài Con Rồng Cháu Tiên, ngành công nghiệp hoạt hình Việt Nam còn chứng kiến sự xuất hiện của Hãng phim hoạt hình VinTaTa thuộc Tập đoàn Vingroup. Giới chuyên môn đánh giá VinTaTa sẽ mang đến luồng sinh khí mới cho lĩnh vực sản xuất phim hoạt hình tại Việt Nam, khai phá tiềm năng của thị trường. Chú khỉ Monta, linh vật của VinTaTa được kỳ vọng sẽ trở thành một linh vật hoạt hình biểu tượng của Việt Nam, sánh ngang với Mickey, Minions,…
Hãng phim hoạt hình Vintata của Vingroup với linh vật Monta. Nguồn: sggp.org.vn.
Đạo diễn Nguyễn Hà Bắc cho biết: “Tôi rất ủng hộ người Việt Nam làm phim hoạt hình mang bản sắc Việt Nam và có chỗ đứng trên thị trường. Muốn như vậy thì doanh nghiệp sẽ là yếu tố quyết định vì họ có tiềm lực tài chính. Lĩnh vực hoạt hình giống như lĩnh vực phim truyện nhiều năm trước, khi có các hãng phim tư nhân tham gia thì chắc chắn sẽ khởi sắc vì họ làm phim cho khán giả, cũng là cho họ. Có tư nhân thì sẽ có đầu tư lớn, vì làm phim hoạt hình rất có tiềm năng. Vingroup với cách làm quyết liệt từ trước đến nay, tôi tin họ sẽ nghiêm túc bài bản, và thành công của công nghiệp hoạt hình Việt Nam là hoàn toàn có thể.”
Mặt khác, một chuyên gia làm phim hoạt hình cho rằng, một tác phẩm tốt cần hội tụ 3 yếu tố: mức độ đầu tư, trình độ nhân lực và kịch bản.
Về đầu tư, sự xuất hiện của VinTaTa hay các doanh ngiệp như Biti’s sẽ là tín hiệu tích cực. Vốn tài chính lớn của họ chính là nền tảng sống còn cho một tác phẩm điện ảnh. Về trình độ nhân lực, người làm phim hoạt hình ở Việt Nam không thiếu và cũng không ít người giỏi đang làm gia công cho các studio của Đức, Nhật, Pháp. Họ xuất hiện với khá nhiều vai trò như họa sĩ thiết kế, đồ họa, hỗ trợ kỹ thuật,… Về kịch bản, nguồn dữ liệu lịch sử, văn hóa ở Việt Nam sẽ là vốn liếng để các biên kịch tạo ra những nội dung hay câu chuyện hấp dẫn.
Theo đó, Viện Truyện tranh và Hoạt hình (Comic Media Academy – CMA) là một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực họa sĩ làm phim hoạt hình uy tín tại Việt Nam với sự hỗ trợ của Phan Thị, công ty với nhiều tác phẩm thu hút dành cho trẻ em cũng như độc giả trẻ. CMA hiện đang nỗ lực để mang đến cho ngành công nghiệp hoạt hình Việt Nam đội ngũ nhân lực trẻ, sở hữu khả năng không chỉ trong khâu kỹ thuật mà còn cả trong khâu lên kịch bản, ý tưởng cho tác phẩm.
Viện Truyện tranh và Hoạt hình nỗ lực đào tào nguồn nhân lực trẻ cho công nghiệp hoạt hình Việt Nam.
Sự xuất hiện của VinTaTa, CMA cùng vốn đầu tư làm phim từ doanh nghiệp sẽ là tín hiệu tích cực cho hoạt hình Việt Nam tiến đến sân chơi quốc tế. Theo như đánh giá của đạo diễn Lee Jung Gi, công ty hoạt hình Iconi Hàn Quốc: “Hoạt hình Việt có xuất phát điểm chậm nhưng nhiều cơ hội tiềm tàng. Các bạn chỉ có thể bước chân ra thế giới khi bộ phim của các bạn thực sự độc đáo. Yếu tố độc đáo nằm ở ngay chính trong văn hóa truyền thống của các bạn.”
H.Đ